Những kỷ niệm khó quên

đăng 19:04 12 thg 5, 2013 bởi Nguyễn Thanh Truyền

                                                                                                                                                                                         Minh Ngọc

I. CUỘC HÀNH QUÂN LỊCH SỬ

Sau khi giải phóng Lộc Ninh Sư đoàn 5 hành quân về Bình Long trong khí thế quyết thắng nhằm phối hợp với Sư đoàn 9, Sư đoàn 7 và các đơn vị pháo binh phối hợp chiến đấu tiến đánh Bình Long, trong lòng mỗi chiến sĩ đều náo nức, rộn ràng. Bom đạn vô cùng dữ dội, ác liệt vẫn không cản được bước chân người chiến sĩ Quân giải phóng thừa thắng xông lên! Vòng vây của quân ta đang ngày càng xiết chặt. Địch trong thị xã An Lộc (Bình Long) đang ngày càng nguy khốn thì sư đoàn 5 được lệnh đột ngột rời khỏi Bình Long (tháng 5/1972) về biên giới Campuchia nhận lệnh đặc biệt: Cả sư đoàn hành quân xuống đồng bằng sông Cửu Long.

Tiến về đồng bằng! Ôi nghe sao dễ thương và xúc động! Những người lính Sư đoàn 5 đã quên chiến trận ở rừng núi, nay gấp về đồng bằng không thể hình dung được cuộc chiến đấu sẽ mới mẻ, lạ lùng và hấp dẫn như thế nào!

Từ Mi mốt (Công Pông Chàm) cả Sư đoàn theo quốc lộ số 7 hành quân dọc biên giới Việt Nam – Campuchia bằng xe honda. Cả Sư đoàn hành quân bằng xe Honda! Ngay đến bây giờ cũng không có cuộc đi nào với số lượng bằng cả sư đoàn lại đi bằng xe Honda. Những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể nào hình dung nổi. Cứ mỗi một xe Honda nam 90 phân khối kéo một cái rơ móc 2 bánh, trên chở 4 chiến sĩ. Mỗi chiến sĩ chỉ mang thêm một bộ quần áo trong ba lô, một khẩu súng, một băng đạn, hai kilogam gạo, ngoài ra không mang thêm gì khác. Mỗi xe do một người dân Campuchia điều khiển, họ chạy với tốc độ 60-70km/giờ. Cứ mỗi tiểu đoàn lại có một xe Uoát chỉ huy điều khiển hành quân. Ngồi trên xe tôi chỉ nghe thấy gió bay phần phật trên ve áo, mũ tai bèo hất ngược ra sau. Bên tai gió thổi vù vù. Trời cao xanh ngăn ngắt, thi thoảng có mấy dải mây trắng bay vùn vụt như hối hả đuổi nhau hay chạy đua với người lính trong cuộc hành quân lịch sử này. Xa xa những hàng cây thốt nốt hiền lành, rắn rỏi cứ vùn vụt lùi lại phía sau. Quá trưa đến điểm tập kết, được nghỉ ăn trưa rồi chuẩn bị xuống đồng bằng!

Cuộc hành quân của Sư đoàn bằng xe Honda là cuộc hành quân độc đáo kỳ lạ nhất trong lịch sử chiến tranh của Việt Nam từ trước đến nay, nó là một cuộc hành quân thần tốc, đầy tính sáng tạo của người Việt Nam, dựa vào tình hình phát triển và thực tế cách mạng của hai nước Việt Nam – Campuchia, động viên sức mạnh và tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc, Bộ chỉ huy sư đoàn 5 với ý chí quyết tâm đã thừa thắng xông lên, với tinh thần táo bạo, thần tốc, tổ chức cuộc hành quân có một không hai trong lịch sử vừa giải quyết nhanh chóng yêu cầu nhiệm vụ của trên vừa đảm bảo yếu tố bất ngờ làm kẻ địch bị động lúng túng. Sư đoàn 5 đã xứng đáng được tuyên dương 2 lần anh hùng. Mỗi chiến sĩ Sư đoàn thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của đơn vị mình.

