Một trận đánh hay, một lần thoát chết

đăng 18:57 12 thg 5, 2013 bởi Nguyễn Thanh Truyền   [ đã cập nhật 23:09 15 thg 8, 2014 ]

                                                                                                                                                                              Đại tá Phạm Minh Tâm

Mùa khô 1970-1971, trên chiến trường Miền Đông Nam Bộ, được hỏa lực của không quân và pháo binh Mỹ chi viện, sau hơn một tháng càn quét thăm dò, ngày 4 tháng 2 năm 1971, quân ngụy chính thức mở cuộc hành quân lớn mang tên “Toàn thắng 01-71 NB” tiến theo đường 7 và đường 13 sang Campuchia, nhằm tiêu diệt chủ lực Quân giải phóng, phá căn cứ kho tàng của ta qua đó mà rèn luyện và thử thách Ngụy quân, tạo thuận lợi cho chính quyền Sài Gòn bình định trong nội địa, theo mưu đồ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Trên đường 13, ngay từ cuối tháng 10-1970 địch đưa lực lượng của Chiến đoàn 333 lên Sênul nhưng chưa kịp củng cố vị trí chiếm đóng đã bị Sư đoàn 5 Quân giải phóng đánh cho thiệt hại nặng, phải vội vã rút về Lộc Ninh. Ngày 4 tháng 2 năm 1971, địch đưa toàn bộ Chiến đoàn 9 ngụy với nhiều lực lượng tăng cường vượt biên giới, tiến lên chiếm lại thị trấn Sênul, đưa pháo lớn ra biên giới bắn chi viện cho bọn Ngụy ở Sênul bảo vệ căn cứ đóng quân và thực hiện càn quét trong khu vực. Tại cây số 6 đường 13 (trên đất Campuchia, cách biên giới ở phía Đông Nam 6km, cách Sênul ở phía Tây Bắc khoảng 15km), địch chiếm địa hình cao và bằng ở phía Đông bắc đường 50 đến 100m để xây dựng trận địa pháo kết hợp với Bộ Binh chốt giữ bảo vệ xung quanh, hình thành căn cứ khá vững chắc. Cổng căn cứ địch ra đường 13 ở đoạn gần đường nhất (chỉ cách đường 50m), chính là điểm gặp nhau của hai con đường mòn từ sâu trong rừng trên đất Campuchia chạy tới (một đường từ phía Đông Bắc xuống, một đường từ phía Đông sang). Vì vậy, nhiệm vụ của bọn địch trong căn cứ này, không chỉ là dùng pháo lớn bắn chi viện cho lực lượng địch ở Sênul mà còn nhằm ngăn chặn lực lượng lớn của ta tiếp cận đường 13 ở đoạn Nam dốc Lu (nơi đang có một cụm lớn quân địch trong tổ chức chiếm giữ Sênul của chiến đoàn 9 ngụy). Tổ chức phòng ngự của căn cứ địch tại cây số 6, có thành đất bao quanh một khu vực hình bầu dục khoảng 6 héc ta (chiều rộng 200m, chiều dài 300m theo dải địa hình cao và bằng chạy gần song song với đường), trên thành đất, cứ 15m lại có 1 lô cốt hoặc ụ súng xây bằng bao cát do Bộ Binh chiếm giữ; sở chỉ huy của căn cứ địch cũng là một lô cốt to hình chữ Z nằm ở giữa căn cứ, Tây Bắc sở chỉ huy 50m có trận địa 2 khẩu pháo lớn, Đông sở chỉ huy 50m cũng có trận địa 2 khẩu như vậy, từng khẩu pháo có tường đất bao quanh và có hầm cho pháo thủ; hầm chỉ huy và các lô cốt trong căn cứ có giao thông hào nối ra các lô cốt lớn ở thành đất; chướng ngại vật gồm rào đơn, rào vướng chân, rào mái nhà, rào bùng nhùng, tuy mới rải và còn đang tiếp tục củng cố, nhưng ở trước tiền duyên trên các hướng Đông và Đông bắc đã có tới 4, 5 lớp rào kẽm gai, mìn sáng và mìn sát thương, bố trí cả bên ngoài và trong các lớp rào kẽm gai, tại sở chỉ huy địch ở trung tâm căn cứ cũng có 1 lớp rào bùng nhùng bao quanh. Quy luật hoạt động bắn chi viện cho Chiến đoàn 9 ngụy ở SêNul của pháo trong căn cứ này, ban ngày bắn chi viện cho bọn đi càn quét khi gặp lực lượng ta ngăn chặn hoặc khi máy bay trinh sát của chúng chỉ điểm mục tiêu; ban đêm, cứ sau 15, 20 phút lại bắn loạt, chủ yếu là bắn vào các khu vực nghi có lực lượng ta ở phía đông thị trấn (khu vực của Trung đoàn 3 ta tập kết và tiếp cận vào đánh địch ở SêNul). Bộ Binh và Công binh là lực lượng chính xây dựng và bảo vệ căn cứ, ban ngày nống ra tuần tra xung quanh căn cứ và tổ chức các chốt bảo vệ đường, đến khoảng 17 giờ chiều thì lực lượng tuần tra và bảo vệ đường lại lục tục kéo về căn cứ, để lại một số nhóm phục kích trên các hướng nghi ta có thể tiếp cận. Chiến đoàn 9 ngụy bị Sư đoàn 5 Quân giải phóng chặn đánh liên tục ngay từ ngày chúng vượt biên giới lên SêNul, sinh lực của chúng đã tiêu hao lớn, tinh thần binh lính ngụy đã rất hoang mang dao động nhất là sau các trận bị ta tiêu diệt lớn ở sở 3 (ngày 9 tháng 2), ở sở 5 (15 tháng 2) và ở ngã ba SêNul (22 tháng 2). Nhưng chúng còn khả năng tiếp tế từ Lộc Ninh lên, còn hỏa lực mạnh nhất là hỏa lực của pháo binh gồm cả pháo ở Hoa Lư (căn cứ cây số không) và pháo ở cây số 6 để trực tiếp chi viện. Do vậy, chủ trương của Sư đoàn 5 Quân giải phóng lúc này là phải đánh mạnh vào các đoàn xe cơ giới của địch từ Lộc Ninh tiếp tế lên SêNul, đánh mạnh, tiêu hao lớn lực lượng pháo binh địch, tạo thuận lợi cho tiến công tiêu diệt chiến đoàn 9 ngụy trong đợt 2 của chiến dịch.

