Phạm Văn Vẻ Chiến dịch Nguyễn Huệ mới diễn ra ở miền Đông Nam Bộ chưa đầy 10 ngày mà quân Ngụy đã mất đứt tuyến phòng thủ phía Bắc Sài Gòn, mất 2 chiến đoàn, mất một trung đoàn xe tăng và xe bọc thép. Một loạt các đồn bốt trên trục lộ 13 đoạn từ biên giới tới Chơn Thành bị quét sạch, An Lộc trở nên cô độc, trơ trọi. Quân của chiến đoàn 7 từ Phú Lỗ rút chạy về An Lộc, lính bại trận từ các đồn bốt xung quanh An Lộc cũng bỏ chạy vào An Lộc, làm cho An Lộc trở nên hoang mang, náo loạn. Theo như kế hoạch tác chiến của bộ chỉ huy miền, sư đoàn 5 sau khi tiêu diệt cụm cứ điểm Lộc Ninh chuyển sang phối hợp với sư 9 bao vây tiến công An Lộc. Đêm 12 rạng ngày 13 tháng 4, sư đoàn 9 và các lực lượng tăng cường đã nổ súng tiến công thị xã An Lộc, trung đoàn 2 được lệnh đánh vào giải phóng các làng 2, 3, 4, 5 Dầu Tiếng rồi vòng lên phía Bắc An Lộc cách Chơn Thành 2 cây số (trên đường ủi Lệ Xuân) để chốt chặn, không cho quân Ngụy từ Chơn Thành kéo lên, ứng cứu cho quân Ngụy ở An Lộc. Khi chúng tôi đang lao vào đào trận địa, đào công sự thì nghe được tin trên đài tiếng nói Việt Nam: “Với sự tấn công mãnh liệt như vũ bão của quân và dân miền Đông, trong thị xã An Lộc có nơi địch đã kéo cờ trắng đầu hàng”. Nghe tin chúng tôi mừng lắm, tin này được lan truyền khắp các tuyến hào. Nhiều anh em còn dỡ hết đồ đạc trong gùi, lục tìm gói thuốc Rubi (chiến lợi phẩm trong trận Lộc Ninh) ra mời mọc, ăn mừng. Thế là khói thuốc bốc lên, bay là là trên mặt khắp các đoạn chiến hào. Cán bộ tiểu đoàn được tin liền phân công nhau xuống các trận địa để truyền đạt chỉ thị của cấp trên là sư đoàn chưa có thông tin gì về chiến thắng An Lộc, các đơn vị phải thật khẩn trương hoàn thành trận địa chốt chặn của mình. Chúng tôi nhắc nhở anh em không được chủ quan, phải vừa đào trận địa vừa canh gác, kẻo địch thục vào trận địa mà không biết, có đồng chí tay cầm cái vỏ bao thuốc lá đã hết nhẵn vất vào đống đất, miệng còn lẩm bẩm: “Chơn Thành lại sắp mang thuốc lá đến mời chúng ta rồi đấy! Chuyến này tha hồ mà đốt”, nói rồi đồng chí ấy vơ ngay cái cuốc chim bổ nhát nào ra nhát nấy. Mọi công việc đang tiến triển, trận địa chính và phụ sắp hoàn thành thì có lệnh của trên. - Trung đoàn 2 (174) phải hoàn thành cấp tốc trở về An Lộc. Tất cả anh em trong đơn vị hết sức ngạc nhiên, mọi người chỉ biết nhìn nhau, thầm nghĩ “Không biết tại sao thế nhỉ?”, rồi bụng bảo dạ: “Có trời mà biết được”; “Kéo pháo ra rồi lại kéo pháo vào” là người lính chỉ biết “Chấp hành và chấp hành”. Đơn vị chúng tôi hành quân về đến núi Gió, phía sau An Lộc thì đêm đã khuya, đành phải triển khai trú quân, chỉ đi qua một khe suối nhỏ, thay nước suối cứ róc rách chảy, lúc này các bi đông nước cũng đã cạn