Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phúc Sư đoàn 5 ra đời trong giai đoạn quyết liệt nhất, bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Sau Đồng Khởi năm 1960, cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam ngày càng thắng lợi lớn, đỉnh cao là các cuộc tấn công quân sự và khởi nghĩa của quần chúng Đông Xuân 1964 – 1965, làm cho 500 ngàn quân Ngụy suy yếu nghiêm trọng, Ngụy quyền Sài Gòn lung lay, đứng trước nguy cơ sụp đổ, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị phá sản. Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã buộc nước Mỹ bước vào cuộc chiến ở châu Á, tiến hành “chiến tranh cục bộ” xâm lược Việt Nam, đưa quân viễn chinh vào miền Nam. Đến cuối năm 1965 quân Mỹ đã có hơn 184.000 tên và hơn 20.500 quân chư hầu. Cả nước ta bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Quân giải phóng miền Nam sau thắng lợi của chiến dịch Bình Giã, Đồng Xoài đã khẳng định giá trị chiến lược các đòn tấn công của các binh đoàn chủ lực, đánh dấu bước trưởng thành của quân giải phóng; khẳng định sự cần thiết phải xây dựng các binh đoàn chủ lực quân giải phóng làm nòng cốt đánh bại cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ. Ngày 2 tháng 9 năm 1965, Quân ủy – Bộ Tư lệnh Miền quyết định thành lập hai sư đoàn chủ lực đầu tiên ở chiến trường Nam Bộ (Sư đoàn 5 và Sư đoàn 9). Tại hội nghị Đảng ủy sư đoàn lần thứ nhất tại Núi Mây Tàu (Bà Rịa – Long Khánh) nhân ngày kỷ niệm Nam kỳ khởi nghĩa 23 tháng 11, Đảng ủy Sư đoàn nhất trí lấy ngày 23 tháng 11 năm 1965 làm ngày truyền thống của sư đoàn. Sinh ra trên mảnh đất Nam Bộ thành đồng, đứng trên chiến trường miền Đông gian lao và anh dũng, tại quê hương anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, mang truyền thống Nam kỳ khởi nghĩa. Sư đoàn là một tập thể đoàn kết, thống nhất ý chí bao gồm một số cán bộ miền Nam tập kết trở về, bộ đội từ miền Bắc vào cùng hàng ngàn người con lớn lên trong phong trào đồng khởi đã từng chiến đấu, chiến thắng chiến tranh đặc biệt của Mỹ, thuộc hai đơn vị ưu tú đầu tiên trên chiến trường Nam bộ: Trung đoàn 5 ở đồng bằng sông Cửu Long, Trung đoàn 4 ở miền Đông đất đỏ. Ngay từ những ngày đầu thành lập, sư đoàn đã đụng đầu với các đơn vị sừng sỏ của Mỹ và Ngụy: Sư đoàn một Anh cả đỏ, Trung đoàn thiết giáp 11, Lữ đoàn dù 173 (của Mỹ), Trung đoàn Hoàng Gia Úc, Sư đoàn Mãng xà vương Thái Lan, Sư đoàn 18 Ngụy. Chiến đấu trên chiến trường Long-Bà-Biên, xa sự chỉ huy của trên, bảo đảm hậu cần kỹ thuật cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, quân ăn hàng ngàn mà gạo phát từng lon… Nhưng với ý chí kiên cường, tinh thần tự lực tự cường, cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn đã vượt qua khó khăn gian khổ chiến đấu và chiến thắng. Nối tiếp các chiến thắng vang dội từ Đồng Khởi: “Tua 2, Dầu Tiếng, Phước Thành, Đất Cuốc, Thường Lang…”. Trung đoàn 4 về đội hình Sư đoàn 5 lập ngay chiến thắng Võ Su. Tháng 2 năm 1966, Trung đoàn tập kích tiêu diệt D3.E43.F18 Ngụy, mở đầu trang sử chiến thắng quân Ngụy cho Sư đoàn. Đó là trận phối hợp tác chiến nhịp