Những cuộc hội ngộ đầy xúc động

đăng 08:15 12 thg 5, 2013 bởi Nguyễn Thanh Truyền   [ đã cập nhật 01:34 18 thg 5, 2013 ]

                                                                                                                                                                                       Nguyễn Ngọc Thường

                                                                                                                                          Nguyên chiến sĩ Điện Biên E 174, F 316

An Định – Thụy Văn Thái Thụy – Thái Bình

Tôi Nguyễn Ngọc Thường nhập ngũ tháng 8 năm 1950 tại Trung đoàn 174 Sư đoàn 316 ở Việt Bắc, tôi được đơn vị cử sang Bằng Tường Trung Quốc học quan trắc pháo binh 6 tháng, sau đó trở về nước, tôi tham gia các chiến dịch Hòa Bình – Tây Bắc – Chiến dịch Điện Biên Phủ

Năm nay tôi 77 tuổi tham gia vào hội đoàn 5 huyện Thái Thụy do Đại tá Mai Đức Tảo làm hội trưởng. Tôi gia nhập trung đoàn 174 khá sớm và do tuổi cao nhất hội, nên tôi được anh em gọi bằng cái tên trìu mến là: người anh cả của hội ở khu vực Thái Thụy – Thái Bình.

Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, non sông thu về một mối – Bắc Nam sum họp một nhà, lần lượt những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174. Chúng tôi được trở về xây dựng gia đình và quê hương, từ đó chúng ta xa nhau và cứ nhớ nhau hoài, chúng tôi ao ước sao cho có ngày được tái ngộ. Rồi mong ước này cũng đã trở thành hiện thực, đến năm 1992 ở huyện Thái Thụy – Tỉnh Thái Bình có: Đại tá Mai Đức Tảo và một số đồng chí khác, đã có sáng kiến thành lập một hội bạn chiến đấu Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, gồm trên 70 chiến đấu chiến sĩ tham gia. Đến năm 2000 Hội lại bắt được liên lạc với hội bạn chiến đấu Trung đoàn 174 thuộc các khu vực phía Bắc tại Hà Nội do Đại tá Lương Khắc Việt làm hội trưởng, sau đó bắt liên lạc được với hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 – Miền Đông Nam Bộ, do đồng chí Nguyễn Thanh Truyền làm hội trưởng, dưới sự động viên, giúp đỡ của Thượng tướng Phạm Trung Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng.

Sau khi đã bắt được liên lạc với nhau đến đầu năm 2003, Hội bạn chiến đấu huyện Thái Thụy chúng tôi nhận được giấy mời của ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 174 và Sư đoàn 5 mời về họp mặt tại thủ đô Hà Nội.

Cầm tờ giấy mời trong tay mà lòng chúng tôi tràn đầy nước mắt. Hôm ấy một buổi sáng mùa xuân tiết trời ấm áp, tại nhà khách 66 – Bộ Quốc Phòng nằm bên bờ hồ Trúc Bạch – Hà Nội, một cuộc gặp gỡ trùng phùng sau bao năm xa cách, chúng tôi mới lại tìm được nhau, có người nhanh chóng nhận ra nhau, nhưng có người thì phải đứng ngẩn một lát rồi mới nghĩ ra: - à mi là Nguyễn Đình Thiếu tiểu đoàn 3 ở Điện Biên phải không? – à phải rồi: Cậu là Bùi Văn Kể trợ lý bản đồ tác chiến trung đoàn 174 chứ gì! Còn đây là Nguyễn Công Chã đã để lại một cái chân trong trận Đắc Tô – Tân Cảnh phải không? Biết bao nhiêu điều bất ngờ cứ thế diễn ra và được ghi lại qua ống kính của các anh thợ nhiếp ảnh.

Hội trường số 66 nhà khách Trúc Bạch rộng là như thế mà chật ních những người lính năm xưa – Họ từ Nghệ Tĩnh – Thanh Hóa – Sơn La – Lai Châu, từ Lạng Sơn – Cao Bằng – Tuyên Quang, Hải Dương – Hưng Yên, Thái Bình – Nam Định… Tất cả đã về đây trong vòng tay thân ái của Sư đoàn 316 và sư đoàn 5. Anh em đồng chí cứ tìm nhau, rồi cũng nhận ra nhau tay bắt mặt mừng, không khí của hội trường vừa náo nhiệt vừa tưng bừng, vừa cảm động, vừa xen lẫn những tiếng sụt sịt của mấy chị cấp dưỡng và văn công.