kiệt, nếu anh em nào đó có còn vài ngụm thì cũng ngửa cổ tu cho bằng sạch, không ai bảo ai, mỗi người lấy một bi đông nước thật đầy để khi vào đào công sự mà uống. Sáng hôm sau đi kiểm tra vị trí đóng quân, lên phương án tác chiến tại chỗ, thấy xác lính dù ngụy chết cách đây trên nửa tháng, thối rữa, nằm vắt ngang trên những tảng đá, trong những vũng nước của khe suối. Mọi người lợm giọng, khạc nhổ liên tục, nhưng làm sao mà đẩy nó ra được. Hỏi ra mới biết lữ dù số 1 của Lê Quang Lương đã được đổ xuống đây, định đánh vào phía sau của Sư đoàn 9, hòng cứu nguy cho An Lộc, sau khi An Lộc bị tiến công một hai hôm, chúng đã bị sư đoàn 7 và sư đoàn 5 của ta đánh cho thiệt hại nặng đành phải bỏ xác mà tháo chạy, dưới suối là những tên bị thương mò xuống uống nước rồi nằm đó, trong rừng xác chúng còn chồng chất lên nhau, mối đã ăn đùn thành từng đống từng đống. Khi đưa cơm nắm ra ăn, thấy thấp thoáng có bóng người, chúng tôi đều chĩa sung về hướng đó, theo dõi bằng ống nhòm, phát hiện có 3 đứa trẻ chừng 13, 14 tuổi đang cắt rừng đi về phía đơn vị. Tôi cho anh em ra ngăn lại không được đi vào nữa, các cháu hỏi xin ăn, chúng tôi mang ra đưa cho mỗi cháu một nắm cơm, chúng vừa nhai ngấu nghiến vừa hỏi: “Các chú vào đây xâm lược được bao lâu rồi”, đồng chí Soan đi cùng tôi trừng mắt: Ai bảo tụi bay thế? Tôi vội mỉm cười, xua tay ra hiệu cho Soan, rồi nhẹ nhàng hỏi: “Thế các cháu bảo các chú người nước nào nào?” Chúng nó đồng thanh nói: “Ở Bắc”, thế “Bắc có phải ở Việt Nam không?”. “Có”. “Thế người Việt Nam đi trên đất Việt Nam sao gọi là đi xâm lược được, đó chỉ là lời nói xạo của bọn Mỹ, Thiệu các cháu đừng có nghe”. Cũng tại nơi trú quân tôi gặp mấy an hem trinh sát của công trường 9 đưa đường cho D6, F2, F5 vào thay thế kể lại: Xe tăng của ta đã vào trong An Lộc rồi, gia đình ngụy quân, ngụy quyền trong khu gia binh ùa ra van xin. Anh em lính tăng của ta từ Bắc mới vào, không dám lao lên, liền nhảy xuống kéo họ ra để lấy đường vào thì bị bọn địch bắn cháy ngay cái đi đầu, cửa mở bị bịt, bộ binh chưa lên kịp, thế là những nơi địch đã kéo cờ trắng đầu hàng liền rút cờ, rồi dùng hỏa lực chống cự lại rất quyết liệt, đó là nguyên nhân dẫn đến An Lộc không dứt điểm chứ không phải xe ta quay đầu rồi bị Lê Minh Vĩ sư phó sư 5 ngụy bắn cháy, như địch đã rùm beng trên hệ thống thông tin tuyên truyền của chúng, khi những xe sau và bộ binh của ta tiến lên hai bên đánh nhau, số gia đình Ngụy ra cản đường có một số chết, địch la lên do Việt Cộng sát hại và gọi là “Đại lộ kinh hoàng”. Chúng tôi hành quân về gần đến núi Gió mới được cấp trên cho biết: Công trường 9 (tức sư 9) cùng các đơn vị trực thuộc đã không đánh dứt điểm được. Hớn Quản (An Lộc). Bộ chỉ huy Miền chuyển hướng sang bao vây Hớn Quản để diệt viện, E2 được điều về thay thế đơn vị bạn vào bao vây Hớn Quản. Hớn Quản (An Lộc) là thị xã của tỉnh Bình Long, Hớn Quản nằm gọn trên một quả đồi có chiều dài chừng hơn một cây số, chiều rộng chưa đến một cây, Hớn Quản được kiến tạo bởi đất đỏ bazan màu mỡ, Hớn Quản còn là thủ phủ của các đồn điền cao su chạy suốt từ biên giới tới Bình Dương. Theo hồ sơ lưu trữ của Bộ Tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn mà ta lấy được, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thì lực lượng địch trong Hớn Quản trước giờ bị tiến công là chiến đoàn 7, chiến đoàn 8, liên đoàn biệt động 333, sư đoàn bộ sư 5 ngụy, toàn bộ bộ máy kìm kẹp của tỉnh Bình Long, bọn bảo an dân vệ, tất cả đều dưới quyền chỉ huy của tên chuẩn tướng Lê Văn Hưng sư trưởng sư 5 ngụy. Đơn vị chúng tôi trở về An Lộc vào cuối tháng 5 đầu tháng 6, thời tiết lúc này là khô hanh, mặt đất nếu không có bom cày, đạn xới thì lúc này sẽ nứt nẻm đường hành quân sẽ bằng phẳng, ngon lành. Trái lại khi hành quân về đây chúng tôi phải trèo lên, tụt xuống bởi những hố bom, hố pháo dầy chi chít máy bay B52 chiến lược, giờ đây đã chuyển thành B52 chiến thuật, cứ 45 phút nó được đánh một loạt. Trung đoàn 5 (Q5) được điều từ Campuchia về chiến trường An Lộc, khi mới hành quân về gần đến An Lộc, bị một loạt B52 đánh trúng đội hình, bị thiệt hại nặng, không vào An Lộc được nữa. Trung đoàn 2 được lệnh thay nhau vào An Lộc, tiểu đoàn 4 vào sau, tiểu đoàn 6 vào trước, khi tiểu đoàn 6 vào An Lộc. Chúng tôi phân công nhau theo dõi, cử trinh sát vào cùng để khi có lệnh là đưa đơn vị vào được ngay. Tiểu đoàn 6 vào trận được nửa tháng thì tiểu đoàn 4 được lệnh vào thay, chúng tôi chia tiểu đoàn thành 4 đội, mỗi đội có một tổ trinh sát đi trước, rắc giấy dẫn đường. Trong đêm tối, mỗi lần B52 ngừng nổ là một phân đội được tung vào trận địa ngay, để làm sao cho toàn đội hình phải vào được trận địa trước lúc loạt B52 kế tiếp rải xuống, đường vào phải ngắn nhất đã rắc giấy không lạc đường, không để đội hình dính bom, chẳng ai bảo ai, cứ bám sát nhau, chạy còn nhanh hơn cả khoa mục chạy vượt qua chướng ngại vật. Trên bản đồ, hướng mà đơn vị chúng tôi đảm nhiệm là hướng trường học, khi vào đến nơi chẳng thấy trường học đâu mà chỉ thấy những đống đổ nát ngổn ngang của tôn, sắt thép và gạch vụn. Bên cạnh là những hố bom sâu hoắm, hố nọ kề sát hố kia. Đến khoảng 1 giờ 30 phút đêm thì đơn vị vào hết. Trận địa nhận bàn giao theo hợp đồng tác chiến là ngay trên tuyến giáp ranh giữa ta và địch, hai bên chỉ cách nhau một hố bom và một đống đổ nát, đội hình của tiểu đoàn được bố trí hai trước, một sau, hai đại đội bộ binh phía trước