Nguyễn Tuấn Đạt Ngày 16 tháng 2 năm 1968 tôi và anh Nguyễn Văn Lanh quê Thái Bình cùng nhập ngũ. Tôi ở tiểu đội 4, anh ở tiểu đội 3 cùng đại đội. Trong thời kì luyện tập ở miền Bắc chúng tôi ở nhiều nơi, đi nhiều tỉnh, tháng 10 năm 1968 chúng tôi vào Kỳ Anh, Hà Tĩnh thay chân cho Sư đoàn 325 Quân khu bốn chuyển sang trung Lào. Đại đội 19 công binh của chúng tôi trước đây trực thuộc Trung đoàn 88, sư đoàn 308 (Đại Đoàn Quân Tiên phong), nay vào khu 4 đổi thành đại đội 18, trung đoàn 101 Sư đoàn 325. Đại đội 18 có hai trung đội, tôi ở trung đội 2 vào Quảng Trị cùng với đại đội trinh sát đại đội thông tin và một số binh chủng khác của trung đoàn vào chiến trường vừa chuẩn bị đánh thử, rút kinh nghiệm. Trung đội 1 của anh bạn tôi ra Đức Thọ xây dựng lại cống Trung Lương bị địch đánh phá. Đến tháng 6 năm 1969 trung đội phối hợp của chúng tôi được lệnh rút ra Kỳ Tân, Kỳ Anh đồng thời trung đội xây dựng thao trường Quân khu 4. Sau lễ tang Bác Hồ chúng tôi chuẩn bị lên đường đi chiến trường B2. Đại đội chúng tôi được bổ sung vào các tiểu đoàn bộ binh. Mỗi người về một tiểu đoàn, tiểu đoàn tôi lên đường đi trước nửa tháng, tiểu đoàn Lanh đi sau. Chiến trường mênh mông biết bao giờ gặp nhau! Tiểu đoàn chúng tôi đi bộ từ 22 tháng 10 năm 1969 đến 01 tháng 5 năm 1970 vào tới K6 (Bình Phước bây giờ). Đến ngày 5 tháng 5 năm 1970 đảo chính Xihanuc tại Campuchia. Tiểu đoàn của chúng tôi được bổ sung cho Q16, tôi bị sốt rét ở lại điều trị ở tiểu đoàn 230, sư đoàn 92 đường dây. Tôi được nghe đơn vị anh bạn tôi đi sau, đến trạm giao liên sông Đa Quýt thì bị địch đánh hy sinh rất nhiều. Không biết anh bạn tôi có bị gì không? Tiểu đoàn 230, trung đoàn 92 là đơn vị thu dung quân ốm yếu – sốt rét, sau khi điều trị hồi phục sức khỏe bổ sung cho các công trường 5, 7, 9 và các tỉnh đội. Quả đất tròn đến tháng 9 năm 1970 tôi cùng hơn chục anh em được bổ sung về tiểu đoàn 9, trung đoàn 3 sư đoàn 5 là tiểu đoàn có anh bạn tôi. Chúng tôi gặp nhau mừng vui khôn xiết. Lanh sốt rét nhiều hơn tôi, còn tôi sức khỏe đã được bình phục nên được điều về trung đội trinh sát của tiểu đoàn. Lanh được phân công về làm anh nuôi của đại đội 4, đại đội hỏa lực trợ chiến của tiểu đoàn. Suốt từ năm 1970 đến năm 1972, tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từ một chiến sĩ trinh sát tôi được đề bạt lên cán bộ tiểu đội, cán bộ trung đội và tác chiến tiểu đoàn, được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tôi đã tham gia nhiều chiến dịch hoạt động trên nhiều địa bàn, đã thành một người lính dày dạn trong chiến trường. Sau chiến dịch năm 1971 Đông Bắc Campuchia tôi đi chuẩn bị chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh. Đến trưa ngày 7 tháng 5 năm 1972 Trung đoàn 3 đảm nhận giải phóng Lộc Ninh. Trưa ngày 6 tháng 5 năm 1972 tôi bị thương tại làng 2 gần ngã ba Lộc Tấn, vết thương phần mềm tôi đi viện điều trị vài ngày rồi về đơn vị chiến đấu tiếp tại sân bay Tecních Đồi Gió – Ngã ba Thanh Bình. Sau đó chúng tôi được lệnh bàn giao chiến trường cho Trung đoàn 205 điều từ Campuchia về. Đơn vị chúng tôi về Mimốt – Cà Chay (Campuchia) nhận lệnh hành quân cấp tốc xuống Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi được lệnh đi trước với đoàn cán bộ của Sư đoàn và Miền gồm cả pháo binh, trinh sát, mục tiêu là Điều Nghiên thị xã Mộc Hóa – tỉnh Kiến Tường (nay là