II. MÙA NƯỚC NỔI

Xuống đồng bằng được vài tháng đã đến mùa nước rồi! Mùa nước nổi dưới đồng bằng thường đến rất nhanh. Mới đó trên các cánh đồng còn khô nứt nẻ mà bây giờ nước đã ngập trắng cả đồng, nhìn ra chỉ thấy mênh mông biển nước. Kênh đìa đầy ắp, ngầu đục phù sa. Đánh hơi được Trung đoàn 3 (Sư đoàn 5) địch tập trung nhiều lực lượng phối hợp quyết bao vây, tiêu diệt trung đoàn. Hàng ngày trên trời chúng cho máy bay trinh sát phát loa rêu rao, đe dọa, nào là: Trong vòng 3 tháng, Sư đoàn 9, Sư đoàn 7 sẽ quét sạch “Trung đoàn rau muống Bắc Việt” (biệt danh mà lính Ngụy đặt cho những người lính miền Bắc).

Quả thực mùa nước nổi quân ta gặp nhiều khó khăn hơn. Đi lại đều phải bằng xuồng. Xuồng cũng thiếu, hậu cần không cấp đủ cho bộ đội. Quân ta ở miền Bắc ít quen đi lại bằng xuồng, thậm chí có người còn chưa biết bơi. Vì vậy, trước việc cơ động trên phương tiện mới, những chiếc xuồng mỏng manh bập bềnh trên mặt nước, quân ta chệch choạng, ngả nghiêng như người say rượu. Những đêm hành quân đánh đồn, vây bốt, hay hành quân cơ động đều phải nhờ dân quân, du kích chở giúp. Một lần, tôi nhớ mãi một ông lão dân quân, cố hết sức để giữ chiếc xuồng khỏi chòng chành cho mấy anh em miền Bắc mới vào bước xuống, xuồng nghiêng ngả suýt ngã, động tác rất nặng nề, ông nói đặc giọng Nam Bộ:

-  Trời đất ơi! Tú tài 1, tú tài 2 gì mà bước xuống xuồng cứ chòng chành, chòng chành!

Dưới con mắt của người Nam Bộ, anh em ngoài Bắc có học vấn rất cao, nhiều người đã học hết lớp 9, lớp 12 (10/10) tức là Tú tài 1, Tú tài 2 mà không rành chuyện xuống xuồng, xuống ghe.

Chuyện tác chiến trong mùa nước nổi thì thật gian nan. Làm thế nào để khí tài không bị ướt, bị xịt, bơi xuồng, chèo xuồng phải thành thạo, nhiều chỗ phải tự bơi, tự lội ngon lành dưới nước. Thế rồi quân ta cũng quen hết. Trong một thời gian ngắn, quân ta biết bơi xuồng, chống xuồng đi lại thoăn thoắt, điệu nghệ chả kém gì du kích, dân quân.

Không khí những đêm đi vây đồn, nhổ bốt ở trong vùng giải phóng thật là náo nức, sôi nổi, rộn ràng. Trên những kênh rạch, mương máng chằng chịt ở Đồng bằng Nam Bộ, xuồng ghe đi lại như mắc cửi, tiếng gọi nhau ý ới, tiếng cười hể hả, tiếng cười đùa của nam nữ thanh niên vui nhộn. Chuyện kể của mấy ông già, mấy bác trung niên về trận đánh hồi chiều đầy những từ ngữ tượng thanh nghe rổn rảng sống động! Tôi còn chứng kiến một đêm đồng bào xem văn công trong vùng giải phóng. Ghe, xuồng đậu sát vào nhau tạo thành bãi nổi xuồng ghe, văn công biểu diễn trên mặt sàn năm, sau cái ghe ghép lại. Đồng bào ngồi xem im lặng như tờ, chỉ có tiếng xuýt xoa, khen ngợi. Buổi biểu diễn kết thúc, đồng bào dường như còn luyến tiếc, bơi vòng lên sân khấu tặng mấy đòn bánh tét, mấy trái cây cho đội văn công. Những đêm nghỉ ngơi cùng du kích cắm câu, giăng lưới kiếm cá về làm món nhậu đơn giản, lai rai vài xị đế mà vui đậm tình người, thấy họ đầy tính cách Nam Bộ: hồn nhiên và thẳng thắn, thân thiết làm sao!