trực tiếp vây lấn và bắn tỉa, một đại đội phía sau dự bị sẵn sàng đánh quân đổ bộ từ phía sau đội hình, chỉ huy tiểu đoàn và 2 máy vô tuyến đặt cách tuyến bắn tỉa chỉ từ 40 đến 50 mét. Cũng theo hồ sơ của Bộ Tổng tham mưu ngụy, đơn vị chúng tôi vào thay thế được hơn 2 tuần thì quân ngụy cũng thay quân: Ở An Lộc sư đoàn 18 của Lê Minh Đảo vào thay sư 5 của Lê Văn Hưng, liên đoàn biệt động quân số 5 vào thay liên đoàn biệt động quân số 333, ở đường 13 thì sư 25 của Lê Văn Tư lên thay sư 21 của Nguyễn Vĩnh Nghi. Chiến thuật đánh trong thị xã An Lộc khi đơn vị chúng tôi vào không còn là chiến thuật đánh chiếm từng ngôi nhà, từng góc phố nữa, nó đã chuyển sang tranh dành từng đống gạch vụn, từng hố bom. Mặt đối mặt, đánh nhau bằng thủ pháo, lựu đạn, bằng súng trường, tiểu liên, bằng cối 60, 82, 81, bằng B40, B41, M72 và cả mìn định hướng nữa. Trên trời máy bay địch làm chủ, A72 của ta trong trận đánh Lộc Ninh phát huy tác dụng rất tốt, nhưng vào An Lộc thấy cứ nổ phía sau máy bay (chắc hẳn địch đã có cách phòng ngừa). Hai loại máy bay trinh sát OV.10 và L.19 cứ thay nhau vè vè trên đầu nhòm ngó, phát hiện bắn chỉ điểm, phản lực hết tốp này đến tốp khác đến đánh phá, không lúc nào là lúc không có tiếng máy bay. Ngày thứ 3 sau 4 đợt địch cho máy bay phản lực đánh phá vào phía sau đội hình và chỉ huy tiểu đoàn, đến đợt thứ 5 tôi thấy 1 chiếc AD6 từ phía đông lao tới cắt bom, quả bom cứ lúc lắc lao về phía hầm của chúng tôi, tôi hô nó ném bom vào mình đấy. Rồi tụt vội xuống hầm, hầm sập tôi nghẹt thở, chẳng biết gì. Đến khi tỉnh dậy tôi thấy anh em cầm tay tôi đưa lên đưa xuống, người ấn ngực để tôi thở, móc đất cát trong mồm trong miệng tôi ra. Khi tỉnh hẳn tôi hỏi: Anh em có ai bị sao không? Có tiếng trả lời: Hầm của anh Cới. Hiện vẫn chưa tìm thấy người nào? Thế còn điện đài thì sao? Tôi hỏi anh em trả lời ngay: Máy 15w thì còn, máy 2w thì hỏng, tôi bảo Soan bò lên tìm anh Phàn tiểu đoàn trưởng về hội ý. Tôi bảo anh Phàn nó sắp sửa đánh ra, đẩy quân ta ra chiếm trận địa đấy. Anh Phàn nói ngay: “Tôi cũng nghĩ như thế” rồi anh mới hỏi tôi: “Anh đỡ chưa?” “Rồi”. Tôi trả lời, tôi bảo anh truyền lệnh cho các đại đội đưa thủ pháo, lựu đạn, đạn B40, ra cửa hầm. Cảnh giác địch sắp mò lên đánh ta đấy. Tôi sẽ đánh điện xin pháo cấp trên chi viện. Tôi đang cho đánh điện thì súng ở trận địa đã nổ như ngô rang, đạn M79, M72, cối 81 nổ oành oành trên nóc hầm của chúng tôi, làm đứt cả dây ăng ten của máy, bức điện bị gián đoạn một lúc. Chưa điện về được, pháo ta chưa bắn chi viện vào khu trường học ngay được. Địch chắc mẩm thế nào cũng lấy được trận địa của ta, chúng vừa bắn xối xả, vừa hô hét dô dô… rồi đồng loạt bỏ các ụ súng, bỏ các bao cát lao