Những trận đánh ở Đồng bằng Sông Cửu Long

đăng 18:40 12 thg 5, 2013 bởi Nguyễn Thanh Truyền


                                                         Hồi ức của Đại tá Phan Trung Thứ -

                                                                               Nguyên Tham mưu phó E3, F5.

Tôi là Phan Trung Thứ, nguyên là tham mưu phó trung đoàn Ba – Sư đoàn 5 – miền Đông Nam Bộ. Tôi nhập ngũ tháng 10 năm 1963, được huấn luyện ở đại đội 61 trinh sát thuộc quân khu Tả Ngạn. Năm 1966 tôi được đi đào tạo lớp Trung đội trưởng 6 tháng. Đến năm 1967 ra trường. Năm 1969 tôi chuyển về trung đoàn 2 Hải Hưng, là Trung đội trưởng của trường Hạ sỹ quan. Năm 1969, tôi chuyển về Tiểu đoàn 622 Hải Hưng huấn luyện quân đi B.

Tháng 1 năm 1970 tôi cùng tiểu đoàn đưa quân vào Nam với cương vị là Trung đội trưởng. Sau 5 tháng hành quân theo đường Trường Sơn vào đến miền Đông Nam Bộ, tôi được bổ sung về Đại đội 11 – Tiểu đoàn 3 – Trung đoàn 1 – Sư đoàn 5. Về đây tôi được giao làm Trung đội phó vì ở ngoài Bắc tuy là Trung đội trưởng nhưng cấp quân hàm mới là thượng sỹ. Khi vào Nam được phiên cấp là B bậc phó (Trung đội bậc phó). Tôi nghĩ mình mới vào, cấp trên phân công là trung đội phó càng có điều kiện học hỏi anh em đã chiến đấu hơn mình. Những năm đó, tôi đã tham gia một số trận chiến đấu ở biên giới, đều hoàn thành nhiệm vụ và được cấp trên giao Trung đội trưởng. Đến đầu tháng 3 năm 1971 tôi được giao từ Trung đội trưởng lên Đại đội trưởng (vượt cấp không qua cấp đại đội phó).

Ngày 18 tháng 3 năm 1971 được lệnh đi nghiên cứu đánh trận phục kích Phum Xăng. Đại đội tôi được chọn là đơn vị khóa đầu trong đội hình Trung đoàn. Sáng ngày 19 tháng 3 năm 1971, địch đi vào trận địa của đại đội. Chúng tôi cùng các đơn vị nổ súng tấn công chặn địch lại. Các đơn vị bạn tấn công bên sườn phía sau. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt kéo dài từ 8 giờ sáng đến khoảng 4 giờ chiều (16 giờ) cơ bản đã tiêu diệt gần hết bọn địch. Riêng phía trước trận địa địch còn khoảng 30 tên. Lợi dụng đội hình chúng co cụm để chống trả ta. Lúc này tiêu diệt ra lệnh khẩn trương tiêu diệt toàn bộ quân địch. Tôi phân công từng đồng chí cán bộ đại đội xuống các trung đội để xốc lại lực lượng và đồng loạt tấn công quân địch. Đại đội tôi đã bao vây được lực lượng còn lại của địch kết hợp tấn công và gọi địch ra hàng. Chỉ sau 30 phút chiến đấu chúng tôi tiêu diệt một số địch, bắt được 16 tên tù binh Ngụy. Trước trận đánh Tiểu đoàn có phát động phong trào thi đua: Đơn vị nào bắt được 5 tên tù binh sẽ được thưởng một chiếc đài bán dẫn. Hôm đó, đại đội tôi bắt được 16 tên tù binh nhưng vì thiếu đài nên tiểu đoàn  mới thưởng có một chiếc. Đấy là trận đầu tôi đảm nhiệm chức vụ Đại đội trưởng. Sau trận này lại đại đội tôi được Chính phủ tặng thưởng huân chương chiến công hạng Ba. Sau trận 19 tháng 3, đơn vị về đóng quân ở rừng cao su gần Sanun – Campuchia. Mười bảy ngày sau (ngày 6 tháng 4 năm 1971) địch từ Sanun càn ra các vùng xung quanh. Trung đoàn Ba nhận lệnh tấn công địch. Nghe tiếng súng nổ gần chỗ đại đội tôi đóng quân, tôi xin ý kiến Tiểu đoàn, được Tiểu đoàn đồng ý cho đại đội tôi xuất kích. Bất ngờ đại đội tôi tấn công bên sườn địch, chúng bị dồn xuống khu đầm lầy. Chỉ sau một giờ chiến đấu chúng tôi kết hợp với Trung đoàn Ba đã tiêu diệt toàn bộ quân địch. Đại đội tôi bắt được 12 tên tù binh trong đó có một tên là Đại đội trưởng, thu được 16 khẩu súng các loại và hai máy vô tuyến điện.

Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng Đại đội tôi cùng với tiểu đoàn và các đơn vị bạn đã đánh thắng hai trận bắt 28 tên tù binh.

