Tình đồng chí, tình quân dân

đăng 19:19 12 thg 5, 2013 bởi Nguyễn Thanh Truyền   [ đã cập nhật 01:23 18 thg 5, 2013 ]

                                                                                                                                                                               Huỳnh Thị Liêng

                                                                                                                                             Thành viên sáng lập BLL Hội bạn chiến đấu

                                                                                                                                                         CCB Sư đoàn 5 phía Bắc

Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Sư đoàn 5 miền Đông Nam Bộ - đơn vị 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang…”. Tôi xin kể lại câu chuyện mà 34 năm đã trôi qua, nhưng dư âm vẫn còn ghi mãi tình đồng chí tình quân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên mảnh đất thị trấn Thủ Thừa thuộc huyện Thủ Thừa tỉnh Tân An (Long An) quê hương “trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc”.

Câu chuyện xảy ra giữa 3 người lính tiểu đoàn 9 Trung đoàn 3 Sư đoàn 5 với một cán bộ nằm vùng tại ấp chiến lược Rạch Đào thị trấn Thủ Thừa là trọng điểm bình định của Mỹ Ngụy, mà ta và địch hàng ngày, hàng giờ luôn cọ xát với nhau. Hơn thế nữa để trấn áp lòng dân chia cắt với cách mạng bọn Ngụy quân, Ngụy quyền Sài Gòn đề ra khẩu hiệu “Ba sạch” bắt được Việt cộng tại nhà thì chúng giết sạch, phá sạch, đốt sạch nhằm để hăm dọa, rùn ép người dân không theo cách mạng.

Mặc dù bọn đế quốc và tay sai dùng đủ mọi thủ đoạn để đàn áp nhân dân và cách mạng, người dân Thủ Thừa càng dâng cao lòng căm thù Mỹ Ngụy sâu sắc, biến lòng căm thù thành hành động, càng nỗ lực đóng góp nguồn nhân lực và tài chính cho cách mạng, che giấu và bảo vệ cán bộ, chiến sĩ về công tác được an toàn, không để bị địch bắt, hoặc hy sinh khi gặp phải trong hoàn cảnh chiến đấu khốc liệt.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam nói chung, thị trấn Thủ Thừa nói riêng. Sư đoàn 5 được lệnh từ huyện Mộc Hóa về giải phóng huyện Thủ Thừa gồm trung đoàn 1, 2, 3.

Tại thị trấn Thủ Thừa, rạng sáng ngày 9 tháng 4 năm 1975, tiểu đoàn 9 Trung đoàn 3 Sư đoàn 5 do đồng chí Thái tiểu đoàn trưởng, đồng chí Sơn trung đội trưởng trinh sát, đồng chí Khánh chính trị viên đại đội cùng 6 chiến sĩ vượt sông Thủ Thừa vào ấp chiến lược Rạch Đào, nơi đây là nơi Mỹ Ngụy gom dân từ các xã Mỹ Lạc, Mỹ An Phú, Long Ngãi Thuận… nên nhà đông đúc, phải sống trong vòng kìm kẹp của địch và cũng là đường đi vào xóm cầu Tu Cửu, các anh đào công sự sẵn sàng chiến đấu…

Chốt thứ hai từ ấp chiến lược Nhà Dài qua cầu treo cũ tại Chùa Bà Thiên Hậu khoảng 1 tiểu đội. Tại đây bọn tề, Ngụy đi ăn sáng, uống cà phê, lúc đầu bọn chúng tưởng lính đi hành quân về nhưng khi chúng nhìn kỹ lại thấy bộ đội ta đội nón cối, mang dép râu, vác súng AK và B40 chúng tuôn chạy về chi khu quận báo tin là Việt cộng tấn công. Bọn chúng cố thủ tại chi khu Thủ Thừa và kêu chi viện, phi, pháo yểm trợ… số còn lại chưa qua sông phải chịu một ngày phi pháo nằm dưới ruộng lúa và nhân dân… Tại đây anh em bộ đội vào nhà dân, đục tường thông từ nhà này sang nhà khác, cố thủ và đánh trả. Chốt này anh em chiến đấu anh dũng, bọn chúng không vào được, vì anh em ở trong nhà bắn ra sau cùng chúng dùng bom napan thiêu hủy nhà dân gần một tiểu đội hy sinh.