Nếu mùa cạn “Rẽ cá mới thấy nước” thì mùa nước nổi lại “bắc chảo lên bếp rồi mới kiếm cá” không có gì lạ và đúng như vậy! Mùa nước, cá rô nhiều vô kể, ngồi nguyên một chỗ cũng câu được một, hai ký cá là chuyện thường. Chảo đặt lên  bếp chưa kịp sôi dầu thì đã câu được vài con cá. Tìm mồi câu cá còn khó hơn kiếm cá là vậy.

Thiên nhiên đồng bằng sông Cửu Long hiền hòa và ưu đãi nhiều với người dân Nam Bộ. Trung đoàn 3, Sư đoàn 5 ở hết mùa nước nổi, ký kết xong Hiệp định Paris 27/10/1973 cùng địa phương chống địch lấn chiếm, mở rộng vùng giải phóng tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho chính quyền cách mạng phát triển, làm cơ sở vững chắc cho các cuộc tấn công sau này. Sau đó cả Sư đoàn rút về miền đông để chuẩn bị xuống đồng bằng sông Cửu Long lần II tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam.

III. NẮM CƠM TÁC CHIẾN

Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3 bố trí chặn địch từ ngã 5. Bốt Chà Là vào theo kênh Một Thước và kênh Cả Gáo.

Theo kế hoạch, sau khi tiêu diệt quân địch, đơn vị sẽ rút qua kênh Kháng Chiến về phía kênh 10. Nhưng địch dường như đã đánh hơi được, chúng cho một mũi vòng sâu qua cánh đồng xã Mỹ Thành giữa Kênh Mười và Kênh Một Thước, tức là đánh vào sau lưng đơn vị. Trận đánh diễn ra rất căng thẳng, quyết liệt, giằng co, dai dẳng suốt từ sáng đến chiều. Địch tổn thất nhiều, nhưng chúng cậy quân đông ồ ạt tiến lên bao vây Trung đoàn bộ. Tiểu đoàn 9 vừa đánh chặn giải vây, vừa đưa một lực lượng lớn là Trung đoàn Bộ và thương binh rút về vùng an toàn. Như vậy không thể thực hiện theo kế hoạch cũ. Chỉ còn một phương án cuối cùng là rút qua kênh Cả Gáo và vượt kênh Bằng Lăng gốc về xã Hội Cư. Đây là phương án dự phòng không có khả năng xảy ra. Vì vậy đơn vị không có liên hệ trước với dân quân du kích bên này.

Suốt một ngày quần nhau với địch, nhịn đói và mệt lả, gần  tối cả đơn vị mới sang được xã Hội Cư. Vừa đặt chân tới nơi an toàn đã thấy các mẹ, các chị ríu rít trò chuyện và phát cho mỗi người một nắm cơm với một miếng thịt kho to tướng. “Sao mà nhanh vậy?” – Anh em vui mừng và ngạc nhiên hỏi. Nghe các má, các chị giải thích “Mấy lần rồi cứ thấy đánh nhau ở bên Mỹ Thành, thể nào mấy chú cũng rút về bên này. Mà chỉ có rút về bên này chứ không thể theo đường khác được nên mấy má, mấy chị nấu cơm chờ sẵn. Mấy má, mấy chị đã quen “tác chiến” như thế rồi, ăn lẹ đi kẻo đói!”

Chúng tôi ăn nắm cơm “tác chiến” của các má, các chị xã Hội Cư sao mà ngon thế! Ngon đến tận bây giờ.

