Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

đăng 19:14 12 thg 5, 2013 bởi Nguyễn Thanh Truyền   [ đã cập nhật 01:25 18 thg 5, 2013 ]

                                                                                                                                                              Bùi Văn Kể

                                                                                                                                    Nguyên chiến sỹ E6, F5

Sau khi ký Hiệp định Paris năm 1973 so sánh lực lượng giữa ta và địch đang ở thế cài răng lược. Về phía ta, chủ trương của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là hòa hợp dân tộc một chủ trương được cho là rất phù hợp với mọi nhà, mọi người. Nguyễn Văn Thiệu – Tổng thống Việt Nam cộng hòa hô hào không hòa hợp dân tộc mà chủ trương mở chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” càn quét hòng xóa đi thế da báo. Hồi ấy đại bộ phận Sư đoàn 5 nằm ở Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang ngày nay). Địch lấn chiếm đây thì ta đánh ngoài ra còn kết hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích bao vây, cô lập các tua, đồn bốt tiền tiêu. Vùng giải phóng không những được giữ vững mà còn mở rộng. Cuối năm 1973, cả đội hình sư đoàn được lệnh rút về hậu cứ ở Tây Ninh củng cố và chỉnh quân chỉnh cán. Lúc này ta có rất nhiều thuận lợi về địa bàn hoạt động, tinh binh, tinh cán.

Đầu tháng 3 năm 1974, cả sư đoàn được lệnh hành quân xuống vùng Đức Huệ, Long Khốt (Long An). Qua mấy trận chiến ác liệt, Trung đoàn 1 bao vây chi khu Tuyên Nhơn, Trung đoàn 174 tấn công Long Khốt, Trung đoàn 6 tấn công giải phóng Trà Cao. Đầu tháng 4 năm 1975, Trung đoàn 6 được lệnh cấp trên chuẩn bị đánh Gò Măng Đa tiền đồn của chi khu Mộc Hóa. Bỗng dưng cấp trên tạm dừng trận đánh, Trung đoàn 6 quay trở lại, hành quân chọc thẳng xuống chi khu Thủ Thừa. Hai trung đoàn của Sư đoàn 5 là Trung đoàn 174 và trung đoàn 1 đánh thẳng xuống chi khu Tuyên Nhơn, bao vây thị xã Tân An, kết hợp với Sư đoàn 8 quân khu 9 chốt chặn ngã ba Trung Lương không cho địch từ Mỹ Tho, Cần Thơ về Sài Gòn chi viện.

Đội hình Trung đoàn 6 hành quân vượt qua bao kênh rạch, sình lầy hai ngày, hai đêm đã tiếp cận gần chi khu Thủ Thừa tới kênh Bà Miều. Lúc này một số tháp canh tiền tiêu của địch phát hiện, chúng gọi pháo binh bắn dữ dội vào đội hình ta, tuy nhiên do biết lợi dụng địa hình địa vật và chuẩn bị công sự sẵn sàng chiến đấu kịp thời nên đơn vị không có thương vong gì. Trời cũng vừa lúc tang tảng sáng, một bộ phận đi đầu của đại đội 6 đã vào sát chợ chi khu. Loạt đạn AK đầu đã diệt tốp lính tuần tra. Thế là chiến sự xảy ra khu vực giữa chợ và chi khu. Tuy nhiên địch có ưu thế về phòng thủ vững chắc lại được hỏa lực chi viện tối đa của không quân và pháo binh, các chiến sĩ ta chiến đấu rất dũng cảm song vì lực lượng quá mỏng, lực lượng chi viện chưa tới kịp. Địch điên cuồng bao vây, cả đội hình đại đội 6 bị xé lẻ, đánh từng căn nhà. Qua hai ngày đêm chiến đấu, mười chiến sĩ ta hy sinh.

Hôm đó là 20 tháng 4 năm 1975 chúng tôi được tin: Bộ chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh để giành toàn thắng, ở mặt trận chúng tôi gồm tây và Tây Nam Sài Gòn cấp trên gọi là quân đoàn 232. Cùng ngày, nghe tin địch chiếm ở Xuân Lộc, Long Khánh đông Sài Gòn. Về phía Bắc, ta tấn công vào đại bản doanh sư đoàn 5 Ngụy ở Lai Khê, Bến Cát. Về phía Tây Bắc Sài Gòn Sư đoàn 316 chốt chặn quốc lộ 13 và tấn công vào chỉ huy sở sư đoàn 25 bộ binh Ngụy ở Đồng Dù, Củ Chi. Ở mặt trận chúng tôi, địch điều sư đoàn 22 ở miền Trung về. Trung đoàn 6, anh Tám Luông là Trung đoàn trưởng và anh Ba Đằng là chính ủy, được lệnh cấp trên để một bộ phận cầm chân địch ở chi khu còn đại bộ phận bọc qua cắt quốc lộ 4 đoạn từ Bến Lức đi Tân An, chặn đứng sư đoàn 22 Ngụy. Qua các đợt tấn công mãnh liệt của ta về cơ bản đã chặt đứt các sư đoàn mạnh nhất của quân Ngụy Sài Gòn như Sư đoàn 18, Sư đoàn 25, và sư đoàn 5. Tuy nhiên ta tổn thất không phải là nhỏ, cấp trên cho dừng lại để bổ sung quân số, vũ khí và lương thực chuẩn bị cho một trận quyết chiến cuối cùng.

