Đào Lợi … Hội trường trên 100 chỗ ngồi đã đầy kín, tôi mải đi hỏi thăm và chụp ảnh lưu niệm với đồng đội, khi quay trở lại thì không còn một chỗ trống, tôi ra ngoài hành lang lấy một chiếc ghế xuống cuối hội trường để ngồi. Đồng chí Vũ Đình Thống được phân công làm công tác tổ chức bước lên bục nói: “Xin phép các vị đại biểu ổn định chỗ ngồi để hội nghị bắt đầu làm việc”. Bỗng có tiếng nói: “Cháu xin chào các bác, các chú ạ”. Tôi ngước nhìn lên thấy cháu gái chừng ngoài 30 tuổi người nhỏ nhắn bước vào Hội trường và sau đó có tiếng của ai đó nói: “đây là cháu Nga, cháu của liệt sĩ từ Hải Phòng đến dự với chúng ta”. Mọi người vỗ tay, tôi không vỗ tay mà nghĩ trong đầu ai nhỉ? Ai ở Hải Phòng? Cháu của liệt sĩ ở Hải Phòng sao lại lên họp với Hội bạn chiến đấu, cựu chiến binh sư đoàn 5 tỉnh Yên Bái chúng tôi? Dù vậy tôi vẫn chú ý theo dõi bản báo cáo của đồng chí Nguyễn Quang Hưng - Trưởng ban liên lạc Chi hội đọc trước Hội nghị. Sau khi nghe báo cáo tổng kết một năm hoạt động của Hội lần lượt các vị đại biểu phát biểu ý kiến, tiếp đó là cháu Nga phát biểu: “Kính thưa các bác, các chú, các cô! Cháu là Hoàng Thị Nga, là cháu của liệt sĩ Hoàng Ngọc Châu, quê ở Hiệp Hoà Bắc Giang…” Tôi chợt nhớ ra, cách đây vài tháng anh Minh Tâm ở Hải phòng - nguyên là đại đội trưởng C20E174, F5 có điện cho tôi hỏi Châu 2W hy sinh ở đâu? Tôi trả lời Châu hy sinh ở trận đánh Lộ 20, Long Khánh. Tôi đoán chắc cháu Nga nhận được thông tin của anh Minh Tâm và lên hỏi chúng tôi, vì số anh em ở đại đội thông tin E174, F5 Yên Bái còn hàng chục người. Sau khi các vị đại biểu phát biểu xong, hội nghị nghỉ 15 phút. Tôi tranh thủ gặp cháu Nga và thông báo với cháu về liệt sĩ Hoàng Ngọc Châu thuộc đơn vị thông tin K20, E174, F5 hy sinh ở lộ 20 Long Khánh là chính xác, cháu và gia đình không phải đi hỏi ở đâu nữa, bác và một số đồng đội của bác Châu đã cùng tham gia trận đánh, chứng kiến bác Châu của cháu hy sinh tại trận đánh phục kích này. Bỗng phía sau tôi có tiếng nói: “Đúng đấy cháu ạ, trận đánh này bác ở đài quan sát”. Tôi ngoảnh lại thấy đồng chí Đặng Văn Châu, quê ở xã Hợp Minh, tôi hỏi: “cậu cũng nhớ à?”, Châu nói: “em đi đài quan sát đặt ở núi Tràn, cách lộ 20 khoảng 300m, cách Định Quán khoảng 2 km mà anh”, nghe xong cháu Nga bước lại gần tôi và nói: “Cháu cảm ơn các bác, thế thì cháu yên tâm rồi, bây giờ cháu phải làm sao tìm thấy bác cháu để đưa về quê”. Từ khi nhận được Giấy báo tử gia đình cháu Nga đã mất bao nhiêu công sức tìm kiếm liệt sĩ Hoàng Ngọc Châu suốt từ Quảng Trị đến miền Tây Nam bộ. Bởi vì, Giấy báo tử chỉ ghi: “Liệt sĩ Hoàng Ngọc Châu hy sinh tại mặt trận phía Nam, mai táng tại nghĩa trang đơn vị thuộc K\B”. Mặt trận phía Nam thì mông mênh, nghĩa trang đơn vị nào? Đơn vị có bao nhiêu nghĩa trang? K\B là ở đâu? Quả là tìm kim đáy biển. Qua nhiều năm ròng rã gia đình cháu đã nhận được một tin cho biết liệt sĩ Hoàng Ngọc Châu ở đơn vị thông tin E174, F5 sau đó chuyển sang đơn vị hậu cần 64, một niềm hy vọng đã đến với gia đình cháu Nga, mọi hướng tìm kiếm đều chuyển sang các đơn vị hậu cần trong thời gian chống Mỹ, gồm đoàn hậu cần 86, 84, 64, 50… và hậu cần các sư đoàn, trung đoàn, các địa danh, các địa bàn hoạt động của các đơn vị hậu cần lớn nhỏ cháu Nga gần như đã thuộc cả mà vẫn “bặt vô âm tín”, không ai biết gì về liệt sĩ Hoàng Ngọc Châu cả, có người nói: “là chiến sĩ thông tin sao lại điều sang hậu cần có mà điên à”. Lại một hướng nữa bế tắc, mệt mỏi, tốn kém tiền của, thời gian công sức mà không có kết quả gì. Thế rồi cháu Nga và gia đình không chịu bó tay, lại tìm ra hướng mới. Ngay trong Giấy báo tử có ghi: Thuộc K\B. Vậy K\B là cái gì? Của ai, ở đâu? Cuộc săn tìm K\B được triển khai nhiều hướng, nhưng cũng không dễ gì, cháu Nga và gia đình đã đến nhiều nơi, hỏi nhiều người mà không ai biết K\B vì đây là mật danh nên chỉ các cơ quan bảo mật mới biết được. Lại tìm bảo mật, mà đúng vậy khi tìm được những người trước đây làm bảo mật mới biết được K\B là khu 7. Trên đường đến Quân khu 7 cháu Nga mừng thầm chắc lần này là thành công rồi, lần này sẽ tìm được nơi yên nghỉ của liệt sĩ Hoàng Ngọc Châu, anh ruột của bố cháu là Hoàng Ngọc Minh và là bác ruột của cháu. Nhưng khi đến quân khu 7, đâu đã tìm thấy ngay, vì quân khu 7 gồm nhiều tỉnh, nhiều đơn vị chiến đấu ở nhiều nơi. Quả thật là vô cùng khó khăn. Cháu Nga phải tìm kiếm, dò hỏi nhiều nơi, trên mạng, từ trận đánh của E174, F5 suốt từ Tây Nguyên đến miền Đông Nam bộ mà vẫn không tìm ra trận đánh nào, nơi nào liệt sĩ Hoàng Ngọc Châu hy sinh, mà cũng không ở Nghĩa trang liệt sĩ nào có tên, tuổi, quê quán của liệt sĩ Châu, gần như vô vọng. Nhưng không, phải có ai đó, đơn vị nào đó làm Giấy báo tử chứ! Lại mở ra một hướng, thế rồi cháu Nga lại đi tìm đơn vị báo tử. Cháu Nga đến E174, vì được biết bác Châu cháu thuộc K20 E174, nhưng kỳ lạ E174 lại không chiến đấu ở Đông Nam bộ mà cụ thể là không thuộc sư đoàn 5 mà là sư đoàn 316. Cháu lại từ Bắc vào Nam, đến sư đoàn 5 tìm E174 thì sư đoàn 5 không có E174. Cháu trực tiếp hỏi sư đoàn xin danh sách báo tử