                                                                           M.N

IV. NGƯỜI TIỂU ĐỘI PHÓ CỦA TÔI

Ngày ấy, khoảng giữa tháng 5 năm 1971, đơn vị đang ở Bình Long, anh Khi tiểu đội phó cùng mấy chiến sĩ của tiểu đội tôi đi công tác. Tôi nhớ là đi tải đạn do trinh sát tiểu đoàn dẫn đường. Đoàn đi độ hai chục người. Xuất phát từ chiều nhưng phải nhiều lần nép vào bìa rừng tránh máy bay trinh sát của địch. Đợi tối hẳn trinh sát mới dẫn đoàn đi theo đường bẻ cò (bẻ cây làm dấu). Rừng rậm, tối quá, cự ly, cách nhau chưa đầy nửa mét mà không nhìn thấy nhau. Chúng tôi phải lấy lá mục có lân tinh để trên đầu ba lô người đi trước rồi nhìn vào đấy bám sát đội hình. Đi vài chục bước, trinh sát lại đột ngột ghé tai từng người nói nhỏ nghe rợn cả tóc gáy: Bám sát vào, khẽ thôi, địch ở ngay cạnh đấy! Ai đó dẫm vào cành cây khô kêu “rắc” lập tức trinh sát lại đến véo vào người đó nhắc nhở. Tôi có linh cảm đoàn công tác đang lọt vào ổ phục kích của địch. Vừa nghĩ đến, chưa kịp hình dung nó thế nào, thì bỗng nhiên phía trước mặt sáng rực, chói lòa. Ánh sáng xanh lè làm khuôn mặt mọi người méo mó, biến dạng, đồng thời hàng loạt tiếng nổ chát chúa, đanh ròn, sát sàn sạt, nổ trên cao, nổ sát đất, nổ ngang người, nổ hất lên, nổ chụp xuống… Tôi đã từng là công binh kỹ thuật bom mìn, tôi biết đó là tiếng nổ của mìn Clây mo, mìn phát sáng, mìn nổ trên mặt đất, mìn nổ trên cao. Địch đã bố trí bãi mìn liên hoàn. Chúng tôi đã lọt vào ổ phục kích của địch. Mìn nổ vừa dứt thì hai khẩu đại liên bắn chéo cánh xẻ dữ dội, xả đạn về phía chúng tôi. Tôi đi giữa đội hình, trong ánh chớp kịp nhìn rõ: người ngã nhào lên, người dạt ngang, ngả nghiêng, nhốn nháo. Rồi bỗng nhiên im bặt, tối đen. Tôi bị thương vào đùi, sát bụng. Tôi cứ bám sát anh Tuyến về được đơn vị cùng với Nguyễn Văn Tùng, quê ở Kim Thành, Hải Dương. Đơn vị liền cử người đưa tôi và Tùng đi viện L.14. Vừa đến viện thì viện cũng vội vàng chạy càn. Tôi và Tùng đi theo viện sâu vào đất Campuchia. Tùng bị thương vào lưng. Vết thương miệng chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay nhưng sâu vào phổi. Tùng rất đau và khó thở cứ cố đi nghiêng nghiêng chứ không bắt đồng đội phải cáng. Hai ngày sau thì Tùng mất vì mảnh đạn vào sâu phía trong phá rách phổi.

Vào viện, tôi gặp Nguyễn Văn Thâm ở đại đội 8. Anh người Hà Nội, da trắng, dỏng cao, mũi rất thẳng. Anh đã học hết lớp 10 nhưng xung phong vào bộ đội. Anh bị thương do sức ép của bom b52. Hôm ấy, anh đang trên chòi canh gác trên ngọn cây cao 30m ở giữa rừng. bom B52 rải xuống nổ tung hất anh lên không trung rồi quăng anh vào chạc cây của chòi gác. Nằm vắt vẻo trên đó. Lúc ấy tưởng không làm cách nào đưa anh xuống được vì cây nhỏ và dây leo lên chòi gác đã bị bom phạt trụi hết rồi. Mãi sau mấy anh người dân tộc ở đơn vị tìm cách đưa được anh xuống, làm hô hấp nhân tạo, cứu sống anh và đưa anh đi viện.

Viện chạy chữa đến ngày thứ năm thì giới thiệu tôi và anh Thâm đi viện K71 (bệnh viện Miền). Chúng tôi chỉ cầm giấy giới thiệu và tự đi. Lúc ấy viện cũng không có người dẫn đường. Lại đi bốn năm ngày nữa mà vẫn không biết K71 ở đâu. Không biết bây giờ anh Thâm ở đâu kể từ khi chúng tôi về rồi chia tay mỗi người mỗi đơn vị.