Long An). Hướng này bị lộ, đoàn Điều Nghiên chuyển hướng theo kênh Dương Văn Dương, Long Khốt xuống qua Kiến Phong – Mỹ Tho, địa bàn vùng Nam Cai Lậy, Bắc Cái Bè thuộc tỉnh Tiền Giang bây giờ. Chặng đường thật vất vả, cuối cùng chỉ có trung đoàn 3 xuống trót lọt. Địch đã phát hiện lực lượng ta chúng đem một tiểu đoàn gồm Sư đoàn 9, sư đoàn 7 Ngụy và một số liên đội bảo an bao vây trung đoàn, nhưng cuối cùng không làm gì được chúng tôi. Trung đoàn 3 trụ vững và cùng với địa phương mở rộng vùng giải phóng. Sau ngày ký hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973 vùng giải phóng địa bàn trung đoàn 3 hoạt động vẫn giữ vững làm cơ sở vững chắc cho các cuộc tấn công nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975. Chiến trường vùng đồng bằng sông Cửu Long Trung đoàn 3 hoạt động thực sự là vùng giằng co ác liệt vô cùng, khó khăn với một Trung đoàn chủ lực quen tác chiến ở núi rừng. Phải quần nhau với một tiểu đoàn Ngụy có nhiều lợi thế về lực lượng, về phương tiện và địa hình. Anh em chúng tôi phải chống trả quân địch liên miên, di chuyển liên tục, hoạt động không lúc nào nghỉ ngơi, nhiều trận tương quan lực lượng quá chênh lệch, vũ khí, phương tiện không đầy đủ, anh em bị thương, chịu đựng nhiều tổn thất. Nhưng chỉ trong tháng 7 năm 1972 E3F5 đã cùng với (E174) và vũ trang địa phương san bằng 16 đồn bốt dọc kênh La Răng đường 22. Làm anh nuôi của đại đội trợ chiến bạn tôi (Nguyễn Thế Lanh) vẫn luôn quan tâm đến tôi. Mỗi khi về cứ (tôi ở tác chiến tiểu đoàn, có khi bám địch cả tháng trời liền) anh lại cải thiện bún, bánh nhắn qua anh Y là nuôi quân tiểu đoàn bộ bảo tôi xuống đại đội anh ấy để phần. Tôi rất cảm động trước tình cảm của Lanh đối với tôi – người bạn cùng quê, cùng nhập ngũ một ngày. Cuối tháng 6 năm 1972 một buổi tối tại Kênh Một Thước, ấp Mỹ Thành (nam Cai Lậy) Lanh tâm sự tha thiết được về trung đội tôi và nhờ tôi xin với cán bộ tiểu đoàn cho anh ấy được toại nguyện. Nếu được như vậy thực lòng trong những ngày tháng Lanh ở với tôi, tôi mừng nhưng lại rất lo. Mừng là tôi có điều kiện giúp đỡ Lanh trưởng thành, lo là công việc của đơn vị tôi quá vất vả, nguy hiểm. Những ngày đi bám địch ăn mặc “hợp pháp”, “giả dân” trà trộn vào dân, tiếp cận vào tận hàng rào để nghiên cứu, cách bố trí và quy luật hoạt động của địch. Những đêm khuya lạnh, cởi trần ngâm mình bò vào đồn bốt địch để điều nghiên. Chỉ cần sơ suất một chút là mất mạng liền. Chỉ cần va vào mìn, vào trái sáng địch gài ở hàng rào là coi như “xong”! Bởi vậy anh em chúng tôi phải rất cẩn thận, có những đồn bốt chúng tôi phải trinh sát hàng tuần, hàng tháng mới lên được sa bàn, mới nắm được quy luật hoạt động của địch. Sau khi về đơn vị tôi, Lanh rất tích cực và gương mẫu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Tôi đã mạnh dạn cân nhắc và đề nghị cấp trên quyết định đề bạt anh ấy là tiểu đội trưởng, đồng thời căn cứ vào giấy giới thiệu cảm tình Đảng của chi bộ đại đội trợ chiến đưa anh vào danh sách dự kiến kết nạp vào trung tuần quý tới. Nhưng bao dự định tốt đẹp và bao sự nỗ lực, cố gắng miệt mài của đồng chí ấy đã không theo ý muốn! 8 giờ sáng ngày 30 tháng 7 năm 1972 theo kế hoạch tác chiến tiểu đoàn tôi có nhiệm vụ phục kích vận động tiêu diệt đại đội Ngụy càn vào khu vực kênh Một Thước nhưng do sơ suất kế hoạch tác chiến, đêm hôm trước chúng tôi chiếm