Bản mật danh lịch sử

đăng 08:54 8 thg 2, 2012 bởi Nguyễn Thanh Truyền   [ đã cập nhật 01:45 18 thg 5, 2013 ]
                                                                                                                                                                                                                     Đinh Thiên Lý
Nguyên đài trưởng 2W Tiểu đoàn 26 thông tin F5

  Vậy là đã trên 30 năm, ngày ấy tôi còn là một anh  lính trẻ nhiệt tình, năng động, trách nhiệm, yêu nghề; nay tôi đã gần sáu mươi xuân. Từng ấy năm, đất nước và mỗi gia đình có biết bao đổi thay vậy mà mỗi khi nhìn lại bản mật mã của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử lòng tôi lại sốn sang bởi những ký ức của mùa xuân 1975 lại hiện về như một giấc mơ, một niềm tự hào của một người lính đã được góp một phần công sức của mình để giữ gìn bờ cõi, non sông. Ngày ấy, khi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch lịch sử của toàn dân tộc thực ra những người lính chúng tôi không hề biết gì về một chủ trương lớn của Đảng và Quân đội. 

  Trước đó, sau khi chỉnh quân xong Sư đoàn 5 chúng tôi đựơc triển khai đánh các mục tiêu như Gò Măng Đa, thị xã Mộc Hoá. nhằm mở rộng vùng giải phóng, khi ấy tôi được trên điều động về giữ chức vụ đài trưởng mạng 2W tại chỉ huy sở cơ bản sư đoàn 5, đài trưởng mạng được bố trí 02 máy K71, đồng chí Đăng Đức Khải cùng đồng chí Quyên phụ trách một máy, tôi - Đinh Thiên Lý cùng đồng chí Thiện phụ trách một máy. Tất cả đã vào vị trí chiến đấu và chờ đến giờ G+1 thì nổ súng, nhưng đến 11 gìơ đêm đơn vị đột ngột nhận được lệnh rút quân, ban tác chiến Sư đoàn lệnh cho các đơn vị rút và chuyển quân về hướng Ba Thu, các bộ phận tự thu xếp, thế là đài chúng tôi cuộn an ten, thu máy hàng quân. Anh Bùi Huy Lùngtrung đội trưởng phụ trách đài về đại đội nhận lệnh, còn chúng tôi tự hành quân (vì cánh thông tin chúng tôi rất thạo địa hình), chỉ cần cấp trên ra lệnh là đi đúng theo kế hoạch, chúng tôi hành quân suốt đêm, sáu giờ sáng hôm sau tới một địa điểm (cứ) dọc đường mà anh em vẫn thường nghỉ thì dừng lại lúc đó các bộ phận: Truyền đạt, tổng đài, trinh sát nội cần cũng vừa đến, tất cả đều tranh thủ nghỉ lại sức và chờ lệnh cấp trên, nấu cơm ăn xong, nghỉ được một lúc thì có tiếng xe hon đa (lúc đó xe rất hiếm, cả sư đoàn bộ mới có bốn chiếc) dùng cho tủ trưởng sư đoàn và chạy thư hoả tốc, khi chúng tôi nhìn ra thì thấy chiếc xe màu xanh vẫn dùng phục vụ thủ trưởng, đồng chí ngồi trên xe máy hỏi chúng tôi:
Các anh có thấy đài trưởng mạng 2W đến đây chưa?
Có đấy, kia kìa, mấy đồng chí thông tin truyền đạt chỉ ngay về phía chúng tôi, 
Đồng chí đó đến bên và hỏi tiếp: các anh, đài trưởng mạng ở đây do ai phụ trách?
Tôi bảo có anh Khải - ngày ấy anh Khải là trung đội phó trực tiếp phụ trách một đài,
Đồng chí đó lại gần và nói: thế mời đồng chí đi gặp thủ trưởng,
Chúng tôi hỏi lại: gặp ai? 
Gặp anh Năm Thược
   