xem có thấy tên của bác Châu của cháu không, cũng không có. Thật quá khó hiểu, tìm ở đâu bây giờ? Bác Châu cháu hy sinh có Giấy báo tử, có bằng tổ quốc ghi công mà đến bây giờ không biết ở đâu báo tử, đơn vị nào, cấp nào báo tử. Chỉ còn cách cháu lại đến quân khu 7 hỏi tiếp danh sách báo tử năm 1969, cũng không có tên Hoàng Ngọc Châu, nhưng lần này cháu nhận được lời hứa sẽ tiếp tục tìm kiếm nếu thấy sẽ thông báo với cháu sau, cháu cho địa chỉ và số máy điện thoại để liên lạc. Ít ngày sau, cháu Nga và gia đình nhận được một bản danh sách các liệt sĩ hy sinh chưa được quy tập, có tháng, năm nhập ngũ, có năm sinh, có ngày tháng năm hy sinh, có quê quán nhưng nơi chôn cất chỉ ghi: Long Khánh. Long Khánh là một tỉnh trước đây, nếu là một xóm, một ấp cũng không thể tìm được nữa là một tỉnh. Thế là cháu Nga và gia đình lại bước vào cuộc tìm kiếm mới không kém phần khó khăn, phức tạp nhưng với những thông tin ít ỏi mà cơ quan chính sách Quân khu 7 cung cấp đã mang lại tia hy vọng mới giúp gia đình có thêm quyết tâm mà không thể bỏ cuộc. Bao nhiêu năm, bao nhiêu thời gian mới có được danh sách báo tử và nơi hy sinh là lộ 20 Long Khánh, cháu Nga và gia đình chọn hướng tìm đồng đội cùng chiến đấu với liệt sĩ Châu ở lộ 20 Long Khánh tháng 5/1969 mặt khác tìm con đường âm, dương kết hợp ngoại cảm. Chú Minh bố cháu Nga kể với tôi: Bất ngờ trong một lần họp mặt hội đồng học, chú Minh gặp được anh Minh Tâm người bạn cùng lớp học trước đây. Phạm Minh Tâm ở đơn vị đặc công sư đoàn 5, cùng quê Bắc Giang, bỗng Tâm hỏi: “Minh có biết, Hoàng Ngọc Châu quê mình không? Cậu ấy hy sinh ở miền Nam”. Chú Minh lạnh toát người, ú ớ không trả lời được, sau giây lát chấn tĩnh lại chú Minh nói với Tâm: “Hoàng Ngọc Châu là anh mình, gia đình mình đi tìm nhiều năm nay mà vẫn chưa thấy ở đâu, vừa rồi mới lấy được danh sách báo tử của quân khu 7 mới biết anh ấy hy sinh ở lộ 20 Long Khánh. Thế tâm có biết gì về nơi hy sinh của anh ấy không?”. Tâm về đơn vị sau khi Hoàng Ngọc Chây hy sinh nên không biết. Sau giải phóng Tâm ra Bắc về công tác ở Bộ Quốc phòng nay nghỉ hưu tham gia Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu, cựu chiến binh sư đoàn 5 các tỉnh phía Bắc; qua hoạt động của Hội mới biết Châu hy sinh. Tâm nghĩ một lát rồi nói: “Hội bạn chiến đấu sư đoàn 5 ở cùng đơn vị Châu trên Yên Bái còn nhiều lắm có thể sẽ có người biết, cậu nên tìm đến họ để hỏi thêm”, rồi Tâm cho số điện thoại của chúng tôi ở Yên Bái để chú Minh liên lạc. Sau khi có thông tin từ Phạm Minh Tâm gia đình cháu Nga có thêm một chút hy vọng mỏng manh. Có thể có người biết địa điểm của bác Châu hy sinh nhưng đã hơn 41 năm rồi, trí nhớ và sự thay đổi cũng không dễ gì tìm được. Thế rồi gia đình cháu Nga quyết định mở thêm hướng tìm bằng các nhà ngoại cảm. Đi tìm nhà ngoại cảm thì có nhiều người giới thiệu ở nhiều nơi mà cũng phải đi vài nơi mới chắc chắn được, mới có độ tin cậy cao. Đến khi cháu Nga và gia đình đến nhà ngoại cảm ở Hòa Mạc, Duy Tiên, Hà Nam thì có nhiều thông tin đáng tin cậy và có một thông tin nói là tìm Đào Lợi ở Trấn Yên, Yên Bái dẫn đường đi. Vào trung tuần tháng 10/2010, Tôi nhận được điện thoại của cháu Nga, gia đình cháu Nga nhờ tôi và đồng chí Hưng trưởng ban liên lạc hội cựu chiến binh – BCĐ sư đoàn 5 tỉnh Yên Bái cùng với gia đình đi tìm liệt sĩ Hoàng Ngọc Châu, tôi nhận lời nhưng thật sự lo lắng, băn khoăn vì thời gian quá lâu rồi. Thực trạng đã thay đổi hoàn toàn, không dễ gì tìm được, may chăng chỉ xác định được khu trận địa mà thôi. Từ khi nhận được điện thoại của cháu Nga, trong đầu Tôi lúc nào cũng nghĩ đến trận đánh lộ 20 Long Khánh. Hôm đấy, đơn vị Tôi vượt sông Đồng Nai lúc nửa đêm, là đơn vị thông tin nên công tác chuẩn bị vượt sông chúng Tôi phải rất cẩn thận, máy móc, phương tiện, khí tài phải bọc vải mưa riêng sau đó mới bọc chung với quần áo, bằng mọi giá không được ướt làm trập pin hỏng máy móc, bọc gói trên bờ xong lần lượt từng người âm thầm lặng lẽ lội xuống sông và bơi qua sông, không một tiếng động dưới ánh trăng mờ từng người, từng người cứ trườn trên mặt nước nối đuôi nhau như những khúc của con rắn khổng lồ chìm dần vào bóng tối. Qua sông, theo con đường be cũ đi chừng 40 phút, chúng tôi qua 1 con suối nước sâu trên đầu gối, đá trơn khấp khểnh, chúng tôi phải lựa từng bước chân nếu không rất dễ bị ngã. Có lệnh trên chuyền xuống: “tuyệt đối giữ bí mật” Tôi đoán chắc gần địch, trước Tôi một đồng chí cúi xuống, Tôi khẽ hỏi: “Sao: vắt cắn?” cậu ta gỡ vắt và trả lời rồi lại vội bước đi cho kịp đội hình, đi chừng 15 phút, lại qua một con suối nhỏ, nước lưng ống chân rừng rậm nhiều cây thấp chúng Tôi phải bám sát nhau, đi chừng 20 phút có lệnh chuyển xuống: “tạm dừng, tuyệt đối giữ bí mật” tôi vừa đặt bồng xuống đất, tiếng đồng chí Minh Tâm đại đội phó nói: “K20 dạt bên trái 50m đào công sự”. Tôi mới đi học về, được phân công đi với đồng chí Mưu quân y đại hội, trước mặt Tôi về phía lộ 20 là công sự của Hoàng Ngọc Châu máy 2W, phía phải Tôi là công sự của tổ chuyên đạt, xung quanh còn nhiều công sự nữa