lĩnh trận địa để lộ do có một số thông tin bị lọt ra ngoài. Mới 8 giờ sáng địch đã tổ chức tấn công vào tiểu đoàn bộ. Hai bên giằng co suốt mấy tiếng đồng hồ. Vì lực lượng của ta ít mà hầu hết là bộ phận chính trị, quân lực, quân y nên quá 12 giờ trưa, địch chiếm được dãy công sự bộ phận chính trị và quân lực, anh em đều bị hy sinh. Lúc này đã quá trưa, địch tạm ngừng tấn công, chúng chỉ dùng ĐK57 bắn cầm canh vào từng gốc cây hoặc ụ đất chúng nghi là công sự ở đó. Tình thế rất khó khăn, quân số ít mà bị thương mấy đồng chí rồi. Địa hình lại quá trống trải, tiểu đoàn không thể điều động các đơn vị bộ binh cách đó cả cánh đồng đến chi viện được. Tiểu đoàn bộ phải tự tác chiến để đảm bảo cho tiểu đoàn rút lui an toàn. Anh Chúc, anh Kiên cán bộ tiểu đoàn, anh Tiến tham mưu trưởng lệnh cho đơn vị tôi vận động theo bờ lau sậy phía sau tiếp cận rặng châm bầu non cao quá đầu người, lợi dụng bờ mương và một số công sự của bộ phận hậu cần tiểu đoàn đã đào vừa được lệnh rút lui trước để lại. Tôi lệnh cho anh Lanh ở lại bảo vệ cho tiểu đoàn bộ rút an toàn. Tôi dẫn hai tiểu đoàn xuất phát trước để chặn mũi tấn công của quân Ngụy. Chúng tạt sườn chặn đường rút lui của chúng tôi. Gọi là trung đội, nhưng quân số chỉ có 12 người, 8 người đến trước chặn địch, còn 4 người do anh Lanh sẽ dẫn lên sau. Thời điểm này có một số thửa ruộng lúa đã chín sớm. Bọn địch dựa vào vào hai khẩu ĐK57 chúng đặt cách đó hơn 100m bắn uy hiếp và dàn hàng ngang xông lên. Trong chiến đấu tôi thường dùng M79 “cối cá nhân” của Ngụy thu được làm vũ khí tác chiến. Khi địch xua quân xông lên tôi bắn liền 4 trái, một số chết, một số bị thương, nên đội hình của chúng khựng lại lùi về tuyến công sự mà chúng đã chiếm được để tránh đạn. Anh em chúng tôi thay nhau chuyển đổi vị trí như con thoi để khống chế không cho chúng tràn lên. Lúc này tiểu đội của anh Lanh đã vận động tới nhưng vì mải quan sát bọn địch ở phía trước, tôi không kịp nhìn lại xem có ai gần bụi tre không. Tôi đã quan sát thấy khẩu ĐK57 của địch thường tập trung bắn vào khóm tre và hàng trâm bầu ngang đầu người trên bờ mương. Có lẽ chúng phán đoán dưới gốc tre có công sự của ta. Chúng tôi không bố trí một tay súng nào ở đấy cả. Vì đó là “điểm chết”, bọn chúng đã bắn hai quả vào đó rồi. Bởi vậy khi tiểu đội anh Lanh vận động đến nơi thì cũng là lúc bọn địch bên kia bờ ruộng đồng loạt tấn công. Tôi phải bắn trả và điều động anh em chống trả. Tôi chỉ kịp hô: không ai được vào bụi tre, địch bắn ĐK đấy! Vừa dứt thì đã nghe tiếng ĐK ùng oành! Anh Thỉnh tiểu đội trưởng, tiểu đội 2 người quê Tiền Hải – Thái Bình hổn hển gọi tôi: “Anh Đạt ơi, anh Lanh bị thương rồi”. Tôi điếng người giao ngay vị trí và hướng tấn công cho anh Toàn, người Ninh Giang – Hải Dương thay tôi chỉ huy chặn địch lại. Rất may lúc đó do sự chống trả quyết liệt của ta, địch không lên được đành lùi lại tấn công đợt sau. Tôi vội vàng lao về gốc tre lôi Lanh xuống, cùng với anh em đưa Lanh ra xa gốc tre. Vừa lôi Lanh ra khỏi gốc tre một quả ĐK của địch nữa lại nã vào, hơi phả ra làm đứt hết cả cúc áo. Bàn chân phải của Lanh gẫy đôi. Tôi lấy băng cá nhân băng cho anh, nhưng mặt Lanh cứ tái đi, tôi đỡ Lanh dậy thấy phía sau lưng có vết thương bằng cái trôn bát do một mảnh nhỏ xuyên thấu từ phía trước qua tim ra phía sau. Tôi biết Lanh không thể sống được nữa rồi. Trước khi