Kỷ niệm những ngày tháng 4 lịch sử

đăng 08:25 12 thg 5, 2013 bởi Nguyễn Thanh Truyền   [ đã cập nhật 01:33 18 thg 5, 2013 ]

                                                                                                   Chiến dịch Lộc NinhTrận then chốt mở màn cho chiến dịch Nguyễn Huệ của sư đoàn 5 tháng 4 năm 1972. Trận đánh hợp đồng binh chủng lớn đầu tiên ở chiến trường miền Đông Nam Bộ.

                                                                                                                                                                                                          Quách Đại Liên

Tháng 6 năm 1971, BCH TW Đảng họp đánh giá tình hình trên chiến trường và so sánh lực lượng giữa ta và địch.

Địch:

Qua 2 năm 1970 – 1971 thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, Ngụy Sài Gòn đã mở cuộc hành quân toàn thắng trên 2 hướng:

-  Hướng chủ yếu mang tên Lam Sơn 719 ra đường chín Nam Lào.

- Hướng thứ yếu mang tên Chen – La 2 giữa Việt Nam và các tỉnh đông bắc Campuchia.

Trước những đòn phản công liên tục và quyết liệt của quân đội ta, các đơn vị chủ lực, đặc nhiệm của quân Ngụy Sài Gòn bị tổn thất rất nặng nề về sinh lực, sa sút về tinh thần, không thể đảm đương được vai trò nòng cốt ở Việt Nam và Đông Dương như dự định của quan thầy Mỹ đặt ra, âm mưu mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương của Mỹ bước đầu bị phá vỡ.

Tóm lại:

-  Quân Ngụy Sài Gòn bấy lâu nay vẫn sống dựa vào sự che chắn bao bọc của Mỹ. Nay Mỹ bị thất bại thảm hại ở chiến trường, thua cay trong bàn hội nghị Paris, buộc Tổng thống Mỹ phải ra quyết định rút quân về nước.

-  Ngụy Sài Gòn rơi vào tình trạng lạnh lưng hở sườn, ngoài ra còn nuôi hàng triệu quân, pháo binh thì đói đạnn xe lại thiếu nhiên liệu, binh lính thì rệu rã về tinh thần, nhân dân thì phản đối v.v…

Cuối tháng 11 năm 1971 Sư đoàn 5 được nhận nhiệm vụ:

Đánh trận then chốt mở màn cho chiến dịch trong đội hình hợp đồng binh chủng với quy mô cấp Sư đoàn tăng cường, đánh phải diệt gọn, bắt nhiều tù binh, thu toàn bộ vũ khí, tạo khí thế tiến công cho giai đoạn 2 và những giai đoạn tiếp theo của chiến dịch.

Đầu tháng 12 năm 1971, hội nghị Đảng ủy Sư đoàn mở rộng để thảo luận hạ quyết tâm bước vào trận đánh lịch sử chưa từng có.

Thành phần hội nghị gồm:

1. Đồng chí Nguyễn Văn Cúc – Chính ủy Sư 5 (Bí thư)

2. Đồng chí Bùi Thanh Vân – Tư lệnh sư đoàn (Phó bí thư)

3. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng – Phó tư lệnh Sư đoàn

4. Đồng chí Vũ Thược – Tham mưu trưởng Sư đoàn

5. Đồng chí Nguyễn Năm Hưng – Tham mưu phó Sư đoàn

6. Đồng chí Đoàn Văn Khoan – Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn

7. Cùng với 3 đồng chí Chính ủy và 3 đồng chí E trưởng của 3E Bộ binh, cùng một số đồng chí Chính trị viên của D trực thuộc chủ yếu trong Sư đoàn.

Họp bàn kế hoạch tác chiến, tổ chức chỉ huy lãnh đạo tư tưởng cho bộ đội, xây dựng quyết tâm tiêu diệt cụm cứ điểm Lộc Ninh. Hội nghị xác định quy mô trận đánh sử dụng lực lượng binh chủng hợp thành, tiến công cụm cứ điểm phòng ngự Lộc Ninh là trận đánh lớn nhất ở chiến trường Miền Đông Nam Bộ. Để đảm bảo cho trận đánh thắng lợi, nội dung công tác lãnh đạo của Đảng ủy từng cấp cần tập trung vào nhiệm vụ cụ thể, cấp thiết, từ khâu chuẩn bị các mặt cho trận đánh đến công tác nghiên cứu, xây dựng phương ác tác chiến và các hoạt động phối hợp với Đảng bộ, chính quyền địa phương Lộc Ninh tiến hành công tác địch vận, xây dựng chính quyền cách mạng, bảo vệ và giữ cách mạng vùng giải phóng, công tác trọng tâm là quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ đến từng cán bộ chiến sĩ, phát động phong trào thi đua lập công, xây dựng quyết tâm chiến đấu của đơn vị, đồng thời khẩn trương chỉ đạo thực hiện công tác huấn luyện bổ sung các hình thức chiến thuật phân đội vận động tiến công trong đội hình lớn, có xe tăng và pháo binh phối hợp vây lấn, chốt chặn, đánh địch trong công sự vững chắc, để nâng cao trình độ chỉ huy và khả năng chiến đấu của bộ đội theo yêu cầu nhiệm vụ.

Chấp hành nghị quyết của Đảng ủy Sư đoàn, từ cuối tháng 12/1971, khí thế chuẩn bị cho trận đánh diễn ra vô cùng sôi nổi, khẩn trương mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn, phải đảm bảo tuyệt đối bí mật cho nhiệm vụ, luôn cảnh giác sẵn sàng đối phó với hoạt động phản kích thăm dò của địch, chỉ trong thời gian 3 tháng Sư đoàn đã cơ bản hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu.

