Anh còn mãi trong tôi và trong đồng đội

đăng 06:44 12 thg 5, 2013 bởi Nguyễn Thanh Truyền   [ đã cập nhật 01:36 18 thg 5, 2013 ]

                                                                                                                                                                                                                                   Ngọc Văn

Đã ba ngày nay rồi, tôi phải nằm điều trị ở trạm phẫu thuật tiền phương. Phải rời vị trí chiến đấu, giữa lúc lửa đạn đang nóng bỏng nơi trận địa. Vì mảnh đạn quái ác này. Không hiểu giờ này, trên đó anh em đồng đội có ai bị thương vong nữa không? Xa xa tiếng đạn pháo của địch vẫn vọng về, xen lẫn tiếng máy bay gầm rú, chúng quần đảo trút bom đạn xuống bất cứ nơi nào chúng nghi là có quân giải phóng.

Đang suy nghĩ mông lung, bỗng có tiếng chân người chạy đi, chạy lại nghe gấp gáp, tiếng người nói đanh gọn, làm cho trạm phẫu nhỏ bé nằm nép dưới những tán cây rừng, bên dòng suối đang yên tĩnh bỗng xao động hẳn lên. Tôi vội kéo chiếc khăn phủ trên mặt ra, hình ảnh đầu tiên tôi nhận thấy là 3 chiếc cáng đi như lao vào trạm. Khi đó tôi không thể nằm yên được nữa, tôi cố gắng ngồi dậy, tay chống nạng tập tễnh đi về những chiếc cáng xem có ai ở đơn vị tôi không. Mấy ngày nay phải xa anh em tôi sốt ruột quá…

-  Chiếc cáng thứ nhất, người nằm trong đó là một đồng chí dáng vẻ to cao, trên đầu cuốn nhiều vòng băng trắng, vòng cả xuống cằm máu đã thấm đỏ. Nhịp thở thoi thóp như đã đi vào hôn mê sâu. Tôi thoáng nghĩ đồng chí này không biết có qua khỏi được không! Lòng tôi se lại.

-  Chiếc cáng thứ hai, là một đồng chí ngực cuốn băng, trên đầu vẫn còn đội chiếc mũ tai bèo, lấm nhiều bùn đất. Đồng chí nằm như đang ngủ say.

-  Chiếc cáng thứ ba. Người nằm trên cáng được đắp chiếc chăn che kín từ đầu đến chân. Nhìn chiếc cáng, chiếc chăn cứ rung lên từng đợt. Đó hẳn là một chiến sĩ đang trong cơn sốt rét ác tính. Tất cả đều được đưa từ một trận địa chiến đấu về đây. Tôi tò mò dò hỏi các đồng chí tải thương xem các đồng chí thương, bệnh binh này ở đơn vị nào? Một đồng chí có lẽ là phụ trách tổ cáng thương cho biết: Hai đồng chí thương binh nặng này là lính của đơn vị bộ binh, song ở tiểu đoàn nào, C nào chúng tôi không rõ. Chỉ biết đồng chí sốt rét nặng kia là tiểu đội trưởng súng máy phòng không 12 ly 7. Tôi không tin vào tai mình, tôi hỏi lại: 12 ly 7. Đúng 12 ly 7. Tiếng trả lời như khẳng định. Tôi vội nói luôn: báo cáo các đồng chí đây là người của đơn vị tôi. Xin các đồng chí cho tôi được xem mặt.

Tay tôi từ từ nâng đầu tấm chăn lên. Một gương mặt quen quen với nước da tái nhợt, chiếc mũi cao, bộ râu quai nón mọc lởm chởm do lâu ngày chưa cạo. Hơi thở gấp gáp nặng nề. Tôi nhận ra ngay đó là anh Vũ Quốc Quân – khẩu đội trưởng khẩu đội 2 Trung đội 2.

Tôi và anh Quân cùng nhập ngũ về trung đoàn 174, sư đoàn 316 quân khu Tây Bắc (tháng 10 năm 1968, trung đoàn 174 đứng chân trong đội hình sư đoàn 5 miền Đông Nam Bộ mang phiên hiệu trung đoàn 2).

Chỉ sau 5 ngày khi đế quốc Mỹ cho không quân bắn phá miền Bắc nước ta (ngày 5 tháng 8 năm 1964).