  Vậy là anh Khải thu xếp đi và giao cho tôi ở lại phụ trách đài. Khoảng hơn một giờ sau lại thấy tiếng xe, nhìn ra chúng tôi thấy hai chiếc xe máy, một chiếc chở anh Khải còn chíêc kia chạy không, đến nơi anh Khải bảo: Lý ơi mày thu xếp lên đi với anh Năm, tôi hỏi anh Khải, vậy tình hình làm sao mà anh lại về, ânh Khải nói: tao vào báo cáo thì thủ trưởng hỏi ngay là thằng Lý đâu sao không cho nó lên, tao bảo là mày ở nhà còn em lên nhận lệnh, thế là thủ trưởng bảo đồng chí về thu xếp cho đài của đồng chí Lý lên ngay đi công tác. Xe đây thu xếp mà đi ngay đi.

  Chấp hành mệnh lệnh, tôi chuẩn bị và gọi đồng chí Thiện cùng đi. Hai anh em được hai xe máy chở xuống Ba Thu. Nhìn cánh đồng chống chơn chỉ có cỏ lác cùng lau sậy tôi thấy lo, vì đã mấy năm sống ở Đồng Tháp Mười rồi, dạo này mà lội xuống thì cực lắm, nước cạn xuồng không đi được, chỉ có cách duy nhất là lội bộ mà thôi, bùn lún sụt tới đầu gối, cỏ lác mọc dầy sấn vừa lội bùn vừa phải rẽ cỏ mà đi, những lúc gặp đìa phải đầm mình xuống, ngửa mặt lên trời choài choài để lội qua.

  Khi đến sở chỉ huy tôi vào chào và báo cáo anh Năm Thược, thủ trưởng cười và bảo: Cậu ra chuẩn bị cơm nước, tư trang, đúng mười bẩy giờ là xuất phát, ông chỉ tay về phía cánh đồng ra hiệu sẽ đi xuống Đồng Tháp Mười. Hai anh em ra hàng cây cạnh đó gói gém đồ đạc vào trong bọc ni lông, cái gì thật cần thiết thì để lại, cái gì không cần lắm thì bỏ lại cho đỡ nặng, dễ cơ động, tranh thủ nấu luôn cơm vắt, chuẩn bị cho cuộc hành quân dài. Đúng năm giờ chiều đồng chí cần vụ đến truyền mệnh lệnh hành quân, chúng tôi đi bụng bảo dạ: chiẩn bị lội đồng. Nhưng có ngờ đâu ra đến bến sông đã thấy có mấy chiếc xuồng chờ sẵn, mấy đồng chí chống xuồng bảo: Có phải thông tin thì lên, vậy là mừng quá, hai anh em xuống xuồng ngồi. Anh Năm cũng vừa tới cùng một đồng chí nữa xuống một chiếc thế là cuộc hành quân bằng xuồng bắt đầu. Đi suốt đêm đến sáng hôm sau thì đến bờ sông Vàm Cỏ, đoàn dừng lại có ý chờ, chừng hai giờ sau thì thấy anh hai Hiệu cùng đài của anh Khải đến, vậy là đài chúng tôi có đủ mặt.

  Chờ du kích địa phương bố trí khoảng tám giờ sáng thì lên xuồng máy cắm cờ Nguỵ quyền Sài Gòn, mặc áo trắng, mình anh Năm đi một chiếc xuồng, hai chúng tôi đi chiếc thứ hai, mỗi xuồng cách nhau chừng năm trăm mét chạy xuôI sông Vàm Cỏ, điI được chừng hai mươi phút nhìn sang phía tay phải chúng tôi thấy đồn lính Nguỵ, quan sát kỹ trên thực địa tôi nhận ra đó chính là khu trù mật Thuỷ Đồng (Hay huyện lỵ Tuyên Nhơn) năm 1973 tôi đã cùng anh Ba Đối Tham nưu phó sư đoàn đặt sở chỉ huy tiền phương đánh vào đây. Xuồng chạy sát mép nước bên trái vậy là chỉ cách địch có một quãng ngang sông. Xuồng chạy mãi đến quá trưa thì dừng lại, ănh cơm nắm xong đi bộ trên bờ kênh có giao liên dẫn đường đến chập tối thì có xuồng chờ sẵn chở sang bờ bên kia, nơi có một nhà thờ của đạo Hoà Hảo, lúc này đoàn chúng tôi gốm anh Năm Thược, anh Hai Hiệu, bốn chiến sỹ thông tin chúng tôi và sáu, bẩy đồng chí trinh sát. Rời khỏi bờ sông đi được chừng một giờ rưỡi thì đến một xóm dân nhưng không có dân mà chỉ có du kích địa phương chỉ dẫn. Chúng tôi được lệnh dừng lại, triển khai mạng thông tin liên lạc, vâỵ là sở chỉ huy sư đoàn lúc đó có khoảng mười lăm người gồm hai thủ trưởng, một cần vụ, một tài vụ, bốn thông tin lên lạc và 7 đồng chí trinh sát. 