Trung đoàn 3, các trung đoàn 1, 2, 3. Trung đoàn 1 đã tích cực tổ chức huấn luyện, học tập đảm bảo quân số huấn luyện đạt 85%.

Ngày 15 tháng 3, sư đoàn đã tổ chức diễn tập cấp trung đoàn để đánh giá chất lượng công tác huấn luyện theo phương án chiến đấu, cùng thời gian này, bộ chỉ huy chiến dịch mở hội nghị tập huấn cho cán bộ chủ chốt từ cấp tiểu đoàn đến cấp sư đoàn và cán bộ làm công tác tham mưu cấp trung đoàn, sư đoàn.

Đến ngày 25 tháng 3 mọi công tác chuẩn bị của sư đoàn đã cơ bản thực hiện đúng theo kế hoạch, đã lập được 6 đài quan sát trong thị trấn Lộc Ninh và khu vực ngoại vi để theo dõi hoạt động của địch.

Bộ phận điều nghiên do đồng chí Vũ Văn Thược, đồng chí Nguyễn Năm Hưng phụ trách đã hoàn thành kế hoạch trinh sát mục tiêu. Lực lượng công binh sư đoàn cùng tiểu đoàn công binh của Miền đã hoàn thành 2 cầu vượt sông Tống Lê Chân, sông Chiêu và 20 km đường để đưa xe tăng vào vị trí tập kết tiểu đoàn 209 vận tải và 2 tiểu đoàn vận tải của Miền đã vận chuyển được 1.400 tấn lương thực, trang bị vũ khí và cấp phát cho các đơn vị tham gia chiến đấu.

ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG:

Tình hình địch:

Thị trấn Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Long, cách An Lộc 32 km về phía Bắc, là một thị trấn cửa ngõ biên giới, giao điểm giữa 2 quốc lộ 13 và 14. Mỹ xây dựng thành một cụm cứ điểm kiên cố trên một quả đồi bằng phẳng, có suối, rừng cao su bao bọc xung quanh và là trung tâm chỉ huy các cuộc hành quân, càn quét đánh phá vào căn cứ của ta, đồng thời cũng để ngăn chặn ta tiến công từ biên giới xuống. Quân số của địch lúc cao nhất từ 4 đến 6.000 tên.

Dựa theo quốc lộ 13 từ thị xã Thủ Dầu Một đến Lộc Ninh, địch bố trí một số cụm cứ điểm rất kiên cố như:

Cụm cứ điểm LỘC NINH:

Đã từ lâu địch coi đây là bức tường thép, nên bố trí rất cẩn thận và kiên cố.

·     Trại biệt kích: một tiểu đoàn biệt kích số 81 và khu tiếp liệu

·     Chi khu quân sự: một tiểu đoàn có trận địa pháo 105

Hai vị trí này chúng xây dựng từ hồi giặc Pháp cho nên hàng rào cũ mục chúng lại rào mới chồng lên, gây rất nhiều khó khăn cho việc cắt mở hàng rào của chiến sĩ ta.

Địch còn trang bị ống nhòm hồng ngoại, nhìn được 80m trong ban đêm.

Khu vực Chiến đoàn 9 thì rất rộng, ủi thành tường xung quanh, dựng lô cốt, hàng rào bùng nhùng từ 3 đến 5 lớp và có rào chắn B40.

Địa hình:

Hướng chúng ta triển khai lực lượng có một địa hình lý tưởng: rừng đồi hay gọi là miền trung du đất đỏ có chất cao lanh, phù hợp cho cây công nghiệp như cao su, cà phê v.v… phát triển rất tốt, phủ một màu xanh bạt ngàn, rất thuận tiện cho bộ đội hành quân và tập kết cùng các phương tiện chiến tranh hiện đại của ta cơ động, chiếm lĩnh mục tiêu được bí mật.

Tình hình dân:

Nhân dân ở đây phần nhiều sống dựa vào nương rẫy hoặc là công nhân cạo mủ cao su, khai phá gỗ rừng, nên dễ gặp gỡ, tiếp xúc với các chiến sĩ cách mạng, hiểu về đường lối Cách mạng, sẵn sàng giúp đỡ và ủng hộ Cách mạng v.v…

BCH chiến dịch giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 5

Sư đoàn 5 chịu trách nhiệm đánh trận then chốt, mở màn cho chiến dịch. Được tăng cường Trung đoàn 3 Bộ Binh rút từ Sư đoàn 9 qua.

·     1 E 28 pháo 120mm

·     1 E 42 pháo hạng nặng có xe kéo

·     1 C 10 (xe tăng 11 chiếc)

·     50 quả mìn chống tăng

·     Có đại đội 31 bộ đội địa phương Lộc Ninh phối thuộc dẫn đường.

Nhiệm vụ:

Tiêu diệt cụm cứ điểm Lộc Ninh và Trung đoàn Thiết giáp số 1 gồm 100 xe, giải phóng thị xã Lộc Ninh kết hợp với các sư đoàn bạn hoàn thành nhiệm vụ ở bước 2 của chiến dịch.

BCH Sư đoàn 5 họp lên phương án tác chiến và giao nhiệm vụ cho các Trung đoàn.

Trung đoàn 1

·     Đồng chí Tám – Trung đoàn trưởng

·     Đồng chí Ba Xuyên – Chính ủy Trung đoàn

·     Đồng chí Bảy Lai – Phó chính ủy

·     Đồng chí Sáu Xứng – Trung đoàn phó

Chiếm lĩnh ở tây nam xã Lộc Bình, có nhiệm vụ bao vây tiêu diệt đồi Trương Ngọc Hoa, xây dựng trận địa chốt chặn, không cho Lữ 52 ở căn cứ Đồng Tâm lên ứng cứu, cũng như địch tháo chạy từ cụm cứ điểm Lộc Ninh, đồng thời làm thê đội dự bị cho Sư đoàn.

