Đại tá Mai Đức Tảo Sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, ở các tỉnh miền Bắc có tàu hỏa chạy qua, nhất là tại sân ga Hàng Cỏ - Hà Nội, người từ các tỉnh đổ về rất đông, để kiếm tìm người thân từ chiến trường miền Nam trở về. Trên tay các bà, các mẹ, các bác đều mang theo một đóa hoa tươi. Họ theo dõi rất sát các chuyến tàu hỏa từ Vinh ra Hà Nội. Họ chắc trong chuyến đó sẽ có người thân của mình. Họ kiên trì chờ đợi, có người may mắn hơn, chỉ trong một ngày đã nhận được: Chồng, cha, con mà thân thể vẫn còn nguyên vẹn hoặc có người thì chỉ mất đi một cái chân, một cái tay hay có người thì chỉ bị một phần cơ thể; song dẫu sao niềm vui sum họp của họ cũng đã được toại nguyện, nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều người đang ở trong tình trạng phấp phỏng chờ mong. Có người đợi mãi không gặp được người thân, họ đã đem bó hoa đặt dưới chân cột điện trên sân ga và trở về trong niềm vô vọng. Lúc này trời đã tối, nhà ga đã lên đèn mà người thì vẫn còn rất đông, họ chẳng biết đi đâu về đâu, họ đành ngồi tựa lưng vào các dãy ghế dành cho khách của nhà ga, để đợi các chuyến tàu tiếp theo. Rồi vào lúc nửa đêm hôm đó, nhà ga thông báo: Tại đường tàu số 3 chuẩn bị đón chuyến tàu từ Vinh vào sân ga… một cái tin thật sốt dẻo, khiến mọi người đổ xô về đoạn đường tàu số 3, trong chuyến tàu này có rất nhiều bộ đội, tôi và đồng chí Phạm Văn Vân ngồi cùng một dãy ghế, chúng tôi trở nên thân quen nhau từ lúc mua vé ở nhà ga xe lửa Sài Gòn đi Hà Nội. Tôi là bộ đội ở sđ 308, quê ở Sơn Tây, còn đồng chí Vân là cán bộ tiểu đoàn 4, Trung đoàn 174, sư đoàn 5, miền Đông Nam Bộ. Anh bị thương nay được trở ra Bắc, quê anh ở Hà Nội, anh đã báo cho người nhà ra sân ga đón. Con tàu vừa dừng bánh, chúng tôi chuẩn bị đeo, xách hành lý để xuống tàu, khi cả hai chúng tôi vừa thò đầu ra khỏi toa xe, bất ngờ tôi trông thấy một thiếu phụ, tay cầm một bó hoa, chạy lại ôm chặt lấy anh Vân và kêu: Mai Tiến Thụ anh yêu của em! Có phải anh Thụ của em đây không? Chị vừa hỏi vừa kéo tay cháu bé đến trước mặt anh Vân và bảo: Đây là đứa con trai của anh, nó tên là Thư, anh đã để lại từ Mộc Châu cho em…! Người thiếu phụ này cứ nói liến thoáng với anh Vân như vậy và khẳng định: Anh Vân là Mai Tiến Thụ - là chồng yêu của chị. Hành động đó của người thiếu phụ khiến anh Vân cứ đứng ngẩn người ra và không biết phải ăn nói như thế nào cho phải…! Một lúc sau, người thiếu phụ này hình như đã hồi tâm lại và nói với anh Vân: - Vậy là đã 8 năm rồi còn gì, kể từ đầu năm 1967 cho đến nay là tháng 5 năm 1975, đơn vị của anh Thụ và anh Vân từ đất Lào về Mộc Châu – Tây Bắc để tổng kết rút kinh nghiệm. Sau đó đơn vị cho đi phép, rồi lại tiếp tục đi B. Lúc đó, tôi làm công