Trận Lộc Ninh - Trận đánh Hợp đồng binh chủng đầu tiên của Miền Đông Nam Bộ

đăng 19:23 12 thg 5, 2013 bởi Nguyễn Thanh Truyền   [ đã cập nhật 19:28 12 thg 5, 2013 ]

                                                                                                                                                                        Đại tá Nguyễn Thành Tín

Trên chiến trường miền Nam trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 là những năm tháng chiến đấu quyết liệt trên các chiến trường nói chung và chiến trường miền Đông Nam Bộ nói riêng. Quân địch bị tiến công tiêu hao tiêu diệt và bị thiệt hại lớn.

Ở Lộc Ninh, cụm cứ điểm Lộc Ninh khi ta đánh là trận tiến công quân địch trong công sự vững chắc mở đầu cho chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, là trận then chốt có ý nghĩa lịch sử, chiến lược. Lực lượng địch bố trí ở Lộc Ninh gồm: Sở chỉ huy chiến đoàn 9 Ngụy, chi khu Lộc Ninh, sân bay dã chiến, khu kho tiếp liệu. Quân số khoảng gần 2000 tên, khi tác chiến có hỏa lực pháo binh, không quân và bộ binh chi viện. Được bố trí thành ba cụm nối tiếp nhau theo hướng Đông Bắc – Tây Nam với hệ thống công sự kiên cố, lô cốt, hầm ngầm, chiến hào, giao thông hào và hệ thống hàng rào dây kẽm gai bố trí theo từng phân khu và bên ngoài xung quanh cứ điểm bố trí từ 3 đến 5 hàng rào, xen kẽ giữa các lớp rào kẽm gai có mìn chống bộ binh, chống xe tăng để ngăn chặn sự tiến công của Việt Cộng, để chuẩn bị cho trận đánh Lộc Ninh cán bộ các cấp được lựa chọn kỹ đi nghiên cứu địa hình sớm gần 6 tháng và giữ bí mật tuyệt đối. Trước khi tiến công các đơn vị được giao nhiệm vụ, quán triệt họp quân chính các cấp thảo luận trên sa bàn rất cụ thể dân chủ về quân sự. Bộ tư lệnh sư đoàn giao nhiệm vụ tiến công Lộc Ninh là trung đoàn bộ binh 2 (174) và trung đoàn bộ binh 3 được các đơn vị trực thuộc sư đoàn bảo đảm chi viện. Đặc biệt chú ý trong trận chiến đấu này sư đoàn bộ binh 2 được phối thuộc đại đội xe tăng số 10, đại đội pháo phòng không số 52 của tiểu đoàn 20, đoàn thiết giáp M26 của miền. Trung đoàn bộ binh 2 được Sư đoàn 5 giao nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu của Sư đoàn. Tiểu đoàn bộ binh 5 được giao nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu của trung đoàn, tiểu đoàn 5 được biên chế 3 đại đội bộ binh: đại đội 5, đại đội 6, đại đội 7 và một đại đội hỏa lực.

Đồng chí Vũ Viết Cam là Tiểu đoàn trưởng (nay là Thiếu tướng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2 đã nghỉ hưu). Đồng chí Lương Quý Mão là Chính trị viên tiểu đoàn (nay là Đại tá công tác tại quân khu 3 đã nghỉ hưu). Tôi lúc đó là cán bộ trung đội thuộc đại đội 5 tiểu đoàn 5, (sau trận Lộc Ninh được lên chính trị viên phó đại đội). Trên hướng tiểu đoàn 5 được tăng cường xe tăng, đại đội 6 được tăng cường 2 xe, trung đội tôi được 1 xe do tôi chỉ huy cùng 17 đồng chí ngồi trên xe tiến công vào chi khu Lộc Ninh cùng với đội hình chiến đấu của đại đội, tiểu đoàn. Đúng 24 giờ ngày 06 tháng 04 năm 1972 lực lượng xe tăng của đại đội 10, dưới sự yểm trợ của pháo binh đơn vị được lệnh xuất kích, khi tiến đến làng Mười thì gặp địch, thấy xe tăng ta xuất hiện một số địch ở bên ngoài bỏ chạy vào chi khu Lộc Ninh, rạng sáng ngày 07 tháng 4 năm 1972 sau khi pháo binh ta bắn cấp tập lần cuối cùng, lực lượng xe tăng từ các hướng đã tiến đến rừng cao su vào các khu vực triển khai của bộ binh, theo hiệp đồng, lực lượng bộ binh của trung đội tôi nhanh chóng nhảy lên cùng xe tăng tiến vào cửa mở, xe tăng vừa cơ động vừa dùng hỏa lực trên xe bắn tiêu diệt các mục tiêu lô cốt xe M48 của địch trên hướng tiến công, khi vượt qua cửa mở địch bắn trả quyết liệt, trên xe trung đội của tôi, do tôi chỉ huy Trung đội dùng hỏa lực lựu đạn, súng AK, B40 bắn trả quyết liệt vào đội hình địch, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, với sự hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh, xe tăng trên các hướng khác, tiểu đoàn bộ binh 5 phát triển chiến đấu liên tục.

Mặc dù chiến đấu ác liệt, song trên các hướng đều giành được thắng lợi… trên các hướng khác của trung đoàn đều phát triển, với sự hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh và xe tăng đã tiêu diệt và bắt sống phần lớn quân địch trong đó có tên đại tá Nguyễn Công Vĩnh chỉ huy trưởng chiến đoàn 9, số còn lại bỏ chạy. Đến trưa ngày 7 tháng 4 năm 1972 quân ta đã chiếm và làm chủ toàn bộ chi khu Lộc Ninh tiêu diệt và bắt sống trên 1000 tên, thu nhiều vũ khí trang bị, trung đội tôi thu 7 súng AR15, 2 súng M79, đại đội 6, cũng thu được nhiều vũ khí trang bị của địch và tiêu diệt hàng trăm tên.

Trận Lộc Ninh là trận tiến công địch trong cộng sự vững chắc, là trận đánh hiệp đồng binh chủng, lần đầu tiên có xe tăng tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam Bộ đánh nhanh thắng nhanh, tiêu diệt 1 phần lớn lực lượng của sư đoàn 5 Ngụy, góp phần làm tan rã Ngụy quyền ở địa phương mở rộng vùng giải phóng làm bàn đạp cho quân ta tiến công xuống phía Nam, thực hiện khẩu hiệu của chiến dịch Nguyễn Huệ “khí thế như Mậu Thân, ra quân như Nguyễn Huệ, diệt gọn như Điện Biên”. Trong trận chiến đấu Lộc Ninh tiểu đoàn bộ binh 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều đồng chí được tặng thưởng huân chương, bằng khen, giấy khen, nhiều cán bộ chỉ huy dũng cảm, mưu trí linh hoạt như đồng chí Vũ Viết Cam – Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Lương Quý Mão – Chính trị viên tiểu đoàn và nhiều cán bộ đại đội, trung đội.

Chiến đấu hiệp đồng binh chủng ở Lộc Ninh lần đầu tiên giữa bộ binh và xe tăng hiệp đồng chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam Bộ là tiền đề cho các trận chiến đấu, chiến dịch lớn sau này. Điển hình là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử có hàng lữ đoàn xe tăng tham gia chiến đấu cùng bộ binh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Comments