lên. Không ngờ các cỡ súng liên thanh của ta quét ngang, một loạt thương vong gục ngay tại trận, một số nhảy vội xuống hố bom để tránh đạn thẳng, bị anh em ta cứ thế tương thủ pháo lựu đạn xuống chúng chết la liệt, những thằng sống sót chạy về vị trí cũ ẩn nấp liền bị B40, B41, cối 82 của ta bắn, chúng chạy lui về phía sau trường học thì bị cối 120, 160 ly, pháo 122 ly của trên chi viện bắn trúng đội hình. Đơn vị thừa thắng xông lên chiếm lấy khu trường học, đưa đội hình phía sau lên sát phái trước để máy bay địch không thể đánh bom phía sau được, sẽ giảm thương vong nhiều. Địch mất trận địa tức tối, đưa quân phía sau lên phản công nhiều lần, định lấy lại trận địa đã mất nhưng không được, chúng liền cho máy bay liên tục đánh bom vào phía sau đội hình của đơn vị. Phản lực đánh bom đến tận lúc mặt trời lặn mới bay đi, máy bay C130 liền thay thế, nó chỉ bay lượn có một vòng đã bắn như đổ đạn 20 ly xuống trận địa, những luồng đạn đỏ lừ, chạy dài suốt từ trên máy bay xuống tận mặt đất, như những sợi chỉ đỏ rực được căng trong gió, khi bóng đêm chưa bao phủ lấy mặt đất, C130 đã thả từng chùm từng chùm đèn dù, bảo vệ cho bọn dưới mặt đất không bị đánh tập kích bất ngờ. Chờ cho bóng đêm chập choạng dưới ánh sáng của những chiếc đèn dù anh em mới gói ghém được những liệt sĩ, bằng những mảnh võng rồi đưa lên trên mặt đất để phía sau những đống đổ nát, những đống gạch vụn chờ anh em vào tiếp súng đạn, tiếp cơm nước mang ra cho kịp. Cuộc chiến đấu của tiểu đoàn kéo dài suốt hơn một tháng trời ở An Lộc, luôn luôn ở tư thế ngắm bắn, chỉ có thay nhau ngủ gà ngủ gật được mươi mười lăm phút trong một ngày một đêm là cùng. Vào đây được chừng hai tuần lễ, anh em trong đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm trong cách đánh vây lấn đặc biệt này, nắm được tình hình hoạt động dưới mặt đất và trên không của địch, nắm được các loại vũ khí mà địch đang dùng, biết được vị trí của từng hỏa điểm để tìm cách tiêu diệt hoặc phòng tránh, khắc phục những khó khăn như không có cây que để gác hầm chống đạn cối 106,7 ly, chống rốt két, cối 81, ĐK90 của địch ở tuyến đối diện trực tiếp bắn sang. Phần lớn là đi đào bới những đống đổ nát để tìm hầm sập ở trong đó, rồi mới kiếm những mảnh tôn nhỏ, đặt lên, lấy gạch vụn đổ lên, chống đạn. Nhiều hầm khi bới ra thấy chật ních những thi thể, anh em phải vội vàng lấp lại cho khỏi hôi thối rồi mới sang bên cạnh làm công sự giã chiến. Đặc biệt khi đào bới một đống gạch vụn bên trong khu trường học, thấy một hầm xây, bên trong có hai ông bà khoảng 80, 90 tuổi vẫn còn sống, khi anh em đào thấy cửa hầm, rút những thanh gỗ đã sập ra thì nghe có tiếng hừ hừ của cụ ông, bới được hầm ra thì thấy hai cụ đã mệt lả