Anh là cán bộ kỹ thuật Nhà máy Cơ khí Hà Nội. Anh chưa lập gia đình riêng, anh quê là vùng quan họ Bắc Ninh.

Rời mái trường cấp III quê lụa Hà Tây. Hai chúng tôi tuy sinh ra và lớn lên ở hai miền quê khác nhau song trong một môi trường quân ngũ lại thấy sớm có nhiều điểm tương đồng. Anh em trong đại đội thường gọi anh cái tên “Quân tây” vì anh có sống mũi cao, có bộ râu quai nón, mái tóc quăn tự nhiên dễ phân biệt với một đồng chí Quân khác quê ở Thái Bình cùng đơn vị.

Nhớ lại những tháng năm đơn vị đi làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào (1964-1965) thuộc Mặt trận Thượng Lào gian khó. Đại đội súng máy cao xạ 12 ly 7 của chúng tôi làm nhiệm vụ bảo vệ Sở chỉ huy Trung đoàn, chi viện hỏa lực cho các tiểu đoàn bộ binh, phòng ngự chiến đấu trên các cao điểm, Nậm Tạt thấp, Nậm Tạt cao cùng các đơn vị hỏa lực ĐKZ, cối 82 chi viện cho bộ binh tiến lên đánh chiếm cao điểm quan trọng của địch trên khu đồi Mốc Lốc thuộc tỉnh Sầm Nưa. Anh là xạ thủ số 1 của khẩu đội, tôi là xạ thủ số 2, 12 ly 7 là loại vũ khí vừa có khả năng đánh địch trên không vừa đánh địch ở mặt đất. Các xạ thủ phải thao tác thuần thục, chuẩn xác tính cơ động cao, bí mật, bất ngờ chiến đấu mới giành được phần thắng và bảo toàn được lực lượng.

Là loại vũ khí nặng (riêng chiếc nòng súng 12 ly 7 có trọng lượng 32kg do anh đảm nhiệm mang vác). Người anh không to cao, song dáng vẻ rắn chắc, nhanh nhẹn sẵn sàng giúp đỡ đồng đội. Anh có nụ cười rất có duyên. Trong chiến đấu anh bình tĩnh dũng cảm nhả những đường đạn chuẩn xác về phía mục tiêu. Trong đơn vị anh khiêm tốn tình cảm, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị ai nấy đều quý mến anh. Kết thúc chiến dịch giúp bạn Lào về nước, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới anh được thủ trưởng Trung đoàn tặng bằng khen.

Năm 1966, trung đoàn chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Cán bộ chiến sĩ ai nấy đều vô cùng phấn khởi, 100% viết đơn tình nguyện, có đồng chí đã viết đơn bằng máu. Trung đoàn 174 được đem ngọn lửa truyền thống của trung đoàn 174 Cao – Bắc – Lạng năm xưa trên chiến trường Điện Biên Phủ và miền Nam đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược. Khí thế hừng hực của những người lính trẻ ai cũng mong sớm được đi Nam chiến đấu.

Đã mấy chục năm trôi qua rồi, kể từ ngày ấy tôi cũng như nhiều CCB của đại đội 12 ly 7 giờ đây cũng không quên được bài hát “Cảm tử quân”, bài “Chiến thắng Him Lam” do anh Vũ Quốc Quân phổ biến cho toàn thể anh em trong đơn vị cùng một số bài hát của quân đội ta đã tạo dựng nên một không khí phấn khởi quyết tâm học tập, rèn luyện củng cố niềm tin chiến thắng vượt dãy Trường Sơn vào chiến trường lớn chiến đấu trả thù cho đồng bào miền Nam ruột thịt, trả thù cho đồng bào miền Bắc bị máy bay, bom đạn Mỹ sát hại.

Trong tôi tiếng hát của anh Quân như vẫn còn văng vẳng đâu đây với giai điệu thúc giục và những lời ca hùng tráng”… Tiến lên đường, tới sa trường ta xứng danh là cảm tử quân… Da ngựa bọc thây lòng này vẫn vui… Tiến lên đường, tới sa trường…” Tiếng hát của anh, của toàn đại đội tôi đã đi suốt dọc Trường Sơn – con đường đã ghi đậm những dấu chân huyền thoại năm nào như còn vang vọng tới ngày nay…

Giờ đây, tại trạm quân y tiền phương anh đang nằm mê man bởi một căn bệnh quái ác. Ác liệt của bom đạn chiến tranh không lung lay được ý chí của anh thế mà con bệnh sốt rét quái ác đã làm anh thế này đây. Tôi thương anh quá! Chẳng may anh bị sốt rét ác tính khó mà qua khỏi. Không! Với anh tôi luôn tin vào nghị lực của anh.

