Chuyến xe định mệnh

đăng 08:08 12 thg 5, 2013 bởi Nguyễn Thanh Truyền   [ đã cập nhật 01:34 18 thg 5, 2013 ]

                                                                                                                                                                 Đại tá Hồ Thế La

                                                     Xã Phú Hòa, Lương Tài, Bắc Ninh

  Câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây xảy ra cách đây đã 28 năm, song những ký ức về những gì đã xảy ra đối với tôi và đồng đội còn nguyên vẹn, không bao giờ phai mờ.

Mùa khô năm 1981, Sư đoàn 5 trong đội hình mặt trận 479 làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia truy quét tàn quân Pôn Pốt dọc biên giới Campuchia – Thái Lan thuộc tỉnh Bát Tam Băng, nơi có nhiều căn cứ đầu sỏ của tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Sari ẩn náu, tàn quân địch dựa vào rừng núi hiểm trở của vùng biên giới được sự hà hơi tiếp sức của các thế lực phản động bên ngoài xây dựng các căn cứ quân sự, các trại tị nạn nhằm chống phá cách mạng Campuchia, Pôn Pốt – Iêng Sari – Tà Mốc… những tên cầm đầu Khơ me đỏ trực tiếp chỉ huy các căn cứ này.

Những tháng cuối năm 1981, chiến dịch truy quét tiêu diệt tàn quân địch ở các căn cứ dọc biên giới Campuchia – Thái Lan mở màn.

Sư đoàn 5 trực tiếp tiêu diệt các căn cứ địch trọng điểm là các căn cứ đầu sỏ của tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Sari vùng Nam Sấp – Tà Ngọ, Cao Mê Lai năm ấy tôi là cán bộ tuyên huấn của sư đoàn cùng với các đồng chí cán bộ trong phòng Chính trị, phòng Tham mưu, phòng Hậu cần kỹ thuật trực tiếp đi với Sở chỉ huy Sư đoàn.

Sau những đòn tấn công táo bạo, chớp nhoáng các đơn vị trong Sư đoàn lần lượt đánh chiếm một số căn cứ biên giới vùng Nam Sấp – Tà Ngọ, địch bị đánh tan tác lẩn trốn vào rừng, chạy dạt sang đất Thái, luồn về phía sau co cụm lại ngoan cố chống cự.

Sở chỉ huy tiền phương Sư đoàn chuyển lên phía trước đóng tại một căn cứ lớn của Pôn Pốt và được bộ đội ta đánh chiếm. Chúng tôi, cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần kỹ thuật cũng lần lượt chuyển lên phía trước theo kịp diễn biến tình hình chiến sự.

Đầu tháng 2 năm 1982 những ngày giáp Tết cổ truyền Việt Nam, chúng tôi chuẩn bị ăn Tết ngoài mặt trận, nhân dân Campuchia chia gửi một số quà để động viên bộ đội tình nguyện Việt Nam tại mặt trận.

Anh em trong cơ quan chính trị được bố trí mang quà của nhân dân Campuchia theo một chuyến xe vận tải lương thực thực phẩm do đồng chí Thái – lái xe của Tiểu đoàn 29 vận tải có 14 chiến sĩ cùng đi.

Sau khi cơm trưa xong, anh Ba Đởm – Phó ban cán bộ, anh Nghiệp – Cán bộ tổ chức chính sách và tôi đã sẵn sàng lên xe đồng chí Thái để lên Sở chỉ huy tiền phương. Đồng chí Võ Út – Phó chủ nhiệm chính trị Sư đoàn ra dặn dò một số công việc và chỉ định để tôi và anh Nghiệp ở lại giải quyết một số công việc xong sẽ lên sau.

Xe chuyển bánh khoảng 10 phút chúng tôi nghe những tiếng nổ lớn dồn dập ở hướng xe chạy… bị phục kích rồi, anh em trong cơ quan bật dậy. Theo mệnh lệnh chiến đấu, anh em chúng tôi nhằm hướng xe bị phục kích lao tới, cách chỗ chúng tôi không xa chừng 4km, chúng tôi lao tới, bọn Pôn Pốt bị đánh lui. Một quang cảnh đẫm máu hiện ra trước mắt chúng tôi, xe bị bốc cháy, 15 chiến sĩ, kể cả anh Ba Đởm đã anh dũng hy sinh trong tư thế chiến đấu quần nhau với giặc dữ Pôn Pốt đến người cuối cùng, bọn Pôn Pốt man rợ đã dùng các loại hỏa khí đánh vào thi thể đã hy sinh của các chiến sĩ ta một cách tàn bạo và man rợ.

Khi khâm liệm các chiến sĩ, chúng tôi nước mắt lưng tròng nhẹ nhàng gom nhặt từng phần xương thịt theo thi hài của từng liệt sĩ…

Chiến dịch mùa khô 1981-1982 kết thúc thắng lợi, một dải biên giới Campuchia – Thái Lan sạch bóng kẻ thù.

Sau này, những năm tháng tiếp theo, nhân dân Campuchia, Tòa án quốc tế đã xử tội bọn đao phủ Pôn Pốt, những kẻ gây tội ác chống lại loài người đã phải ra trước vành móng ngựa và đền tội.

Tôi viết hồi ức này để tri ân những liệt sĩ, chiến sĩ tình nguyện Việt Nam của chúng ta đã chiến đấu hy sinh trên đất Campuchia. Trong đó có 15 cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn 5 trong chuyến xe định mệnh ấy đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch truy quét tàn quân địch mùa khô 1981-1982.

Các anh đã vĩnh viễn nằm tại nơi đại ngàn biên giới, nhân dân Campuchia – nhân dân Việt Nam đời đời ghi nhớ công lao của các anh. Tổ quốc đã ghi công người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam không tiếc máu xương để hai dân tộc Việt Nam – Campuchia được sống trong tự do độc lập.

Comments