Trận phục kích trên đường 13 trong trận càn Móc Câu 1970

đăng 19:25 12 thg 5, 2013 bởi Nguyễn Thanh Truyền

                                                                                                                                                                                                       Ngô Duy

Bước vào đầu mùa khô năm 1970 Mỹ cùng Ngụy quyền Sài Gòn mở trận càn được đặt tên là trận càn Móc Câu nhằm mục đích tiêu diệt các đơn vị chủ lực của ta.

Vào khoảng 8 giờ tối ngày 9 tháng 9 năm 1970 tôi là đại đội trưởng được đồng chí liên lạc của tiểu đoàn xuống báo yêu cầu tôi về đến tiểu đoàn, các cán bộ của các đại đội cũng có mặt đầy đủ, đồng chí tiểu đoàn trưởng phổ biến mục đích ý nghĩa của trận đánh. Đồng chí chính trị viên tiểu đoàn quán triệt và động viên tư tưởng, đồng chí tham mưu trưởng tiểu đoàn phổ biến phương án tác chiến, phân công từng đại đội đảm nhận phục kích từng đoạn đường, đại đội tôi được phân công nhiệm vụ khóa đầu của trận đánh, triển khai xong chỉ huy các đơn vị nhanh chóng trở về đơn vị của mình để triển khai nhiệm vụ tác chiến. Chúng tôi về đến vị trí đóng quân của đại đội đã gần 9 giờ đêm tôi cùng đồng chí chính trị viên đại đội hội ý triển khai phương án tác chiến hạ quyết tâm cho trận đánh. Sau đó mời các đồng chí cán bộ trung đội, tiểu đội lên truyền đạt mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên, quyết tâm của chi ủy Ban chỉ huy đại đội. Các trung đội, tiểu đội về triển khai ở đơn vị quán triệt cho từng chiến sĩ của đơn vị gần 10 giờ đêm đơn vị xuất phát hành quân tiền nhập trận địa, đoạn đường từ vị trí đóng quân đến trận địa chúng tôi đi gần 5 giờ, lúc này đã hơn 3 giờ sáng ngày 10 tháng 9 năm 1970 tôi cùng các đồng chí trong Ban chỉ huy đại đội phân công vị trí chiến đấu cho từng trung đội, tiểu đội theo phương án tác chiến đã định, tôi trực tiếp chỉ huy Trung đội khóa đầu của toàn bộ tiểu đoàn, chiến đấu chính trị viên chỉ huy trực tiếp Trung đội 3, đồng chí đại đội phó chỉ huy Trung đội 2 – toàn đại đội triển khai công sự dã chiến chuẩn bị cho trận chiến đấu, tôi cùng đồng chí chính trị viên đi động viên từng chiến sĩ của đại đội hạ quyết tâm giành thắng lợi cho trận đánh. Ngay từ sớm tinh mơ ngày 10 tháng 9 năm 1970 các loại máy bay của địch như trực thăng HU1A, cán gáo, máy bay trinh sát L19 và phản lực gầm rú trên bầu trời. Chúng bay dọc theo quốc lộ kiểm tra xem có bộ đội ta phục kích hay không. Cùng với không quân pháo binh địch ở căn cứ quân sự Đồng Dù – Trảng Lớn và các chi khu dọc hai bên quốc lộ nã đạn liên tục. Vào khoảng 9 giờ sáng ngày 10 tháng 9 năm 1970 tiểu đoàn thông báo địch hành quân từ Long An về Biên Hòa chuẩn bị vào trận địa phục kích của tiểu đoàn, trên bầu trời dọc theo quốc lộ máy bay các loại vẫn tiếp tục gầm rú ghê rợn, chúng liên tục bắn 12,7mm dọc hai bên đường. Hơn 9 giờ lực lượng tiền trạm của địch xuất hiện trên trận địa phục kích của đại đội đi đầu là 1 chiếc xe tăng M41 cùng hai xe bọc thép M113 đi sau là hai chiếc xe GMC chở đầy lính. Lệnh của tiểu đoàn để địch đi khỏi trận địa. Tiền trạm của địch đi qua trận địa phục kích của đại đội khoảng hai cây số thì đội hình hành quân chính thức của chúng xuất hiện. Đi đầu là 3 chiếc xe tăng M41, hai chiếc xe bọc thép M113. Sau đó là xe GMC chở đầy lính của đại đội 6 lính Mỹ Cai Poọc[1]. Đi sau là hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ. Gần 10 giờ chiếc xe tăng M41 đã vào đúng tầm bắn của đồng chí Lò Văn Nùng xạ thủ B41, tôi hỏi đồng chí Nùng: Chắc chưa? Đồng chí trả lời: Chắc 100%. Tôi ra lệnh nổ súng, phát súng đầu tiên bắn cháy chiếc xe tăng M41 đi đầu của địch. Đồng thời là hiệu lệnh chiến đấu của toàn bộ tiểu đoàn, trận địa phục kích của tiểu đoàn dài trên dưới 3km. Sau phát súng B41 toàn bộ trận địa vang lên như sấm tiếng súng B40 – B41 – AK – lựu đạn, thủ pháo xen lẫn với tiếng la hét thảm hại của lính Mỹ - Ngụy. Địch bị đánh bất ngờ không kịp trở tay, chống trả yếu ớt, máy bay pháo binh của địch cũng bị bất ngờ và vô hiệu hóa. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng trong vòng không đầy 30 phút. Sau khi tấn công và tiêu diệt phần lớn lực lượng địch, cấp trên cho rút khỏi trận địa đồng thời đưa thương binh liệt sĩ về phía sau. Trên bầu trời dọc theo trận địa phục kích của tiểu đoàn một màu khói đen xịt bốc lên từ những chiếc xe tăng, xe bọc thép, xe GMC cháy, ở mặt đường những đám lửa thiêu rụi những chiếc xe được trang bị tối tân cùng với mùi khét lẹt của xác quân Mỹ Ngụy làm cho những người lính chúng tôi thấy phấn khởi vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tiếng pháo của địch xa dần. Chúng tôi về đến căn cứ đóng quân của đơn vị, 2 ngày sau thông báo của trên xóa sổ hoàn toàn 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ cùng đại đội 6 lính Cai Poọc của Ngụy. Trong trận này tôi bắn rơi 1 máy bay trực thăng được trung đoàn tặng giấy chứng nhận dũng sĩ diệt máy bay, dũng sĩ diệt Mỹ.

Trận đánh tiêu diệt quân Mỹ trên đường 13 năm nào đã trở thành ký ức không phai mờ của những người lính chúng tôi.



[1]     Lính Mỹ Cai Poọc là lính người dân tộc mồ côi cả cha lẫn mẹ chúng đưa vào trại huấn luyện đặc biệt của Ngụy, địch tuyên truyền cho chúng là Việt Cộng giết cả cha lẫn mẹ chúng nên chúng chiến đấu đến cùng.

Comments