Trung đoàn 2 (174)

·     Đồng chí Nguyễn Đức Quân – Trung đoàn trưởng

·     Đồng chí Nguyễn Bạch Đằng – Chính ủy

·     Đồng chí Nguyễn Xuân Rong – Phó chính ủy

·     Đồng chí Vũ Linh – Trung đoàn phó

·     Đồng chí Lê Kháng Nhật – tham mưu trưởng

Được tăng cường Đại đội 10 thiết giáp 11 xe (có 2 xe phòng không 57 ly)

Là Trung đoàn chủ công chiếm lĩnh phía tây cụm cứ điểm, có nhiệm vụ tiêu diệt chiến đoàn 9 của địch và chi khu Lộc Ninh, bắt tay với D7, D8, E3 từ hướng đông đánh qua.

Trung đoàn 3

·     Đồng chí Tư Bường – Trung đoàn trưởng

·     Đồng chí Vũ Khuyến – chính ủy

·     Đồng chí Bành Xám – phó chính ủy

·     Đồng chí Sáu Coọc – Trung đoàn phó

·     Đồng chí Nhị Năm – Trung đoàn phó

·     Đồng chí Hai Xuân – tham mưu trưởng

·     Đồng chí Phạm Hải – tham mưu phó

Chiếm lĩnh khu vực bắc làng 2. Có nhiệm vụ tiêu diệt Chiến đoàn 9 địch và chi khu Lộc Ninh từ hướng đông đánh vào bắt liên lạc với E2.

Khóa đầu chốt chặn vững chắc là mũi đối diện cùng với E3 F9 vận động tiêu diệt E1 thiết giáp và D74 Ngụy, từ Hoa Lư kéo về ứng cứu cho Lộc Ninh.

Trung đoàn 3 – Sư 9

·     Do Đồng chí Phạm Kim – Trung đoàn trưởng

Chiếm lĩnh phía tây của Tà Bao phía bắc Lộc Ninh, xây dựng trận địa chốt chặn và vận động cùng với D9, E3 tiêu diệt E1 thiết giáp và D74 Ngụy từ Hoa Lư về ứng cứu cho Lộc Ninh.

Các Trung đoàn pháo binh

Chiếm lĩnh và xây dựng trận địa vững chắc, tính toán phần tử chính xác, quyết tâm đánh phủ đầu giặc bằng trận bão lửa, tạo thuận lợi cho các mũi bộ binh mở cửa đánh chiếm lô cốt đầu cầu.

Các đơn vị Đặc công của Sư 5 và C25 E3

Có nhiệm vụ tấn công tiêu diệt khu cảnh sát và khu hành chính Ngụy ở Lộc Ninh.

Lệnh hành quân chiếm lĩnh

Ngày 28 tháng 3 năm 1972 Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch đã phê chuẩn kế hoạch tác chiến của Sư đoàn.

Ngày 30 tháng 3 năm 1972: các đơn vị làm lễ xuất quân và tuyên thề, vành nón của mọi cán bộ chiến sĩ đều dán khẩu hiệu (Quyết tâm giải phóng Lộc Ninh).

Lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch là : 0 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1972 toàn mặt trận hành quân chiếm lĩnh, đơn vị nào xa hành quân trước, gần hành quân sau.

Riêng E3 F9 do đồng chí Phạm Kim chỉ huy hành quân lúc 0 giờ ngày 2 tháng 4 năm 1972 do tổ chị 2 Mão dẫn đường chiếm lĩnh khu vực tây của Tà Bao.

4 giờ ngày 4 tháng 4 năm 1972 đã vào chiếm lĩnh trận địa xong và sẵn sàng chiến đấu. Nhiệm vụ của E3 F9 là kết hợp với D9 E3 F5 chặn đầu và đối diện tiêu diệt hoàn toàn E thiết giáp số 1 và D74 Biệt động, không để cho chúng về ứng cứu cho Lộc Ninh.

E3 F5 do tổ của anh Lập và anh Trường đưa đường, 15 giờ ngày 3 tháng 4 năm 1972 rời khỏi Snul đi bám theo sông Măng, vượt lộ 14 giữa đoạn Cầu Trắng và Hoa Lư.

Tiểu đoàn 9 E3 F5 được tăng cường C19 Công binh, 2 khẩu ĐKZ 75 với 50 quả mìn chống tăng do đồng chí Canh tiểu đoàn trưởng, đồng chí Hoài chính trị viên, đồng chí Dung chính trị viên phó, đồng chí Sáu Từ Ai – D phó. Do tính chất quan trọng của đơn vị khóa đầu, Đảng ủy E3 F5 cử đồng chí Sáu Cọoc E phó đi cùng, có nhiệm vụ chôn mìn chặn đứng quân địch, cùng với E3 F9 vận động tiêu diệt toàn bộ quân địch, quyết không để một tên chạy thoát về Lộc Ninh.

D9 vào chiếm lĩnh trận địa lúc 22 giờ ngày 3 tháng 4 năm 1072. Thấy thời gian còn sớm nên tiểu đoàn trưởng triển khai cho anh em đào công sự chiến đấu cá nhân. Bỗng nghe thấy tiếng xe thiết giáp từ Hoa Lư chạy về Chiến đoàn và ở lại Chiến đoàn luôn. Theo nhận định, đây là tốp xe đi tuần tiểu. C19 Công binh vội ra chôn mìn và triển khai đội hình chặn đầu. Còn lại Trung đoàn bộ và hai D7 và 8 do lạc đường mãi tới 5 giờ sáng ngày 4 tháng 4 năm 1972, toàn bộ đội hình của Trung đoàn mới vào chiếm lĩnh trận địa xong.