Còn lại anh Thái, Sơn, Khánh đi dọc theo mương ấp chiến lược Rạch Đào vào nhà dân xóm cầu Ông Cầu, đứng điều nghiên tại cửa ngõ nhà anh Sáu Sử. Lúc bấy giờ tại xóm Cầu Ông Cửu trẻ em và người già sơ tán ra đồng trống để tránh bom, nhà chỉ còn người trẻ ở lại. Anh Sáu Sử từ trong nhà nhìn ra ngõ thấy 3 anh đứng núp tại hai cây cột bê tông cửa ngõ, nên anh Sáu bò ra ngõ hỏi, các anh ở đây mà có chốt tiền tiêu tại Cầu Ông Cửu không? Các anh trả lời không có. Từ chỗ 3 anh đứng cố thủ chỉ cách bọn lính khoảng 2000 mét đường chim bay, vì buổi sáng bọn địch thấy ta qua sông, chúng biết là quân chủ lực nên không dám xông vào xóm Cầu Ông Cửu mà chỉ đi từ từ rồi rút về chi khu cố thủ.

Đứng trước tình hình trên anh Sáu Sử nhận định là 3 anh em bộ đội lạc đường, nên anh Sáu Sử dẫn 3 anh lội dọc theo rạch ông Cửu đến nhà tôi cách khoảng 1000 mét. Đến nơi tôi cùng gia đình đang đào công sự ngoài vườn vì xác định chúng sẽ hủy diệt nhà bằng bom napal khi chúng bị ta tấn công. Anh Sáu Sử đến trước gặp tôi báo là 3 anh đi lạc, tôi khoát tay cho anh Sáu Sử đi về. Tôi gặp 3 anh Thái, Sơn, Khánh tôi nói: “Gia đình tôi là dân tại chỗ, các anh an tâm, chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ an toàn và tìm cách đưa các anh về đơn vị.

Anh em du kích, lực lượng địa phương là nơi chạm mắt với kẻ thù hàng ngày, nên đã quen và thích nghi với địa bàn, tác phong nhanh nhẹn, chụp bắt kịp thời quy luật ruồng bố của địch, nên có kế hoạch phòng tránh địch rất dễ dàng.

Ba đồng chí Thái, Sơn, Khánh bị lọt vào vòng vây địch, sau khi được gia đình tôi bảo vệ an toàn tại nhà trong 5 ngày. Trong 5 ngày tôi cùng gia đình bố trí: ban ngày đưa các anh ra đám lá sau vườn trốn, ban đêm vào nhà ngủ, nếu nghe động như lính xét nhà 3 anh leo nằm trên máng xối nhà, khi yên mới kêu xuống.

Ngày đầu tiên ba giờ sáng, tôi thức dậy nấu cơm, cho các anh ăn, 5 giờ sáng ra vườn ngồi ở bụi ô rô, máy dầm, còn lá dừa nước chúng phát hoang để kiểm tra địa bàn, các anh phải chịu cảnh nước lớn, nước ròng, đầu đội trời, chân ngập nước. Ngày đầu tiên các anh không quen, mới 16 giờ các anh bỏ vị trí, lên vườn ngồi dụm 3 anh lại nhân dân tự vệ tập trung ở nhà đối diện để chuẩn bị đi tuần về đêm. Từ trong nhà nhìn ra thấy tình hình bất lợi cho các anh nếu số nhân dân tự vệ về trình báo lên trên đồn, đứng trước tình thế như vậy, tôi chạy ra vườn vo quần lội qua bến nhà bên cạnh chỗ anh em nhân dân tự vệ ngồi. Và nói với anh em tự vệ rằng, các anh từ miền Bắc vào để cùng giải phóng miền Nam, chẳng may trong trận chiến anh em đi lạc đường, chúng ta là dân nơi đây có trách nhiệm bảo vệ, nếu các anh em đi báo lính vào bắt hoặc bắn các anh chết, gia đình chị chết thì gia đình anh em cũng chết chung…. Anh em nhân dân tự vệ nghe lời tôi phân tích thấy đúng trả lời: Chúng cháu bị bắt buộc phải đi thôi, cô an tâm chúng cháu hứa là không làm gì các anh bộ đội đâu… Câu chuyện các anh gặp nhân dân tự vệ ấp đã giải quyết yên. Sau khi các anh vào nhà tắm rửa ăn cơm chiều xong, tôi mời 3 anh lại tôi nói: “Các anh là bộ đội, tôi là dân tại chỗ cố tìm cách bảo vệ các anh an toàn, cho nên tôi bố trí các anh ở đâu thì ở đấy, mấy giờ tôi ra hiệu các anh mới được rời khỏi vị trí vào nhà, sự việc xảy ra lúc chiều nếu tôi không lanh trí qua trấn an anh em nhân dân tự vệ, thì tánh mạng các anh làm sao còn tồn tại trước khẩu hiệu 3 sạch của bọn Ngụy quân, Ngụy quyền Sài Gòn… Nói xong 3 anh trả lời: Vì ngày đầu tiên chúng tôi chưa quen nắng và lạnh chịu cả ngày, vả lại thấy nhà chị là nhà ngói nhà tường quá lớn. Vì trước đây cũng có một số anh em lạc đường vào nhà dân, họ cũng cho ăn cơm, sau đó kêu lính đến bắt, nên anh em tôi có cảnh giác, chị nói như vậy 3 anh em tôi rút kinh nghiệm cho các ngày còn lại, qua ngày thứ 2 các anh thực hiện đúng quy định…