Sau mấy ngày điều trị với sự tận tình của các y bác sĩ anh đã qua được cơn nguy kịch. Tôi lần đến thăm anh ở khu thương bệnh binh nặng. Anh đã nhận ra tôi, thật mừng vui vô cùng. Tôi hỏi thăm anh tình hình ngoài trận địa, về sức khỏe anh em trong trung đội. Chúng tôi tự động viên nhau mong sớm trở lại đơn vị chiến đấu.

Những ngày qua, quân địch bị ta đánh thiệt hại nặng nề. Nay chúng tăng cường lực lượng không quân đánh phá ác liệt xuống các trận địa của ta và các khu rừng lân cận. Để đảm bảo an toàn cho trạm phẫu và thương bệnh binh lệnh trên quyết định trạm phẫu thuật của Trung đoàn phải di chuyển đến địa điểm mới. Một số thương bệnh binh đưa về tuyến sau điều trị. Đơn vị vận tải lên phía trước làm nhiệm vụ tiếp tế đạn dược, lương thực thực phẩm cho các đơn vị chiến đấu. Sau đó cùng bộ phận quân y di chuyển đội phẫu và tải thương đưa về tuyến sau.

Đoàn chúng tôi ngày đi đêm nghỉ. Thời tiết vẫn đang còn trong mùa mưa, đường xá đi lại thật khó khăn, những con suối nước chảy xiết, đường mòn cây rừng đổ ngổn ngang chắn lối. Tôi và anh Quân đều phải nằm trên võng để anh em cáng đi. Đi tới ngày thứ ba, tôi để ý thấy người anh Quân gầy tọp đi nhanh quá. Chân tay run rẩy. Anh nói với tôi: “Anh Văn à, mình thấy người yếu quá, có lẽ không qua khỏi…”

Tôi nhìn anh thực sự thấy ái ngại. Tôi nắm chặt tay anh nói: “Anh Quân ơi, anh không được nghĩ lẩn thẩn, chỉ trưa mai nữa thôi anh em mình sẽ về tới bệnh viện của mặt trận, ở đấy tin chắc sẽ có điều kiện y tế tốt hơn chúng ta sẽ mau hồi phục để còn trở về khẩu đội chiến đấu chứ. Anh em họ đang mong chờ tôi và anh lắm đó. Anh là tiểu đội trưởng cơ mà!”. Tôi nhìn vào đôi mắt sâu trũng của anh và anh cũng nhìn vào mắt tôi, đôi môi hơi mấp máy như muốn nói điều gì. Nhưng đôi môi màu thâm sẫm kia lại mím chặt như để nén chịu điều gì khó nói nên lời.