nhưng Tôi chưa biết của ai và đơn vị nào vì quan sát sổ Trung đoàn thì có nhiều bộ phận lắm. Tôi và Mưu đã đào xong công sự, lúc này khoảng hơn 2 giờ sáng, phía sau Tôi có tiếng nói: “Tôi nghe, thủ trưởng cầm máy”, Tôi nhận ra đây là hầm tổng đài của bộ phận hữu tuyến điện, chắc bộ phận hữu tuyến điện đã toả mạng xong, các mũi của các tiểu đoàn và đài quan sát đã triển khai đang báo cáo về chỉ hy sở. Bỗng có tiếng nổ lớn xé tan màn đêm tĩnh mịch rồi hàng loạt, hàng loạt tiếng nổ lớn nhỏ dồn lên ở phía trái trước mặt tôi, tiếng đề ba của pháo tầm xa từ Túc Trưng bắn tới phía súng nổ. Tiếng súng, tiếng pháo thưa dần khoảng 30 phút sau gần như im hẳn chỉ còn những quả pháo sáng, lơ lửng rồi vụt tắt, trong giây lát địch lại bắn quả pháo sáng khác thay thế ngay, có lẽ chúng rất sợ bóng tối. Một loạt đề ba pháo tầm xa từ Túc Trưng nổ những tiếng rú bay qua đầu chúng Tôi và những tiếng nổ rền vang phía sông Đồng Nai cách chúng Tôi 2-3 km. Có tiếng chim rừng kêu gần chỗ chúng tôi, có lẽ trời sắp sáng, đồng chí Mưu bảo Tôi: “trời sáng phải ngụy trang công sự đấy nhé!” Tôi khẽ vâng, tiếng chim kêu ngày càng nhiều, trời sáng dần, Tôi hỏi đồng chí Mưu: “mấy giờ rồi”, Mưu trả lời: “5 giờ kém rồi”, trong rừng nên vẫn tối lắm, tiếng súng, tiếng pháo im bặt; sự im lặng lạnh lẽo, rờn rợn, trên trời chỉ còn chiếc máy bay loại 2 thân to bay cao thả pháo sáng và bắn 20 ly. Tôi đứng dậy vươn vai cho khỏi buồn ngủ và đi lấy lá ngụy trang công sự, xung quanh tôi có 5 công sự nữa (2 của vô tuyến 2W, tổng đài hữu tuyến, truyền đạt và C bộ) phía sau xa hơn bên bờ suối chắc là của E bộ và các đơn vị trực thuộc, cách công sự của tôi hơn chục mét là một cây to đường kính khoảng 40 cm, cành lá um tùm nên tôi chỉ bốc lá khô phủ lên nóc công sự là đủ kín rồi, đất ở đây màu đen xám nên địch có vào tận nơi cũng khó mà phát hiện được. Khoảng 8 giờ, nguỵ trang song tôi xuống suối gần đó rửa chân tay, cuốc xẻng và múc một bi đông nước. Tôi lấy lá cây lau xẻng khô để cho vào bồng và gọi Mưu, Vịnh cùng ăn gạo rang. Có chuông điện thoại ở đài quan sát báo về phát hiện có đoàn xe tăng, xe bọc thép và xe chở quân của địch đang tiến dần về phía trận địa phục kích của ta, Vịnh tiểu đội trưởng 2W vừa ăn gạo rang vừa nói: “Chắc đêm qua chốt Zang Ka bị đánh, sáng nay chúng nó lên ứng cứu đấy”. Trên trời, chiếc L19, quần đảo từ sáng sớm, lúc cao, lúc thấp tìm tòi, có tiếng trực thăng mỗi lúc một gần, rồi chiếc cá rô bay sát qua đầu chúng tôi, từ đài quan sát báo về: “Tốp đi đầu đã vào trận địa phục kích 12,7mm trên xe tăng bắn điện loạn dọc 2 bên đường để thăm dò” có tiếng đề ban pháo tầm xa, tiếp đó là quả pháo chỉnh tọa độ nổ trên không thì ra thằng máy bay L19 đang chỉnh pháo. Vịnh đang ngồi cạnh tôi bỗng nhổm dậy lấy tay kéo quai hậu dép và nói: “ sắp nổ súng rồi đấy, địch thăm dò không thấy động tĩnh gì là mò vào trận địa phục kích của ta, để lọt vào hết là bộ phận khóa đuôi nổ súng”. Vịnh nói xong chỉ khoảng 10 phút thì một tiếng nổ lớn ở phía La Ngà thế rồi các loại tiếng nổ vang lên dọc đường, phía Định Quán nhiều tiếng nổ lớn dồn dập, rộn lên từng hồi, đạn pháo tầm xa 105 ly từ phía Túc Trưng soàn soạt lao xuống tiếp theo là những tiếng nổ xé tai. Bỗng phía sau tôi một tiếng nổ lớn, Mưu nói: “cối cối, không nghe tiếng đề ban, cũng không nghe tiếng rú”. Chúng tôi vội lao xuống công sự, khoảng 5 phút sau một loạt rốc két của máy bay trực thăng nổ ngay phía trước công sự của tôi phát thành một bãi quang hở ra công sự của Châu. Thế rồi pháo cối, rốc két cứ liên tiếp trút xuống, quanh tôi quang lâng. Pháo 105 ly từ Túc Trưng cấp tập bắn vào chỗ chúng tôi, cày xới khét lẹt, một quả nổ gần công sự của tôi đất trên nắp công sự rơi xuống, tôi tưởng bị sập, pháo chuyển làn tôi ngó cổ lên nhìn, công sự của tôi bay một góc, công sự của Châu phơi ra giữa bãi trống, cây cối bị phát quang, tôi thấy Châu đeo máy 2W vụt chạy ra khỏi công sự đã bị bay hết nắp. Châu vẫn sống, có lẽ bị thương rồi. Tôi lao lên khỏi công sự thoáng nhìn thấy Châu nhảy xuống một hố sâu, một tiếng nổ, một khối lửa khổng lồ đã chùm kín cả miệng hố mà Châu vừa nhảy xuống. Tôi không kịp nằm đứng ôm lấy cây gỗ. “Quả bom Napan nổ trúng chỗ Châu rồi, Châu hy sinh rồi”, tiếng ai đó kêu lên mà tôi cũng không nhận ra. Chiếc phản lực cánh bằng tiếp tục lao xuống, tôi vội nhảy xuống công sự, 2 tiếng nổ lớn phía sau tôi, đất đá, khói bụi mù mịt, cây cối đổ rạt ngổn ngang. Đám cháy quả bom Napan vẫn cháy to, khói đen đặc có tiếng nói to: “Vượt qua suối, di chuyển ra phía bờ sông”. Tôi xách bồng chạy ra khỏi công sự chạy về phía hầm tổng đài, các đồng chí hữu tuyến điện đang thu dây, Mưu, Vịnh và tổ máy 2W cơ lệnh bám các đồng chí ở E bộ. Tôi và các đồng chí tổng đài thu dây máy nhanh chóng vượt qua suối. Tất cả cắt rừng theo hướng Bắc ra phía bờ sông Đồng Nai. Phía bên kia suối tổ phẫu và các đồng chí vận tải đang chuyển thương và cấp cứu thương binh, có đồng chí ở tác chiến E bộ nói: “Các đồng chí trinh sát, truyền đạt cử người ở lại đây đón các bộ phận đi sau”. Lúc này trời đã xế