Ngay sau khi tham gia trận tập kích quân địch tại ngã ba SêNul (đêm 21 rạng ngày 22 tháng 2) sáng 23 tháng 2 năm 1971, đại đội trưởng và tôi là Chính trị viên phó đại đội đặc công K25 được triệu tập đến sở chỉ huy Trung đoàn 3 tại bờ Tây sông Măng ở Đông bắc SêNul chừng 7km, dự hội nghị giao nhiệm vụ và hợp đồng tác chiến (thời đó, để đảm bảo có cán bộ liên tục lãnh đạo và chỉ huy chiến đấu, cán bộ đại đội của K25 vào chiến đấu từng trận do thủ trưởng trung đoàn chỉ định, thông thường nếu Đại đội trưởng được cử đi thì cử Chính trị viên phó đi cùng; nếu Chính trị trưởng được cử đi thì cử Đại đội phó cùng đi). Trong hội nghị đó, Trung đoàn trưởng Tư Bường và Chính ủy Hai Khuyến đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị đánh địch ở ngã ba Xum, Soài Chịa, phục kích đánh giao thông trên đường 13; “tiểu đoàn 7, do Tiểu đoàn trưởng Phạm Xuân Hải và Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Thanh Sơn chỉ huy, phải vượt đường vào đêm 25 tháng 2, sang khu vực Làng 2 ở Tây Bắc SêNul để phối thuộc cho Trung đoàn 1 đánh địch ở phía đó; Đại đội đặc công K25, do Đại đội trưởng Mạc Văn Nhỡ và Chính trị viên phó đại đội Phạm Minh Tâm chỉ huy tập kích căn cứ pháo binh địch tại cây số 6 đường 13, cũng phải nổ súng đúng vào đêm 25 rạng ngày 26 tháng 2 năm 1971”.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ về, K25 đã tổ chức trinh sát nắm địch, lực lượng đi trinh sát gồm 12 đồng chí (C trưởng + CV phó + Liên lạc + 3 B trưởng + 1 B phó + 5 A trưởng), ngụy trang theo màu lá khô của rừng núi thực địa, xuất phát từ vị trí đóng quân ở Bầu Ban lúc 12 giờ 30 phút ngày 23 tháng 2 năm 1971, tiến về phía Đông Nam để tiếp cận vào căn cứ địch. Sau 5 giờ, lợi dụng các vạt rừng, suối cạn để cơ động che mắt các loại máy bay trinh sát của địch quần đảo soi xét suốt ngày các đường mòn dẫn vào căn cứ địch, vừa thận trọng quan sát phát hiện và vòng tránh được 2 ổ phục kích của thám báo địch. Khi tới sát căn cứ địch, đoàn trinh sát bám theo bìa rừng từ phía Đông Bắc vòng sang phía Đông và phía Nam căn cứ để thị sát cấu trúc vành ngoài trận địa phòng ngự của địch, đến mặt phía Đông Nam đã chọn được một cây to cao ở vị trí kín đáo, chỉ cách trung tâm căn cứ địch chừng 300m, để lập đài quan sát. Đúng 18 giờ, các thành viên trong đoàn trinh sát lần lượt lên đài quan sát thấy rõ bố trí trong căn cứ địch. Sau khi quan sát, Đại đội trưởng và tôi tranh thủ hội ý và thống nhất: cần phải tổ chức tiền nhập luồn sâu vào trung tâm căn cứ để trinh sát nắm địch, cụ thể trên 3 hướng: Đông Bắc, Đông và Tây Nam. Do địa hình quanh chốt bị đốt cháy đen, nên tất cả đều phải lấy số nước còn lại trong bình tông của mình pha với tro than tại chỗ để bôi khắp lên người, lên mặt, lên cả mũ khô và quần sơ líp đang mặc của mình, chỗ phải bôi sau cùng là mặt và cổ nhưng bình tông đã hết sạch nước, trong khi mùa khô, rừng bằng không kiếm đâu ra nước. Chưa biết xử trí thế nào thì có tiếng thì thầm truyền qua nhau rằng: “Còn có bọc nước nữa ở trong bụng ấy”, thế là những người hết nước đã nhanh chóng đưa ra pha với tro than bôi lên mặt mình đen xì. Mặt trời đã lặn sau cánh rừng đen thẫm bên Tây Nam đường 13, nhưng Đại đội trưởng chờ cho tối hẳn mới lệnh cho các tổ xuất phát về các hướng được phân công và chỉ đạo hiệp đồng: “Tiếp cận vào đến hàng rào ngoài cùng thì nằm đấy phơi sương để chó Béc giê cũng không phân biệt được hơi người với hơi than, hơi đất thực địa, để chân bước được nhẹ nhàng như con thỏ rừng, đúng 23 giờ đêm mới thực hành tiền nhập luồn sâu vào căn cứ địch”. Theo đó, đến giờ quy định, các tổ trinh sát trên các hướng thực hành tiền nhập luồn sâu vào căn cứ, tổ trinh sát của Trung đội 2 và tổ trinh sát của trung đội 3 vào trinh sát trên hướng Đông và Đông bắc, phải khắc phục quá nhiều mìn và thận trọng vượt qua 5 lớp rào kẽm gai nên mãi đến 4 giờ ngày 24 tháng 2 mới vào được thành đất, buộc phải xóa dấu vết rồi quay ra vì trời đã sắp sáng. Tổ trinh sát của Trung đội 1 gồm: Trung đội trưởng Vũ Duy Viễn, Trung đội phó Hà Văn Thọ và tiểu đội trưởng Trần Thanh Sáng, có tôi là Chính trị viên phó Đại đội đi cùng trực tiếp chỉ huy vào trinh sát trên hướng Tây Nam căn cứ địch, phải từ vị trí tập kết phía Đông bắc đường 13 vượt sang Tây Nam đường tại Đông Nam căn cứ địch 300m, rồi theo bìa rừng ở Tây Nam đường tiến lên Tây Nam căn cứ địch, từ đó lại vượt sang Đông Bắc đường để tiếp cận căn cứ địch. Từ bìa rừng phía Tây Nam vào căn cứ địch, phải vượt qua hơn 100m khoảng trống (do địch đã cưa cây đổ ngổn ngang và đốt cháy) mới đến đường 13 và qua đường mới đến hàng rào ngoài cùng, nhưng tôi cho bộ đội nằm lại phơi sương tại đây (tại bìa rừng phía Tây Nam căn cứ địch) và tổ chức theo dõi các động tĩnh của địch trên hướng sẽ tiền nhập luồn sâu vào. Đúng 23 giờ 30 phút, tôi mới phát lệnh tiền nhập và đi đầu đội hình tiền nhập trực tiếp khắc phục chướng ngại vật dẫn mọi người đột nhập luồn sâu vào căn cứ địch. Diễn biến và kết quả là: Tổ trinh sát đã vượt qua bãi cây cháy đổ và tạo một lỗ vừa đủ để chui qua vệt cây gai xấu hổ rất dầy sát đường ở Nam cổng ra vào căn cứ địch chỉ 150m để vượt sang Đông Bắc đường; khi vượt sang Đông Bắc đường, gặp ngay hàng rào bùng nhùng với nhiều dây mìn sáng, nhưng ở phía trong chỉ còn một lớp rào mái nhà và một lớp rào đơn nữa là tới thành đất, giữa hàng rào bùng nhùng và rào mái nhà lại có một gò đất cao che chắn kín đáo nên đã nhanh chóng vượt qua thành đất vào trong căn cứ để trinh sát nắm rõ bố trí bên trong, thiết bị hầm hào, công sự của địch, nhất là đã vào được tận hầm chỉ huy và các hầm của pháo thủ địch, đo được chiều rộng, chiều dài của các lỗ châu mai để về thiết kế bộc phá cho vừa, xóa sạch các dấu vết và ra khỏi căn cứ lúc 3 giờ 30 phút ngày 24 tháng 2. Đúng lúc người cuối cùng là đồng chí Thọ ra khỏi hàng rào ngoài cùng, còn đang làm động tác bò trườn để vượt sang Tây nam đường 13 thì bọn lính gác ở cổng căn cứ bắn chất cháy vào ngay phía sau gò đất, nhưng Thọ đã kịp nép vào bụi gai xấu hổ rậm rạp bên Tây nam đường nên bọn địch hoàn toàn không phát hiện được.

