Nguyễn Văn Bạch Nguyên Phó sư đoàn trưởng chính trị - Sư đoàn 5 Mùa khô 1984 – 1985, cục diện tình hình Campuchia đã có những biến đổi quan trọng. Lực lượng “Liên minh ba phái” Khơ me phản động lâm vào thế lúng túng, bị động, mâu thuẫn nội bộ ngày càng gay gắt. Nắm thời cơ chiến lược, Ta và Bạn chủ trương mở chiến dịch tổng tấn công mùa khô 1984 – 1985 trên toàn tuyến biên giới Campuchia – Thái Lan, đánh vào các căn cứ sào huyệt của các phái Khơ me phản động, tạo thế và lực mới để Bạn tiến lên giành thắng lợi quyết định trong cuộc chiến tranh cách mạng, xây dựng đất nước. Thực hiện chủ trương trên, tháng 10 năm 1984, Bộ tư lệnh mặt trận 479 quyết định phối hợp cùng Bạn mở chiến dịch biên giới mùa khô 1984 – 1985, đồng loạt tiến công các căn cứ chỉ huy trung ương 3 phái. Quyết tâm của chiến dịch là dùng lực lượng chủ lực của Ta và Bạn lần lượt tiến công đánh chiếm các căn cứ đầu não, căn cứ quân sự của cả 3 phái địch, tiêu diệt và làm tan rã bộ phận lớn sinh lực, thu kho tàng vũ khí và phương tiện chiến tranh của chúng trên tuyến biên giới, triệt phá căn cứ lõm, cắt đứt hành lang vận chuyển của chúng trong nội địa, tạo điều kiện và góp phần xây dựng tuyến phòng thủ của Bạn ở biên giới. Nhiệm vụ của sư đoàn 5 trong chiến dịch là tiến công tiêu diệt hai căn cứ đầu não địch là căn cứ “S4” (bao gồm chỉ huy sở sư đoàn 519 và 4 trung đoàn 401, 403, 405, 408 Pôn Pốt) trên tuyến biên giới vùng cao điểm 171, với số quân trên 500 tên. Và căn cứ “S5” gồm cơ quan Bộ Tổng tham mưu và các phân khu (tương đương trung đoàn) 202, 203 của Srây Ka. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nặng nề trong chiến dịch quan trọng này, Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn 5 đã tập trung mọi nỗ lực để chuẩn bị cho các trận đánh thắng lợi. Tại cuộc họp Đảng ủy sư đoàn, đồng chí Trung Tướng Tư lệnh QK7 Nguyễn Minh Châu trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đảng ủy sư đoàn “bằng mọi giá sư đoàn phải đánh thắng giòn giã trận này”. Sau hội nghị Đảng ủy sư đoàn, các cấp từ trung đoàn đến đại đội đều tiến hành mở hội nghị cấp ủy, hội nghị quân chính quán triệt nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm đến mọi cán bộ, chiến sĩ để mọi người dân chủ bàn bạc, đóng góp sáng kiến khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ giữa tháng 10/1984, các phân đội trinh sát của sư đoàn và các trung đoàn, liên tục luồn sâu bám sát nắm tình hình, quy luật hoạt động và điều tra mục tiêu, vị trí phòng ngự của địch. Tiểu đoàn 25 công binh tích cực sửa chữa cầu, làm đường bảo vệ tuyến để các đơn vị vận tải chuyển trang bị vũ khí về vị trí tập kết chuẩn bị chiến đấu tại Cần Đôn. Các điểm tựa của trung đoàn 689, trung đoàn 16 ở biên giới ngày đêm liên tục theo dõi và sẵn sàng chiến đấu khi địch có hoạt động đánh phá kế hoạch chuẩn bị của ta. 5 giờ 20 ngày 18/11/1984, sư đoàn 9 – quân đoàn 4, tăng cường cho Mặt trận 479 đánh chiếm căn cứ địch ở Nọng Chan mở đầu chiến dịch. Các đơn vị sư đoàn 5 bí mật hành quân đưa lực lượng về vị trí tập kết chuẩn bị tiến công căn cứ sư đoàn 519 Pôn Pốt ở Prey – mon, một trong các mục tiêu quan trọng nằm trong tuyến Poi Pét – Seang Đăngcum – Âmpin. 5g40 ngày 25/12/1984, sư đoàn nổ súng tiến công. Sau 20 phút pháo bắn chuẩn bị, trung đoàn và trung đoàn 16 của sư đoàn chia làm hai cánh tiến công căn cứ 403 và trung đoàn 405 của địch từ phía tây nam và đông nam. Trung đoàn 174 đánh mũi vu hồi từ phía bắc và tây bắc vào sở chỉ huy sư đoàn 519 của địch. Trung đoàn 16 khắc phục những bãi mìn dày đặc của địch, kết hợp dùng mìn ĐH10 để phá và dò mìn, khai thông cửa mở đưa xe tăng ta đột kích. Lợi dụng công sự phòng ngự, địch chống trả quyết liệt. Trận đánh kéo dài đến 11 giờ trưa ngày 25/12, quân ta chiếm sở chỉ huy địch và hoàn toàn làm chủ trận địa. Kết quả ta diệt và bắt sống hơn 80 tên, bắn bị thương nhiều tên khác, thu gần 100 súng các loại và một kho