Trong lúc này, Ngụy quyền Sài Gòn hô hào thành lập cái gọi là “Chính phủ liên hợp”, Pháp đứng ra làm trung gian, một số đài phương Tây đưa tin là hơn một trăm hai mươi ngàn quân Cộng sản dừng lại xung quanh Sài Gòn để chờ một tân chính phủ liên hợp.

Ngày 26 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Văn Thiệu – Tổng thống Ngụy Sài Gòn sau khi lên truyền hình và đài phát thanh trách móc Mỹ bỏ rơi đã xa chạy cao bay. Ngày 27 tháng 4 năm 1975 anh Tám Luông và anh Ba Đằng đi sát với các tiểu đoàn, giữ vững thế bao vây và cắt quốc lộ 4. Buổi tối, chúng tôi nằm ở vườn chuối tây Thủ Thừa, vừa canh gác, vừa giữ một lượng lớn tù binh địch. Đêm chiến trận gọi là ngủ, nào có yên, rải lá chuối bên miệng hố cá nhân, pháo binh ta, pháo binh địch đan chéo ngược chiều nhau xoẹt qua đầu, những quả đạn A12, H12, ĐKB của ta từ đầm lầy vút lên với tiếng rú ghê rợn nhằm vào căn cứ hải quân Bến Lức, chi khu Tân An, súng vẫn nổ dữ dội suốt ngày 28 tháng 4. Tảng sáng ngày 29 tháng 4, chúng tôi vẫn “ăn” một đợt pháo của địch, anh em nhảy xuống hầm sát đìa ngâm mình dưới nước, ban đêm vẫn nghe tiếng pháo tầm xa 130mm của ta pháo kích sân bay và các căn cứ của địch, cùng ngày nghe tin không quân ta ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên chúng tôi vẫn theo dõi sát thông tin bên chiếc đài bán dẫn, một người bạn đồng hành không thể thiếu, đài địch vẫn tuyên truyền chiến thắng này nọ vẫn bám lấy luận điệu thỏa hiệp và nói hơi khiêm tốn gọi là phía bên kia chiến tuyến để hòng vớt lại hơi thở thoi thóp. Sáng 30 tháng 4 năm 1975, tiếng súng vẫn còn nổ khắp nơi. Mùa khô miền Nam vẫn cái nắng chói chang, trời trong xanh, phóng tầm nhìn đến tận chân trời. Chúng tôi mỗi người một nắm cơm ăn với lạc rang muối gọi là bom bi. Tuy tay chân lấm mà ăn vẫn ngon. Đúng 11 giờ 30 phút Dương Văn Minh, tổng thống Ngụy tuyên bố đầu hàng không điều kiện, tất cả anh em chúng tôi nhảy lên ôm chầm lấy nhau, mừng ra nước mắt. Hòa bình rồi! Độc lập rồi. Lúc này tiếng súng im bặt, chỉ riêng H12 của ta vẫn rú qua đầu chúng tôi, nhằm vào đám tàn quân bỏ chạy, 14 giờ cùng ngày, các chị, các cháu chống xuồng đón chúng tôi vào ấp, tất cả đều ở nhà cơ sở cách mạng, buổi chiều sau bữa cơm đạm bạc, các ông già xách đèn măng sông mang rượu màu đi tìm chúng tôi. Các chị các mẹ liệt sĩ đăm chiêu trìu mến vui buồn lẫn lộn.

Sáng hôm sau, ngày 1 tháng 5 chính quyền lâm thời hình thành, các loa truyền tin kêu gọi Ngụy quân, nhân viên Ngụy quyền ra trình diện.

Lúc này việc xây dựng chính quyền cơ sở được đặt ra, một số anh em được cử xuống làm cố vấn giúp đỡ mạng lưới chính trị non trẻ này.

Chiến thắng này làm tô thắm ngọn cờ cách mạng với sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ, công lao này là xương máu của bao chiến sĩ đồng bào cả nước, tiến tới xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam mãi trường tồn.

Comments