nhàng giữa đơn vị cối, ĐKZ và đơn vị đặc công của sư đoàn, pháo kích sân bay, tập kích vào trường biệt kích ở Vũng Tàu tháng 3 năm 1966 diệt gần 300 tên địch, phá hủy 29 máy bay ngay tại căn cứ mà Mỹ Ngụy coi là hậu phương an toàn của chung. Chiến công nối tiếp chiến công, tháng 4 năm 1966, tại Tầm Bó, Trung đoàn 4 dựa vào trận địa chuẩn bị sẵn, đánh địch tiến công vào. Sau một ngày chiến đấu đã tiêu diệt 1 tiểu đoàn của sư đoàn Anh cả đỏ Mỹ, diệt gần 300 tên, thu nhiều vũ khí (có 4 đại liên, 14 trung liên). Trận đầu đánh thắng Mỹ của Trung đoàn 4 của Sư đoàn. Tiếp theo là các trận thắng Tánh Linh, Ngã ba Ông Đồn… Tháng 8 năm 1966, tại Long Tân (Bà Rịa) Trung đoàn 5 và Tiểu đoàn 445 tổ chức trận địa phục kích, dùng cách lừa địch lôi quân Úc ra để tiêu diệt, Tiểu đoàn 3 lữ Hoàng Gia Úc nống ra giải tỏa đúng ý định của ta. Trung đoàn nổ súng, gần một ngày đánh địch Trung đoàn 5 và Tiểu đoàn 445 đã đánh thiệt hại Tiểu đoàn Úc. Để ghi nhớ nỗi đau, ngày 18 tháng 8 hằng năm đã trở thành 1 trong 2 ngày Cựu chiến binh của Úc. Nhắc lại những chiến thắng oanh liệt của các Trung đoàn thời kỳ đầu thành lập sư đoàn, ta cũng thấy tự hào. Những chiến công đó bắt đầu hình thành truyền thống tốt đẹp của sư đoàn sau này. Năm 1967, Mỹ tiếp tục tăng quân vào miền Nam nâng tổng số quân Mỹ lên hơn 480.000 tên cộng thêm gần 3 vạn quân chư hầu và gần 1 triệu quân Ngụy. Tiến hành cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966 – 1967, với hai gọng kìm: “Tìm diệt” và “bình định”. Cuộc hành quân Giôn xơn xi ty của 45 nghìn quân Mỹ và hàng nghìn xe tăng, máy bay vào căn cứ Bắc Tây Ninh. Bị đánh bại, quân Mỹ thương vong tổn thất nhiều, mục tiêu chiến lược của Mỹ - Ngụy không đạt được. Cách mạng miền Nam phát triển lên thời kỳ mới. Từ thế và lực mới Ban chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết về thời cơ và chỉ đạo tổng công kích, tổng khởi nghĩa miền Nam. Trong cuộc tổng tiến công tết Mậu Thân năm 1968, hai Trung đoàn 4 và 5 đảm nhiệm trên hướng chiến lược quan trọng của mặt trận phía đông. Giờ đầu tiên ngày 31 tháng 1 năm 1968, sư đoàn đồng loạt tấn công đúng các mục tiêu quy định, đúng thời gian, chiếm lĩnh một phần các mục tiêu: Bộ tư lệnh vùng 3, sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình. Mậu Thân là một thử thách lớn, ác liệt nhưng sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ. Đợt 1 và 2 kết thúc, sư đoàn được lệnh cơ động về tây bắc Sài Gòn. Trung đoàn 4 đứng tại chiến trường Bà Rịa – Long Khánh, Sư đoàn bộ + E5 được tăng cường E33 + E88 + E174 tiếp nhận Trung đoàn 33 và Trung đoàn 88 vào biên chế. Mở đầu đợt 3 năm 1968, Trung đoàn 33 và Trung đoàn 88 đã lập công. Ngày 19 tháng 8, trên đường số 2, Bến Củi – suối Ông Hùng Trung đoàn 33 liên tục trong hai ngày vừa tiến công vừa phục kích đánh quân cứu viện, đã diệt một Tiểu đoàn bộ binh cơ giới của Sư đoàn 25 Mỹ, bắn cháy 47 xe tăng, xe thiết giáp của địch, diệt tại chỗ hơn 100 tên, thu nhiều vũ khí. Ngày 25 tháng 8, trên quốc lộ 22 đoạn Gò Dầu, Trung đoàn 88 phục kích, chặn đánh đoàn Cong Voa của sư 25 Mỹ. Sau một ngày đánh liên tục, đã tiêu diệt 4 đại đội của Mỹ (1 đại đội tăng thiết giáp, 1 đại đội bộ binh cơ giới, 15 xe Jeep gắn đại liên), bắn rơi 7 máy bay, bắt sống 3 tên Mỹ, thu 127 súng các loại. Tiếp sau đó các Trung đoàn 5, Trung đoàn 33, Trung đoàn 88 liên tục tấn công Sư đoàn 25 Mỹ ở Gò Da, Chà Là, Bến Củi lập nhiều thành tích. Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. + Tháng 10 năm 1968, sau một năm chiến đấu trong Sư đoàn, E88 được điều về tăng cường cho phân khu 1, hoạt động vùng Củ Chi – Trảng Bàng, Sư đoàn tiếp nhận E174. Từ cuối năm 1968 và cả năm 1969, Sư đoàn 5 hoạt động đánh địch ở chiến trường Bà Rịa – Long Khánh, đánh Sư đoàn 18 ngụy ở Tầm Bó. Sau hơn 3 năm xây dựng và chiến đấu lập nhiều chiến công, sư đoàn cũng góp công với quân dân miền Nam làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Paris. Năm 1970 – 1971, đế quốc Mỹ thấy không thể thắng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhưng chưa cam thất bại, Ních Xơn lên cầm quyền tiến hành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và mở rộng chiến tranh sang 3 nước Đông Dương. Trước hành động mở rộng chiến tranh của Mỹ Ngụy, Sư đoàn 5 được giao nhiệm vụ đẩy mạnh tiến công địch ở trong nước, vừa chuẩn bị chiến đấu theo yêu cầu giúp bạn Campuchia. Lúc này Trung đoàn 88 được lệnh tăng cường cho quân khu 8. Trung đoàn 33 được phân công hoạt động ở nam chiến trường T6 (Long Khánh, Tánh Linh – Bình Thuận). Lúc này Trung đoàn 174, tách Tiểu đoàn 5 làm nòng cốt thành lập Trung đoàn bộ binh 6. Sư đoàn đủ 3 Trung đoàn gồm: Trung đoàn 174, Trung đoàn 55, Trung đoàn 6. * Lần thứ nhất vào tháng 4 năm 1970. Sư đoàn 5 được lệnh giúp bạn Campuchia. Vừa cơ động hành quân, vừa tổ chức chuẩn bị chiến đấu. Ngày 6 tháng 5, Trung đoàn 5 bắt đầu nổ súng và sau đó 20 ngày, hai Trung đoàn 5 và 6 đã tiến công và chiếm 3 thị xã (Kratie, Stung Treng, Mon-do-ki-ri), tiêu diệt và bắt Tiểu đoàn Ngụy Lon Non, góp phần quan trọng giải phóng 6 tỉnh Đông Bắc Campuchia, tạo ra một hậu phương rộng lớn cho cách mạng Campuchia ở chiến trường Nam Đông Dương, góp phần đánh bại kế hoạch mở rộng chiến tranh của Mỹ. Để giúp bạn đứng vững và mở rộng vùng giải phóng, sư đoàn đưa 1 bộ phận chỉ huy trung đoàn và 2 tiểu đoàn thành lập mới Trung đoàn 205, hoạt động trên địa bàn Xiêm Riệp – Côngpông Thom. Trung đoàn 5 nhận tân binh từ miền Bắc, xây dựng lại trung đoàn đủ 3 tiểu đoàn, đổi tên thành Trung đoàn 1, Trung đoàn 174 đổi thành Trung đoàn 2. Sư đoàn đủ 3 trung đoàn (1,2,3). Để hỗ trợ cho chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và nhằm đánh phá căn cứ hậu cần và cơ quan của Bộ chỉ huy Miền, tháng 2 năm 1971 quân Ngụy Sài Gòn được sự chi viện của không quân, pháo binh Mỹ, mở chiến dịch “Toàn thắng 1/71” đánh sang Campuchia. Địch tổ chức cụm hành quân vững chắc ở Snoul, Sư đoàn 5 có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt. Từ ngày 25 tháng 5 năm 1971, sư đoàn liên tục bao vây, tiến công, tiêu diệt chiến đoàn 8 (có 6 đại đội bộ binh, một trung đoàn thiết giáp, cụm pháo 105 và 155 ly). Chiến thắng Snoul được Trung ương Cục khen