trút hơi thở cuối cùng Lanh kêu lên 3 tiếng: “U ơi! U ơi! U ơi!” Người bạn chiến đấu vô cùng thân thiết của tôi vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại. Tôi lệnh cho tiểu đội Thỉnh và tiểu đội phó Cường nong kênh để Lanh trên lưng đưa về phía sau giao cho quân y và vận tải mai táng. Lúc này tiểu đoàn đã rút về nơi an toàn, còn lại trung đội tôi rút cuối cùng. Trời đã về chiều, tôi trườn nhanh lệnh cho 3 tiểu đội sẽ nhất loạt bắn trả và hô xung phong để áp đảo không cho bọn địch ngẩng đầu lên, để có thời gian chúng tôi rút qua khoảng trống thửa ruộng đã gặt phía sau. Vừa vượt qua khoảng trống, ẩn vào khu lau sậy vừa lúc bọn địch tràn lên chiếm được tuyến công sự của chúng tôi. Nhưng đã về chiều, trời sắp tối bọn chúng dừng lại không dám tấn công nữa. Về tới tiểu đoàn tôi báo cáo lại toàn bộ diễn biến và tổn thất của đơn vị xong lại nhận ngay nhiệm vụ vượt kênh Bằng Lăng Gốc sang bắt liên lạc với anh Năm Ngại phụ trách du kích xã Hội Cư giúp xuồng và lực lượng hỗ trợ ngay trong đêm đưa đội hình của tiểu đoàn tôi sang ém tại ngã tư Nước Lớn, Bắc Cái Bè có một trở ngại là khi chúng tôi tác chiến ở ấp Mỹ Thành vì sợ địch vượt kênh Bằng Lăng sang nên anh em du kích đã gài lựu đạn chặn hết lối đi vì thế cần phải thận trọng, bình tĩnh vượt qua để liên lạc với du kích xã. Một mình tôi sang trước, hai chiến sĩ ở lại chờ, cũng may tôi đã bước qua dây kẽm nhỏ xíu với hai quả lựu đạn của du kích mà không vướng vào dây. Khi tôi gặp anh Năm Ngại anh cứ tròn mắt nhìn tôi hỏi đi đường nào. Khi quay lại anh mới chỉ chỗ đoạn dây kẽm mà tôi vừa bước qua, nghĩ mà sởn tóc gáy, chỉ suýt chút nữa là tan xác. Đêm hôm đó tiểu đoàn tôi đã rút về nơi an toàn tránh được tổn thất lớn trước khi quân địch dùng pháo hủy diệt trận địa nếu không ngày mai địch dùng bom pháo và càn vào thì đơn vị sẽ bị tổn thất. Lại nói về Lanh ban quân y hội chẩn xong giao cho đơn vị vận tải xin chiếc xuồng hỏng của má Bảy đóng quan tài và chôn cất ngay trên mảnh đất của nhà má Bảy, vì điều kiện chiến đấu, đơn vị tôi phải chuyển sâu sang Cái Bè chiến đấu cho đến ngày ký Hiệp định Paris. Từ đó, cứ mỗi lần về quê tôi không khỏi bùi ngùi chạnh nhớ đến Lanh người bạn, người đồng chí thân thiết của mình. Mẹ Lanh đã mất, anh trai Lanh và đứa em gái út đã chuyển cả gia đình vào Biên Hòa, quê hương còn lại một chị gái đã lấy chồng. Tháng 11/2005, nhân 40 năm thành lập Sư đoàn 5 tôi có vào dự và tranh thủ đi trước ghé lại chiến trường xưa với tâm niệm đến tìm lại mộ Lanh thắp nén hương để tưởng nhớ người bạn chiến đấu, người đồng hương thân thiết. Nhưng vì quá lâu lại có sự chuyển dịch lớn, năm 2004 Tiền Giang hoàn thành một nghĩa trang quy mô toàn tỉnh. Tất cả hài cốt các liệt sĩ được tập trung về đây trong quá trình quy tập tên tuổi theo mộ bị thất thoát không tìm được. Gia đình anh trai Lanh và cháu ở Biên Hòa cũng đã đến xã Hội Cư và tìm mộ Lanh nhưng cũng chỉ để thắp nén nhang bái vọng mà thôi vì các ngôi mộ đều vô danh cả. Nhưng Lanh ơi! Anh cũng như bao đồng đội khác đã góp sức làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc. Anh đã chiến đấu anh dũng và hy sinh vẻ vang để lại trong chúng tôi ký ức sâu sắc về hình ảnh một người chiến sĩ của sư đoàn 5 anh hùng. Anh cũng xứng đáng với lòng tự hào và tin yêu của mọi người, của quê hương Thanh Hà, Hải Dương. Hà Nội tháng 8 năm 2009 |