Quách Đại Liên

Ngày 14/3/1968, C17-E174 do Trung úy Quách Đại Liên làm chính trị viên chỉ huy, nhận lệnh đi tăng cường cho tiểu đoàn 2 của trung đoàn 174 đi phối hợp với trung đoàn 66 đánh giao thông trên đường 14 đoạn từ Kon-tum đến Playcu dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Thái chính trị viên tiểu đoàn 2 và đồng chí Duyên tiểu đoàn phó.

8h ngày 13/3/1968 đồng chí Liên được đồng chí Đàm Văn Ngụy, trung đoàn trưởng gọi lên giao nhiệm vụ khóa đầu, đồng chí Liên báo cáo thủ trưởng là: “Khẩu đội tôi chỉ có 10 quả đạn nổi không có đạn lõm làm sao bắn cháy được xe tăng”. Thủ trưởng Đàm Văn Ngụy giải thích: “Ví dụ tôi cho cậu vào thùng phi đổ nước đến cổ, đậy nắp kín lấy cây đập bên ngoài vỏ thùng cậu ở trong có chịu nổi không? Thế thì trong xe tăng nó có 5 thằng Mỹ, cậu bắn quả đạn nổ bên ngoài xe, tôi nghĩ 5 thằng Mỹ ở trong máu mồm máu mũi sẽ trào ra thì không còn khả năng chiến đấu”. Tôi thấy Trung đoàn trưởng lấy ví dụ hết sức thực tế làm tôi càng vững tâm trên đường ra trận. Tôi trở về đơn vị vừa đi vừa cười thầm, nếu đây là sự thực thì mới giải tỏa được nỗi lo âu của những sĩ quan phụ trách loại pháo đi cùng bộ binh.

Những năm học ở trường sĩ quan pháo binh Sơn Tây tôi không thấy thầy giáo nào giảng bài dùng đạn nổ mà bắn cháy được xe tăng địch bao giờ, về vị trí trú quân tôi triệu tập đơn vị quán triệt tình hình nhiệm vụ, nhất là câu nói của trung đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy để anh em vững tin nếu đi chiến đấu sau này mà không có đạn lõm, chỉ có đạn nổi thì cứ yên tâm mà chiến đấu nhất định sẽ thắng lợi.

Tôi quay sang chuẩn bị cho khẩu đội để đi chiến đấu trận này, đồng chí Vượng pháo thủ số 1, đồng chí Bộc số 2, đồng chí Thẩm số 3, đồng chí Công liên lạc cho tôi, còn mấy đồng chí nữa như số 4, số 5 cùng các đồng chí vác đạn, do thời gian quá lâu nên tôi quên mất tên.

17h ngày 03/3/1968 khẩu đội DKZ của tôi cùng hành quân trong đội hình của tiểu đoàn 2, đến 2h ngày 14/3/1968 thì toàn đơn vị vào đến vị trí phục kích, chúng tôi bắt tay vào đào công sự chiến đấu, từ bìa rừng đến mặt đường khoảng 70m, khoảng trống này do Mỹ Ngụy ủi để đảm bảo an ninh cho các đoàn xe quân sự cơ động trên đường.

Để bảo vệ cho khẩu DKZ75 của tôi, đồng chí Thái – Chính trị viên phó tiểu đoàn 2 bố trí bên phải tôi là khẩu B41, bên trái là khẩu B40 nên tôi rất yên tâm.

8h ngày 14/3/1968, 2 máy bay trực thăng cán gáo lên quần đảo soi mói, bên trên là 2 trực thăng HU1A nếu phát hiện dấu vết gì là chúng phóng rốc két xuống ngay.