  Đêm ấy các đài báo cáo đều đặn và sáng hôm sau tiếng súng đầu tiên mở màn chiến dịch là đại đội 94 (đại đội công binh của sư đoàn) với nhiệm vụ chặn lộ 4 - điểm gần cầu Tân Hương. Máy 2W đi với đại đội 94 do đồng chí Nguyễn Doãn Công và đồng chí Huân phụ trách. Mới khoảng tám giờ sáng mà xe ô tô các loại đã bị chặn dài đến hai cây số. Trước tình hình bị ta chốt chặn lộ bốn quân Nguỵ dồn sức đánh thông đường, chúng điều xe tăng và bộ binh từ Long An đánh xuống và máy bay từ Cần Duộc đến hỗ trợ. Trận quyết chiến mở màn diễn ra vô cùng ác liệt, địch thì tìm mọi cách đánh bật quân ta ra khỏi vị trí chốt chặn, ta thì bám trụ kiên cương, quyết tâm giữ vững trận địa, chia cắt lộ bốn để địch không thể chi viện cho Sài Gòn, đã có xe tăng địch bốc cháy và nhiều lính bộ binh Nguỵ Sài Gòn bỏ mạng, sau ba mươi phút chiến đấu dũng cảm đại đội 94 cũng có thiệt hại điện về xin cấp trên chi viện, nhận được điện của đại đội 94 tôi sang báo cáo, anh Năm chỉ thị cho gọi pháo (khi hành quân xuống đồng bằng sư đoàn lệnh tháo pháo thành từng bộ phận đặt lên bè chuối kéo xuống Đồng Tháp, tới nơi triển khai trận địa sẵn sàng chi viện cho bộ binh), chúng tôi liên lạc với pháo binh và truyền đạt mệnh lệnh của đồng chí sư đoàn trưởng, đồng thời yêu cầu đại đội 94 hiệu chỉnh để pháo bắn trung đích. Nhưng do địa hình đồng bằng sình lầy kết cấu nền trận địa không chắc nên pháo chỉ bắn được một phát đã lún hết tầm không bắn được nữa, trận địa vẫn liên tục gọi về đề nghị chi viện, giữa lúc khẩn trương không để địch áp sát trận địa chúng tôi nảy ra sáng kiến dùng bộ đàm gọi trực tiếp: Chú ý quan, sát khi pháo nổ và hiệu chỉnh, nghe rõ trả lời. Quả nhiên khi nghe mệnh lệnh của ta qua máy bộ dàm địch cho quân dãn ra (sau này chúng tôi mới được nghe kể lại). Do địch tập trung cả lục quân, không quân, pháo binh liên tục tấn công vào trận địa, lực lượng ta có hạn sau một thời gian chiến đấu quân ta được lệnh tạm rút quân để bảo toàn lực lượng.