chiều, tiếng động cơ của máy bay phản lực xa dần. Trên trời chiếc máy bay L9 vẫn quần đảo dòm ngó. Chúng tôi đi được khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, thì có lệnh truyền xuống nghỉ giải lao, các đơn vị nắm lại quân số. Tôi đặt bồng xuống ngồi trên một hòn đá nhỏ, lúc này cảm thấy mệt mỏi và đói, tôi lấy bi đông nước ra uống một ngụm rồi lại cùng đơn vị tiếp tục hành quân… Tôi và Hưng đi chuyến tàu 7 giờ sáng ngày 29/10/2010, khởi hành từ Yên Bái, về Gia Lâm hơn 12h, hai anh em vào ga mua vé tàu đi Hải Phòng nhưng 15 giờ mới có tàu nên quyết định đi ô tô. Chiếc xe khách chạy nhanh chốc chốc lại phanh lại đón khách rồi lại rú ga phóng đi. Tôi say ô tô nên rất sợ cái kiểu phóng nhanh, phanh gấp này. Đến bến xe Niệm Nghĩa, người tôi run rẩy, đứng không vững xuống xe tôi ngồi sụp xuống bảo Hưng gọi cháu Nga ra đón vì anh em tôi chưa biết nhà cháu Nga. “Cháu chào bác Lợi” tôi ngẩng đầu lên thấy cháu Nga và bố cháu đi taxi ra đón anh em tôi nét mặt vui vẻ, cởi mở của bố con cháu Nga làm tôi quên đi cái say xe, qua cầu Niệm Nghĩa rẽ phải, xe dừng lại, chú Minh bố cháu Nga bước xuống mời tôi và chú Hưng vào nhà, nghỉ ngơi, rửa mặt rồi chú Minh dẫn tôi và Hưng lên bàn thờ thắp hương cho Châu, nhìn ảnh của Châu, lòng tôi nghẹn ngào xúc động. Sáng hôm sau, ăn sáng xong, anh em chúng tôi chuẩn bị xuất phát, cửa mở, một người mặc quân phục bước vào trông rất đẹp lão khoảng trên 80 tuổi chào hỏi bắt tay anh em tôi. Chú Minh vui vẻ giới thiệu: “Đây là ông Lịch thông gia của tôi, bố chồng cháu Nga, thấy các bác ở Yên Bái về nên đến chơi, thăm sức khỏe”. Tôi và Hưng xin cảm ơn và ngồi chuyện trò với ông. Ông cũng là lính già từ thời chống Pháp, nên cánh lính anh em chúng tôi rất dễ gần, cởi mở như anh em ruột thịt. Ông biết anh em chúng tôi và gia đình cháu Nga đi tìm liệt sĩ là bác ruột của cháu Nga, ông rất vui vẻ và cầu chúc cho chúng tôi thành công, vạn sự như ý. Tôi xin cảm ơn và hứa sẽ cố gắng. Có chiếc xe ô tô đỗ trước cửa, lái xe mở cửa bước vào nhà. Tôi nhìn ra thì là Hùng chồng cháu Nga, lái xe đưa chúng tôi ra sân bay Cát Bi. Trên xe có một đồng chí bộ đội đeo quân hàm trung tá cùng đi với chúng tôi, tên cháu là Quang, cùng đơn vị với vợ chồng cháu Nga. Biết tôi say ô tô nên cháu Quang cùng đi, cháu biết lái xe mà lái rất tốt, có thể tôi sẽ không bị say. Máy bay cất cánh, tôi và chú Minh ngồi liền nhau, cả đoàn có 5 người: hai bố con chú Minh, cháu Quang, tôi và chú Hưng ngồi cùng một hàng ghế. Tôi hỏi chú Minh: “vào trong đó đi xe gì? Tôi sợ nhất là xe khách”. Chú Minh nói: “các cháu mượn xe 5 chỗ ở trong đó, cháu Quang lái chắc không say đâu anh đừng lo”. Tôi cảm thấy yên tâm và thầm nghĩ gia đình rất chu đáo, chi phí tốn kém, riêng vé máy bay đã hơn chục triệu đồng rồi, còn việc tìm kiếm ra sao đây? Không thể nói trước được điều gì nhưng khó khăn là cái chắc. Máy bay hạ độ cao, nghiêng cánh rồi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Chúng tôi ra cửa, thấy có một thanh niên, dáng vẻ thông minh, hiền lành vui vẻ đón chúng tôi và đưa chúng tôi ra xe. Cháu tên là Nguyễn Tiến Long, quê ở ngoài Bắc, cháu công tác ở thành phố Hồ Chí Minh là bạn bè thân thiết với cháu Quang và vợ chồng cháu Nga. Vì bận công tác nên cháu không cùng đi với chúng tôi được và cháu cho mượn xe để cháu Quang lái. Chúng tôi lên xe thẳng hướng Định Quán, đi qua Trảng Bom độ hơn 12 giờ chúng tôi nghỉ ăn trưa rồi lại tiếp tục đi, gần đến La Ngà, trời mưa to, bây giờ là cuối mùa mưa nên mưa sẽ không kéo dài. Gần đến cầu La ngà tôi bảo cháu Quang chạy chậm để tôi quan sát tìm núi Tràn, cách lộ khoảng 300m và cách Định Quán khoảng 2 đến 3 km gì đó. Hồi đánh phục kích lộ 20 tháng 5 năm 1969 đồng chí Đặng Văn Châu người xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái là thông tin 2W đi với đài quan sát cho tôi biết đài quan sát đặt ở núi Chân. Cầu La Ngà đây rồi, chiếc cầu cũ thấp hơn chìm dưới nước, vì nước hồ Trị an dâng lên, chiếc cầu mới bắc cao hơn, ngay bên đường về phía sông Đồng Nai là một ngọn đồi cao có lẽ hiện nay là đài tưởng niệm vì trên đỉnh đồi có xây dựng một biểu tượng nhưng thấy nó gần đường và gần cầu quá, chúng tôi đi tiếp thấy có một ngọn đồi cao, có lẽ đây xe lên đến đỉnh dốc, đỉnh ngọn đồi nằm ở phía sông đồng nai, chúng tôi dừng xe xuống hỏi thăm dân ở đó nói núi đó là cứ điểm là trận địa pháo của Mỹ thế thì không phải núi Tràn. Chung tôi lên xe đi tiếp chừng hơn 1km tôi xuống hỏi một người dân: “Đây có phải ấp Định Quán không?”. “Ớ đây không có ấp Định Quán mà từ xưa đến nay chỉ có thị trấn Định Quán thôi”, người dân trả lời. Tôi hỏi tiếp: “Thế có Định Quán nào khác nữa không?”