Ở miền đất này, sau những cơn mưa như trút nước khí hậu thật oi nồng, ngột ngạt làm sao, khi các đồng chí làm nhiệm vụ vận chuyển thương binh đã bố trí thu xếp chỗ nghỉ qua đêm cho anh em ổn định. Tiếng máy bay địch trên bầu trời tạm ngưng, màn đêm bắt đầu buông xuống dưới tán rừng nguyên sinh còn sót lại, một bầu không khí yên tĩnh hiếm hoi có được nơi chiến trường ác liệt này chính là lúc các đồng chí nuôi quân nổi lửa lo bữa cơm chiều và cơm nắm, nước uống cho buổi hành quân ngày mai trong chiếc bếp Hoàng Cầm kín đáo. Các đồng chí y ta, cứu thương đến thăm khám, thay băng, cấp thuốc, dặn dò anh em thương bệnh binh. Tôi đang nằm trên võng, đầu óc đang nghĩ miên man nhớ về quê hương miền Bắc, nghĩ tới anh em cùng đơn vị… Vết thương ở đầu gối có lẽ bị nhiễm trùng đang sưng tấy lên, bỗng một đầu võng móc vào thân cây rung lên làm cắt ngang suy nghĩ của tôi, tiếp theo là tiếng đồng chí nuôi quân nói như giật giọng: Anh Văn ơi! Anh đến ngay chỗ đồng chí Quân lấy cho em chiếc bi đông, em đến thu bi đông để lấy nước đồng chí Quân cố tình không chịu đưa, thật không sao chịu nổi. (Đồng chí nuôi quân biết tôi và anh Quân cùng đơn vị). Nghe vậy, tôi vội tập tễnh lần sang chỗ anh Quân. Võng của anh cách chỗ tôi chừng mươi mười lăm mét, trên võng tôi thấy anh nửa nằm, nửa ngồi. Chiếc bi đông Trung Quốc đôi chỗ đã bị tróc sơn, quai bi đông như quàng trên cổ, hai bàn tay gầy guộc của anh ôm chiếc bi đông như không muốn cho ai lấy đi. Tôi thấy ngạc nhiên trước hiện tượng này. Tôi trấn tĩnh nhẹ nhàng nói: “Anh Quân ơi! Anh đưa bi đông cho tôi để đi lấy nước, rồi đem về cho anh, mai hành quân ta có nước dùng mà”. Anh không nói gì và cũng không cho tôi lấy bi đông, ngược lại anh còn ôm chặt chiếc bi đông vào ngực mình, đôi mắt anh như trừng trừng nhìn vào mắt tôi. Thế rồi đồi bàn tay thô ráp, gầy guộc của anh rời khỏi chiếc bi đông đưa ra phía trước như muốn ôm tôi vào lòng. Tôi vội đỡ anh nằm hẳn xuống võng. Anh như muốn nói với tôi điều gì, song tiếng anh thều thào quá nhỏ, tôi không sao nghe rõ được. Tôi thực sụ không hiểu nổi điều gì đã đến với anh nhanh như thế. Tôi thoáng nghĩ: Có lẽ đây là hiện tượng của sốt rét ác tính chăng? Tôi vội kêu đồng chí y tá đến cấp cứu cho anh. Khi đồng chí y tá với chiếc túi thuốc bên mình chạy tới nơi thì anh đã trút hơi thở cuối cùng. Tim anh đã ngừng đập ở cái tuổi 25 đang tràn đầy sức sống…

Tay tôi run run đưa lên vuốt mắt cho anh, xin vĩnh biệt người bạn chiến đấu, người đồng chí, người tiểu đội trưởng gương mẫu, dũng cảm. Tôi không sao cầm được nước mắt. Một số các đồng chí đứng xung quanh chiếc võng anh nằm và không ai bảo ai đều cúi đầu mặc niệm vĩnh biệt người đồng chí của mình. Tôi khe khẽ kêu lên: “Anh Quân ơi!.... Anh Quân ơi!... Sao anh nỡ vội ra đi, cuộc chiến này vẫn cần tới anh”.

Tôi lấy chiếc vỏ chăn đắp cho anh, màn đêm ập đến khu rừng khi nào không hay, cơn mưa rừng bắt đầu nặng hạt. Đêm nay võng của anh, võng của tôi mắc gần bên nhau, đêm cuối cùng. Chỉ sáng mai thôi đồng đội sẽ làm thủ tục theo nghi thức chiến trường đưa anh về yên nghỉ trong lòng đất mẹ Việt Nam, trên vùng đất đỏ Miền Đông… Hình ảnh anh, những kỷ niệm về anh của hai chúng tôi trong suốt những tháng năm hành quân chiến đấu trên các chiến trường sẽ còn mãi mãi trong tôi cũng như trong đồng đội của anh.

Hình ảnh đôi mắt của anh nhìn tôi lúc anh sắp sửa ra đi như muốn nhắc nhở tôi, tin tưởng động viên tôi, hãy vượt lên mọi khó khăn, gian khổ hy sinh làm tiếp phần việc mà anh còn để lại…

Hôm nay, tại thủ đô Hà Nội – thủ đô của nước Việt Nam thống nhất tôi viết nên những dòng chữ từ sâu thẳm ký ức của trái tim mình để nhớ về anh, gửi tới anh một nén tâm nhang và xin thắp lên mộ anh ở nơi phương Nam tổ quốc, nơi rừng xanh bạt ngàn đang mùa thay lá mới và thầm nhủ với lòng mình: “Trên cõi đời này anh vẫn còn bóng dáng. Trên thế gian này anh cùng bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho đất nước này có một mùa xuân vĩnh hằng. Các anh là những ngôi sao sáng mãi ngàn năm trên bầu trời tự do, độc lập của tổ quốc Việt Nam thân yêu.

                                                                        Hà Nội – 2009


Comments