Nói về anh Khi. Hôm ấy trong đội hình hành quân anh Khi đi thứ năm hay thứ sáu sau mấy đồng chí trinh sát và một vài anh em. Lúc mìn nổ, anh bị dính ngay quả Clâymo (và có khi có những qua khác ăn theo). Anh bất tỉnh nằm ngay tại chỗ. Gần sáng, anh mới tỉnh lại thấy mình nằm trơ giữa rừng thưa thớt, có mấy cây nhỏ xung quanh. Anh cố ngồi dậy mà toàn thân không nhúc nhích. Khắp người chi chít vết thương, bộ quần áo Tô Châu dày đặc những lỗ thủng. Tuy đau đớn khắp người, nhưng anh cầu mong không bị gãy xương để còn thoát khỏi nơi này. Làm thế nào bây giờ? Anh nằm yên một lúc rồi cố ngóc đầu lên quan sát xung quanh. Hình như bốn, năm đồng chí hi sinh còn nằm đó. Thế nào bọn Mỹ cũng phục gần đây chờ quân ta đến lấy tử sĩ. Cách anh ba, bốn mét có một cây gỗ đổ đã lâu to dễ mấy người ôm, anh cắn răng nhích về phía ấy từng ly, từng ly một, kéo theo khẩu AK và trên người còn cả dây lưng có 2 quả lựu đạn và 2 băng đạn. Ôi đoạn đường ba, bốn mét mà thật gian nan! Đến nơi, anh nép sát người vào thân cây nằm ngang dưới đất. Anh phán đoán: Bọn Mỹ thế nào cũng đứng trên thân cây quan sát xung quanh. Anh sẽ quyết thua đủ với bọn Mỹ: Chốt AK đã mở nấc liên thanh, hai quả lựu đạn đã mở nắp sẵn, nếu bọn Mỹ phát hiện ra chỗ anh nằm. Cuộc này ít ra là hòa vốn, nhất quyết không chịu rơi vào tay địch. Vừa nghĩ thì một tốp Mỹ dàn hàng ngang xì xổ đứng trên thân cây, súng lăm lăm về phía trước. Anh nín thở… nhẩm trong đầu: Một, hai, ba này, này! Nhưng bọn Mỹ chỉ xì xồ một lúc rồi nhảy xuống đất trở lại chỗ đào công sự, kiên trì chờ phục quân ta đến lấy tử sĩ.

Một ngày nằm yên, không cựa quậy, nhúc nhích, nhịn đói nhịn khát và đau đớn, có lúc anh mê man, thiêm thiếp rồi giật mình, cầu trời mau tối. Khi màn đêm buông xuống, anh bắt đầu rời khỏi lùm cây. Anh cố lấy mũi bàn chân đẩy người lên phía trước từng tí một. Khi cách xa chỗ vừa nằm vài trăm mét, anh mới dừng lại một chút sờ đến túi gạo rang, vẫn còn trong bọc nilông (khi đi công tác, hoặc hành quân mỗi người có vài lạng gạo rang đeo vào thắt lưng) may sao không bị mảnh đạn nào. Anh lấy ra một nhúm đưa vào miệng. Miệng anh không thể há ra được, nó đâu nguyên lành nữa! Anh nhét gạo vào miệng. Một lúc sau, anh cảm giác thấy mùi gạo rang, lưỡi dần dần động đậy làm được nhiệm vụ đẩy gạo vào cổ họng, nuốt chửng, sờ đến bi đông nước bị thủng cạn từ bao giờ. Lết được năm sáu giờ, mà chắc rời khỏi nơi bị mai phục chưa được bao xa, cần phải dè sẻn gạo. Thế là từ đó, mỗi bữa anh chỉ dám ăn một nhúm còn chỉ toàn ăn lá cỏ, lá cây. Những lá cỏ, cây nào cứ chua chát là anh ăn. Anh bứt những lá non cho vào mồm nhai rồi nuốt. Túi gạo cứ vơi dần nhưng anh tin rằng mình sẽ sống, sẽ tìm được đơn vị. May sao không có vết thương nào bị lở loét và sưng tấy.

Ngay đêm hôm sau rời khỏi bụng cây gỗ đổ, anh sực nhớ trong túi cá nhân của mình có mấy vỉ thuốc Peniciline, anh lấy ra và uống đều đặn mỗi ngày bốn, năm viên. Số thuốc này do tôi tặng anh trong đợt đi chuyển kho tải thuốc. Những ngày ở đơn vị, tôi thấy người anh hay mọc lên các nhọt trong người, tôi đưa thuốc bảo anh: “Khi có nhọt, anh cứ lấy vài viên mà uống, nhọt sẽ tan”. Bây giờ anh lấy ra uống, kỳ lạ làm sao: hàng chục vết thương khi về đến đơn vị không có vết nào bị nhiễm trùng, mưng mủ. Tất cả đều khô miệng. Có điều, sau mười lăm ngày chủ yếu là ăn lá cây, lá cỏ (một túi nhỏ gạo rang cầm chừng), các cơ bắp của anh teo quắt lại chỉ còn gân và da. Những mảnh đạn ghim trong thịt không còn chỗ bám, cứ tự lồi ra, rơi rụng. Có cái anh lấy móng tay cạy cạy rồi rút ra. Có lúc anh phải vượt qua một cái trảng, bò trườn cả ngày mà không hết phải ngủ giữa trảng, một mình ôm súng ngắm sao trời. Đã mười lăm ngày rồi anh rời xa đơn vị. Khẩu súng AK như người bạn thân thiết đêm ngày anh ôm ấp vẫn nhẵn bóng không hề han rỉ, hai quả lựu đạn còn đen trũi và ba băng đạn với những viên đồng đỏ au không hề vơi rãi, suy chuyển. Đến ngày thứ mười lăm anh gặp một đường dây điện thoại và anh lần theo, vào đúng đơn vị trực thuộc trung đoàn.

Nhận được điện, đơn vị cho hai người đi cáng anh Khi về. Lúc ấy, tôi vừa “trốn viện” về, dang đào hầm thì mọi người reo lên “anh Khi về”. Tôi vội quăng xẻng, cuốc chạy vội về phía chiếc võng, nhìn vào: Ôi! Anh Khi à! Trước mắt tôi anh Khi chỉ nhỏ như đứa trẻ con. Người không còn tí thịt nào, chỉ còn cái đầu trốc lốc toàn xương sọ, hai mắt to lồi, quá cỡ trũng sâu trong hốc mắt. Thấy tôi, anh mỉm cười, vẫn còn chiếc răng vàng trước cửa, thều thào:

-  Ngọc đấy à! Rồi mắt từ từ khép lại

Đơn vị nhanh chóng đưa anh đi viện. Từ đó tôi không biết tin tức gì về anh nữa.

Sau hòa bình 1975, tôi được ra Bắc công tác rồi xây dựng gia đình. Phần bận bịu công tác, lo chuyện học hành, phần vì rơi vào cảnh vợ ốm, con đau, không có dịp nào dò tìm, không biết anh Khi thế nào rồi. Từ khi anh rời đơn vị đi viện có dễ đến gần 20 năm. Qua bạn bè, tôi biết anh đang làm công nhân ở ga xe lửa Hải Dương. Ở nhà, anh mở quán thịt chó ở ngã tư trước cửa ga về phía bên trái 50m, thẳng đường ra sông Hàn. Hôm tôi đến, nhìn quán, tôi nghĩ đây là lều thì đúng hơn vì trong nhà sơ sài có gì đâu. Anh đon đả giữ bằng được tôi ở lại uống cùng với anh chén rượu. Tôi hơi thắc mắc tại sao anh lại còn hai đứa nhỏ trên chục tuổi. Như biết tôi định hỏi, anh giải thích:

-  Tao về chuyển làm công nhân ở đây, cùng làm thấy thương bà chị hiền lành, quá lứa. Tao lại đau yếu luôn, bà chị cũng thương tao, rồi chúng tao kết với nhau được hai đứa con với bà này, còn các cháu ở quê với bà cả đã lớn cả rồi, tao không lo gì cả, mà cũng không ai phản đối việc tao ở trên này. Bây giờ có tuổi, cứ trái gió trở trời vết thương lại trở chứng, mày biết đấy. Có lẽ vẫn còn nhiều vết thương trong nội tạng nhưng chưa đến nỗi gì đâu! Anh thương binh loại mấy?