  Lại nói về nhiệm vụ chuyên môn của chúng tôi, ngày ấy từ khi bắt đầu chuyển hướng tấn công, bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, phương tiện liên lạc duy nhất của sư đoàn là mạng thông tin 2W vì chuyển quân trên địa hình Đồng Tháp Mười cực kỳ khó khăn, đường dây hữu tuyến không triển khai được nên tuần đầu tiên phương tiện liên lạc giữa sư đoàn với các đơn vị và ngược lại là thông tin vô tuyến điện. Khoảng mười ngày sau trên bổ xung cho sư đoàn ba máy 15W cùng với 15W các bộ phận tham mưu mới xuống đầy đủ, do không có phương tiện khác hỗ trợ nên khối lượng liên lạc là rất lớn, hầu như hai máy trưởng mạng phải làm việc 24/24 giờ, điện đi, điện đến đều phải mã hoá, để bảo đảm bí mật mỗi ngày phải thay một khoá mật mã vì vậy khó khăn lại càng khó khăn nhưng là một đài trưởng nhiều năm gắn bó với mạng thông tin vô tuyến, được phục vụ nhiều trận đánh quan trọng nên bản thân đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm nhất là trong những tình huống khó khăn, phức tạp nên dù có thay khoá mật mã thường xuyên nhưng chỉ sau hai giờ có khoá mới là tôi đã dịch được trên 30% bức điện, nếu để đến chiều thì cứ cầm bức điện là đọc luôn bằng mật mã còn điện đến thì dịch luôn, về nguyên tắc điện phải ghi theo mật mã để lưu nhưng do thành thạo nghiệp vụ nên tốc độ mã hoá của cánh thông tin chúng tôi nhanh chóng, chính xác và kịp thời, những ngày này tôi và anh Khải lúc nào cũng mang cáp nghe trên tai khi mệt quá thì thiếp đi chốc lát và bừng tỉnh khi nghe thấy đài bạn gọi, mỗi lần nhận hoặc phát điện cả ba bộ phận trên cơ thể phải đồng thời làm việc: Tai nghe, miệng nói, tay viết, các đồng chí phụ máy do mới vào đơn vị nên chưa có nhiều kinh nghiệm hơn nữa chỉ huy và các đài trong mạng không chấp nhận sự chậm trễ, thiếu linh hoạt. Mười ngày sau đài trưởng mạng chúng tôi được tăng cường thêm anh Hương nguyên là đại đội phó lên trực tiếp chỉ huy nhưng cũng chỉ giúp cho chúng tôi việc đưa diện lên chỉ huy sư đoàn còn chuyên môn đồng chí cũng không thể thay thế anh em chúng tôi được. Khoảng hai mươi ngày sau các bộ phận đi bộ mới tới địa điểm tập kết được, nhìn anh nào anh ấy mặt mũi, tóc tai, bùn đất dính bê bết chỉ có hai con mắt là thấy sáng bừng. Lúc này chỉ huy sở sư đoàn có thêm mạng hữu tuyến, máy 15W cũng được tăng thêm, khối lượng liên lạc mới nhẹ bớt phần nào. Song trong chiến đấu ở chiến trường đồng bằng thì mạng 2W vẫn là chủ lực vì đường dây hữu tuyến hỏng phải sửa chữa khắc phục khó khăn do địa hình sình lầy, kênh rạch nhiều, hơn nữa hữu tuyến cũng chỉ bảo đảm liên lạc cho các đơn vị ở cự lý gần. Để tuyệt đối giữ bí mật và bảo đảm mệnh đến đơn vị kịp thời, các mệnh lệnh, báo cáo  đều do mạng 2W đảm nhiệm. 

  Ngày 28 tháng tư năm 1975 trung đoàn 3 sư đoàn 5 được giao nhiệm vụ đánh cầu Bên Lức Long an báo về: lính Sư đoàn 18 Nguỵ từ Xuân Lộc, qua Sài Gòn về Miền Tây đã bị trung đoàn chặn đánh bắt được tù binh, thu nhiều vũ khí nhưng lượng tù binh tăng dần ta không thể giữ chúng nên sư đoàn lệnh cho Trung đoàn 3 chỉ thu vũ khí còn tù binh thì phóng thích cho chúng về quê. 

  Mười một giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đài phát thanh của chế độ nguỵ quyền Sài Gòn khẹc khẹc vài lần rồi dừng hẳn, ít phút sau có tiêng gõ, gõ vào micro rồi giọng một người đàn ông vang lên A lô, A lô Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng rồi đồng chí đó lại hát bài Giải phóng Miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước... đang hát thì thấy dừng lại và sau đó là lời phát biểu đầu hàng của Tổng thống chế độ Nguỵ quyền Sài Gòn Dương Văn Minh. Thực ra lúc đó không có radio nhưng nhân lúc bớt việc chúng tôi lấy máy 2W dự phòng ra để mở đài Sài Gòn đón tin chiến thắng.