Sáng 24 tháng 2, Ban chỉ huy K25 và các trung đội trưởng thảo luận, sau đó họp chi bộ, rồi họp toàn Đại đội do đồng chí Bí thư – Chính trị viên Ngô Minh Tiêm chủ trì để “Công khai, dân chủ” thảo luận về quyết tâm và kế hoạch tác chiến. Trong thảo luận, vấn đề được mọi người quan tâm nhiều nhất là vị trí cửa mở, rất bất ngờ đối với địch, nhưng cũng rất dễ bị địch phát hiện vì nó quá gần cổng chính ra vào căn cứ địch, ở cổng chính có chòi cao, địch thay nhau gác suốt đêm ngày, và đáng lo ngại nhất là ở khu vực cửa mở của ta, địch gài rất nhiều mìn sáng với những thủ đoạn gài rất xảo quyệt: làm căng cũng nổ và chùng cũng nổ (vô ý mà vướng dây mìn là mìn nổ, phát hiện được mà cắt dây mìn ngay cũng làm mìn nổ). Trước tình hình đó, Chính trị viên Ngô Minh Tiêm đứng sau vỗ vỗ nhẹ vào vai tôi. Lúc đó, tôi đang nửa ngồi nửa bò chỉ trỏ trên Sa bàn để tranh luận về nhận định các mục tiêu trong căn cứ địch, nhưng cũng hiểu ý của anh Tiêm ngay nên tôi đã xung phong đi đầu khắc phục chướng ngại vật để dẫn toàn Đại đội đột nhập vào căn cứ địch. Do tôi là cán bộ Đại đội, đã cùng tổ trinh sát của Trung đội 1 vào trinh sát trên chính hướng mà Đại đội đã chọn làm hướng tấn công duy nhất này, khi vào trinh sát đã dùng lạt buộc chặt các nút bẫy gây phát nổ các quả mìn cho nó khỏi phát nổ, khi ra lại tháo hết để xóa sạch dấu vết, đến khi vào đánh lại xung phong đi đầu, nên đã làm cho các chiến sĩ sung lực ta yên tâm, tán thưởng, tạo ra một khí thế hừng hực quyết chiến quyết thắng. Kết quả thảo luận, đã đi đến thống nhất nhận định về địch và ý định tác chiến của ta là: Địch có sơ hở trong tổ chức phòng thủ ở hướng Tây Nam, trong khi nhiệm vụ chủ yếu của K25 ta là diệt pháo, nên ta chỉ tổ chức mật tập từ hướng Tây Nam đánh vào căn cứ địch; lực lượng của ta ít hơn nhiều lần so với địch trong căn cứ, số lượng bộc phá, thủ pháo, lựu đạn, B40 và đạn con chỉ hạn chế trong khả năng mang theo cao nhất của từng cán bộ chiến sĩ nên ta chỉ đánh vào trung tâm căn cứ diệt Sở chỉ huy, các khẩu pháo, các công sự của địch ở hai bên cửa mở và khu trung gian nối tiếp từ cửa mở tới khu trung tâm, bảo đảm cho lực lượng luồn sâu của ta vào diệt hết pháo và sinh lực địch ở trung tâm căn cứ rồi rút nhanh qua cửa mở được an toàn. Chiều 24 tháng 2, tại căn cứ đóng quân của K25 ở Bầu ban (Đông SêNul 5km), Trung đoàn trưởng Tư Bường đã duyệt quyết tâm chiến đấu của K25, đồng chí nói: “Chiến đoàn 9 Ngụy từ ngày lên SêNul đã liên tiếp bị ta đánh, làm cho chúng đã bị thiệt hại lớn về sinh lực và phương tiện chiến tranh, buộc chúng phải hạn chế các cuộc càn quét, lui về co cụm quanh khu vực SêNul và một số vị trí án ngữ trên đường 13 đoạn từ Lộc Ninh đi SêNul. Từ 25 tháng 2 năm 1971, các lực lượng ta bước vào đợt 2 của chiến dịch, công trường 5 ta phải đánh quỵ chiến đoàn 9 Ngụy. Địch ỷ vào chúng có hỏa lực của không quân và nhiều pháo ở SêNul, ở căn cứ cây số 6 và căn cứ cây số không trực tiếp chi viện nên vẫn ngoan cố đóng chốt ở SêNul và thực hiện càn quét đánh phá trong khu vực. Đại đội đặc công K25 thực hiện tiến công quân địch ngay trong ngày mở đầu của đợt hai chiến dịch là một vinh dự lớn, diệt được pháo địch ở Km 6 là làm tiêu hao hỏa lực của địch, vừa làm cho tinh thần quân địch hoang mang dao động thêm, tạo thuận lợi cho các lực lượng ta tiến công đánh quỵ chiến đoàn 9 trong đợt chiến dịch này”.