như sau: “Đây là một trận chiến thắng lớn, tiêu diệt chiến đoàn, bắt tù binh, thu vũ khí, chiếm lấy phương tiện chiến tranh của địch nhiều nhất. Là trận bao vây tiến công liên tục kiên cường, phát huy cao độ dũng khí chiến đấu và các chiến thuật, kỹ thuật tài tình. Chiến thắng Snoul mở ra khả năng Sư đoàn bộ binh ta đánh diệt từng chiến đoàn của địch, mở ra triển vọng đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, tạo ra cục diện giành thắng lợi trên chiến trường miền Nam và Đông Dương”. Buộc địch phải chuyển về thế phòng ngự. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường và sự chỉ huy tài tình của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 đã làm nên chiến thắng Snoul có ý nghĩa chiến lược to lớn, không chỉ trên chiến trường miền Nam mà cổ vũ cho cách mạng Lào, Campuchia. Năm 1972, trước những thời cơ chiến lược của cách mạng, Đảng chủ trương mở cuộc tấn công chiến lược toàn Miền. Được tăng cường Trung đoàn 3, sư đoàn 9 và 1 Đại đội xe tăng T54, 11 chiếc được cấp trên chi viện pháo 85-105-155 ly cao xạ 37 ly, sư đoàn tiến hành một trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử chiến đấu của mình mở đầu chiến dịch Nguyễn Huệ. Liên tục 3 ngày đêm kiên cường chiến đấu, sáng ngày 7 tháng 4 năm 1972 sư đoàn đã tiêu diệt toàn bộ chiến đoàn 9, tiêu diệt trung đoàn thiết giáp 1, chiếm làm chủ chi khu Lộc Ninh. Diệt hơn 3.000 tên, bắt sống 1.300 tên địch trong đó có tên đại tá Vĩnh chiến đoàn trưởng, trung tá Dương trung đoàn thiết giáp 1, bốn cố vấn Mỹ giải phóng hơn 3 vạn dân. Chiến thắng Lộc Ninh đã khẳng định trình độ chỉ huy, trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng hiện đại, tiêu diệt gọn từng chiến đoàn. Chiến thắng Lộc Ninh được Quân ủy – Bộ Tư lệnh Miền trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” lần thứ 3. Trung đoàn 1, Trung đoàn 2, Trung đoàn 3 đều được tặng cờ trung đoàn đánh giỏi. Chiến thắng Lộc Ninh hòa cùng chiến thắng khắp chiến trường miền Nam và chiến thắng cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc 1972: - Mỹ chịu thua - Mỹ ký hiệp định Paris - Lệnh của Bác Hồ đánh cho Mỹ cút đã được thực hiện. Cuộc trường chinh tiếp tục đánh cho Ngụy nhào, 1975 chiến dịch Hồ Chí Minh, một trận quyết chiến chiến lược bắt đầu. Những năm tháng xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, bước chân của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn cơ động chiến đấu tạo thành vòng cung bao quanh Sài Gòn, từ Vũng Tàu – Bà Rịa, Biên Hòa, Bình Dương, Long An, nhìn về Sài Gòn mà lòng ước ao một tâm niệm, Sư đoàn 5 phải là một mũi tên lao thẳng vào dinh lũy bọn Mỹ Ngụy ở trung tâm Sài Gòn. Nhưng Sư đoàn 5 được giao nhiệm vụ chia cắt chiến lược quốc lộ 4. Sư đoàn phải tháo pháo 105 khiêng trên vai, kéo đẩy xe thiết giáp, lặn ngụp qua đồng lầy Tháp Mười, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, Sư 5 vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chia cắt chiến lược. Ngăn chặn hoàn toàn không để một đơn vị nào của địch chạy ngược về miền Tây và không để một đơn vị nào từ miền Tây lên cứu viện Sài Gòn. Sư