8h30’ ngày 14/3/1968, đài quan sát báo về đoàn xe đang triển khai đội hình xuất phát từ Kontum đi Playcu tổng số có 160 xe, đi đầu, đi giữa, đi cuối đều có 1 tốp xe tăng 3 chiếc bảo vệ, tốp nào cũng có 1 xe M48 đi ở giữa, trên trời là tốp máy bay trực thăng vũ trang và L19 dẫn đường, bộ đội ta đã sẵn sàng xung trận, ai không có súng B40 đều được trang bị 2 bánh thuốc nổ TNT 0,2kg có gắn sẵn nụ xòe khi xông ra mặt đường chỉ việc đặt bánh thuốc nổ lên thùng xăng hay đầu xe, giật nụ xòe là thuốc TNT nổ xe bốc cháy.

Tất cả đều trông chờ vào những quả lựu đạn từ khẩu DKZ75 của tôi bay ra, đoàn xe sẽ dừng lại, anh em xông lên diệt sạch không để sót 1 tên Mỹ nào chạy thoát. Bỗng có tiếng chuông điện thoại reo, tôi bốc ống nghe: “Alo…”, tiếng của trung đoàn trưởng phát ra: “Quách Đại Liên đâu?...” “Dạ tôi nghe, thủ trưởng nói đi…”, đoàn xe quá đông nên ta bỏ 100 xe cho nó chạy qua, chỉ đánh 60 xe thôi”. Tôi lao tới khẩu đội DKZ thấy tốp xe tăng đi qua trước mặt, tôi hạ lệnh bắn, đồng chí Vượng pháo thủ số 1 do hồi hộp thao tác chậm nên tốp xe tăng chạy qua mất, tôi la đồng chí Vượng: “Lùi ra để tao bắn…”, Vượng nói: “Thủ trưởng cứ bình tĩnh để em bắn…”. Thế rồi bồn chở dầu loại 12.000 lít chạy tới, tôi lệnh cho đồng chí Vượng bắn xe chở dầu, 1 quả đạn từ nòng súng bắn ra, xe chở dầu trông như 1 quả cầu lửa bốc cao gần 30m rồi đổ ập xuống mặt đường như một đám cháy rừng, 1 xe GMC chở đầy lính Mỹ vụt qua, tôi nghĩ mặt đường vẫn còn rộng cho đồng chí Vượng đặt đường tin vào đít xe bồn đang cháy, xe khác chạy tới bắn xe bốc cháy, lại 1 xe nữa vụt qua, như vậy mặt đường vẫn còn rộng, lại đặt đường tin vào đít xe vừa rồi chờ xe khác đến bắn quả nữa xe thứ 3 bốc cháy, xe thứ 4, thứ 5 lao đầu vào đám xe đang cháy. Tôi cho đồng chí Vượng bắn những xe đang ùn lại phía sau, xe thứ 6, 7, 8, 9 lúc này bộ đội ta đã tràn ra mặt đường, tiếng bộc phá nổ, B40, B41 và AK vang lên, xe cháy khói đen bốc lên trùm cả đoạn đường dài chừng 1km, tốp xe tăng 3 quay trở lại nó đang len lỏi qua những chiếc xe đang cháy đến trước họng súng DKZ75 tôi hạ lệnh bắn, chiếc thứ nhất trúng đạn rồi chiếc thứ 2, cả hai xe không cháy mà cũng không thấy nhúc nhích.

Nghiệm thu lời nói của trung đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy là chính xác vì 5 thằng Mỹ ở trong xe đã tràn máu tai, lòi máu mũi, mất sức chiến đấu hoàn toàn.