Sáng 25 tháng 2 năm 1971, toàn đại đội tập trung nghe Đại đội trưởng phổ biến quyết tâm và kế hoạch tác chiến đã được duyệt, đọc danh sách sắp xếp nhân sự tổ chức lực lượng chiến đấu và hợp đồng chiến đấu; nghe Chính trị viên đại đội phổ biến Nghị quyết chi bộ và động viên bộ đội vào chiến đấu. Các việc trên chỉ giải quyết trong 2 giờ, nhằm dành nhiều thời gian cho bộ đội gói buộc bộc phá, thủ pháo và chuẩn bị mọi mặt cho gọn gàng. Cán bộ đại đội, trung đội phải kiểm tra đến từng người gói buộc, mang vác, bắt chạy đi chạy lại, bò lên tụt xuống thấy không bị xộc xệch mới yên tâm. Nội dung cơ bản trong quyết tâm, tổ chức lực lượng và hợp đồng chiến đấu của đại đội được xác định như sau: Đại đội huy động 36 đồng chí vào chiến đấu trận này, tổ chức thành 10 tổ sung lực và 1 tổ hỏa lực (cối 60mm), do Đại đội trưởng và Chính trị viên phó Đại đội chỉ huy, tiền nhập từ hướng Tây Nam, luồn sâu vào Trung tâm căn cứ địch, lấy 12 giờ đêm làm giờ G, lấy tiếng nổ của bộc phá đánh vào hầm Chỉ huy địch ở Trung tâm căn cứ làm hiệu lệnh đồng loạt điểm hỏa, thực hiện: Đánh cùng một lúc (khi phát hỏa), đánh từ trong đánh ra, đánh nở hoa trong lòng địch nhằm phá hết pháo, diệt hết sinh lực địch ở trung tâm căn cứ, khu trung gian và hai bên cửa mở; đánh hết bộc phá, thủ pháo, lựu đạn hoàn thành nhiệm vụ rồi rút ra theo hướng cửa mở về vị trí tập kết; giải quyết thương binh liệt sĩ nhanh chóng và chu đáo, tổ chức hành quân về căn cứ chặt chẽ. Tổ chức phân công nhiệm vụ và hợp đồng cụ thể, như sau: Tổ khắc phục chướng ngại vật, cắt rào mở cửa, đánh chiếm lô cốt đầu cầu và diệt địch ở khu trung gian từ cửa mở đến hầm chỉ huy căn cứ địch, gồm 3 đồng chí do Tiểu đội trưởng Trần Ngọc Lực phụ trách, khi mở cửa có Chính trị viên phó đại đội đi cùng trực tiếp chỉ huy và trực tiếp khắc phục chướng ngại vật, khi đánh địch đại đội trưởng ở cửa mở trực tiếp chỉ huy và có liên lạc đại đội (đồng chí Thân) cùng tham gia đánh địch, hoàn thành nhiệm vụ rồi rút ra sau các tổ luồn sâu; Tổ đánh hầm chỉ huy, hầm thông tin và diệt địch ở trung tâm căn cứ địch gồm các đồng chí: Đại – bộc phá lệnh, Thái – chiến sĩ sung lực, Tỉu – y tá, có Chính trị viên phó đại đội đi cùng trực tiếp chỉ huy, hoàn thành nhiệm vụ thì rút ra sau các tổ đánh pháo. Tổ đánh khẩu pháo ở bên phải phía Tây Bắc hầm chỉ huy địch, gồm 3 đồng chí do Trung đội trưởng, Vũ Duy Viễn chỉ huy; tổ đánh khẩu pháo ở bên trái phía Tây bắc hầm Chỉ huy địch, gồm 3 đồng chí do tiểu đội trưởng Nguyễn Khắc Vụ chỉ huy; tổ đánh các hầm ngủ từ hầm Chỉ huy đến trận địa pháo phía Tây bắc, gồm 3 đồng chí do Tiểu đội trưởng Trần Thanh Sáng chỉ huy; tổ đánh khẩu pháo bên phải phía Đông hầm chỉ huy địch, gồm 3 đồng chí do Trung đội phó Hà Văn Thọ chỉ huy; tổ đánh khẩu pháo ở bên trái phía Đông hầm chỉ huy địch, gồm 3 đồng chí do Trung đội phó Nguyễn Hùng Anh chỉ huy; tổ đánh các hầm ngủ từ hầm Chỉ huy đến trận địa pháo phía Đông do Trung đội phó Trần Văn Kề chỉ huy, các tổ đánh pháo khi phá xong pháo, diệt hết pháo thủ địch thì rút qua hầm Chỉ huy địch bắt liên lạc với Chính trị viên phó để cùng rút ra cửa mở; Tổ đánh 6 lô cốt và hầm ngủ ở thành đất bên phải cửa mở, gồm 3 đồng chí do Trung đội trưởng Nguyễn Xuân Khẩn và trung đội phó Nguyễn Quốc Trọng chỉ huy; Tổ đánh 6 lô cốt và hầm ngủ bên trái cửa mở, gồm 3 đồng chí do trung đội trưởng Lê Đình Tuấn chỉ huy, các tổ đánh địch ở hai bên cửa mở hoàn thành nhiệm vụ rồi rút ra sau tổ đánh hầm Chỉ huy địch; Chính trị viên phó Phạm Minh Tâm, tại trung tâm căn cứ địch trực tiếp chỉ huy các tổ luồn sâu đánh Sở chỉ huy và pháo binh địch; Đại đội trưởng Mạc Văn Nhỡ, ở cửa mở chỉ huy toàn đại đội chiến đấu và tổ chức rút ra; Tổ hỏa lực gồm 3 đồng chí Lưu, Hàn, Hưng do Tiểu đội trưởng Lưu chỉ huy, chiếm lĩnh trận địa ở bìa rừng phía Đông căn cứ địch, có nhiệm vụ dùng cối 60mm bắn vào căn cứ địch ở thời điểm Đại đội đã hoàn thành nhiệm vụ, nhằm nghi binh hướng quân ta rút ra và yểm trợ cho toàn đại đội rút nhanh khỏi căn cứ địch; Lực lượng còn lại của Đại đội, do Chính trị viên Ngô Minh Tiêm, Đại đội phó Trần Quang Tải chỉ huy (trong đó có Quản lý đại đội Phùng Văn Thắc giúp việc) để tổ chức đảm bảo mọi mặt cho chiến đấu và giải quyết hậu quả sau chiến đấu.