đoàn 22 Ngụy từ miền Trung về cụm tại Bến Lức, cùng chung một số bộ phận Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 vùng 4 bị đánh tan rã hoàn toàn. Ngay sau đó, Sư đoàn cùng với lực lượng vũ trang địa phương, đánh chiếm thị xã Tân An và giải phóng hoàn toàn địa bàn tỉnh Long An vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Qua thực tiễn 10 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành, sư đoàn đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang “Đoàn kết, trung dũng, cơ động, linh hoạt, tự lực, tự cường, đánh thắng mọi kẻ thù” Mỹ Ngụy. Được Nhà nươc tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước thống nhất hòa bình. Sau giải phóng miền Nam vẫn chưa được ổn định. Sư đoàn 5 liên tục cơ động từ Long An đến Tây Ninh, rồi Bà Rịa Vũng Tàu làm nhiệm vụ truy quét tàn quân Ngụy lẩn trốn, trấn áp bọn phản động gây rối, bảo vệ thành quả cách mạng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ quê miền Bắc chưa kịp đi phép, nhiều cán bộ chiến sĩ đã cầm quyết định phục viên, giải ngũ chưa kịp giao lại súng để về quê thì họa diệt chủng ập đến, tháng 9 năm 1977, tập đoàn phản động Pôn Pốt, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lấn toàn tuyến biên giới miền Nam Tổ quốc ta, giết hại hàng ngàn đồng bào ta ở Tây Ninh, Sông Bé, An Giang… Kiên quyết trừng trị bọn xâm lấn, Sư đoàn 5 lại bước vào cuộc chiến đấu mới, Sư đoàn lại hành quân ra biên giới. Sư đoàn được biên chế Trung đoàn 16 để đủ 3 Trung đoàn bộ binh cùng các đơn vị trực thuộc gồm trung đoàn pháo binh 28, tiểu đoàn tăng, thiết giáp và các đơn vị khác. Trong hai năm 1977-1978, Sư đoàn luôn có mặt trên hướng chủ yếu của quân khu: Sa mát, Kà Tum lên Mi mốt; Lộc Ninh, Bù Đốp lên Snoul. Liên tục phản công, tiến công bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biên giới. Thực hiện chiến dịch K3, Sư đoàn 5 đánh chiếm thị trấn Snoul, làm chủ đường 7 ngang. Tạo ra một vùng giải phóng rộng lớn. Trở thành một vị trí lịch sử, ngày 5 tháng 12 năm 1978 Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia do Chủ tịch HingSămrynh đứng đầu làm lễ thành lập tại Snoul. Mở ra một giai đoạn mới cách mạng Campuchia. Là những chiến thắng quân sự không lớn lắm trong hai trận đánh của Sư đoàn 5 (Lộc Ninh 72, Snoul 72, Snoul 71) nhưng ý nghĩa chính trị - lịch sử thì lớn hơn nhiều. Giải phóng Lộc Ninh 1972, tạo ra vùng căn cứ lớn, an toàn cho chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam lãnh đạo, điều hành cách mạng miền Nam Việt Nam, làm nơi Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với chiến thắng giải phóng Snoul 71 là vị trí lịch sử ra mắt của Mặt trận Đoàn Kết Dân tộc cứu nước Campuchia do Chủ tịch HingSămrynh đứng đầu làm lễ thành lập tại Snoul. Mở ra một giai đoạn mới cách mạng Campuchia. Là những chiến thắng quân sự không lớn lắm trong hai trận đánh của Sư đoàn 5 (Lộc Ninh 72, Snoul 71) nhưng ý nghĩa chính trị - lịch sử thì lớn hơn nhiều. Giải phóng Lộc Ninh 1972, tạo ra vùng căn cứ lớn, an toàn cho chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam lãnh đạo, điều hành