trong hầm như hai đống xương khô, chỉ có đôi mắt của cụ bà là còn mở được, cụ đưa mắt nhìn mọi người, mắt cụ ông thì cứ nhắm nghiền, anh em vội lấy nước đổ vào nắp bi đông rồi đổ vào miệng cho hai cụ, một vài phút sau cụ bà dơ hai bàn tay như hai thanh củi khô, vái vái, miệng lẩm bẩm “cảm ơn các ông”. Vào trong hầm mới thấy hầm to, rộng, xây kiên cố, nóc hầm gác an toàn bằng những cây gỗ to như những chiếc cột nhà, đè lên nó là cả một sàn nhà do bom đánh sập và đống gạch vụn, các loại pháo bắn vào chỉ là gãi ghẻ. Chúng tôi để cơm nước cho hai cụ, bảo hai cụ cứ ăn uống cho lại người, chúng tôi sẽ cho nữa, bây giờ không thể đưa hai cụ ra được, nếu ra khỏi hầm là sẽ bị chúng bắn chết ngay. Sau một hôm hai cụ tỉnh hẳn, tôi đến tìm hiểu địa hình khu vực, hai cụ cho biết: Qua bên kia là khu “hồi chánh quốc gia”, các ông ấy đông lắm, có ụ súng lớn lắm, còn đây là trường học, chỉ có 2 hầm như thế này trong nhà, để các ông giáo ẩn núp, cụ bà chỉ tay về phía bên phải hầm nói có một cái trong nhà phía bên kia sân trường. Anh em chúng tôi bảo nhau “thế thì chẳng còn vì bên đó đã bị những quả bom khoan khoét thành những cái ao chi chít”. Phải nằm bắn trên những đống gạch vụn của khu trường học, mà hầm hố chỉ là những chiếc hố cá nhân dã chiến khoét vội không có nắp, vào An Lộc mới chỉ có hai tuần lễ mà số thương vong rất cao. Trước tình hình bức bách ấy, chúng tôi đã hội ý trong ban chỉ huy tiểu đoàn: Mọi người đều nhất trí quyết tâm đánh vào khu chiêu hồi để lấy trận địa vây lấn, lấy hầm hào tránh bớt thương vong, trụ bám lâu dài. Quyết tâm đã được truyền đến tận phân đội một cách mau lẹ, tôi bò sang chiếc hầm của tổ máy 15 oát (w) để báo cáo quyết tâm của đơn vị, xin trên chi viện pháo 122 ly, cối 160, cối 120 có lắp ngòi nổ chậm (khoan) bắn theo yêu cầu vào khu chiêu hồi trước khi đơn vị đánh sang khu đó. Bức điện đánh đi chưa xong, thấy đánh rầm một cái ở ngay cửa hầm đất, đá, gạch, ngói tuôn vào đầy hầm, tôi thấy Soan gục đầu vào bên vai tôi, tôi lay lay bả vai của Soan gọi “Soan! Soan! Soan!” nhưng chẳng có tiếng trả lời, tôi đỡ lấy đầu Soan thì thấy cổ Soan mềm oặt, đầu Soan gục xuống, tôi bê Soan đặt Soan nằm thẳng ra, hai tay, quần áo tôi thấm đẫm đầy máu của Soan mà vẫn phải đưa tay lên vuốt mắt anh em vì chung quanh toàn là đất cát, khói thuốc đạn bám đen kịt. Tôi bảo tổ máy “đưa cho tôi miếng nilon, đặt Soan vào đó rồi bó lại, chờ anh em ở ngoài vào để mang ra. Tổ máy phải cắm giây ăng ten ra ụ đất phía sau, đánh tiếp bức điện, không được ngừng, ngừng phát sóng là nó sẽ đánh tiếp đấy”. Điện đánh đi chỉ một tiếng sau chúng tôi nhận được điện trả lời như sau: “Trung đoàn đã liên hệ với các cụm pháo, đánh theo yêu cầu của các đồng