Đúng 12 giờ 30 phút ngày 25 tháng 2, từ căn cứ Bầu ban, số người tham gia chiến đấu trận này của toàn đại đội bắt đầu hành quân vào trận chiến đấu, đến 17 giờ 30 tới vị trí tập kết ở khu rừng rậm giáp đường 13 trên đoạn phía Đông nam căn cứ địch 300m. Tại vị trí tập kết, bộ đội thực hiện ngụy trang, tổ chức cảnh giới theo dõi địch trên đường, chờ cho tốp lính gác đường cuối cùng về căn cứ mới thực hành vượt đường. Riêng tổ cối được vào chiếm lĩnh trận địa ngay, lợi dụng rừng rậm tổ đã vào chiếm lĩnh trận địa an toàn ngay khi trời nhá nhem tối, đào hầm cho người và pháo đầy đủ vững chắc. 18 giờ 30 phút, các tốp lính gác đường đã về hết căn cứ, Đại đội trưởng cho từng tổ thực hành vượt sang bìa rừng bên Tây Nam đường rồi theo bìa rừng tiến lên đến đúng Tây Nam trung tâm căn cứ địch 300m (cũng là phía Tây Nam đường 13, cách đường 100m qua khoảng trống do địch đã cưa đổ hết cây và đốt cháy, một số cây to vẫn còn cháy âm ỉ). Tại đây, Đại đội trưởng cho bộ đội triển khai đội hình tiền nhập vào căn cứ địch đúng theo thứ tự các tổ đã nêu trên và cho nằm phơi sương đến 23 giờ mới thực hành tiền nhập luồn sâu vào căn cứ địch. Do khéo bố trí sắp xếp lực lượng, cho những đồng chí đã vào trinh sát trên hướng này đêm trước, nay dẫn đầu tổ khắc phục chướng ngại vật, cắt rào mở cửa, các tổ luồn sâu đánh Sở chỉ huy và đánh pháo địch nên mặc dù đêm tối đen như mực nhưng chưa đến 24 giờ đêm các chiến sĩ sung lực đã vào chính xác các mục tiêu được phân công tiêu diệt mà bọn địch vẫn không biết chuyện gì sắp xảy ra với chúng. Nhận thấy bộ đội ta đã vào hết, các chiến sĩ đặc công đã áp sát mục tiêu được phân công, chờ thêm 5 phút, cho đúng giờ G (lúc 12 giờ đêm), tôi bấm vào đùi chiến sĩ bộc phá lệnh ra hiệu điểm hỏa. Đại loay hoay mãi không đút được bộc phá qua lỗ châu mai vào hầm chỉ huy địch. Tôi khẽ hỏi Đại: Sao thế? Đại nói thì thầm: Vướng cái gì ấy anh ạ. Tôi liền đưa tay vào lỗ châu mai sờ thấy đầu cọc mắc võng của địch nằm trong hầm. Biết không thể đưa bộc phá vào hầm qua lỗ châu mai được, tôi liền thay Đại ôm bộc phá bò thẳng vào cửa hầm, có bóng đèn mờ trong hầm nên nhìn thấy một tên to bự nằm trên võng và 4 tên nữa cũng khá to con nằm đất dưới võng, tôi liền đặt bộc phá vào dưới võng, chính giữa hai tên nằm dưới đất rồi rút nụ xòe và nhanh chóng thoát ra khỏi hầm. Do khi gói buộc bộc phá, Đại cắt dây cháy chậm hơi ngắn nên tôi vừa ra khỏi hầm mới chạy được bước thứ hai thì quả bộc phá 5kg thuốc nổ mạnh (hợp chất C4) đã nổ rung chuyển mạnh cả vùng đất xung quanh và hơi bộc phá hắt ra cửa hầm cũng rất mạnh đẩy tôi ngã sấp tóe máu mũi. Ngay sau tiếng nổ của bộc phá lệnh, là hơn cả “Dàn nhạc Tân Tây Lan” (ví như pháo bầy của bọn lính đánh thuê Tân Tây Lan sang Việt Nam thời đó), gồm tiếng bộc phá đánh các khẩu pháo lớn, tiếng thủ pháo đánh vào các lô cốt và hầm ngủ của địch, tất cả cùng nổ rền vang, chát chúa khắp căn cứ địch. Bọn lính gác ở thành đất phía Đông và phía Bắc vội tụt ngay xuống hầm và rên la inh ỏi: “Việt cộng pháo kích, pháo kích đấy chúng mày ơi, pháo bắn nhiều thế này thì chết hết rồi, đù mẹ thằng nào bắt chúng ông lên đây…” Bọn bị đánh ở khu vực cửa mở, ở bờ thành phía Tây nam và Đông nam thì dính bộc phá của ta đã chết hết trong hầm và lô cốt, chỉ còn một số tên đến phiên gác ở ngoài hầm đang ngủ gà ngủ gật, nghe tiếng “pháo kích” cũng vội vàng tụt vào hầm, nhưng khi vào hầm thấy khét đắng và những tên trong hầm đang còn giẫy đành đạch thì chúng hoảng hốt chạy loạn xạ. Một tên từ phía cửa mở chạy vào trung tâm căn cứ, khi y tá Vũ Quý Tỉu phát hiện ra thì nó đã chạy đến sát mình, tiện bó nẹp trong tay Tỉu liền phang cho nó một phang trời dáng, tên này đã ngã siêu sang một bên nhưng giữa cái sống và cái chết cận kề, bản năng nó mách bảo là cần phải gượng dậy để chạy ngay, nó chạy về phía Đông gặp Trung đội phó Trần Văn Kề dương lê đâm chết. Tại khu vực sở chỉ huy, sau khi đánh bộc phá diệt địch trong sở chỉ huy, tôi dùng thủ pháo đánh tiếp vào 5 hầm ngủ nữa ở sát xung quanh Sở chỉ huy địch, rồi đánh tảo trừ cho đến hết thủ pháo liền chạy sang khu vực hầm thông tin ở phía Tây hầm Chỉ huy để kiểm tra tình hình. Vừa tới hầm thông tin thì gặp Thái, Thái báo cáo: “Em đã diệt hết 7 hầm được phân công, chắc chắn là bọn địch trong các hầm đó đã bị diệt hết riêng hầm thông tin này khi chưa đánh nó có đèn trong hầm rất sáng, nhìn vào thấy rõ có 4 tên, em đã đánh thủ pháo và thêm 1 quả lựu đạn nữa mà vừa rồi chui vào sờ thấy nó vẫn rung đùi rần rật, hình như nó vẫn còn sống, nhưng hết cả thủ pháo và lựu đạn rồi anh ạ”. Tôi xua tay để Thái hiểu ý là không cần phải đánh vào cái hầm đó nữa, rồi chỉ tay về phía Tây bắc và áp sát mặt mình vào mặt Thái cho Thái nhìn rõ mồm tôi nói (vì Thái bị điếc do bị bom đánh từ trận trước, nhưng chỉ nhìn vào mồm nói là Thái nhận biết nói gì): Đồng chí lên chỗ đồng chí Viễn xem sao. Thái làm động tác “đi khom” đúng như trong huấn luyện mà vọt nhanh như con sóc. Tôi lại chạy sang dãy hầm và lô cốt sát phía Đông bắc hầm Chỉ huy địch, gặp Đại cũng đang lom khom chạy ngược chiều. Đại báo cáo: Đã diệt hết các hầm và lô cốt được phân công, hết thủ pháo và lựu đạn. Tôi lại chỉ tay về phía Đông và chỉ thị cho Đại: Đồng chí lên xem chỗ đồng chí Thọ thế nào. Đại cũng đi khom nhanh như con sóc. Tôi quay lại hầm Chỉ huy địch, y tá Tỉu sau khi tham gia đánh hết số thủ pháo mang theo vẫn ôm bó nẹp kiên trì chờ mà chẳng thấy có ai đưa thương binh đến băng bó. Tỉu nói: Chắc không có thương binh rồi, em vất bó nẹp này đi để sử dụng tiểu liên cho thuận tiện nhé. Tôi nói: Cho đồng chí ra cửa mở trước để gặp anh Nhỡ, ngoài đó có thể phải sử dụng đến bó nẹp đấy. Thế là Tỉu liền lom khom chạy đi, cái túi thuốc to kềnh cứ lắc lư ở sau kết hợp với kiểu chạy dật cục nên dáng điệu của Tỉu cứ như là một diễn viên hài kịch. Vì sốt ruột do mãi không thấy Thái và Đại đi kiểm tra các tổ đánh pháo trở về, nên tôi cơ động thẳng lên trận địa pháo phía Tây bắc thấy ở đó vắng lặng, các khẩu pháo đã bị đánh vỡ bệ khóa nòng, một số tên địch chưa chết hẳn còn kêu la dưới hầm, giọng nó ồm ồm như giọng quân Mỹ chứ không phải quân ngụy (sau này đài kỹ thuật của ta bắt được tin chúng báo cáo bằng vô tuyến điện lên trên của chúng thì mới biết bọn lính pháo ở đây cũng có một số là lính Mỹ).