Từ ngày thứ nhất đến ngày thứ năm tôi cùng gia đình đã chăm lo ăn, ở cho 3 anh em an toàn. Đến ngày thứ sáu tức ngày 14 tháng 4 năm 1975 chị Sáu Sữa mới đến nhà tôi, tôi báo cho chị rõ có 3 anh bộ đội lạc đường, anh Sáu Sử dẫn đến nhà tôi, tôi cùng gia đình bố trí 3 anh ăn ở được an toàn cho đến hôm nay chờ chị đến để bố trí đưa các anh về đơn vị.

Buổi tối ngày 14 tháng 4 năm 1975 tôi và gia đình cùng với chị Sáu Sữa bàn tính làm thế nào để ba anh về đơn vị an toàn. Tôi mới đề xuất cách cải trang như người dân bình thường để đưa ra vùng giải phóng.

Anh Thái người cao lớn, nước da đen, tôi lấy áo bà ba trắng, quần đen, đội nón cói trắng giả làm ông nông dân đi đám giỗ, còn anh Sơn nước da trắng có dáng thư sinh tôi lấy quần tây xanh, áo sơ mi trắng ôm cặp táp giả làm cậu học sinh cấp 2 đi học về, đặc biệt ở anh Khánh dân Nghệ An nên giọng nói khó nghe, phải giả làm con người chủ ghe bị bệnh câm.

Thống nhất phương án cải trang trên, đúng 5 giờ sáng ngày 15 tháng 4 năm 1975 là giờ mà bọn lính đi tuần đường đã về đồn cả, tôi bơi xuồng đưa chị Sáu Sữa cùng anh Thái qua Rạch Ông Cửu phía sau nhà tôi chị Sáu Sữa cùng anh Thái đi bộ khoảng 2000 mét trên cánh đồng, đến ấp chiến lược bờ Kinh có xuồng máy đón trên sông Thủ Thừa đi thẳng về rừng tràm Tân Đông về đơn vị.

Còn anh Sơn và anh Khánh độ 7 giờ sáng xuống ghe của dì Hai Ảnh và dượng Tám Phối về vườn cũ ở Văn Kinh, Mỹ Phước sông Vàm Cỏ Tây, thuộc xã Mỹ Lạc Thạnh huyện Thủ Thừa, 2 anh Sơn, Khánh cũng về đơn vị an toàn cùng ngày trên.

Do Trung đoàn 3 Sư đoàn 5 khi vào Thủ Thừa và các huyện lân cận như Bến Lức, Tân Trụ…, không có tăng, pháo chi viện chưa kịp thời nên ngày 9 tháng 4 năm 1974 có tiêu hao lực lượng…

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 trung đoàn 1, 2, 3 Sư đoàn 5 cùng lực lượng tăng, pháo mở đường từ rừng tràm Tân Đông kéo thẳng xuống thị xã Tân An vào huyện Thủ Thừa với nhiệm vụ:

Trung đoàn 3 giải phóng Thủ Thừa, trung đoàn 1, 2 chiếm thị xã Tân An, Bến Lức nhằm chặn đường chi viện từ Sài Gòn về miền Tây và ngược lại.