chí, các đồng chí phải hợp đồng chặt chẽ, đánh chiếm nhanh gọn”. Cũng ngay đêm hôm ấy, chúng tôi được nhận thêm 2 cơ số đạn cho mỗi loại súng, trung đoàn báo ngày mai sẽ cho 2 trung đội vận tải vào để mang thương binh liệt sĩ ra cho đơn vị. Đến đúng 22 giờ đêm, khi những chiếc dù pháo sáng của một chiếc C130 vừa thả xuống để bay đi, nhường chỗ cho pháo đài bay B52 vào đánh là lúc chúng tôi gọi pháo lớn cấp trên bắn cấp tập, pháo, cứ nổ ầm ầm trong khu chiêu hồi, pháo sáng dưới mặt đất bắn lên tới tấp, mặt đất rung chuyển dữ dội, được bao phủ bởi những cột khói đen và những tia chớp lóe lên liên tục do đạn nổ. Chúng tôi mở máy thấy địch la hét xin máy bay, pháo sáng, chi viện, máy bay C130 đã lảng ra xa, để B52 bay vào đánh theo tọa độ mất rồi, pháo của ta đã khoét hết hầm này sang hầm khác, chúng chạy nháo nhác để tìm chỗ trú ẩn, bỏ cả vị trí canh giữ, pháo bắn được 5 đến 7 phút tiểu đoàn lệnh cho đại đội 2 và đại đội 3 xuất kích, anh em bí mật bò qua những hố bom, hố pháo chỉ trong vòng 2 đến 3 phút rồi ném thủ pháo, lựu đạn vào những ụ súng mà ban ngày chúng dùng để bắn tỉa, theo hợp đồng anh Phàn quét một băng đạn lửa sang trận địa của địch, tất cả nhảy lên, lao vào trong khu chiêu hồi, chiếm công sự bằng súng AK, B40, B41 và thủ pháo lựu đạn. Lúc này cũng là lúc nghe thấy tiếng máy bay B52 ì ì như tiếng xay lúa, rồi một loạt bom nổ rình rình ở vòng ngoài, cách hàng cây số. Đơn vị chỉ đánh trong vòng 15 phút là lấy được khu chiêu hồi, chúng tôi yêu cầu pháo của trên bắn cầm canh vào chỉ huy sở sư 5 ngụy, vào khu vực trận địa địch sát khu chiêu hồi mà chúng tôi vừa chiếm được. Trong trận đánh này anh em chúng tôi bị thương và hy sinh 2 đồng chí, trong đó có đồng chí chính trị viên đại đội 2 Hoàng Công Ét. Ngay sau khi B52 đánh xong là 3 tốp máy bay phản lực, được chiếc OV10 đưa đến đánh phá hơn một tiếng mới chịu bay đi. Ngày hôm sau, trời còn mù sương bọn cánh cụp cánh xòe đã xuyên ngang, bổ dọc bầu trời An Lộc, bom khoan, bom cháy cứ nổ ình ịch. Mỗi khi chúng bị mất đất, mất trận địa là chúng dở hành động hủy diệt tôi đã gặp nhiều, nhất là khi đánh Mỹ. Sau một đợt đánh phá bằng không quân là một đợt chúng dùng bộ binh để phản kích, nhưng đều bị thất bại. Từ khi chiếm được khu chiêu hồi các hầm chúng xếp toàn bằng những bao cát, chống được róc két và cối 106,7 ly, anh em đỡ bị thương vong hơn. Đơn vị tiểu đoàn 4 đã trụ bám trong An Lộc được hơn một tháng thì có lệnh của trên bàn giao lại trận địa, nhanh chóng rút ra, hành quân cấp tốc xuống Kiến Phong, Kiến Tường (miền Tây Nam Bộ). Khi sang được đất Campuchia để xuống miền Tây, tim tôi như lên cơn đau thắt khi nhìn vào danh sách 43 liệt sĩ của đơn vị trong trận đánh vừa