. “Người dân nói không có, có lẽ chúng tôi quen gọi là ấp Định Quán chứ chính là thị trấn Định Quán. Muốn xác định được vị trí mà Châu hi sinh ở quan sát sở trung đoàn thì nhất thiết tôi phải xác định được Đài quan sát và ấp Định Quán, mà Định Quán là bất di bất dịch. Thế rồi chúng tôi vào huyện đội Định Quán. Theo đồng chí vệ binh cho biết: “Hôm nay thứ 7 cơ quan không làm việc”. Thực ra chúng tôi chỉ cần hỏi để xác định ấp Định Quán và núi Tràn thôi. Qua trò chuyện mấy đồng chí ở huyện đội không muốn tiếp và nói là sư đoàn 5 không đánh ở Định Quán. nghe nói vậy đồng chí Hưng nóng mắt điện thẳng cho bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, đồng chí Võ Lương chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai yêu cầu ban chỉ huy quân sự Định Quán phải giúp đỡ nhưng cũng chỉ xác định được Định Quán, còn núi Tràn thì chưa cụ thể. Nhưng dù sao thì tôi cũng đã xác định được toạ độ đặt quan sát sở của Trung đoàn. Sau khi ở huyện đội Định Quán chúng tôi leo lên đồi Zang Ka để quan sát và tìm đường ra khu vực đặt quan sát Sở Trung đoàn trước đây. Trời mưa nặng hạt chúng tôi không lên được đỉnh đồi để quan sát mà phải xuống để tìm đường đi ra phía sông Đồng Nai. Nhưng trời đã tối chúng tôi trở lại định quán nghỉ để sáng mai tiếp tục tìm đường. Đêm nằm tôi nghĩ mung lung, khu vực đặt quan sát sở thì xác định được rồi nhưng phải tìm chỗ có 2 dòng suối nhỏ gặp nhau, nơi mà cách đây 41 năm tôi đã rửa chân tay và múc nước ở đó, cách đường be khoảng 40 – 50m và có 1 cây gỗ hồi đó đường kính khoảng 40cm nếu còn thì bây giờ cũng gần 1m. Con đường be không chắc có còn mà có thì đầu tiếp giáp với lộ 20 ở chỗ nào ? Sáng mai chúng tôi phải tìm xem sao. Lúc chiều tối chúng tôi đã đến bao nhiêu nhà để hỏi nào là ấp trưởng, nào là giao liên, nào là du kích, cả những ông già ngoài 80 tuổi ở đây từ năm 69 mà không ai biết trận đánh phục kích giao thông tháng 5 năm 1969 ở khu vực La Ngà Định Quán này. Họ không biết chứ tôi thì không thể quên cái trận bom pháo ác liệt ấy. Kể cả đồng chí Chằn - Chính trị viên đại đội trinh sát ở đài quan sát tôi điện thoại hỏi đồng chí bảo “cái ông bẻ cây trồng trời à, tìm sao được chỉ làm khổ gia đình thôi” làm tôi càng lo lắng không sao ngủ được Hưng nằm cạnh tôi cậu cũng không ngủ được lấy điện thoại ra gọi hết chỗ nọ, chỗ kia để hỏi thêm về trận đánh và trận phục kích giao thông. Tháng 5 năm 1969 ở lộ 20 Hưng không tham gia chiến đấu nên còn lo lắng hơn tôi nhiều. Hưng gọi cho nhiều người trong đó có ông Mai Long, năm 69 anh Nguyên là chủ nhiệm thông tin trung đoàn trận đánh này anh trực tiếp đi điều nghiên nên vị trí đặt quan sát sở trung đoàn chắc anh còn nhớ. Sau giải phóng anh về ở Vũng Tàu tắt điện thoại Hưng nói với tôi: “bác Long đang làm nhà, con bác đi vắng không có người lái xe. Nếu xếp sắp bố trí được bác sẽ lên đấy anh ạ”. Từ Vũng Tàu lên khoảng hơn 100km. Anh Long năm nay đã 75 tuổi rồi nhưng anh to khoẻ nhanh nhẹn, về tình cảm và lòng nhiệt tình ở anh thì rất đáng quý, anh sống chân thật hoà nhã với mọi người. Anh biết tôi và Hưng vào thế nào anh cũng đến. Thức khuya, tôi và Hưng ngủ lúc nào không biết tôi mở mắt ra đã thấy Hưng đang tập thể dục. Có điện thoại Hưng nghe anh Long bảo: “anh xuất phát lúc 4h khoảng hơn 6h anh đến Định Quán. Đánh răng rửa mặt xong chúng tôi đi ăn sáng, trong lúc ăn tôi nói với chú Minh: “hôm nay phải tìm được đường ra bờ sông chú ạ”. Chú Minh đồng ý. Ăn xong chúng tôi đến chân đồi Zang Ka tìm đường ra sông Đồng Nai, để cháu Quang ở lại đón anh Long còn anh em chúng tôi đi bộ vì đường không đi ô tô được. Chúng tôi đi khoảng 10 phút thì hết đường đi cùng lúc đó cháu Nga điện cho tôi quay lại, có người dân nói ở dưới có đường đi ra sông, tôi, chú Minh, chú Hưng quay lại thấy anh Long vừa tới tất cả chúng tôi vào nhà một người dân chị tên là Ba Liên chị làm giao liên ở đây từ năm 1968 và được chị đưa đường ra bờ sông, trời mưa, đường trơn không đi ô tô được, chúng tôi phải đi bộ, chú Minh đeo ba lô đi trước tôi, sau tôi là chú Hưng, cháu Nga và anh Long, vừa đi tôi vừa tìm con suối, cây gỗ có thể không còn nhưng con suối thì phải còn, suối có thể không có nước nhưng hình dạng của nó thì không thể mất được. Đi được khoảng hơn 1km tôi nhìn sang phải thấy một dãy đồi cao, có thể chân dãy đồi là con suối, tôi gọi chú Minh quay lại tôi rẽ vào khoảng 40 -50m tìm cái hồ mà Châu nhảy xuống và gốc cây gỗ mà tôi đã ôm, tất cả đã không còn dấu tích, tôi vượt qua bãi cây xấu hổ xuống hủm để tìm con suối, nhưng dậm, dốc không có đường đi, tôi và chú Minh quay lại vườn xoài phía sau. Tôi đứng sững lại người ớn lạnh, chân tay run rẩy khi tôi nhìn thấy cái sàn trong cái lều coi vườn, tôi không nói nên lời dơ tay vẫy chú Minh lại chỗ tôi miệng lắp bắp “đặt lễ, đặt lễ” ngoài đường cách tôi khoảng 50 – 60m chú Hưng đi cùng với cháu Nga gọi tôi: “anh Lợi ơi, khu này rồi!”. Tôi không nói gì, ra cầm tay Hưng kéo vào cái sàn miệng lẩm bẩm “cái sàn, cái sàn”. Có tiếng anh Long gọi: “Lợi ơi, tao không đi được nữa rồi, tao nóng hết cả người rồi, mày xem sao”. Tôi gọi anh Long vào chỗ làm lễ. Chú Minh sắp lễ xong, chú khấn trước rồi tôi khấn sau. Tôi và anh Long, chú Hưng, tất cả anh em chúng tôi vừa khấn vừa rơi nước mắt. Bốn mươi mốt năm rồi đồng đội của tôi vẫn nằm im trong lòng đất, tâm trạng chúng tôi vô cùng đau khổ, thương xót. Mọi người vẫn ngồi xung quanh chỗ làm lễ, tôi đứng dậy đi tìm con suối. Bỗng có một người đàn ông chừng ngoài 50 tuổi rất nhiều râu, hai hàm răng cửa gẫy, không biết ở đâu tới đứng trước mặt tôi, tôi chỉ tay vào ông ta hỏi: “Ông là ai? Ở đâu tới? Mà sao tôi lại gặp ông từ ngoài Bắc?”