nhân ở hạt Hai – đường số 6 – đoạn Mộc Châu, mỗi lần anh Thụ dẫn bộ đội đi tập, anh hay ghé vào chỗ chúng tôi uống nước. Tôi quen anh Thụ từ đó, anh rất hiền lành và dễ thương – anh bảo: Anh yêu tôi, anh nói thật chứ chẳng văn hoa gì mà sao tôi cũng cảm thấy mến anh ấy và yêu anh đến vậy. Trước khi về phép anh bảo tôi, quê anh ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cũng cùng một huyện với tôi, anh còn bảo: Anh có bố mẹ già yếu, để bố mẹ yên tâm, em lên cơ quan xin phép để về làm đám cưới một thể. Vậy là tôi nghe anh, đám cưới thời chiến được tổ chức đơn giản, cưới xong chúng tôi lại lên trả phép đúng hạn. Đồng chí Vân ngắt lời thiếu phụ hỏi: Xin lỗi chị có phải là chị Thâu công nhân hạt Hai đường số 6 đoạn Mộc Châu không ạ? Chị Thâu trả lời: Vâng, đúng là tôi. Còn anh là Vân, cán bộ Tiểu đoàn 4 với anh Thụ. Nếu tôi không lầm thì anh và anh Thụ đều cao to như nhau và cả hai đều có bộ râu quai nón và mái tóc của anh Thụ cũng xoăn như mái tóc của anh, chính vì những nét giống nhau cơ bản này mà ảo giác của tôi cho anh là anh Thụ; đã thế khi trả phép lên đơn vị, tôi và anh Thụ chỉ ở với nhau được 7 ngày, nếu kể cả từ ngày cưới, chúng tôi chỉ được sống gần nhau chưa đầy một tháng trời. Do đó không thể tránh khỏi sự nhầm lẫn, mong anh thông cảm cho. Vừa lúc đó người nhà anh Vân cho xe ra đón, anh Vân bảo với chị Thâu: Chuyện thì còn nhiều lắm, tôi về nhà dăm hôm rồi sẽ về thăm chị và cháu, chị cho tôi biết địa chỉ? Tôi ở xã Vũ Lạc huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình. Anh Vân đi rồi chỉ còn lại tôi và mẹ con chị Thâu. Sáng mai tôi ra bến xe Kim Mã mua vé đi Sơn Tây là quê hương của tôi. Trước khi chia tay tôi, chị Thâu bảo: Anh đã nghe rõ câu chuyện của tôi – anh Vân và anh Mai Tiến Thụ, tuy anh Vân còn giấu tôi, nhưng trong linh cảm tôi đã thấy có chuyện dữ. Anh cũng là một người lính, mong anh nhận giúp tôi bó hoa này. Và tôi cũng không tiện từ chối những dòng nước mắt của một người vợ liệt sĩ. Ba ngày hôm sau, anh Vân về Thái Bình thăm mẹ con chị Thâu, chị Thâu giờ nghỉ hưu tại quê để chăm sóc cha mẹ và nuôi con ăn học. Đất nước thống nhất, chị hy vọng anh sẽ trở về nhưng hôm nay chỉ có một người bạn chí thân của anh về thăm chị, anh Vân nhớ lại: Hồi ở Mộc Châu, trời rét như cắt ruột, mỏ mù ở hang Trùng phun khói ra dày đặc, hai người đứng cách nhau vài mét cũng không rõ mặt nhau, ấy vậy mà cứ bắt đầu từ 5 giờ 30 phút sáng, trưởng ban tác chiến Trung đoàn Mai Tiến Thụ đã nổi còi dọc doanh trại để đôn đốc bộ đội dậy tập thể dục, hay khi đánh Hứa Mường và Mường Hàm ra bên nước bạn Lào, Trung đoàn ĐKZ, chúng tôi cùng với C10 do anh Thụ chỉ huy, chúng tôi phòng ngự trên một quả đôi, bất thần vào lúc 1 giờ sáng có