Qua hai trận thắng lợi ròn rã như vậy, đơn vị đều được cấp trên thưởng Huân chương. Sự đánh giá, động viên kịp thời đó càng thôi thúc anh em chiến sĩ hăng say lập thêm nhiều chiến công mới.

Tháng 6 năm 1972, tôi được cấp trên điều động từ Tiểu đoàn Ba – Trung đoàn Một sang làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bảy – Trung đoàn Ba – Sư đoàn Năm tham gia chiến đấu ở thị xã Bình Long, sau đó được lệnh hành quân về miền Tây Nam bộ.

Ngày 20 tháng 6 năm 1972 về đóng quân tại Cai Lậy – Cái Bè thuộc Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Thời gian này phong trào cách mạng miền Nam đã rất lớn mạnh. Các tỉnh miền Tây từ Long An đến Tiền Giang, ngoài những bộ phận dân cư phải sống trong các ấp chiến lược từ thời Ngô Đình Diệm bị kiểm soát, còn lại đồng bào ta sống tự do xen kẽ theo mô hình: ngày của địch, đêm của ta. Địch quy định người dân khi đi ra khỏi nhà phải mặc áo trắng, đội nón trắng. Lợi dụng việc đó, một số cán bộ trinh sát của ta để nắm tình hình địch cũng chèo ghe thuyền như những người nông dân thực thụ, chỉ có cái tiếng Bắc thì không dấu được nên mọi chuyện mua bán, vận chuyển lương thực, vũ khí chúng tôi đều dựa vào dân. Các má, các chị Miền Tây Nam Bộ thật sự là điển hình tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam “anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Suốt những tháng năm chiến tranh, không biết đã bao nhiêu lần các má, các chị lặn lội vào các ấp chiến lược mua lương thực, thực phẩm, quần áo, vật dụng; mua thuyền, ghe; chở vũ khí tiếp tế cho bộ đội. Khi đó chúng tôi hầu hết hành quân bằng xuồng, cứ ba bốn người một xuồng mà có đến hơn hai trăm chiếc được cất dấu rải rác ở các kênh rạch. Nhiều đêm anh em phải dấu thuyền, ém quân dọc bờ kênh để tránh địch đi càn phát hiện. Tại đây, anh em đã phát minh ra một loại giường độc đáo, đó là đắp đất ở bờ kênh, đập cho phẳng sau đó trải nilon, rồi trải tấm bạt hoặc chiếc chiếu một, cắm bốn cái cọc để mắc màn cá nhân là có thể ngủ ngon lành. Chắc chắn chỉ trong chiến tranh người ta mới sáng tạo ra loại giường như vậy. Nằm trên chiếc giường đất chỉ cách mép nước 5 đến 10 cách mạng cảm nhận cái mát lạnh của giường đất dưới lưng, ngủ êm ái để ngày mai còn chiến đấu. Những chàng lính chiến ngửa mặt nhìn lên bầu trời đầy sao, gió mơn man mát rượi, mùi bùn đất hăng hắc, nồng nàn rất riêng của đồng tháp Mười, càng thấy thú vị. Những ngày trong chiến tranh vẫn có những phút lãng mạn thần tiên như vậy. Bọn địch không ngờ có những ngày chỉ huy sở tiểu đoàn chúng tôi đặt ở cứ của khu du kích chỉ cách đồn của địch từ 300 đến 400 mét.

Ngày 05 tháng 7 năm 1972, chúng tôi nhận lệnh đánh vây ép và tiêu diệt đồn Chà Là thuộc Cai Lậy – Mỹ Tho. Đồn Chà Là do một đại đội địch đóng nằm giữa ngã ba kênh Bằng Lăng và kênh Chà Là. Sau 5 ngày vây ép, tấn công liên tục, ngày 10 tháng 7 quân ta tấn công, địch bị tiêu diệt một số, số còn lại ra đầu hàng. Ta bắt 23 tù binh, thu 27 súng các loại. Lần đầu tiên đơn vị chúng tôi bắt được tù binh ở mặt trận đồng bằng.

Từ ngày 18 đến 20 tháng 7 năm 1972 nhận nhiệm vụ đánh đồn Cầu Gián trên kênh Băng Giấy. Đây là khu đồn trọng yếu trong hệ thống đồn bốt ở Cai Lậy. Chúng tôi chưa thuộc địa hình, cần phải đưa trinh sát để điều tra hệ thống bố phòng của địch. Chỉ huy tiểu đoàn họp tại nhà của má Tám, sau khi họp xong, thấy chúng tôi băn khoăn, má Tám hỏi:

-  Tao nghe thấy tụi bay sáp đánh đồn Chà Là, tao vui lắm. Tao thấy tụi bay còn băn khoăn gì đó?

Tôi đành nói thật với má Tám:

-  Má có cách nào đưa tụi con đến gần đồn ban ngày không?

Má Tám hỏi:

-  Để làm chi?

Tôi trả lời:

-  Để tụi con xem nó bố phòng thế nào?