Tiểu đoàn 7 do Bùi Văn Nê là D trưởng, đồng chí Toán chính trị viên đã đưa được 3 C vào chiếm lĩnh xong trận địa vây lấn.

Tiểu đoàn 8 do đồng chí Quách Đại Liên D trưởng, đồng chí Đỗ Nghễ chính trị viên, đồng chí Ngô Hữu chính trị viên phó, đồng chí Trần Lượng D phó, đồng chí Sổ tham mưu trưởng… đã đưa được 3 Đại đội vào chiếm lĩnh trong rừng cao su sát sân bay, cách chi khu và chiến đoàn Ngụy 70 mét về hướng đông. Tiến hành đào công sự vây lấn.

Hai Trung đoàn do cán bộ và chiến sĩ Đại đội 31 bộ đội Lộc Ninh dẫn lối đưa đường vào chiếm lĩnh an toàn và đúng giờ, anh em có thời gian đào công sự, đây cũng là thắng lợi ban đầu. Đại đội 31 còn phải cắt cử ra các Tiểu đội, Trung đội kết hợp với du kích các xã bao vây các đồn bảo an không để địch bung ra, tạo thuận lợi cho chủ lực của ta tiền nhập đánh chiếm mục tiêu chính của chiến dịch.

5 giờ 30 ngày 4 tháng 4 năm 1972, các trận địa pháo của cấp trên đồng loạt dội bão lửa xuống mục tiêu như Lữ 52 cứ điểm Đồng Tâm, E1 Thiết giáp ở Hoa Lư, căn cứ Long Bình, An Lộc, Sư bộ Sư 5 ở Lai Khê, làm pháo binh của chúng bị tê liệt hoàn toàn không thể chi viện cho nhau được.

D trưởng D8 chỉ thấy có 1 trận địa 105 bắn rất chính xác vào cột cờ Chi khu, còn các trận địa khác không thấy bắn. Đồng chí Quách Đại Liên nhận định là pháo hạng nặng chưa vào chiếm lĩnh được, D trưởng D8 lệnh cho đơn vị củng cố công sự vững chắc chờ lệnh.

Suốt đêm 4 tháng 4 năm 1972 cho đến 4 giờ 30 sáng 5 tháng 4 năm 1972 các đơn vị pháo hạng nặng và E1, E2 bộ binh đã và chiếm lĩnh trận địa xong, tạo thế bao vây cụm cứ điểm Lộc Ninh được khép kín.

E2 (174) do đồng chí Nguyễn Đức Quân chỉ huy Đại đội Đặc công của E2 đã gài xong bộc phá vào cửa mở số 2, D5 do đồng chí Vũ Viết Cam – D trưởng, đồng chí Lương Quý Mão chính trị viên đã cho C5 áp sát hàng rào thứ nhất và củng cố công sự vây lấn Chiến đoàn 9 Ngụy xong.

D4 do đồng chí Thuận – D trưởng, đồng chí Khải chính trị viên đã chỉ huy C1 áp sát hàng rào phía tây Chi khu cách 50 mét và củng cố công sự vây lấn xong.

E1 F5 đã chiếm lĩnh ở hướng tây nam xã Lộc Bình và tổ chức trận địa chốt chặn bao vây đồn Trương Ngọc Hoa xong.

E28 và E42 pháo binh đã chiếm lĩnh trận địa xong và chờ lệnh nổ súng.

-  C10 Tăng thiết giáp đã vào vị trí tập kết xong.

Bộ tư lệnh F5 sau khi nắm chắc tình hình của các Trung đoàn trên các hướng, báo cáo lên BCH chiến dịch và xin ý kiến. BCH chiến dịch hạ lệnh nổ súng tiến công cụm cứ điểm Lộc Ninh bắt đầu.

-  Đúng 5 giờ 30 phút ngày 5 tháng 4 năm 1972 các trận địa pháo của ta như: Cối 160, 122, 105, 120, DB20, DKB, H12 đồng loạt dội bão lửa xuống cụm cứ điểm Lộc Ninh lần 1 là 45 phút, sau đó bắn tốc độ đều cùng với hỏa lực các Trung đoàn 1, 2, 3 bắn phá các lô cốt đầu cầu tạo thuận lợi cho các mũi vây lấn đào nhũi qua hàng rào và mở cửa mở. Riêng có trận địa cối 160 lúc đầy bắn lệch mục tiêu ra sân bay trước mặt đội hình của D8 cách 15 đến 20 mét, D8 chỉ có một đồng chí Chính – chiến sĩ trinh sát hy sinh do mìn ghim vào đầu. D trưởng D8 điện về Trung đoàn chỉnh pháo, thời gian độ 20 phút thì pháo bắn trúng mục tiêu.

7 giờ ngày 5 tháng 4 năm 1972 hướng E2 gồm 3 tiểu đoàn 4, 5, 6 mỗi D đều có một C luồn sâu vào tới hàng rào thứ 2 phát huy sức mạnh súng bắn tỉa kết hợp loa kêu gọi binh lính đầu hàng.

8 giờ 30 phút ngày 5 tháng 4 năm 1972 giai đoạn 1 thực hành vây lấn mở cửa và đưa lực lượng bộ binh áp sát cứ điểm Lộc Ninh đã hoàn thành.