-  Loại 4/4 mày ạ! Tao có bị phát nào vào xương cốt đâu. Đạn nó ở bên trong nói làm gì. Hôm nào có thời gian, ăn cơm rồi nghỉ với tao một tối, ôn lại chuyện xưa mới đã!

Tôi hẹn anh dịp khác nhất định tôi sẽ ngủ lại nhà anh.

Bẵng đi hai năm, trên đường về quê ăn Tết, tôi rẽ vào ga Hải Dương thăm anh, báo trước định sau về quê ăn Tết lên sớm một, hai ngày tôi sẽ đến chơi nhà anh.

Vừa đến trước cửa, tôi giật mình, sửng sốt, vì nhìn thấy đứa con gái anh nước mắt nhòe nhoẹt, miệng méo xệch, báo tin:

-  Chú Ngọc ơi, bố cháu chết rồi!

-  Chết thế nào, làm sao chết?

-  Bố cháu chết vì vết thương tái phát!

-  Đã lâu chưa?

-  Gần 6 tháng rồi!

Tôi xót xa hỏi han, xem lại mấy giấy tờ, thấy không có dòng nào của bệnh viện ghi là “Do vết thương tái phát”. Chỉ thấy họ ghi lý do chết “do chảy máu bên trong, tụ huyết…” và cái gì gì ấy. Nhưng cái gì gây ra chảy máu thì không nói nữa!

Tôi âm thầm xót xa cho anh Khi: Rõ ràng là người thực, việc thực mà bây giờ ai chứng kiến cho anh là vết thương tái phát. Tôi nhờ phòng Chính sách Sở Lao động TBXH Hải Dương giúp đỡ. Họ bảo đã mấy lần gọi gia đình đến nhưng không thấy ai của gia đình đến cả!

Mấy năm sau, tôi xin nghỉ phép vài ngày cùng anh Đạt cùng quê, cùng nhập ngũ với tôi về xã Cẩm La, huyện Kim Thành, Hải Dương tham gia đình anh Khi để biết thêm hoàn cảnh đồng đội. Cả nhà vui vẻ trò chuyện với chúng tôi. Tất cả mọi người đều có tình cảm quý mến người chồng, người cha vất vả, bị thương tật từ chiến trường, chẳng được sống sung sướng. Đến khi chết cũng chẳng xác định chết do cái gì để hưởng chính sách. Họ bảo thế nào thì biết thế thôi!

Họ chân chất, hiền lành quá, đâu có phải do hai bà tỵ nạnh gì nhau mà không ai lên gặp phòng chính sách. Họ chỉ nghĩ đơn giản: Ông ấy chết là do số vậy. Chết là hết. Bây giờ ông ấy đã chết rồi, có còn cái gì nữa đâu!

Tôi sực nhớ ra, hỏi mọi người:

-  Tôi nhớ, khi bị thương anh ấy còn nhiều mảnh đạn trong người lắm cơ mà, khi sang cát, gia đình có thấy mảnh đạn nào không?

-  Có, có nhiều lắm – Mọi người trong nhà đều nói – Nhặt được một nửa lọ Peniciline mảnh đạn.

-  Thế bây giờ đâu! Tôi muốn xem, định mang về làm vật chứng.

-  Để mấy năm rồi, để xem mãi, đổ ra đổ vào, lâu ngày, bây giờ chẳng giữ được.

Tôi lặng đi! Thầm đau xót!

Thế là chẳng còn dấu tích gì!

Anh Khi, người chiến sĩ Sư đoàn 5, cũng như bao chiến sĩ giải phóng quân trong chiến trường họ âm thầm chịu đựng, hy sinh cho nền hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong hoàn cảnh hiểm nghèo, họ vẫn kiên cường, giữ vững truyền thống cao cả của Quân đội nhân dân, của đơn vị anh hùng, bảo vệ đến cùng phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng. Không để mất mát tài sản của nhân dân, vũ khí, khí tài của quân đội. Dấu tích các anh để lại chính là tấm gương sáng chói về đức hy sinh, về lòng dũng cảm cho các thế hệ noi theo.

                                                                                M.N

Comments