. Cách đây lâu rồi, ngày 17 tháng 1 năm 2010, trong một giấc mơ kỳ lạ tôi đi trong rừng bên bờ suối thấy có một liệt sĩ hi sinh nằm trên cái sàn và có một người đàn ông rất nhiều râu, gẫy hết răng cửa đứng nói chuyện với tôi và chỉ đường cho tôi tìm cái lò than và con suối. Sau giấc mơ tôi tỉnh dậy lấy giấy bút ghi lại toàn bộ giấc mơ và cách đây năm sáu tháng tôi đã kể cho chú Hưng nghe về giấc mơ của tôi nhưng lạ thay hôm nay giấc mơ đã trở thành hiện thực. Vì vậy, lúc nhìn cái sàn tôi sững sờ không hiểu vì sao, đến bây giờ tôi mới hơi trấn tĩnh. Rồi người đàn ông dẫn tôi đi tìm gốc cây gỗ mà tôi đã ôm để tránh quả bom Napan và tìm cái hố, cái lò than mà Châu đã nhảy xuống nhưng không thấy. Rồi tôi hỏi ông ta cái suối. Ông ta dẫn tôi đi khoảng 50-60m thì tôi lại thấy một cái sàn nữa và cách cái sàn độ 5m là con suối. Mà chỗ ngã ba suối gặp nhau, đúng nơi cách đây 41 năm tôi rửa chân tay và múc nước, chỉ có điều con suối trước đây rộng khoảng 3m thì nay chỉ còn không đầy 1m. Tôi gọi chú Minh: “chú Hưng, suối đây rồi!”. Chú Hưng đang làm phép gieo quẻ, chú gọi tôi đưa la bàn cho chú. Tôi gọi: “chú Minh và chú Hưng xuống ngay, đây là cái sàn bên bờ suối”. Thế rồi chú Minh, chú Hưng, cháu Nga và anh Long, tất cả đều xuống chỗ tôi. Cháu Nga bước đến cạnh tôi, tự nhiên cháu Nga ngã vật ra mặt mũi tái nhợt, nước mắt ràn rụa, mọi người đỡ cháu dậy; Cháu Nga vừa khóc vừa chỉ tay vào tôi và nói: “Mày bỏ tao hơn 40 năm hôm nay mày mới đến, anh em tao ở đây không được một nén nhang, hôm nay mới được gặp đồng đội”. Tôi, anh Long, bố cháu vừa gọi vừa hỏi cháu, cháu tỉnh lại, thì tôi lại ngã vật ra nằm dãy và nói lảm nhảm. Mọi người lại đỡ tôi dậy, tôi ngồi trên hòn đá, người rất mệt. Rồi cháu Nga lại ngã gục xuống, mồm lắp bắp tay chỉ vào chỗ tôi vừa nằm vừa nói: “Đây là Đinh Văn Lăng, đây là Cư, đây tao không biết tên, đây là Liên tiểu đoàn 4, đây là Bắc E bộ, đây là thằng Thẩm vệ binh”. Mọi người hỏi: “Thế Châu đâu?”. Chú Hưng đứng bên cạnh đó nói: “Châu đây, Châu đây”. Tất cả mọi người vừa bất ngờ vùa hốt hoảng, không biết cái gì đã diễn ra? Tại sao lại như thế? Rồi cả mấy người dân cũng xúm đến cùng chúng tôi xếp đá đánh dấu những vị trí mà cháu Nga và chú Hưng vừa chỉ. Anh Long, cháu Quang lấy máy ảnh ra chụp những điểm đánh dấu đó. Trời mưa đường trơn chúng tôi phải đi bộ một quãng mới đến chỗ để xe và tìm đến nhà chủ khu vườn mà đồng đội của tôi đang nằm ở đó, nhờ họ trông nom bảo quản, chờ gia đình và cơ quan chức năng đến quy tập. Cả đoàn chúng tôi vào huyện đội Định Quán để chào và thông báo kết quả tìm kiếm vừa rồi để các đồng chí ấy chủ động trong việc quy tập sau này. Trên đường đến Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, đoàn chúng tôi vào thắp hương viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện Định Quán. Đến Dầu Dây chúng tôi chia tay ông cháu anh Long, anh về Vũng Tàu còn anh em chúng tôi trên đường về Đồng Nai ghé thăm nhà vợ chồng cháu Xoan + Tùng. Quê cháu Xoan ở Nghĩa Hưng – Nam Định, cháu là giáo viên ngoại ngữ, cháu dạy tiếng Anh, lấy chồng hiện ở Trảng Bom. Chồng cháu cũng là người Nam định đang công tác ở trong này. Xe chúng tôi đến đèn tín hiệu giao thông ở ngã tư thị trấn Trảng Bom thì thấy cháu Tùng - chồng cháu Xoan đã đứng đón ở đó (ở ngoài Bắc gọi tên cháu là Huynh vào đây gọi là Tùng). Cháu đưa chúng tôi vào nhà, còn cháu Quang đưa xe đi rửa vì sáng nay chúng tôi đi đường đất trời mưa xe bẩn lắm. Vợ chồng cháu Xoan mời chúng tôi nghỉ lại nhưng vì chúng tôi còn phải đến làm việc với Tỉnh đội Đồng Nai và quân khu 7 nên uống nước ăn hoa quả xong chúng tôi phải xin phép vợ chồng cháu Xoan tiếp tục đi đến bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai. Xe chúng tôi rẽ vào cổng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đồng chí trực ban đưa chúng tôi vào nhà khách nghỉ ngơi. Bữa cơm chiều hôm ấy đồng chí Võ Minh Lương - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tiếp chúng tôi và nghe chúng tôi báo cáo kết quả chuyến đi tìm mộ liệt sĩ. Có điều rất thú vị, chúng tôi nguyên là chiến sĩ của sư đoàn 5 miền đông nam bộ mà một thời đồng chí Võ Minh Như là ba của đồng chí Võ Minh Lương là sư đoàn trưởng và chính uỷ sư đoàn. Đến năm 2007 thì đồng chí Võ Minh Lương lại là sư đoàn trưởng sư đoàn 5. Từ năm 2007 đến nay là chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự Đồng Nai nối nghiệp ba mình, cho nên đồng chí Võ Minh Lương rất nặng tình, nặng nghĩa với sư đoàn 5. Gặp chúng tôi những cựu chiến binh của sư đoàn 5 một thời là lính của ba mình, đồng chí rất vui vẻ tiếp đón thân mật giữa những người chiến sĩ của hai thế hệ. Sáng hôm sau trước khi tạm biệt Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, tôi đã làm phiếu báo tin mộ liệt sĩ gửi lại ban chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai để các đồng chí ấy biết và chủ động triển khai