Đứng trước sự tấn công như vũ bão và thần tốc của bộ đội Sư đoàn 5, bọn tề Ngụy Sài Gòn tan rã, quăng súng, cởi quân phục, chỉ mặc quần đùi ở trần chạy vào nhà dân để trốn. Lính Ngụy ở các đồn bót như Văn Thư, An Hòa, Rạch Đào, Nhà Bằng, Bờ Đỏ, Giếng Nước đều bỏ chạy…

Đúng 12 giờ trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 Trung đoàn 3 cùng huyện ủy, huyện đội và chi bộ một thị trấn Thủ Thừa vào tiếp quản chi khu Thủ Thừa, chi cảnh sát, chi thông tin Chiêu Hồi…

Hai lá cờ mà huyện ủy Thủ Thừa chỉ đạo cho chi bộ một thị trấn Thủ Thừa chuẩn bị do tôi cùng anh Sáu Sử may hơn một năm, nay được treo trên nóc chi khu Ngụy Thủ Thừa nay là Ban Quân Quản huyện Thủ Thừa và trên nóc đồn Giếng Nước phất phới tung bay, đánh dấu ngày tàn của đế quốc Mỹ và tay sai Ngụy quân Ngụy quyền Sài Gòn, đem lại ước mơ cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân miền Nam nói chung thị trấn Thủ Thừa nói riêng.

Khoảng 13 giờ cùng ngày cả 3 anh Thái, Sơn, Khánh đến nhà ông bà Bảy Dùng tại 194 Khu C ấp Rạch Đào thị trấn Thủ Thừa cảm ơn gia đình đã đùm bọc cưu mang trong những ngày cam go ác liệt.

Ngày hôm sau vào lúc 9 giờ ngày 1 tháng 5 năm 1975 một cuộc hội ngộ bất ngờ giữa cô gái giả dạng thường dân tại chỗ, lại là cô cán bộ nằm vùng ngồi trên loa kêu gọi anh em binh sĩ, Ngụy quân Ngụy quyền ra trình diện với anh tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 9 Nguyễn Đình Thái đang giữ chốt tại ngã ba Đình Ảnh nằm trên quốc lộ 4 nay là quốc lộ 1 ngã rẽ vào huyện Thủ Thừa đang làm nhiệm vụ chặn xe từ Sài Gòn về miền Tây để kiểm tra..

Xe dừng lại tôi bước xuống xe hỏi các anh bộ đội, ai chịu trách nhiệm chốt này, một chiến sĩ trả lời thủ trưởng Thái. Tôi nói cho tôi xin gặp đồng chí chỉ huy. Độ 10 phút sau thủ trưởng Thái đến, tôi bắt tay anh, tiểu đoàn trưởng Thái quá ngỡ ngàng khi gặp tôi, anh nhìn tôi chăm chăm và nói trưa qua 3 anh em có vào nhà cảm ơn gia đình nhưng không gặp… Tôi nói tiếp anh tiểu đoàn trưởng ơi – có nhìn ra ai không? Có phải cô gái hôm nào có giọng nói lạnh lùng với câu: “Các anh là bộ đội, tôi là dân địa phương bố trí ở đâu các anh phải ở đó, khi có tín hiệu mới được rời vị trí vào nhà”. Chắc các anh giận lắm phải không?

Nghe tôi nói vậy thủ trưởng Thái với nụ cười tươi như để thay câu trả lời rằng, nói có hơi nặng nhưng không bao giờ giận, mà lại còn ghi mãi hình ảnh đêm ngày 9 tháng 4 năm 1975 xem như một kỷ niệm trong đời.

Cuộc hội ngộ nào cũng phải chia tay, tôi chào các anh em bộ đội và anh Thái rồi nói anh cho anh em mở đường cho xe của đội tuyên truyền chúng tôi tiếp tục làm nhiệm vụ.