Vừa lúc đó, đồng chí Nguyễn Ngọc Văn trong Ban tổ chức giới thiệu: Đại tướng Chu Huy Mân 92 tuổi – Người sư trưởng của đoàn “Bông Lau” tại Cao Bắc Lạng, thời kỳ đầu thành lập sư đoàn – một tràng vỗ tay như sấm nổi lên xen lẫn tiếng hô – kính chúc đại tướng khỏe, tiếp đến đồng chí giới thiệu: Trung tướng Đàm Văn Ngụy, một vị tướng dũng mãnh, bách chiến bách thắng, đã hai lần được tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, cũng là người trung đoàn trưởng của chúng tôi, tiếp theo là Trung tướng giáo sư Lê Xuân Lựu – Nguyên chính ủy sư đoàn 5 miền Đông Nam Bộ, Thượng tướng Phan Trung Kiên – Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng và thật là vinh dự trong buổi gặp mặt này còn có chị Tám Liêng người con của đất Long An trung dũng, kiên cường năm xưa – người đã từng gắn bó với sư đoàn 5 tại chiến trường Miền Đông Nam Bộ, tuy xa xôi nhưng hàng năm cứ đến ngày thương binh liệt sĩ chị đã thay mặt cho các đồng chí đến thắp hương tại các nghĩa trang nơi có các người lính của Sư đoàn đang yên nghỉ.

Thật đúng là: Ngày vui ngắn chẳng tày gang, các đồng chí trong Ban liên lạc đã sơ kết đôi nét nghĩa tình của Hội và đề ra phương hướng cho năm tiếp theo, sau đó là một chương trình văn nghệ do một số các đồng chí nguyên là diễn viên trong đoàn văn công khu Tây Bắc đã về nghỉ hưu tại Hà Nội lên biểu diễn một số tiết mục múa và hát các bài hát như: “Đường lên Tây Bắc”, “Cô gái vót chông”, “Dáng đứng Bến Tre” và “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”…

Sau các tiết mục văn nghệ, Đại tướng Chu Huy Mân – Trung tướng Đàm Văn Ngụy – Giáo sư Lê Xuân Lựu và Thượng tướng Phan Trung Kiên đã đi bắt tay các cán bộ, chiến sĩ và chúc sức khỏe mọi người, trong tiếng vỗ tay vang dội của những người lính năm xưa.

Chúng tôi thật không ngờ lại có buổi gặp nhau tay bắt mặt mừng như hôm nay. Sau chiến tranh, mỗi người lại trở về với cuộc sống đời thường, với bao chuyện buồn vui, tuy mỗi người một hoàn cảnh, song có một điều ước muốn duy nhất là sau 50 năm và có lẽ cũng là 2/3 cuộc đời chúng ta mới được gặp nhau để ôn lại những năm tháng hào hùng của đất nước mà mỗi chúng ta có mặt hôm nay đều được chứng kiến và tham gia.

Đáp lại lời mời của Đại tá Mai Đức Tảo – Hội trưởng hội bạn chiến đấu Trung đoàn 174 khu vực phía Bắc huyện Thái Thụy, ngày 31 tháng 8 năm 2003, Ban liên lạc Hà Nội do đồng chí Nguyễn Cao Phong – Nguyễn Ngọc Văn – Đoàn Kế Chi – Nguyễn Tấn Đạt – Lê Đức Đáp – Phạm Ngọc Châu, đồng chí Nguyễn Trọng Thắng, đồng chí Trần Dũng và có cả chị Nguyễn Thanh Mai – nguyên diễn viên Đoàn Văn Công quân khu Tây Bắc, các đồng chí đã về giao lưu với Hội bạn chiến đấu Trung đoàn 174 Sư 316 và Sư đoàn 5 khu vực huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Trong niềm vui khôn xiết trong vòng tay âu yếm của người lính quê biển, quê lúa Thái Bình.