quy tập. Trên đường ra sân bay về Hải Phòng chúng tôi ghé qua quân khu 7 để chú Hưng báo cáo tình hình hội bạn chiến đấu cựu chiến binh sư đoàn 5 tỉnh Yên Bái chuẩn bị vào thăm Bộ tư lệnh quân khu, thăm sư đoàn 5, đi một số tỉnh miền đông Nam Bộ để tìm kiếm liệt sĩ, và nguyện vọng dự kiến của gia đình đưa liệt sĩ Châu về quê hương. Chúng tôi đang ngồi trong phòng đợi ở sân bay Tân Sơn Nhất, chú Hưng có điện thoại do Lưu Thanh Long gọi tới. Long mời chú Hưng và tôi đến gặp Long ở chỗ làm việc cách sân bay 5km. Long là thượng tá đang công tác ở đơn vị cảnh sát Quận, là trưởng ban liên lạc hội cựu chiến binh ban chiến đấu sư đoàn 5 ở thành phố Hồ Chí Minh. Biết tôi và chú Hưng là hội cựu chiến binh bạn chiến đấu sư đoàn 5 ở Yên Bái vào đi tìm liệt sĩ nên mời chúng tôi đến chơi. Vừa ngồi được một lát , Long mời tôi và chú Hưng vào thắp hương cho các liệt sĩ. Tôi bỡ ngỡ chưa hiểu sao thì Long đứng dậy mở cửa phòng bên, tôi và Hưng bước theo. Tôi ngạc nhiên thấy có bát hương đặt ở vị trí trang trọng để tưởng niệm các liệt sĩ. Với phòng làm việc không lấy gì làm rộng lắm mà Long bố trí một khu vực riêng để tưởng niệm tri ân các liệt sĩ làm tôi càng tôn trọng Long với nghĩa cử cao đẹp này. Thắp hương cho các liệt sĩ xong anh em tôi ra bàn uống nước, rất hiếm có dịp gặp nhau nên có quá nhiều chuyện để nói nhưng thời gian không cho phép, giờ cất cánh cũng sắp đến rồi, tôi và chú Hưng chia tay Long vội vàng quyến luyến. Máy bay hạ cánh xuống sân bay Cát Bi. Trời đã tối hẳn, Hùng chồng cháu Nga đưa xe ra đón chúng tôi, ngồi trên xe mắt tôi vẫn nhìn đường miệng vẫn nói chuyện mà trong đầu thi tôi đang nghĩ: cái gì đã diễn ra trong hai ngày qua mà tôi đã biết trước đây hơn 9 tháng trong một giấc mơ mà cách xa hàng ngàn cây số. Cái gì đã làm cho tôi nhớ được, hình dung được những sự việc đã xảy ra cách đây hơn 41 năm. Cái gì làm cho tôi nằm lăn trên mặt đất và cái gì đã giúp cho cháu Nga biết được được tên của các liệt sĩ và cả đơn vị của họ mà ở đây ngoài tôi không ai biết họ ở đơn vị nào, đại đội nào, tiểu đoàn nào. Cái gì giúp cho cháu Nga và chú Hưng chỉ từng vị trí mà các liệt sĩ đang nằm trong lòng đất mà không có dấu tích gì? Phải chăng là anh linh của liệt sĩ đã mách bảo và dẫn đường. Xe dừng lại trước cửa nhà chú Minh, tôi cảm thấy đoạn đường như ngắn lại, trong đầu tôi vẫn nặng trĩu các dấu hỏi mà chưa trả lời được mà có lẽ không thể trả lời được. Tắm rửa, cơm nước xong, tôi và chú Hưng nằm trò chuyện về những chuyện đã xảy ra và những việc sắp phải làm rồi cả hai chúng tôi đã chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau ngày 02/11, cháu Nga đưa tôi và Hưng ra ga Hải Phòng mua vé và tiễn anh em tôi lên tàu, hơn 18giờ tàu mới đến ga Yên Bái, nhà tôi cách ga chừng 500m nên anh em tôi đi bộ về nhà nghỉ một lát, cháu Bắc con tôi lấy ôtô đưa chú Hưng về. Lẽ ra chúng tôi nghỉ chơi ở Hải Phòng theo lời mời của bố con cháu Nga nhưng vì chúng tôi rất vội về còn bố trí cho anh em trong Hội cựu chiến binh - Bạn chiến đấu Sư đoàn 5 của tỉnh Yên Bái đi thăm chiến trường xưa và tìm kiếm liệt sỹ. Sáng ngày 17/11/2010, Đoàn do đồng chí Nguyễn Quang Hưng - Trưởng Ban liên lạc làm trưởng đoàn, đồng chí Trương Lương, Ngô Thanh Xuân làm Phó Đoàn, tôi vì lý do sức khoẻ nên không đi cùng với anh em được. Đồng chí hưng ngoài việc đưa anh em đi thăm Quân khu 7, thăm Sư đoàn 5 và các tỉnh còn phải làm việc với Quân khu 7, Tỉnh độ Đồng Nai và Huyện đội Định Quân để cùng với gia đình cháu Nga, gia đình của liệt sỹ Đinh Văn Lăng đưa liệt sỹ Hoàng Ngọc Châu và liệt sỹ Đinh Văn Lăng về quê hương. Sau khi đoàn chúng tôi đã tìm kiếm được 7 liệt sỹ, gia đình cháu Nga đã kịp thời thông báo cho cháu Tiềm quê ở Thái Bình là con của liệt sỹ Đinh Văn Lăng biết. 4giờ sáng ngày 22/11/2010 gia đình cháu Nga, tổ chức chuyến đi vào xã Ngọc Định, Huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai để đưa liệt sỹ Hoàng Ngọc Châu về quê hương và cùng ngày này gia đình liệt sỹ Đinh Văn Lăng cùng vào Ngọc Định, Định Quán để đưa liệt sỹ Đinh Văn Lăng về Thái Bình cả hai gia đình cùng đi mà không hề hẹn trước. Khoảng 1 giờ ngày 24/11 cả hai gia đình đều có mặt ở Long Khánh, đoạn đường từ Dầu Dây đến Định Quán mấy bữa nay các cột mốc cây số đang cạo đi để sơn lại mà hầu hết mới được phủ lên lớp sơn trắng, đi đêm rất khó nhận biết được quãng đường rẽ vào xã Ngọc Định, cho nên khi xe đi tới tỉnh dốc chân đồi Zang Ka cái cứ điểm mà cách đầy 41 năm ta đã đánh tiêu diệt Tiểu đoàn Pháo Binh của Mỹ, cũng là nơi đồng chí Đinh Văn Lăng chiến đấu đã anh dũng hy sinh, cho đến hôm nay các con của liệt sỹ Đinh Văn lăn mới biết được trận địa nơi cha mình đã ngã xuống cho độc lập, tự do của dân tộc. Khoảng 4 giờ sáng xe đến vị trí mà các liệt sỹ đang yên nghỉ, công việc được chuẩn bị khẩn trương, chu đáo, mọi người đang băn khoăn không biết đào chỗ nào cho thật đúng thì bỗng nhiên cháu Nga lại có hiện tượng lạ đứng dậy vạch xuống đất nơi liệt sỹ Châu nằm mà hô: “Mọi người đào đi” quả nhiên dưới lớp đất liền thổ chừng 40 cm, hình hài của liệt sỹ đã hiện ra, lúc này khoảng 9 giờ, anh Mai Long nguyên Đại đội trưởng, nguyên Trưởng ban thông tin Trung đoàn 174 từ Vũng Tàu cũng đã đến nơi; anh Long, chú Hưng đã cùng gia đình cháu Nga tìm kiếm hài cốt, di vật của liệt sỹ, xếp đặt cẩn thận để đưa về quê hương, cùng lúc này không ai bảo ai, rất đông nhân nhân ấp Hoà Thuận xã Ngọc Định mang hoa quả, hương nhang đến để thắp cho liệt sỹ và cầu mong cho linh hồn các liệt sỹ nơi vĩnh hằng được siêu thoát, riêng gia đình ông Huỳnh Văn Ánh xin gia đình cháu Nga cho biết ngày, tháng, năm hy sinh của liệt sỹ Hoàng Ngọc Châu để hàng năm được tổ chức ngày giỗ vì tất cả 7 liệt sỹ mà chúng tôi đã tìm thấy đều nằm trên khu vườn của gia đình ông Ánh. Khi xe chở liệt sỹ khởi hành, trên đường từ ấp Hoà Thuận ra lộ 20, có đông bà con nhân dân ra đứng ở hai bên đường để chào vĩnh biệt và tiễn đưa liệt sỹ về quê hương, mọi người cảm thấy xúc động với nghĩa cử cao đẹp ấy. Chiều ngày 25/11/2010, liệt sỹ Hoàng Ngọc Châu được đưa về quê hương xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang; sau 46 năm 3 tháng kể từ ngày lên đường nhập ngũ vẫn mái nhà ấy, vẫn làng quê ấy nơi Châu ra đi mà nay chỉ được đón âm linh hình bóng của Châu mà thôi, dân làng, họ tộc, bạn bè, đồng đội ai cũng thương tiếc xúc động. Hội Cựu chiến binh - Bạn chiến đấu Sư đoàn 5 tỉnh Yên Bái chúng tôi cử một đoàn gồm các đồng chí thuộc Trung đoàn 174, Đại đội thông tin (K20) khởi hành từ Yên Bái lúc 7 giờ sáng ngày 27/11/2010 đến đón và viếng liệt sỹ Hoàng Ngọc Châu tại Bắc Giang. Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể quần chúng và nhân dân xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hoà tổ chức lễ viếng từ 13 giờ 30 phút, lễ truy điệu, lễ an tán được cử hành lúc 8 giờ, ngày 28/11/2010. Hội Cựu chiến binh, Ban chiến đấu Sư đoàn 5 của các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội cũng cử đoàn Đại biểu về viếng liệt sỹ Hoàng Ngọc Châu; Ngoài ra còn có nhà văn, nhà báo lão thành Việt Anh, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam Minh Hằng và đội kèn lễ từ Hải Phòng đến viếng và làm lễ truy điệu, lễ an táng cho liệt sỹ Hoàng Ngọc Châu. Liệt sỹ Hoàng Ngọc Châu đã hy sinh cách đây hơn 41 năm, gần một phần hai thế kỷ đã trôi qua nhưng âm linh của liệt sỹ và nghĩa tình của đồng đội vẫn thôi thúc, gắn bó giữa âm linh và trần gian, liệt sỹ đã mách báo người thân trong gia đình để tìm tôi và dẫn đường tôi đi tìm liệt sỹ, cái nghĩa tình đồng đội sâu nặng ấy của người lính đã một thời sống chết có nhau thì có lẽ không quên và không bao giờ quên nhau.
Các đồng chí hội cựu chiến binh - bộ chỉ huy sư đoàn 5 tỉnh Yên Bái chú ý
Kính thưa: BAN TỔ CHỨC LỄ ĐÓN LIỆT SĨ HOÀNG NGỌC CHÂU - Hương hồn liệt sĩ Hoàng Ngọc Châu. - Các vị đại biểu đại diện Đảng bộ chính quyền các đoàn thể tỉnh Bắc Giang, huyện Hiệp Hoà, xã Ngọc Sơn. - Thân nhân gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Châu. - Các cụ, các ông, các bà, các bác, các anh, các chị có mặt tại buổi lễ đón liệt sĩ Hoàng Ngọc Châu. - Cách đây 46 năm, tháng 8/1964, Đảng bộ chính quyền, các đoàn thể và nhân dân xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Hà Bắc đã tiễn đưa đồng chí Hoàng Ngọc Châu lên đường nhập ngũ chống Mỹ cứu nước. Đồng chí đã trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 174, quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Lào. Đến tháng 11/1967 đã cùng đơn vị vào chiến trường Miền Nam ở mặt trận Tây Nguyên. Đồng chí đã cùng đơn vị lập chiến công vang dội, tiêu diệt lữ đoàn dù Mỹ 173 tại Đắc Tô trên cao điểm 875 vào năm 1967 và các trận đánh Đắc Pét, plây cầu, đường 14 Tumơrông…. Đến chiến dịch mậu thân năm 1968, đồng chí đã cùng đơn vị tham gia đợt tổng tấn công đợt 1, đợt 2, đợt 3 làm cho đế quốc Mỹ và bon tay sai phải khiếp sợ với các địa danh toàn cảnh xuân 68, Chưtôbna tháng 5/1968, lộ 26, Trà Là, Trà phí tháng 8 – Tháng 9 năm 1968; Bầu Nho, Đắc Cát tháng 10 – tháng 11 năm 1968 và trận đánh mở đầu xuân 69 tại sân bay Biên Hoà. Những địa danh ấy, những trận đánh ấy, những đăng vị ấy trong chiến dịch tổng tấn công 68 - 69 đều có phần đông góp công sức, xương máu của đồng chí Hoàng Ngọc Chân. Đến tháng 5/1969 đơn vị được giao nhiệm vụ đánh tập kích cứ điểm ZangKa và đánh phục kích đoàn xe cơ giới của địch trên lộ 20 La Ngà - Định Quán thuộc tỉnh Long Khánh, trong làn mưa bom, bão đạn của địch dội xuống, trận địa, đồng chí Hoàng Ngọc Châu đã anh dũng hy sinh tại trận địa. Đồng chí Hoàng Ngọc Châu đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường ác liệt thuộc xã Ngọc Định, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Đến nay đã hơn 41 năm liệt sĩ Hoàng Ngọc Châu mới được gia đình đồng đội và địa phương đón về an nghỉ tại quê nhà. Hôm nay tại buổi lễ trang nghiêm này, chúng tôi những người đồng đội đã cùng chiến đấu với đồng chí thuộc hội cựu chiến binh bạn chiến đấu sư đoàn 5 chiến trường Miền nam tỉnh Yên Bái xin kính viếng và cầu mong nơi vĩnh hằng linh hồn đồng chí được siêu thoát. Để vĩnh biệt đồng chí xin được 1 phút mặc niệm.
|