qua. Nỗi đau cứ dày vò tôi trong suốt cả một chặng đường hành quân từ miền Đông xuống tới miền Tây. Những hình ảnh của các anh trong những năm, tháng cùng chung chiến hào, cứ hiện về trong tôi làm sao tôi quên được. Anh Phạm Văn Cới quê ở Thái Thụy, Thái Bình anh nhập ngũ năm 1963 trước tôi một năm, tôi với anh cùng uống chung một dòng nước của con sông Trà Lý, lại cùng anh ở trong một trung đội ĐKZ của C12, D3, E174 ngay từ ngày đầu tôi mới nhập ngũ, anh rất hiền lành, cần cù chịu khó nên anh Thanh Tuyến, anh Lê Thanh Song (trung đội trưởng, trung đội phó, đặt cho anh cái tên “Chị Cới” rồi giao cho chị cả lo việc bếp núc, ăn uống của đơn vị. Suốt từ chiến trường Lào vào đến chiến trường Tây Nguyên, vào mùa mưa, mưa như trút nước, mưa hết ngày này sang ngày khác, hết tháng này sang tháng khác, đơn vị hành quân cấp tốc hết đêm rồi lại sang ngày, thế mà đến nơi nghỉ chân, chỉ sau 1 đến 2 giờ là anh nuôi đã đến tận từng hầm để thu bi đông để lấy nước rồi phát cơm nắm. Là người cùng quê, anh thường tâm sự với tôi về những phiên chợ Thượng, chợ Bái mà anh thường mang những cái rọ tôm tép, những cái dậm, cái thúng, mủng, dần, sàng mà anh đan lấy, mang lên bán, được cả vùng ưa chuộng làm anh rất vui, rồi anh lại thở dài, miệng lẩm bẩm (không biết mình đi rồi, có ai thay thế mình không nhỉ? Khi về chắc hẳn mình sẽ lại tiếp tục cái nghề ấy đấy!). Giờ đây thì thôi rồi, chợ phiên Bái Thượng sẽ mãi mãi vắng bóng anh vắng bóng những mặt hàng mà anh làm ra. Một quả bom đã làm cho con mất cha, vợ mất chồng, tôi mất đi người đồng đội, người đồng hương vô cùng thân thiết. Cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt, đồng đội của chúng tôi ra đi ngày càng tăng nhiều. Mỗi khi nghe tiếng nước suối chảy róc rách, tiếng mõ trâu lóc cóc rủ nhau về bản là tôi lại nhớ những người đồng đội, đã sinh ra và lớn lên trên miền rừng núi mà nay không còn nũa như anh: Phạm Thanh Tuyến, Hoàng Công Ét, Vì Văn Sinh, Nông Hồng Thắng, Bùi Văn Dũng, Lò Văn Xuân, Nông Văn Đầm, Ma Trọng Đạt. Chúng tôi không còn được quần tụ với các anh được nữa. Mỗi khi nhìn thấy hoa phượng nở, hoa gạo đỏ là tôi lại nhớ đến mùa hè, mùa của những ước mơ và hy vọng. Tôi lại nhớ đến những người đồng đội nhỏ tuổi như Định, Nghi, Soan, Lý, Huyền, Cầu, Sinh, Thành… Tất cả còn đang ngồi trên ghế nhà trường hoặc đang chuẩn bị bước vào giảng đường của các trường đại học, để ngày mai trở thành nhân tài của đất nước. Nhưng vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước các anh đã hy sinh anh dũng, chúng tôi xin được thắp nén nhang cầu nguyện cho linh hồn các anh được siêu thoát để hòa quyện với hồn thiêng sông núi mà thôi, xin vĩnh biệt các anh. Hà Nội, tháng 9 năm 2009. |