cách mạng miền Nam Việt Nam, làm nơi Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với chiến thắng giải phóng Snoul 71 là vị trí lịch sử ra mắt của Mặt trận Đoàn Kết dân tộc cứu nước Campuchia. Vì sự ổn định lâu dài, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam và giúp dân tộc Campuchia nhanh chóng thoát khỏi họa diệt chủng. Cùng với các mặt trận khác, Sư đoàn 5 được lệnh tiến công đánh chiếm Kratie sâu trong đất Campuchia gần 100km. * Lần thứ 2: Từ 25/12/1978 đến 31/12/78, Sư đoàn đã tiến công và tiêu diệt tan rã sư đoàn 260 Pôn Pốt, đánh chiếm làm chủ thị xã Kratie. Chiến thắng Kratie, Sư đoàn 5 được Bộ chỉ huy chiến dịch khen: “Các đơn vị bộ binh, xe tăng, pháo mặt đất, pháo phòng không, đều đánh giỏi thắng to, lập công xuất sắc, thắng lợi lớn có ý nghĩa chiến dịch là một đơn vị đầu tiên giải phóng một thị xã quan trọng của quân khu Đông Bắc Campuchia, đánh thiệt nặng sư đoàn 260 Pôn Pốt, thu vũ khí, kho tàng nhiều nhất từ trước đến nay. Thắng lợi Kratie đã cổ vũ lòng phấn khởi, tin tưởng trên toàn mặt trận đã hỗ trợ tích cực cho mặt trận khác. Ngày 07/01/1978 đơn vị bạn đánh chiếm thủ đo Phôm Pênh. Ngày 13/01/1978 tấn công trong hành tiến Sư đoàn đã vượt qua Kông Pông Chàm, Kông Pông Thơm, Xiêm Riệp, Sisôphôn mục tiêu chiến lược cuối cùng của cuộc tổng tiến công. Chế độ diệt chủng Pôn Pốt sụp đổ hoàn toàn. Dân tộc Campuchia thoát khỏi diệt chủng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc từ năm 1977 đến năm 1979, sư đoàn một lần nữa được Nhà nước tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang lần thứ 2 Từ tháng 4 năm 1979 đứng trong đội hình mặt trận 479 Sư đoàn 5 đảm nhiệm địa bàn 5 huyện phía Bắc Batdomboong – hướng chủ yếu của mặt trận 479. Được biên chế thêm 2 trung đoàn là trung đoàn 2 và trung đoàn 8 biên phòng, trung đoàn 160 Long An (Sư đoàn có 6 trung đoàn bộ binh, một trung đoàn pháo binh, một tiểu đoàn tăng thiết giáp). Nhiệm vụ vừa xây dựng lực lượng vừa tác chiến làm suy yếu tan rã quân Pôn Pốt, vừa giúp bạn xây dựng lực lượng chính trị và tiếp tục giúp xây dựng lực lượng vũ trang địa phương và Sư đoàn 179 của bạn. Gần 10 năm giúp bạn, sư đoàn đã lập nhiều thành tích xuất sắc từng giúp bạn xây dựng chính quyền và tiêu diệt tàn quân Pôn Pốt và đánh địch, đặc biệt mùa khô 1984-19858 sư đoàn đã đánh chiếm làm chủ căn cứ Krâymoon, Phrum Chất, Sư đoàn 519 Pôn Pốt và 7 căn cứ của 7 lữ đoàn SRK ở Ampil, Cola Tà Lóc, Sư đoàn 5 được nhà nước Cộng hòa nhân dân Campuchia tặng thưởng Huân chương AngKor và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất. Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, Sư đoàn 5 trở về Tổ quốc, trở lại đội hình Quân khu 7. Đứng trên địa bàn trọng yếu của miền Đông Nam bộ, Sư đoàn khẩn trương xây dựng, ổn định nơi ăn ở; giải quyết công tác chính sách; củng cố tổ chức biên chế, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại – nâng cao cảnh giác, luôn sẵn sàng chiến đấu. Là 1 Sư đoàn điển hình của toàn quân. Chúng ta có quyền tự hào là những người lính Sư đoàn 5 Bộ binh anh hùng. Tp. Hồ Chí Minh tháng 11năm 2005 |