một con gấu rơi vào một chiến hào, quân ta tưởng địch nổ súng, con gấu bỏ mạng, ngay từ tờ mờ sáng đã thấy anh Thụ xách một bi đông rượu pha với mật gấu, anh chạy khắp các chiến hào, anh bắt anh em chúng tôi ai cũng phải uống một phần hai nắp bi đông, anh bảo: Uống đi, uống để lấy sức cho ngày mai còn đánh sang Hồng Lộn – Xiêng Khoảng!... Còn một kỷ niệm cũng thật khó quên, đó là: Anh chị mới quen nhau khoảng 3-4 ngày thế là đã dẫn nhau về nhà làm đám cưới, khi hết phép về đơn vị tập trumg, chúng tôi ở trong doanh trại, bang ngày anh chỉ huy đơn vị luyện tập, tối về anh chị sống hạnh phúc trong chiếc lán nhỏ còn thơm mùi cỏ tươi và ở đây anh chị đã để lại bé Thư bây giờ! Ngồi nói chuyện với mẹ con chị Thâu, anh Vân không muốn báo đến chị cái tin dữ này, song anh Vân đã thấy được bản lĩnh của người công nhân thời chiến, chị Thâu tất cũng hiểu rõ cái quy luật nghiệt ngã về sự hy sinh trong chiến tranh, anh Vân nghĩ: Trước sau rồi mẹ con chị cũng rõ anh Thụ hy sinh, anh thoáng nhìn vẻ mặt chị Thâu, anh thấy rõ những nét buồn và những nếp nhăn trên khuôn mặt chị. Tuy chị không khóc thành tiếng nhưng trong khóe mắt của chị, có chỗ đã đọng thành giọt. Anh Vân bắt đầu kể: Chiến dịch Đắc Tô I mở đầu cho chiến dịch mùa khô 1967 ở Tây Nguyên. Lúc đó, Mỹ đã trực tiếp đổ quân vào miền Nam. Mục tiêu của bộ đội ta là phải tiêu diệt được từ một đến hai tiểu đoàn lính Mỹ để khẳng định: Chúng ta có đủ khả năng đánh thắng giặc Mỹ, chiến dịch được thực hiện bằng chiến thuật “Chốt kết hợp với đánh vận động” đây là chiến thuật độc đáo, táo bạo của trung đoàn 174 do Trung đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy đề xuất. Vào 10 giờ sáng ngày 12 tháng 11 năm 1976 anh Thụ được cấp trên giao chỉ huy C11, chặn đánh địch từ điểm cao 845 mò sang bao vây đồi Yên Ngựa. Anh Thụ đã thực hiện một trận đánh ngoài công sự, quân ta và quân địch tận dụng từng gốc cây là chướng ngại vật để quần nhau, quân ta thì nhỏ con lại thành thạo kỹ thuật lăn lê, bò toài nên thắng lợi, quân địch bỏ chạy, anh Thụ cho bộ đội ta truy kích đến sát điểm cao 845 thì máy bay địch đến bỏ bom trùm lên cả đội hình quân ta và quân địch, anh Thụ đã hy sinh anh dũng…! Chúng tôi đã thay quần áo cho anh, vuốt mắt và nắn chân tay cho anh, đơn vị đã tổ chức lễ truy điệu và phát động học tập cách đánh dũng cảm và táo bạo của anh! Chị Thâu ạ, là đồng đội, đồng chí của anh, chúng tôi sẽ trở lại chiến trường xưa để mang hài cốt của anh về cho chị và cháu. Để thực hiện nguyện vọng này anh Vân đã dành dụm số tiền trợ cấp thương tật của anh và anh đã ba lần khoác ba lô vào chiến trường Tây Nguyên, anh đã tìm được mộ của 30 đồng chí, trong đó có tiểu đoàn trưởng – Trưởng ban tác chiến Mai Tiến Thụ.
|