Má nói:

-  Việc đó tụi bay không phải lo, má sẽ cho mấy đứa giả đi thả lưới bắt cá. Còn bên trong đồn, bữa trước bọn Ngụy mượn của má ít xoong nồi nấu ăn, để má vào đòi rồi “trinh sát” cho. Nói là làm, má Tám đi ngay vào đồn địch lân la nói chuyện với bạn lính Ngụy. Lúc trở ra má vứt mấy cái nồi sang bên, ngồi xụp xuống đất dùng cành cây vẽ chi tiết sơ đồ bố phòng của địch, má còn nhớ chính xác có bao nhiêu ụ súng, lô cốt, hàng rào… Nhờ có má Tám trinh sát mà trận đó quân ta đánh thắng rất dễ dàng, không có thiệt hại về người.

Thời gian chiến đấu ở Đồng Tháp Mười, chúng tôi có những kỷ niệm rất vui, đến bây giờ dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng chắc chắn các đồng chí tham gia mặt trận hồi ấy vẫn không thể không nhớ. Chẳng là lúc đó tiểu đoàn được cấp trên tăng cường một số vũ khí hiện đại gồm tên lửa đất đối không A72 để bắn máy bay trực thăng; tên lửa bắn mặt đất B72. Hôm ấy khi quân ta đánh đồn Chà Là thì rất nhiều lính ngụy ở đồn trên đường 12 cách đó 1km đứng trên nóc hầm để xem đồn Chà Là bị đánh, không ngờ lính ta chỉnh tên lửa B72 cao quá, khi rơi gần sát đồn trên đường 12 làm bọn ngụy hoảng hốt tưởng bị đánh liền tháo chạy. Thật ngẫu nhiên từ việc sai sót về kỹ thuật lại mang về thắng lợi lớn, anh em vui mừng vô cùng. Sau thắng lợi này càng vững tin vào khả năng chiến đấu của đơn vị.

Ngày 27 tháng 1 năm 1973 Hiệp định Paris có hiệu lực, hai bên tạm ngừng bắn. Ta và địch chỉ cách nhau một dòng kênh. Hàng ngày nhìn nhau đi lại, tiếng nói từ phía đối phương rõ mồn một nhưng không bên nào tỏ thái độ thân thiện. Cả hai bên cùng cắm cờ giữ đất ngay sát Quốc lộ 4.

Tháng 11 năm 1973 tôi được đi dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua quân giải phóng miền Nam. Sau đại hội Bộ tư lệnh Quân giải phóng miền Nam cử một đoàn gồm anh hùng chiến sĩ thi đua quân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc. Đồng chí đại tá anh hùng Tạ Quang Tỷ - người được mệnh danh “Đại đội trưởng chặn đầu khóa đuôi “làm trưởng đoàn; Bác sĩ quân y Hoài Nam – người Hà Nội là phó đoàn. Tôi vinh dự được là thành viên của đoàn; anh hùng Hồ Soi – dân tộc Vân Kiều (cả dân tộc này mang họ bác Hồ); đặc biệt có chị Sáu là nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn tôi không biết tên thật và các anh chị ở khắp các vùng miền nam bộ.

Sau đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua ấy, tôi được cấp trên cử đi học trung cấp một năm. Năm 1976 ra trường, tôi được phân công về làm tham mưu phó Trung đoàn 88 – A2 – Sư 2 mặt trận 479 nhận nhiệm vụ trở lại biên giới Tây Nam, tham gia chiến đấu giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Đến năm 1980 hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, tôi được phong hàm thiếu tá Trung đoàn trưởng và được ra Hà Nội học tại học viện quốc phòng. Những năm cuối của cuộc đời binh nghiệp, tôi công tác ở các sư đoàn 301, 432, 350 là sư đoàn trưởng Sư đoàn 395 quân khu Ba hoạt động ở vùng Quảng Ninh.

Năm 1993 tôi là đại tá Tỉnh đội trưởng tỉnh Nam Hà, đồng thời là Thường vụ tỉnh ủy, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Hà. Năm 1998 tôi nghỉ hưu, hiện thường trú tại nhà số 68 – đường Han Thuyên – thành phố Nam ĐỊnh.

Suốt đời tôi gắn bó với quân đội. Từ một thanh niên nghèo, được Đảng, Bác Hồ giác ngộ, bồi dưỡng, tôi dần trưởng thành từ nhận thức đến trình độ khoa học, nghiệp vụ quốc phòng. Có lẽ cuộc đời tôi tất cả niềm vui, nỗi buồn đều gắn chặt với những chặn đường chiến tranh giải phóng dân tộc. Tôi không thể nào quên được những kỷ niệm của Sư đoàn 5 anh hùng, nơi đã có biết bao đồng đội của tôi ngã xuống, nơi tôi được ăn những bát cơm nóng từ tay các mẹ, các chị miền Tây Nam Bộ, được ngủ những đêm chiến trường bên bờ kênh dưới bầu trời sao lấp lánh. Tôi tự hào là chiến sĩ của một sư đoàn hai lần vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

                                                             Tháng 12 năm 2009

                                                       Nguyễn Thị Sánh (ghi)

Comments