Pháo binh của ta cấp tập lần thứ 2, cả cụm cứ điểm của địch khói bụi mịt mù. Đồng chí Liên D trưởng D8 nhìn thấy 3 xe tăng trong Chiến đoàn chạy ra với tốc độ nhanh nhất về hướng cổng sân bay rồi bọc xuống lộ 13 đến đồn Trương Ngọc Hoa thì bị D2 E1 tiêu diệt, một số binh lính vượt rào chạy về trận địa D8 độ khoảng 100 tên, thì bị D8 bắt và dẫn về phía sau.

8 giờ 45 phút ngày 5 tháng 4 năm 1972, điện của E3 thông báo: đơn vị đặc công do đồng chí Phạm Minh Tâm – C trưởng, Phạm Song Phiên – chính trị viên, chỉ huy tiến công và làm chủ hoàn toàn khu hành chánh và cảnh sát Ngụy, được sự hỗ trợ của lãnh đạo huyện Lộc Ninh cùng với dân quân du kích đang truy lùng bọn ác ôn và ổn định tinh thần cho nhân dân, vận động nhân dân treo cờ giải phóng.

9 giờ ngày 5 tháng 4 năm 1972 tại sở chỉ huy Sư đoàn không khí rất phấn khởi, các cán bộ chỉ huy, tham mưu, tác chiến thay nhau trực máy, đôn đốc các đơn vị vây lấn ép sát tiêu diệt các mục tiêu bên trong chi khu và Chiến đoàn địch.

9 giờ ngày 5 tháng 4 năm 1972 nhận được điện của đồng chí Phạm Kim – Trung đoàn trưởng E3 F9, báo về là có khoảng 80 xe và binh lính đi cùng đang từ Hoa Lư về hướng ngã ba Lộc Tấn cách trận địa phục kích của ta độ 1.200 mét. Bộ chỉ huy Sư đoàn nhận định cụm cứ điểm Lộc Ninh rất hoang mang và lo sợ đã phải điều E1 thiết giáp về cứu nguy. Bộ Tư lệnh F5 lệnh cho E3 F9 động viên toàn thể đơn vị bình tĩnh chờ địch lọt thẳng vào trận địa, tốp đi đầu đụng phải bãi mình, đội hình của chúng sẽ dừng lại thì đồng loạt nổ súng, nhanh chóng vận động đánh mạnh vào 2 bên sườn của địch, chia cắt chúng ra và tiêu diệt toàn bộ, không để sót một tên và một xe chạy về Lộc Ninh.

9 giờ 45 tốp xe đi đầu đụng phải bãi mìn, 2 xe M41 bốc cháy, C19 và ĐKZ 75, D9 E3 thi nhau nhả đạn vào đoàn xe của địch, D9 E3 nhanh chóng vận động đánh vào sườn phía đông đoàn xe, D7, D8 E3 F9 nhanh chóng vận động đánh vào sườn phía tây – tây bắc đoàn xe. Bị đánh quyết liệt, bọn địch dạt sang bên đường triển khai chống cự. Nhiều lần địch tổ chức phản kích với lực lượng 70 xe và binh lính vẫn không thể chọc thủng được trận địa chốt chặn của bộ đội ta, số còn lại phải lui về làng 9 củng cố, bỏ lại trận địa nhiều xác xe và xác lính, có những tên bị thương la khóc om sòm. Trận đánh kéo dài tới 17 giờ mới tạm kết thúc, bộ đội ta lui về vị trí chốt chặn nghỉ ngơi, củng cố lại công sự chờ lệnh chiến đấu tiếp. C31 bộ đội huyện Lộc Ninh vẫn ở lại chiến đấu cùng bộ đội cho đến lúc thắng lợi hoàn toàn.

21 giờ ngày 5 tháng 4 năm 1972 dưới sự yểm trợ của không quân, địch mở cuộc phản kích quyết liệt vào hướng cửa mở do C1 D4 và C5 D5 E2 chốt giữ, trận địa chiến đấu rất ác liệt kéo dài tới sáng ngày 6/4/1972 quân ta vẫn kiên cường bám trụ.

22 giờ ngày 5 tháng 4 năm 1972, các đơn vị dùng bộc phá đánh mở hàng rào. Riêng hướng tiểu đoàn 8, đồng chí Quách Đại Liên D trưởng và đồng chí Tài công vụ bò vào hàng rào Chi khu xác định lại và quyết tâm mở cửa số 2 cho quân tiến vào tiêu diệt địch bên trong.

Qua xác định đồng chí Liên chọn cửa số 2 là chính, điện về xin ý kiến Trung đoàn thì Trung đoàn đồng ý. Vì cửa này, chính là cổng ra vào của Chi khu Ngụy, không có hàng rào, chỉ có 2 cái cự mã cơ động.

Ở cửa số 2 do C1 D4 chiếm giữ đã dùng hỏa lực bắn phá trung tâm kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Thế trận vây lấn của ta ngày càng xiết chặt cụm cứ điểm Lộc Ninh.

Sáng ngày 6 tháng 4 năm 1972 máy bay địch liên tục dội bom bắn phá ở hướng tấn công của E2 và E3. Chúng dùng cả bom Napan làm một số cán bộ chiến sĩ bị phỏng, lửa đạn mịt mù nhưng các Đại đội vây lấn vẫn kiên cường bám trụ.