  Sài Gòn giải phóng, chế độ Nguỵ quyền sụp đổ và đầu hàng vô điều liện, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng chúng tôi cứ nhẩy lên hò reo, ôm nhau mà khóc mà cười có đồng chí còn hét to lên: “Mẹ ơi Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng đất nước sẽ thống nhất con sắp được về với mẹ rồi, xung xướng quá mẹ ơi...” nỗi vui mừng của những người lính chúng tôi không sao tả hết được và một điều chắc chắn là từ nay chúng ta sẽ được sống trong hoà bình, được gặp lại người thân sau bao năm trời xa cách.

  Rời chỉ huy sở từ vườn chùa (Thầy Yến) chỉ huy sở sư đoàn về cầu Tân Hướng - Long An, lúc ấy anh Bùi Huy Lùng trung đội trưởng đến thu lại bản mật mã cũ và triển khai mật mã mới, tôi nói với anh Lùng: Chiến tranh đã hết rồi, bản mật mã này em đã đánh vật với nó suốt tháng nay, từng từ, từng chữ nằm ở vị trí nào em chẳng cần xem cũng biết nó nằm ở đâu và viết ngay ra được, nhưng đây lại là bản mật mã phục vụ sư đoàn trong chiến dịch lịch sử của Dân tộc, em xin anh được giữ lại để làm kỷ niệm của cuộc đời người lính trận, anh Lùng miễn cưỡng đồng ý. Vậy là đã 35 năm trôi qua tôi vẫn giữ bản mật mã này làm kỷ niệm, mỗi lần nhớ đến Miền Nam, nhớ đến bạn bè, đồng đội, nhớ đến những kỷ niệm không thể nào quên nơi chiến trường khói lửa, nhất là mỗi khi ngồi kể cho con, cháu nghe về những năm tháng chiến đấu gian khổ, khó khăn nơi chiến trường tôi đều đem nó ra ngắm nhìn và nói với con tôi rằng tuy nó chỉ là một mảnh giấy bình thường với những chữ cái tưởng chừng như vô nghĩa nhưng đó là mồ hôi, xương máu của tôi và biết bao đồng đội thân yêu đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. 
Ngày 23 tháng 11 năm 2008 trong buổi gặp mặt các cựu chiến binh Sư đoàn 5 trên quê hương ý Yên, Nam Định nhân ngày truyền thống sư đoàn, sau những phút hàn huyên tâm sự tôi được đồng chí trưởng ban liên lạc Hội Bạn chiến đấu, cựu chiến binh Sư đoàn 5 phía Bắc gợi ý tặng bản mật mã lịch sử cho Sư đoàn để các đồng chí lưu giữ trong phòng truyền thống, tôi vô cùng phấn khởi và mong rằng bản mật mã lịch sử sẽ được trở về về với sư đoàn. Thông qua bảnh mật mã tôi muốn gửi đến lớp cán bộ chiến sỹ năm ấy cùng tôi chiến đấu trong đó có các anh: Phạm Vũ Tiệp đại đội trưởng, anh Hương ở Hải Phòng đại đội phó, anh Bùi Huy Lùng trung đội trưởng, anh Đặng Đức Khải, Dương Tiến Bảng, Tạ Quang Xung, Đỗ Đình Thắng, Ngô Kim Muộn cùng các đồng chí ở đơn vị thông tin 2W, tôi cũng muốn gửi đến lớp cán bộ chiến sỹ sư đoàn hôm nay một lời nhắn: Hãy phấn đấu, hãy xứng đáng với thế hệ cha anh và giữ vững truyền thống “Đoàn kết, trung dũng, cơ động linh hoạt, tự lực, tự cường, đánh thăng mọi kẻ thù” của một sư đoàn hai lần anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

Comments