Thế rồi thời quân quản công việc ai nấy làm và cuối năm 1976 đơn vị sư đoàn 5 về đóng ở Tây Ninh, rồi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra. Ba anh Thái, Sơn, Khánh tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ quốc tế và ngày 5 tháng 2 năm 1979 anh Thái, lúc đó là tham mưu trưởng trung đoàn đã anh dũng hy sinh trên đất bạn Campuchia, lần lượt anh Sơn, anh Khánh cũng hy sinh… Ba anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, khi đã trải qua cuộc chiến tranh đánh đuổi đế quốc Mỹ, cam go ác liệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng các anh chưa tận hưởng ngày hòa bình trọn vẹn với gia đình, thì phải một lần nữa tạm chia tay cha, mẹ, anh em và đồng chí mình đi làm nhiệm vụ quốc tế ở đất bạn Campuchia một chuyến đi xa và mãi mãi không về…

Mặc dù câu chuyện đã xảy ra 34 năm nhưng tôi coi đó là một kỷ niệm sâu sắc trong tình quân dân tình đồng chí, nó luôn nhắc nhở tôi dù gặp hoàn cảnh nào trong nhiệm vụ giữ nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng phải cố gắng vươn lên để vượt qua không bao giờ chùn bước để xứng đáng với những đồng chí mình đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

Năm 1996 tôi được Quận ủy và UBND quận Ba thành phố Hồ Chí Minh, bố trí Giám đốc Công ty thương mại vật tư.

Đầu năm 1999 tôi có dịp ra Hà Nội làm việc với lãnh đạo và cán bộ công nhân viên khách sạn Bàn Cờ tại 87 Nguyễn Thái Học quận Ba Đình, Hà Nội. Tôi có một sự suy nghĩ làm thế nào tổ chức họp mặt với cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 5 tại miền Bắc, những người đã từng đổ xương – máu cho mảnh đất miền Nam nói chung thị trấn Thủ Thừa nói riêng – xuất phát từ tình thương yêu kính trọng của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam với các anh bộ đội miền Bắc và cũng thực hiện câu “Uống nước nhớ nguồn và chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước ta”.

Những ngày đầu tháng 2 năm 1999, tôi cùng 2 anh em tại khách sạn Bàn Cờ đi Nam Định tìm trung úy Trần Quang Trọng mà trong những ngày quân quản đã kết nghĩa anh chị em hiện về phục viên tại huyện Hải Hậu. Từ 6 giờ sáng đến 13 giờ mới tìm đến xã mà Trung úy Quang Trọng ở, tôi được anh em hướng dẫn tôi tìm đến nhà, vừa bước vào nhà tôi nhận ngay được Trọng còn Trọng không nhận ra tôi, nhưng khi tôi cười Trọng mới nhận ra, hai chị em gặp nhau mừng ra nước mắt, rồi hỏi thăm nhau qua 21 năm xa cách kể cho nhau nghe những đổi thay của thị trấn Thủ Thừa những đổi thay của anh trung úy từ khi về đời thường…

Trong bữa cơm chung vui với gia đình anh, nhân ngày gặp lại sau bao năm xa cách, tôi nêu ý định muốn tổ chức cuộc họp mặt tại khách sạn Bàn Cờ, Trọng nghe đồng ý ngay vì là đúng nguyện vọng của một số anh em sư đoàn 5 ở phía Bắc. Bữa cơm xong chúng tôi chia tay ra về và mời Trọng cùng chúng tôi ra Hà Nội để bàn bạc tiếp. Sáng hôm sau, Trọng dẫn tôi đến nhà Ngọc lúc đó là cán bộ của Bộ Thương binh xã hội, chị em tay bắt mặt mừng, tôi nói lên ý định tổ chức họp mặt tại khách sạn Bàn Cờ vào ngày 30 tháng 4 nhằm kỷ niệm 21 năm ngày giải phóng miền Nam trong đó có huyện Thủ Thừa. Nghe xong Ngọc tán thành ngay và anh chị em phân công: Trọng chịu trách nhiệm mời anh em ở Nam Định và các tỉnh lân cận, Ngọc mời anh em tại Hà Nội. Qua gần 2 tháng chuẩn bị 3 anh chị em chúng tôi tổ chức được cuộc họp mặt tại khách sạn Bàn Cờ. Tôi cùng Trọng đến Thanh Hóa tìm được anh Ba Đằng – nguyên là chính ủy Trung đoàn 3 Sư đoàn 5, ngày 29 rước anh ra Hà Nội. Người thực hiện cuộc họp mặt trên gồm có tôi, anh Quang Trọng, anh Ngọc và được sự hỗ trợ của một số anh chị em tại khách sạn Bàn Cờ.