Thấy tình hình bộ đội ta đã rút ra, nên tôi cũng nhanh chóng thoát ra hướng cửa mở. Nhưng lúc này, ở cửa mở đang có một số lính điều khiển súng máy bắn theo đội hình rút của quân ta, bọn lính ở thành đất phía Bắc, phía Đông cũng bắt đầu chui ra khỏi hầm và hô hoán nhau huyên náo. Tôi biết chắc là phải chiến đấu một mình trong căn cứ địch rồi, chúng còn đông lắm mà tôi chỉ còn 2 quả lựu đạn và 2 băng tiểu liên AK buộc chéo nhau. Trong khắc giây, đã lóe lên những sự tự động viên kỳ lạ như: Đại đội đã diệt được pháo, chỉ huy và nhiều sinh lực địch như thế mà chỉ một mình ta hy sinh thì cũng đáng lắm rồi, chết đã có số, khi lên đường mẹ đã dặn: Gắng lên cho bằng anh bằng em”, thôi thì nếu phải chết cũng là chết trên chiến trường… do vậy không chần chừ, tôi xông lên, rút nụ xòe tung lựu đạn về phía bọn địch ở cửa mở. Cùng lúc đó, cối 60mm của tổ hỏa lực Lưu, Hàn, Hưng ở bìa rừng phía Đông rót đúng vào cổng căn cứ địch, làm bọn địch trong căn cứ nhốn nháo, hầu như chúng lại chúi xuống hầm. Tranh thủ lúc địch đang hoang mang không hiểu Việt Cộng đánh kiểu gì, tôi liền liệng nốt quả lựu đạn cuối cùng của mình về phía bọn địch ở cửa mở. Bọn chúng chết thêm một số nhưng vẫn còn nhiều, trong khi đó ở phía sau bọn địch đang kéo đến khá đông, tôi liền quỳ xuống, nghiêng súng cho má băng AK song song với mặt đất (nhằm cho đạn ra khỏi nòng súng thì bay ngang tầm ngực những tên lính, chứ không bung lên trời) rồi siết cò sả gần hết băng tiểu liên về phía đám đông quân địch. Thế là chúng cũng bắn lại, và cũng đến lúc này thì bọn địch ở cửa mở mới nhận ra ở phía trong (sau lưng chúng) vẫn còn Việt Cộng nên chúng đã quay súng bắn bừa vào phía trong, lợi dụng mấy chiếc xe tải đỗ che khuất, tôi rẽ nhanh sang hướng cổng chính của căn cứ địch để cho bọn ở phía trong bắn nhau với bọn ở cửa mở. Ra gần đến cổng thì máy bay địch đã đến, chúng thả đèn dù và đã đánh mấy quả bom vào bìa rừng phía Tây trước cửa mở. Thế là biết chắc chúng đã nghi ta rút quân về phía đó, nên tôi quyết định chạy thẳng ra cổng chính của căn cứ ra đường và cứ theo đường 13 chạy lên phía Bắc (ngược chiều với hướng quân ta rút). Rất may là bọn địch ở cổng chính lúc này đã dồn gần hết ra phía cửa mở để bắn theo quân ta, số còn lại vài thằng lại chui cả xuống hầm để tránh pháo kích của Tổ cối 60mm do Lưu, Hàn, Hưng vẫn đang bắn vào, cho nên tôi đã nhanh chóng thoát được ra khỏi căn cứ địch. Chạy theo đường 13 lên phía Bắc chừng 300m, rẽ phải vào cánh rừng ở phía Đông bắc đường, vào được đến rừng mới chắc là mình vẫn có thể thoát chết. Lúc đó, như có một ma lực điều khiển cái miệng cứ tự nhiên lẩm bẩm: “Mẹ ơi, con còn sống”. Các trận chiến đấu sau này cũng vậy, cứ mỗi khi gặp khó khăn, mỗi khi chiến thắng, mỗi khi có cảm xúc mạnh là tôi lại kêu mẹ. Vì khi lên đường đi chiến đấu mới 20 tuổi, chưa có vợ, chỉ có mỗi “mảnh tình yêu” thì đã chủ động rũ đi cho người ta khỏi phải hão huyền chờ đợi. “Người đi không hẹn ngày về” nên dĩ nhiên là chỉ còn biết kêu mẹ. Tôi lại ngồi trong rừng để thở vì lúc này như đã hụt hơi, thấy máu chảy xuống mồm liền đưa tay dò theo vết máu mới biết mình bị thương ở trán, lấy tay phải chống xuống đất để rướn mình đưa tay trái lên định lấy lá cây nhai đắp vào vết thương cho khỏi chảy máu thì lại thấy nhói đau ở vai trái nên lại phải ngồi lại theo tư thế ban đầu để lấy tay phải với sang vai trái mới biết là đã dính một phát đạn thẳng bắn xuyên qua vai, cố đứng dậy để đi tiếp nhưng toàn thân rã rời, nhìn lại vết ngồi theo tia sáng xuyên qua rừng của đèn dù thấy máu me đầm đìa, lấy tay trái sờ vào mông thấy rất nhiều viên sỏi nhỏ và có cả một số mảnh kim khí cắm sâu ở hai mông. Lúc này, chiếc đồng hồ Pôn Zốt của anh Tải cho đã bị đứt dây rơi mất rồi nên không biết đang là mấy giờ. Có lẽ đã gần sáng nên không thể ngồi đây lâu được, vì ở đây vẫn gần đường, sáng ra bọn lính đi tuần tra, gác đường thì rất dễ sa lưới của chúng. Nghĩ vậy nên cố đứng lên, lợi dụng ánh sáng đèn dù của địch để thoát ra khỏi khu rừng rậm rạp với dây leo chằng chịt này. Lầm lũi đến hơn một giờ mới thoát ra khỏi khu rừng rậm, chỉ còn toàn là rừng với những cây Dầu, cây Khộp, cây Săng Lẻ mọc thưa. Dưới mặt đất, toàn lá khô to bản phủ đầy lên những cây cỏ lúp xúp mà cả lá lẫn cành của chúng đều sắc nhọn như dao, trong khi chân không dầy dép, môi miệng sưng vêu, toàn thân từ chân đến cổ chỗ nào cũng rớm máu vì các vết thương và gai rừng cứa đi cứa lại, nhưng không thấy đau chỉ thấy rất mệt mỏi và rất là buồn ngủ. Dù sao thì vẫn phải cố mà đi để về đơn vị cho sớm kẻo lúc này chiến dịch đang trong giai đoạn quyết liệt, đơn vị mà cơ động chiến đấu đi nơi khác thì sẽ không biết đâu mà tìm. Trời sáng dần, tôi ôm súng nằm xuống thảm cỏ dưới một gốc cây Săng Lẻ để tạm nghỉ và định hướng đi cho chính xác. Lấy điểm mặt trời mọc làm chuẩn và định hình điểm đứng hiện tại của mình, nhận thấy quá trình vạch rừng đi đêm của mình trong đêm qua tuy mò mẫm nhưng vẫn đúng hướng về căn cứ đóng quân của Đại đội ở khu vực Bầu ban. Vốn là lính trinh sát đặc công được đào tạo cơ bản, lại đã hoạt động chiến đấu ở vùng này suốt từ giữa năm ngoái nên tôi tin khả năng của mình là không thể bị lạc. Đo trên bản đồ khi nghiên cứu kế hoạch hành quân chiếm lĩnh vị trí tập kết chiến đấu, thẳng theo đường chim bay từ căn cứ đóng quân của ta ở khu vực Bầu ban đến căn cứ cây số 6 của địch chỉ chưa đầy 20km. Nhưng, phải vòng vèo qua rất nhiều chướng ngại của rừng núi hoang sơ và lúc này phải vừa đi vừa bò, mà bò là chủ yếu thì không rõ là đến bao giờ mới về đến đơn vị được. Cần phải đi ngay, chống súng vùng dậy, tay trái bám cây, tay phải ôm súng lại khập khễnh bước đi, khi mỏi quá thì chuyển sang bò, lết và trườn, cố gắng không dừng lại vì dừng lại sẽ bị ngủ ngay, mà ngủ ở đây thì sẽ không tránh khỏi làm mồi cho thú rừng. Biết bọn hổ vẫn đang lẩn quất quanh đây, vì thực tế hoạt động ở vùng này, tôi đã nhiều lần gặp chúng, nếu thấy mình đang đi là nó lánh mình, nhưng nếu gặp mình ngủ thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra nên cứ phải bò đi, cứ bò, bò mãi. Mặt trời đã lên qúa đỉnh đầu, ve rừng kêu ran khắp, đã qua nhiều suối cạn, đã vượt nhiều hố sâu mà không đâu có nước, vừa khát vừa đói nhưng cái đói không thấm gì so với cái khát, khát đến cháy họng, nhai bao nhiêu loại lá cây rừng rồi mà vẫn chưa thấy loại nào có nước, có đến mấy tháng nay không thấy hạt mưa nào, trời xanh vẫn thẳm cao vút không một gợn mây, lại phải bò thôi, lúc này mệt lắm không đi được thì phải bò, tự động viên mình là cứ bò đi, bò đến Bầu Ban sẽ có nước. Khẩu súng tiểu liên AK báng gấp là bạn thân, nó đã cùng ta xung bao nhiêu trận từ Tây Nguyên, từ các tỉnh giáp Lào vào đây, nhưng lúc này nó trở thành gánh nặng, gánh nặng vẫn phải mang vì nó là vật thiêng liêng của Tổ quốc giao cho người lính, cứ đưa nó lên trước mặt để bò qua nó rồi lại với tay kéo nó lên đưa về phía trước, cứ thế, cứ thế, bò đi, bò mãi, mắt nhắm nghiền nhưng vẫn bò đúng theo hướng đã định.