7 giờ ngày 6 tháng 4 năm 1972 địch lại tổ chức phản kích quyết liệt, nhưng không thể bịt được cửa mở, địch trong cụm cứ điểm Lộc Ninh rất hoang mang lo sợ, tên Nguyễn Công Vĩnh Chiến đoàn trưởng lệnh cho Trung đoàn Thiếp giáp số 1 ở Hoa Lư bằng mọi giá phá vòng vây để cứu nguy, qua đài kỹ thuật ta nắm được ý đồ của địch là dùng một bộ phận hành quân theo trục lộ 13, còn 2 mũi đi chìm sâu trong rừng cao su, khi mũi đi trên lộ 13 đụng phải chốt chặn của ta thì 2 mũi gọng kìm vù ga chạy qua Lộc Tấn về Lộc Ninh. Sư trưởng Sư 5 hạ lệnh cho E3 F9 và D9 E3 bố trí đội hình, quan sát và theo dõi thật kỹ tổ chức hỏa lực tiêu diệt gọn 2 cánh quân của địch không để một xe chạy về Lộc Ninh.

9 giờ 30 ngày 6 tháng 4 năm 1972, đồng chí Phạm Kim – E trưởng E3 báo cáo, đoàn xe thiết giáp đã lọt vào trận địa phục kích, C19 E3 F5 và D8 E3 F9 đã nổ súng chặn đứng mũi hành quân trên lộ 13, bộ đội đang bao vây chia cắt tiêu diệt chúng, còn cánh quân đi theo khu vực lô cao su 385 – 387 cũng đang bị D7 E3 F9 và D9 E3 F5 vận động xung phong tiêu diệt. Trận chiến đấu rất quyết liệt giữa bộ binh của ta và xe bọc thép của địch. Bộ đội ta rất mưu trí, linh hoạt, lợi dụng hào thoát nước, gốc cây cao su, dùng B40, B41, ĐKZ, thủ pháo tiêu diệt cơ giới địch, bị tấn công từ nhiều hướng, sĩ quan và binh lính địch bỏ xe, pháo chạy thoát thân vào rừng cao su, số đông chạy xuống suối; Số chạy vào nhà dân thay áo lính, trốn trong dân. Cuộc rượt đuổi, tiếng hô buông súng đầu hàng vang cả khu rừng, các đồng chí lãnh đạo huyện và xã cùng ban ngành – đoàn thể cũng thâm nhập ngay xuống dân, nhằm ổn định tinh thần nhân dân, động viên nhân dân kêu gọi binh lính Ngụy ra đầu hàng để được hưởng lượng khoan hồng của cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng tiểu đội trưởng mũi đối diện của E3 F9 vượt suối đánh sang, thấy nước suối đục cho anh em lần theo và bắt được khá nhiều tù binh. Do tù binh quá đông không có nơi giam giữ đơn vị dồn hết tù binh vào lô cao su phát gạo, mắm muối, nồi để họ tự nấu ăn cho nhau, phát bông băng, thuốc men để tự họ chăm sóc cho nhau để đảm bảo cuộc sống cho tù binh đơn vị, tổ chức cho họ đi gùi gạo, thực phẩm về ăn.

Qua 2 ngày chiến đấu quân ta bắn cháy 40 xe, bắt 60 xe nguyên vẹn. Cho tù binh lái về căn cứ, bắt sống tù binh, thu toàn bộ vũ khí, xe pháo. Xóa sổ trung đoàn 1 thiết giáp Ngụy và tiểu đoàn biệt động số 74 Ngụy.

5 giờ 30 phút giờ ngày 6 tháng 4 năm 1972, các trận địa pháo của ta tiếp tục cấp tập, các mũi dùng hỏa lực đi cùng bắn phá các lô cốt bìa ngoài.

Máy bay địch vẫn tiếp tục bắn phá, D trưởng D8 bị thương lần thứ nhất, trung đoàn gọi đồng chí Liên ra, Liên không thể ra lúc này được, vì đang chỉ huy đơn vị.

D trưởng D8 bị thương lần 2 chính anh ba Dũng – Sư phó đi cùng trung đoàn hạ lệnh đồng chí Liên ra ngay.

Khi ra đến chỉ huy sở báo cáo tình hình và điều trị vết thương xong, đồng chí Liên trở lại trận địa chuẩn bị để 5 giờ ngày 7 tháng 4 năm 1972 xung phong đánh dứt điểm.

Khi biết Trung đoàn thiết giáp số 1 và D74 Biệt động bị xóa sổ, các đồn Bảo An cũng bỏ súng tìm đường thoát thân, sĩ quan và binh lính Lữ đoàn 52 Ngụy trong cứ điểm Đồng Tâm cũng rất hoang mang trước sự tấn công như vũ bão của E209 F7 đã tháo chạy khỏi cụm cứ điểm Đồng Tâm về Bình Long, An Lộc. Bộ đội ta rất phấn khởi chuẩn bị tinh thần xung phong xóa sổ cứ điểm phòng ngự Lộc Ninh.

19 giờ ngày 6 tháng 4 năm 1972 Bộ chỉ huy F5 nhận định: thời cơ tiến công tiêu diệt hoàn toàn cụm cứ điểm phòng ngự của địch ở Lộc Ninh đã đến và báo cáo lên Bộ chỉ huy chiến dịch xin chỉ thị.

-  Tham mưu trưởng sư đoàn 5 đồng chí Vũ Thược điện cho E174 và E3 Bộ chỉ huy kiểm tra lại lực lượng xung kích và đôn đốc bộ đội chuẩn bị tinh thần 5 giờ 30 ngày 7 tháng 4 năm 1972 là xung phong đánh dứt điểm.

-  Lệnh cho trinh sát ra đón đơn vị Tăng thiết giáp từ vị trí tập kết đưa về vị trí xuất phát xung phong.

-  Bộ tư lệnh chiến dịch đồng ý cho F5 tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Lộc Ninh vào đêm ngày 6 rạng sáng ngày 7 tháng 4 năm 1972.

Từ 3 giờ đến 5 giờ sáng ngày 7 tháng 4 năm 1972, pháo ta tiếp tục dội bão lửa xuống trận địa của địch.