Kể từ năm 1992, Hội của chúng tôi huyện Thái Thụy ra đời, sau đó đến năm 2002 nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Hội, Ban liên lạc chúng tôi lại tổ chức họp mặt, lần này chúng tôi có mời đại biểu Trung đoàn 174 và ban lãnh đạo của các tiểu đoàn từ địa điểm đóng quân ở tỉnh Tuyên Quang về dự họp mặt, mặc dầu các đồng chí còn đương chức, còn đang làm nhiệm vụ của quân đội, song đồng chí Trung đoàn trưởng đồng chí trợ lý chính sách của trung đoàn và đồng chí tiểu đoàn Trưởng tiểu đoàn 3 cũng đã về họp mặt với chúng tôi, các đồng chí đã trao tặng cho trên 60 cán bộ chiến sĩ của chúng tôi huy hiệu sư đoàn 316 cùng một số tặng phẩm quý giá khác.

Có thể nói: Gần 15 năm qua Hội bạn chiến đấu của huyện Thái Thụy chúng tôi luôn duy trì nề nếp sinh hoạt để nhắc nhở nhau: Phát huy bản chất tốt đẹp của anh bộ đội cụ Hồi, luôn giúp nhau trong lúc yếu đau hoạn nạn và giúp nhau nuôi dạy con cái và xây dựng kinh tế gia đình, đặc biệt trong công tác tình nghĩa, chúng tôi luôn thực hiện tốt công tác thăm hỏi các đồng chí đau yếu, bệnh tật và tổ chức tốt việc tiễn đưa các đồng đội qua đời, kể từ lúc mới thành lập quân số của hội có trên 70 đồng chí, nhưng cứ mỗi ngày một mai một dần, cho đến nay chỉ còn lại trên 50 đồng chí, song dù cho bất cứ hoàn cảnh nào chúng tôi gắn bó cùng các địa phương nơi sinh sống để góp phần bảo vệ Đảng và Chính quyền, bảo vệ những thành quả mà chúng ta đã phải hy sinh xương máu mới có được.

Cứ mỗi năm được gặp mặt tại nhà khách Trúc Bạch – Hà Nội chúng ta lại được gặp lại trên 400 cán bộ, chiến sĩ từ mọi nẻo đường đất nước về dự, có chiến sĩ là thương binh ¼, bị mất chân như đồng chí Nguyễn Công Chã, đồng chí Yên cũng chống chiếc nạng gỗ về dự, đồng chí Tỵ mất một con mắt, đồng chí La Văn Cầu bị cụt một cánh tay… có đồng chí thì gia đình đầm ấm yên vui, lại có những đồng chí thì trong mình còn ngấm chất độc Đioxin, con cái thì dị dạng, bệnh tật như đồng chí Quỳnh ở Hưng Yên, đồng chí Bùi Văn Kể ở Thái Bình, v.v… Chuyện thì nhiều lắm không sao kể xiết.

Thế rồi trong các cuộc gặp mặt, sau vài giây phút ngỡ ngàng của những nét mặt già nua tuổi tác, của mái tóc xanh ngày ấy, giờ đây đã chuyển sang màu bạc trắng của đôi mắt nhăn nheo, song đứa nào giờ cũng nhớ đến nhau, thậm chí còn nhớ rõ: Mày giữ khẩu B40, cậu là xạ thủ súng cối, còn mày thì ở bộ phận tác chiến, hậu cần, v.v… Song có một điều vui sướng là, chúng ta còn được gặp lại thủ trưởng Đàm Văn Ngụy – Thủ trưởng Phan Trung Kiên các thủ trưởng đã cùng với chúng ta vào sinh ra tử trong những năm tháng ác liệt và gian khổ nhất, nhưng rất tiếc một số thủ trưởng khác như Chu Huy Mân, Lê Thùy và rất nhiều các tướng lĩnh và cán bộ chiến sĩ khác mà mãi chúng ta không bao giờ còn gặp lại được nữa.

Quả là một cuộc hội ngộ trùng phùng và ai cũng không ngờ rằng: Quả đất tròn, chúng ta lại được cùng về chung vui trong một mái nhà của quân đội, những con người đã cùng nhau làm nên Điện Biên chấn động địa cầu – những con người đã hành quân thần tốc vào chi viện cho miền Nam – Những người đã góp phần viết nên những bản hùng ca 30 tháng 4, mùa xuân đại thắng.

Comments