đạn. Phát huy thắng lợi, bước vào đợt 2 của chiến dịch, sư đoàn được tăng cường trung đoàn 271 (sư đoàn 302 của MT479) và trung đoàn 5 (sư đoàn 286) của Bạn cùng 5 xe tăng, 6 khẩu pháo 130 ly. Nhiệm vụ của sư đoàn là thực hành tiến công đánh chiếm căn cứ Âmpin, sở chỉ huy tối cao (Bộ Tổng tham mưu) của lực lượng SrâyKa. Lực lượng bảo vệ căn cứ địch gồm 2 phân khu 202, 203 và một tiểu đoàn, quân số chung có khoảng 5.000 trên. Trước các hoạt động của ta từ đầu mùa khô và các đợt tấn công mở đầu chiến dịch, quân địch đã dự đoán khả năng bị ta tiến công nên tổ chức phòng ngự khá chặt chẽ, thành nhiều tuyến, hệ thống công sự hầm hào vững chắc, liên đoàn. Ở các hướng có khả năng xe tăng ta tiến công, chúng bố trí nhiều bãi mìn chống tăng kết hợp các chướng ngại vật, có nơi chúng cho đóng hàng bãi cọc gỗ ngăn cản xe tăng ta cơ động. Từ ngày 1 đến 6 tháng 01 năm 1985, địch liên tục đưa tin bộ binh, xe tăng, pháo binh ta đang áp sát Âmpin… Đây là trận đánh mà địch đã biết và chuẩn bị đối phó từ trước. Song với quyết tâm giành thắng lợi, lập thành tích thiết thực kỷ niệm lần thứ 6 ngày nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng (7/1/1979 – 7/1/1985) các đơn vị của sư đoàn đã vào vị trí sẵn sàng chờ lệnh. Đúng 6g30 ngày 7/1/1985 lệnh tiến công bắt đầu. Pháo binh ta từ các hướng bắn cấp tập vào tất cả các mục tiêu trong căn cứ địch. 7g15, pháo chuyển làn. Trên hướng chủ yếu, trung đoàn 16 và trung đoàn 4 cùng xe tăng, thiết giáp ta nổ súng tiến công. Trung đoàn 4 cùng đại đội 6 xe tăng do đồng chí Nguyễn Văn Thành chỉ huy đột phá, nhanh chóng đánh chiếm căn cứ phân khu 203 địch. Trung đoàn 16 chiếm phân khu 202 và phát triển đánh chiếm căn cứ sở chỉ huy Bộ Tổng tham mưu Srây Ka. Trung đoàn 689 tiến công từ hướng nam và trung đoàn 174 cùng trung đoàn 5 của Bạn đánh từ hướng bắc xuống, tiếp tục tiếp cận mục tiêu, tạo thành thế bao vây chặt căn cứ. Lợi dụng công sự vững chắc, địch phản kích quyết liệt. Hướng trung đoàn 689 tiểu đoàn 212 nhiều anh em bị thương vong, đại đội xe tăng phối thuộc bị hỏng hai chiếc. Mặc dù có khó khăn, song chỉ huy sư đoàn kiên quyết đưa lực lượng dự bị của trung đoàn 689 vào tiến công khép chặt thế bao vây, đồng thời lệnh cho trung đoàn 174 do đồng chí Bùi Đức Trần chỉ huy tích cực phát triển đánh chiếm sườn phía bắc tây bắc. Đến 9g30, tiểu đoàn 9 trung đoàn 16 do tiểu đoàn trưởng Vũ Tiến Nhâm thọc sâu đánh chiếm một phần phía nam sở chỉ huy Bộ Tổng tham mưu địch, tạo điều kiện cho trung đoàn 4 đánh chiếm hoàn toàn mục tiêu. Đại bộ phận quân địch rút chạy về hướng tây, sang đất Thái Lan. Sáng ngày 8/1, các trung đoàn thực hiện truy quét tù binh, thu vũ khí. Đến 11g30 ngày 08/1/1985 ta làm chủ hoàn toàn khu vực căn cứ Âmpin. Kết quả trận đánh này, sư đoàn loại khỏi vòng chiến đấu trên 500 tên địch, thu 633 súng các loại, đánh chiếm toàn bộ căn cứ quan trọng của địch, góp phần xứng đáng cùng toàn Mặt trận giành thắng lợi to lớn trong chiến dịch. Đây là trận đánh thắng lợi to lớn và quan trọng nhất trong 7 năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia và là trận đánh hiệp đồng binh chủng, đầy đủ thứ hai, sau trận tiến công chi khu quân sự ngụy ở Lộc Ninh trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, đánh dấu sự trưởng thành của sư đoàn. Đặc biệt, có sự phối hợp chiến đấu với lực lượng chủ lực của Bạn thành công góp phần vào sự trưởng thành trong chiến đấu, chiến dịch của lực lượng vũ trang bạn. Với thành tích trong chiến dịch mùa khô 1984 – 1985, sư đoàn 5 đã được Đảng, Nhà nước ta tặng Huân chương Hồ Chí Minh, được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất. Các trung đoàn 174, 4, 16 các tiểu đoàn 1 – trung đoàn 4, tiểu đoàn 7 và 9 – trung đoàn 16, tiểu đoàn 4 và 5 – trung đoàn 174, đều được tặng Huân chương chiến công. Đây cũng là một trong những chiến công vẻ vang nhất trong quá trình làm nhiệm vụ quốc tế giúp Bạn của sư đoàn 5. |