Lúc đó, không biết là mấy giờ nhưng biết rằng đã về đến gần khu vực đóng quân của đơn vị, trời vẫn còn sáng nhưng không thấy ông mặt trời ở hướng nào, có lẽ ông ấy đã lặn vào sau cánh rừng đen thẫm ở phía xa bên trái rồi, đã trông thấy nước Bầu ban ở trước mặt mà không sao bò lên được nữa, như có ai ở phía sau cầm chân mình kéo ngược trở lại, mệt mỏi và buồn ngủ quá đành phải ôm súng nằm sấp xuống bờ cỏ rồi thiếp đi lúc nào không biết. Bỗng có tiếng kêu to: ối trời ơi… ối trời ơi… anh ơi… Đại đội mới làm lễ truy điệu anh và anh Vụ lúc trưa nay, tưởng là anh hy sinh trong trận địa của địch, ai ngờ anh lại chết ở đây ư! Nghe rất lờ mờ, như tỉnh như mơ nhưng cũng nhận ra tiếng xứ Nghệ của Thọ; cố cựa quậy để cho Thọ biết là mình đang còn sống mà không sao nhúc nhích được. Thọ tưởng là chết thật rồi nên hô hoán cho mọi người kéo đến. Nhưng khi Thọ chạy đến ôm tôi và vực dậy đã nhận ra tôi còn thở nên ra sức day mạnh vào sống lưng. Cố mở mắt, cố mãi, cuối cùng cũng hé mở được. Trên đúng hướng mắt mở đang có người chạy tới, thì ra là anh Biền – Đại đội trưởng bên Tiểu đoàn 8, không rõ anh đang đi đâu qua đây nghe tiếng Thọ hô hoán liền chạy lại, cái bi đông của anh ấy cứ tung lên thế kia thì chắc gì còn nước. Còn xa đến hơn chục bước nữa anh ấy nhận ra con mắt của tôi đang nhìn vào cái bi đông của mình nên vừa chạy vừa đưa tay rút bi đông ra, anh xô đến, nói Thọ đỡ tôi ngồi hẳn dậy, rồi một tay anh đỡ cổ cho người tôi hơi ngửa về phía sau còn tay kia anh nắm bi đông dốc ngược vào cái mồm đang há hốc chờ đợi của tôi. Được mỗi một hớp và vài ba giọt do anh Biền lắc lắc cái bi đông cho rơi xuống nhưng đã mát đến tận gan ruột, mắt sáng hẳn ra, trong người như có một luồng sinh khí mới rất mạnh mẽ khiến cho tôi cựa quậy rồi đứng dậy được. Anh Biền cùng Thọ dìu tôi về đến đường mòn rẽ vào khu đóng quân của K25 mới quay ra để về Đại đội của anh ở phía bên kia Bầu Ban, anh nói là “đêm nay đơn vị tôi phải cơ động chiến đấu”. Thọ dìu một mình theo kiểu gần như cõng và kéo cái xác rất nặng, về đến gần khu hầm của Trung đội 1 mới đỡ cho tôi ngồi dựa vào gốc cây, rồi vừa thở vừa phát ra tiếng hô hoán rất nhỏ với những câu đứt quãng: Sống đây này…, còn sống thật đây này! Rất ngỡ ngàng về những câu hô hoán của Thọ nhưng mệt quá chẳng thể hỏi cho ra lẽ được, sau này anh em nói lại là: Khi bộ đội ta rút qua cửa mở ra đường 13 thì cứ theo đúng hợp đồng là chạy theo đường về hướng Đông nam 300m rồi rẽ trái vào khu vực tập kết, nhưng bọn địch lại tưởng ta chạy sang bìa rừng phía Tây nam đường nên chủ yếu bắn vào đó và chúng cũng chỉ mới bắn được mấy loạt đã thấy ngừng, đồng thời thấy tiếng súng bắn nhau ở trong căn cứ địch loạn xạ, nên toàn đơn vị rút về vị trí tập kết được an toàn; Chỉ riêng có anh Vụ, là người cuối cùng rút ra khỏi cửa mở, đã bị hy sinh khi đang vượt lên đường 13 và anh Lực bị thương vào mắt cũng ở vị trí đó, do bọn địch ở cổng chính phát hiện được quân ta đang rút ra nên đã bắn M79 ra; Cả đơn vị về đến căn cứ đóng quân ở Bầu Ban thì trời cũng vừa sáng, tắm giặt, ăn uống, nghỉ ngơi đến gần trưa vẫn không thấy tôi về nên mọi người đều nhận định là tôi đã hy sinh trong căn cứ địch, đại đội đã báo cáo lên trung đoàn ta hy sinh 2 gồm tôi và anh Vụ, và buổi sinh hoạt chiều hôm đó toàn đại đội đã giành phút mặc niệm 2 đồng chí đã hy sinh, nhưng Thọ và một số đồng chí nữa vẫn cứ phỏng đoán là tôi vẫn còn sống và sẽ biết cách để ra khỏi căn cứ địch, nên khi tôi về thật thì coi như là Thọ đã thắng cuộc. Tuy tiếng hô hoán của Thọ phát ra rất nhỏ nhưng ngay từ tiếng hô đầu tiên, đã nghe thấy những bước chân rầm rập ở khắp nơi chạy đến. Trong chốc lát, thấy rất nhiều bàn tay sờ vào người tôi và tôi cũng sờ thấy cái sẹo ở cổ tay người ngồi sau lưng đang ôm chặt lấy mình nên biết đó là anh Nhỡ. Vết sẹo này là vết thương của anh ấy trong trận đánh bọn kỵ binh bay Mỹ ở Kon Ton hồi tháng 6 năm ngoái. Anh Nhỡ đang khóc và nghẹn ngào không nói được lên lời, nước mắt anh rơi lã chã xuống cả má tôi. Liếc nhìn xung quanh thấy mọi người đông xúm sít, nhưng im lặng đến kỳ lạ, như thể đang đứng trước một vấn đề rất nghiêm trọng.