Đúng 5 giờ 30 ngớt tiếng pháo, 6 xe tăng của ta dẫn bộ binh của D5 E2 tràn vào làm chủ trận địa Chiến đoàn 9 Ngụy. Đồng chí Vũ Viết Cam – D trưởng bắt tù binh dẫn đường đánh vào Chiến đoàn bộ, thì tên đại tá Vĩnh – Chiến đoàn trưởng và 4 tên cố vấn Mỹ đã thay áo dân chui rào bỏ chạy. Theo bảng tổng kết của F5, lá cờ quyết chiến quyết thắng do C7 D5 cắm lên lúc 7 giờ ngày 7 tháng 4 năm 1972. Tên Chiến đoàn phó và một số sĩ quan tham mưu ở dưới hầm ngầm gọi hàng không được, ném lựu đạn, thủ pháo cũng không xong, đồng chí Xuân Rong – Phó Chính ủy Trung đoàn bị thương nặng do hỏa lực của hầm ngầm bắn ra, sau đó hy sinh. Sau đó anh em phải đục nắp hầm đưa bộc phá sào xuống mới diệt được hầm ngầm.

D4 E2 có 2 xe tăng đi cùng, đánh vào Chi khu, gặp phải chiến hào chống tăng của địch, 2 xe của ta không vào được, chiến sĩ ta rời xe, vượt cửa mở đánh vào trong.

-  E3 F5 đánh từ hướng đông vào, trong hợp đồng tác chiến thì không có xe tăng ra đón bộ binh vào, do vận dụng sáng tạo của sĩ quan tăng thiết giáp C10 anh hùng.

D trưởng Quách Đại Liên nhìn thấy 1 xe ra đón D7 E3 đánh vào Chiến đoàn, bắt tay với E174.

Một xe chạy qua đội hình D8 E3 xuống chốt ở cổng sân bay Lộc Ninh và 1 xe ra đón tiểu đoàn 8 vào chiếm Chi khu.

Xui cho tiểu đoàn 8 là xe tăng dẫn vào đến cổng lại không ủi sập cổng bộ đội chưa vào được người nào thì được lệnh rút đi.

May sao D trưởng D8 và 2 chiến sĩ B40 lọt vào công sự gác ban ngày nằm ngoài hàng rào của địch.

2 khẩu đại liên ở lô cốt đầu cầu bắn xối xả vào đội hình, đồng chí Trần Lượng d phó, đồng chí Sổ tham mưu trưởng, 2 đồng chí hy sinh ngay cửa mở cùng một số chiến sĩ.

Anh em chiến sĩ nằm ùn lại trên sân bay, hai chiến sĩ B40 ở trong công sự với đồng chí Liên cũng bị thương, tự băng bó cho nhau.

D trưởng D8 ôm khẩu B40, nằm thì không bắn được, phải chờ cho nó thay băng, đồng chí Liên đứng thẳng người bắn vào lỗ châu mai, diệt xong 2 hỏa điểm, B40 còn một quả, ý là bắn vào ổ khóa cổng, nhưng bóp hoài không nổ, đành phải chạy lên nhổ cây sắt cạnh đó, đập cái thứ 6 mới bung ổ khóa và đẩy cửa mở ra, đồng chí Liên quay mặt lại phía anh và hô lớn… Anh em theo tôi, đồng thời chạy vào chiếm lô cốt đầu cầu bên phải, trong tay nhăm nhăm khẩu B40 với quả đạn lép, thấy 2 tên lính ngụy đồng chí Liên đâm cho mỗi thằng một trái vào ngực chúng gục xuống rồi đâm thêm cho một trái vào tai, lôi xác 2 đứa ra ngoài lô cốt, lấy AR15 của chúng bôi dầu mỡ trơn chu, để mỗi lỗ châu mai 2 khẩu súng lục được 2 thùng lựu đạn mỗi thùng 48 trái… Lúc này là 6 giờ 30 phút ngày 7 tháng 4 năm 1972. Anh em cũng theo vào được 15 đồng chí:

·     Đồng chí Ngang – trung đội trưởng trinh sát

·     Đồng chí Sơn – Trung đội phó

·     Đồng chí Bút – Công vụ của D8

Đồng chí Liên phân công làm 3 tổ:

·     1 tổ đánh các lô cốt bên trái

·     1 tổ đánh các lô cốt bên phải

·     1 tổ đánh hầm ngầm

Còn đồng chí Liên, đồng chí Bút và một chiến sĩ nữa chốt giữ lô cốt đầu cầu. Đồng chí Liên giao nhiệm vụ cho anh em đánh toàn bằng lựu đạn mỗi lô cốt 1 trái, đánh lướt thật nhanh khi giáp vòng thì quay ra đây.

Đồng chí Liên nói: “Đồng chí Bút đưa cờ cho anh”. Bút mở bồng xếp thứ tự các món ăn ra mới moi được lá cờ ở đáy bồng lên đưa cho đồng chí Liên. Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng được đồng chí Liên cắm lên nóc lô cốt đầu cầu, khi leo lên nóc lô cốt phất cao lá cờ và hô to “Chiến thắng rồi các đồng chí ơi”.

3 tổ do D trưởng D8 chỉ huy chiến đấu từ 6 giờ 30 phút đến  12 giờ thì anh em tập trung ra chỗ đồng chí Liên, lại hy sinh thêm 2 đồng chí cán bộ trung đội nữa là đồng chí Ngang và đồng chí Sơn, đồng chí Hưng bị thương, đồng chí Liên cho anh em trụ lại trong 3 lô cốt, tử sĩ để bên ngoài lô cốt, thương binh đưa vào trong băng bó, sẵn có 2 thùng nước sạch của lính Ngụy, đồng chí Liên cạy 2 quả mìn Klay-mo lấy thuốc đun sôi 2 thùng nước pha sữa cho thương binh uống, nấu mì, bột trứng, pha cà phê, nước cam cho tất cả anh em ăn, uống.