Họp mặt đầu tiên tại khách sạn Bàn Cờ là ngày 30 tháng 4 năm 1999 với sự tham dự của anh Ba Đằng nguyên chính ủy Trung đoàn 3 Sư đoàn 5 lúc giải phóng Thủ Thừa, anh Nguyễn Văn Thùy – chỉ huy trưởng tỉnh đội Hưng Yên, đại tá Lương Quý Mão ở tỉnh Thái Bình, đại tá Chuẩn và đại tá Tâm Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, đại tá Minh – Phòng Tài vụ Quân khu 3, anh Chọn Phó bí thư thành phố Hải Dương, anh Thoan – Sở Thương binh xã hội tỉnh Hải Dương và anh Đạt Hà Nội v.v…. và nhiều anh em khác khoảng gần 30 người, đặc biệt có nhà báo cựu chiến binh Việt Nam tại Hà Nội là anh Bùi Đình Nguyên.

Qua 21 năm anh em được gặp lại sự vui mừng không sao kể xiết, tay trong tay, tay bắt mặt mừng. Từ đó mới biết được hoàn cảnh từng người để có sự hỗ trợ trong cuộc sống và trong công tác…

Năm 2000 tiếp tục tổ chức cử anh Nguyễn Văn Thùy làm ban liên lạc lâm thời, trong cuộc họp kỳ 2 anh em đến đông gấp 3 và bầu ra một ban liên lạc chính thức do Thượng tá Nguyễn Thanh Truyền công tác tại Vụ vũ khí – Tổng cục công nghiệp quốc phòng đảm nhiệm chức trưởng ban.

Sau cuộc họp mặt tôi cùng Truyền và một số anh trong ban liên lạc về xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình quê hương của anh Nguyễn Đình Thái.

Sáng sớm của một ngày tháng 5 năm 2000 chúng tôi đi Ninh Bình đến cầu Yên rẽ vào tìm Ủy ban nhân dân xã Ninh Vân để về gia đình anh Thái. Tại đây, chúng tôi được anh Nguyễn Đình Đoàn là anh em với anh Thái, hướng dẫn đến nhà anh Thái. Đến nơi được biết cha mẹ anh Thái đã qua đời và cả vợ con anh cũng ra đi mãi mãi chỉ còn người anh cả là Nguyễn Đình Mạnh ở lại căn nhà do bố mẹ để lại, anh Mạnh gọi 2 người em gái về cùng các cháu. Anh Truyền báo với gia đình có chị Tám Liêng ở Thủ Thừa người đã cứu anh Thái khi anh đưa quân vào chuẩn bị chiến trường và bị lạc đường. Chị Tám Liêng cùng anh em tôi đến thăm gia đình. Anh Mạnh mời anh em ở lại chơi và ăn với gia đình một bữa cơm xem như em Thái về thăm gia đình. Thấy sự nhiệt tình của gia đình chúng tôi ở lại dùng bữa cơm, khi ăn cơm xong ngồi uống nước anh Mạnh nói tôi có chuyện này không biết có nên nói với các anh chị không? Đây là lời của cha mẹ tôi lúc qua đời có dặn với tôi, với giá nào cũng mang hài cốt em nó về. Lúc sống không được gần cha mẹ thì chết cũng phải về gần, vì lúc cha mẹ còn sống không có điều kiện đem về. Nghe anh Mạnh nói cả đoàn đều rơi nước mắt, rồi anh đưa tên họ, quê quán, năm sinh, ngày hy sinh nằm ở nghĩa trang huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh, ngôi mộ nằm ở hàng thứ mấy do anh em công tác chung với Thái mang về báo cho gia đình. Tôi trả lời cùng anh Mạnh tôi cố gắng liên hệ để xác định đúng nơi anh Thái nằm xuống, vì tôi là dân chính không rõ quy định của bộ đội, có kết quả tôi báo ngay cho Ban liên lạc Sư đoàn 5 tại Hà Nội để thông báo cho gia đình. Khi tôi đi công tác Hà Nội về đến thành phố Hồ Chí Minh ngày hôm sau tôi đến cư xá Lam Sơn quận Gò Vấp nơi đại tá Huỳnh Văn Xuyên (anh Ba Xuyên) là chính ủy sư đoàn 5 trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Tôi báo cáo với anh Ba Xuyên nguyện vọng của gia đình anh Thái là muốn đem hài cốt về Ninh Bình. Tôi nói với anh Ba Xuyên từ đây đến Tây Ninh em biết còn đi nữa em không rành đường. Anh Thái là lính của anh lúc hy sinh anh Thái là tham mưu trưởng Trung đoàn.  Nghe xong anh Ba nhận lời ngay và hẹn sáng hôm sau 7 giờ sáng tôi ghé rước anh Ba đi Tây Ninh đến nghĩa trang huyện Tân Biên tìm kiếm. Hai anh em đến nghĩa trang Trại Bì nhưng vừa cải táng về nghĩa trang đồi 82 gồm 3 đơn vị: Cục dân y, Bộ Công an và mặt trận 479. Tôi cùng anh Ba Xuyên đi vào nghĩa trang tìm nhưng không biết tìm ở đâu vì rộng quá, nhưng người chăm sóc nghĩa trang chỉ đến ban quản lý nghĩa trang để được hướng dẫn. Đến nơi chúng tôi cung cấp tên tuổi năm sinh, năm hy sinh, quê quán… Sau 10 phút tra cứu trong sổ quản lý, ban quản lý nghĩa trang tìm thấy vị trí đặt hài cốt anh Thái, hai anh em mừng quá. Hỏi thủ tục chuyển hài cốt về quê Ninh Bình, các anh giải thích, theo đúng nguyên tắc hài cốt đem về nghĩa trang đã quản lý thì không được bốc đi, nhưng do tình cảm gia đình anh em đồng ý cho lấy hài cốt anh đem về quê nhưng tên tuổi và mộ vẫn để nguyên. Gia đình muốn thực hiện phải làm đơn và được Phòng thương binh xã hội đồng ý anh em sẽ giải quyết.