Ngay sau trận này của K25, các đơn vị của Trung đoàn và Sư đoàn đồng loạt tiến công đánh quỵ chiến đoàn 9 ngụy, buộc địch phải đưa Chiến đoàn 8 lên SêNul thay cho chiến đoàn 9 rút về Lộc Ninh ngay từ đầu tháng 3 năm 1971. Sơ kết bước 1 của chiến dịch, K25 được trung đoàn nhận xét: “Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong trận tập kích căn cứ pháo binh địch tại km 6” và được thông báo là: Đài kỹ thuật của ta đã thu được báo cáo lên cấp trên của địch ở căn cứ cây số 6, chúng đã bị chết 73 tên gồm cả Mỹ lẫn Ngụy trong đó có 1 tên đại úy Mỹ, một nhóm sỹ quan của trường Võ bị Đà Lạt đi thực tế ngủ chung một hầm bị diệt gọn và cả 4 khẩu pháo của chúng đều bị phá hỏng nặng. Sau khi Đại đội họp rút kinh nghiệm trận đánh và đề nghị khen thưởng lên cấp trên, đã được cấp trên duyệt cấp Huân chương Chiến công giải phóng Hạng ba của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cho tập thể Đại đội và cho cá nhân tôi; cấp bằng và giấy khen của Sư đoàn và Trung đoàn cho nhiều đồng chí khác. Báo Sư đoàn và báo Quân giải phóng miền Nam đã nhận và đăng bài của Ban Chính trị Trung đoàn 3 viết tuyên truyền về chiến thắng trận này, riêng bài thơ của Chính trị viên Đại đội Ngô Minh Tiêm thì được trả lời là: “Rất hay nhưng không đăng được, vì để giữ bí mật”. Nhưng đến bây giờ thì thiết nghĩ là được, nên viết ra đây để mọi người cùng được biết:

Đêm trinh sát

Trăng hạ tuần khuất núi

Thẳng cứ địch ta vào

Lòng mọi người nao nao

Ngôi sao hôm vẫn thức

trời Sênul nóng nực

Cứ địch đốt mấy lần

Làn gió nhẹ lâng lâng

Nâng hàng raog lấn tới

Những phút giây chờ đợi

Khi phát hiện được mìn

nhưng động tác thông, tinh

Tháo gỡ mìn sạch hết

Khi vào tới tường đất

Trời đã lật về khuya

Nhìn chỗ kia pháo địch

Chỗ này sở chỉ huy

Chỗ thằng gác bên ni

Lô cốt địch bên nớ

Đây có vật che đỡ

Để khi đánh ém quân

Bàn đi lại mấy lần

Lệnh lui quân xóa dấu

Tình hình đich, cơ cấu

Đã in sẵn trong đầu

Thức trắng suốt đêm thâu

Vạch sơ đồ tác chiến

Mỗi người một ý kiến

Tìm cách đánh thật hay

Sơ bộ quyết tâm này

Về thông qua chi bộ

Những trường hợp bị lộ

Tìm phương án tránh ngay

Sau đó được một ngày

Trên chuẩn y cho đánh

được cấp trên chắp cánh

Cán binh quyết tung bay

Chỉ sau đó một ngày

Được loan tin thắng trận

(tháng 2 năm 1971)


Comments