Đồng chí Liên thấy lính Ngụy trong Chi khu chạy ra rất đông, máy bay đến đánh bom bi tiếp trùm lên đội hình binh lính, nó chết nằm đen trên sân bay, tốp máy bay đó đi, binh lính trong chi khu lại tuôn ra, thì tốp khác lại đến rải bom bi, xác chết của nó nằm chồng lên nhau trên sân bay, lúc đó khoảng 15 giờ ngày 7 tháng 4 năm 1972.

Hướng E1:

Đội hình tháo chạy của Chiến đoàn 9 Ngụy đã lọt vào trận địa phục kích của ta, D1 E1 do Hoàng Thế Cao chỉ huy, chia thành 2 mũi, từ hướng tây đánh sang cắt đứt đội hình của địch, chúng chạy xuống suối chống cự.

D3 E1 cũng thành 2 mũi vận động tiến công.

D2 E1 chốt trên đường 13, địch hết đường tháo chạy, chúng dồn cục lại ở bắc đồn Trương Ngọc Hoa.

10 giờ ngày 7 tháng 4 năm 1972, E1 đã vây chặt bọn địch, đồng loạt nổ súng xung phong, đám tàn quân Ngụy chống cự yếu ớt và bị bộ đội ta dồn xuống suối Rong Can.

11 giờ ngày 7 tháng 4 năm 1972, kết thúc trận đánh, bọn tàn quân địch giơ cờ trắng xin hàng, trong đó có tên đại tá Chiến đoàn trưởng Nguyễn Công Vĩnh và 4 tên cố vấn (1 Pháp và 3 Mỹ), địch chết tại chỗ 150 tên, bắt sống hàng trăm tên, thu 269 súng.

Trời đã xế chiều và cũng là lúc hết tiếng máy bay đồng chí Liên cho anh em rút về căn cứ. Đại đội 7 thê đội dự bị còn nguyên vẹn do đồng chí Hữu chính trị viên tiểu đoàn chỉ huy vào lấy thương binh liệt sĩ về ngay tối 7 tháng 4 năm 1972.

Đồng chí Liên lên ban chỉ huy Trung đoàn có đồng chí Dũng Sư phó đi cùng, báo cáo là toàn đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trận mở màn cho chiến dịch.

Qua 4 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, quân và dân Lộc Ninh đã xóa sổ 3 tiểu đoàn Biệt động quân, một tiểu đoàn biệt kích, một trung đoàn thiết giáp, bắn cháy và bắt sống 160 xe các loại, 1 Chiến đoàn 9 Ngụy Sài Gòn, 2 pháo đội, 15 đại đội bảo an dân vệ cùng toàn bộ hệ thống chính quyền tề điệp ở quận lỵ Lộc Ninh, diệt hàng ngàn tên, bắt sống 1.876 tên, trong đó có một đại tá, hai trung tá, 56 sĩ quan cấp úy, thu 2,5 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh.

Chiến thắng Lộc Ninh làm nức lòng 25.000 dân trong huyện.

Từ nay trên đất Lộc Ninh anh hùng sạch bóng quân thù.

Sáng 8/4/1972, hai đồng chí Liên và Bút cùng với tiểu đội trinh sát vào tảo trừ trận địa, xem thương binh liệt sĩ, có ai còn sót lại không. Đồng thời đưa đại đội 7 vào thu dọn chiến trường, gom được hơn 200 súng các loại (có 1 khẩu 105mm) và hàng triệu viên đạn, cùng rất nhiều quân trang quân dụng (có 2 xe zep). Quách Đại Liên cho anh em chất lên xe chở về cho trung đoàn để giao cho địa phương. Còn 1 xe đồng chí Liên chở đồng chí Ba Cúc – Chính ủy Sư đoàn 5, đồng chí Thanh Sơn – trợ lý chính trị Sư 5, đồng chí Hai Khuyến – chính ủy trung đoàn 3, đồng chí Ngô Hữu – Chính trị viên tiểu đoàn đi kiểm tra lại trận địa cụm cứ điểm Lộc Ninh.

Đi lĩnh lương thực, thực phẩm, quân trang, súng đạn về bổ sung cho tiểu đoàn 8, xuống Bình Long chi viện cho Sư 9.

Như vậy, ta đã tận dụng được phương tiện khoa học của địch phục vụ lại cho đơn vị.

Từ ngày 9 tháng 2 đến 12 tháng 4 năm 1972, các đồng chí cán bộ chính trị của trung đoàn, sư đoàn phối hợp với Đảng bộ và chính quyền huyện Lộc Ninh xây dựng lại các cơ sở cách mạng, thành lập chính quyền các xã, ổn định tinh thần và đời sống nhân dân, tuyên truyền chính sách 7 điểm của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam trong nhân dân.

KẾT LUẬN:

Chiến công này trước hết thuộc về Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5, và cán bộ chiến sĩ toàn Sư đoàn đã chiến đấu dũng cảm, không sợ đổ máu, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trận then chốt mở màn cho Chiến dịch Nguyễn Huệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Bộ chỉ huy Miền, của Đảng ủy và Bộ chỉ huy Chiến dịch.

Chiến công này thuộc về quân và dân Lộc Ninh anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và UBND huyện Lộc Ninh.

                                                                                                                                             Tp.Hồ Chí Minh, tháng 02 năm 2008

Comments