Tôi và anh Ba Xuyên mừng quá chào các anh quản lý nghĩa trang, chúng tôi về và xin số điện thoại để liên lạc. Kết quả trên tôi về điện báo cho Ban Liên lạc Sư đoàn 5 để báo tin cho gia đình anh Thái biết để đáp ứng đủ các yêu cầu quy định của Ban quản lý nghĩa trang. Qua 4 tháng chuẩn bị mọi thủ tục tháng 9 năm 2000 gia đình anh Thái cử ông bác, anh cả và đứa cháu ruột vào Tây Ninh. Ban Liên lạc Sư đoàn 5 phía Bác báo ngày giờ tàu đến tôi ra ga Hòa Hưng đón đưa về nhà khách T67 của quân khu 7 nghỉ. Tôi báo với anh Ba Xuyên anh liên lạc vớ Phòng chính sách Quân khu 7 và hẹn ngày hôm sau đi Tân Biên Tây Ninh lấy hài cốt. Đúng 7 giờ sáng Phòng chính sách Quân khu 7 cử 1 trung tá và 2 chiến sĩ cho 1 xe Jeep và tôi cùng anh Ba Xuyên đi xe đơn vị đi thẳng lên nghĩa trang đồi 82, gia đình cùng Ban quản lý nghĩa trang làm thủ tục bốc hài cốt anh Thái rồi về thẳng Phòng chính sách Quân khu 7 để làm thủ tục như cấp tiền tàu xe cho gia đình từ Ninh Bình vào thành phố Hồ Chí Minh và mời gia đình dùng bữa cơm chiều. Sau đó cho xe đưa hài cốt ra ga Hòa Hưng về Ninh Bình. Tại ga Hòa Hưng hài cốt lên xe lộ trình đến mấy giờ ngày nào về tới ga Ninh Bình thì có Ban liên lạc sư đoàn  5, huyện Hoa Lư, xa Ninh Vân ra đón tiếp đúng như đón một người con của gia đình và một đồng chí trở về quê hương đúng theo nghi lễ. Và đây cũng là nghĩa cử của những người còn sống đối với những người đồng chí đã ngã xuống cho quê hương và cũng an ủi được phần nào của những bậc sinh thành trước khi lâm chung vẫn còn trối trăn căn dặn…

Comments