Chiếc thứ 3 bò lên bị kẹt 2 xe đằng trước nó không lên được liền quay nòng pháo về hướng chúng tôi, khẩu đội DKZ75 cũng còn một quả đạn để dành cho mày đây, nhưng ác thay đồng chí pháo thủ số 3 nạp quả đạn vào nòng không hết cứ lòi ra bằng 2 đốt ngón tay, lấy ra cũng không được, nguyên nhân do cát bụi khi bắn nó hút vào, lẽ ra khi bắn từ 5 đến 7 quả là phải lau bầu nóng, vì chiến đấu lần đầu nên chưa có kinh nghiệm, thế là chiếc xe tăng sống sót ấy nó được đà nhả đạn về hướng chúng tôi, khói bụi mịt mù, cành cây bị đạn cắt đứt trút xuống kín cả lối rút quân, đạn 12,7mm đỏ lừ đan chéo tầm từ đầu gối đến thắt lưng, tôi hạ lệnh tháo pháo rút về vị trí tập kết, đồng chí Bộc dân tộc Mường quê ở tỉnh Hòa Bình sao nó khỏe thế vác cả nòng pháo có quả đạn nằm trong nặng gần 90kg mà vẫn chạy băng băng trong rừng, còn tôi và đồng chí Công liên lạc cứ mải mê dùng AK và CKC bắn ngã từng thằng, từng thằng Mỹ một quên cả hiểm nguy, đồng chí Bộc lại chạy ra đón tôi và đồng chí Công về vị trí tập kết, tôi thấy bom pháo quá dữ dội liền cho anh em xuống hầm trú ẩn chờ ngớt bom pháo mới rút về hậu cứ. Bỗng nghe thấy tiếng lính Mỹ xì xà xì xồ phía sau, tôi nói đồng chí Công nhìn xem có phải lính Mỹ không? Công nói: “Lính Mỹ đông lắm thủ trưởng ơi, nó cách ta chừng 10m”. Thì ra nó đổ quân phía sau chặn đường rút của ta, phía trước là xe tăng nói cho nổ máy nhỏ bò vào cán lên cành cây kêu lốp bốp, anh em chúng tôi phải tất cả thủ pháo lựu đạn, AK và CKC chiến đấu quyết liệt, bọn lính Mỹ bị đánh bất ngờ lại ở cự li gần, nó không kịp trở tay nên chết rất nhiều.

Tôi hô to: “Chuẩn bị phá vòng vây”, sau khi tung loạt lựu đạn thủ pháo rồi vừa chạy vừa bắn, bước qua đám xác lính Mỹ độ 50 đến 70m, tôi cho anh em nằm quay mặt lại phía xác lính Mỹ, còn tên nào sống thì khử luôn, hơn nữa nằm gần nó thì không sợ bom pháo chờ ngớt thì ta về, có đồng chí Công bị viên đạn thẳng làm mất miếng da trên đỉnh đầu, máu chảy đỏ lòm cả khuôn mặt đẹp trai. Ngớt bom pháo tôi cho anh em rút về dưới làn khói của bom Napan làm lá rừng và gỗ mục bốc cháy, qua trạm phẫu tiền phương của trung đoàn, dưới tán một cây to, tôi thấy có tiếng gọi: “Anh Liên ơi!”, tôi bước vào thấy đồng chí xạ thủ B41 đi bảo vệ bên trái khẩu đội DKZ của tôi ngoài trận địa, nói: “Lúc rút theo anh em bị viên đạn 12,7 nó cắt mất cổ chân phải chỉ còn miếng da giữ bàn chân lắc lẻo, về trạm phẫu, anh em cắt bỏ bàn chân đi, rồi lột da thịt vén lên 1 đoạn, dùng cưa củi cắt xương, xong lại ập da thịt trở lại và khâu như thế này đây, đời em đến đây là hết rồi”.

Bên kia là đồng chí Nguyễn Đình Quý gọi: “Anh Liên ơi, đã gần 10 năm chúng tôi cùng ở D10 pháo binh F316 nay thì vĩnh biệt anh”. Hai anh em ôm nhau khóc nức nở, anh em chúng tôi nhìn hai đồng đội đang đau đớn nằm quằn quại mà không ai cầm được nước mắt, Quý nói: “Em bị 4 viên đạn xuyên qua bụng giờ nó trướng lên như thế này đây”.

Nguyễn Đình Quý quê ở Vĩnh Phúc, nhập ngũ năm 1960 hết nghĩa vụ xin ở lại làm y tá C3.D10 hưởng lương chuyên nghiệp và được đứng trong hàng ngũ của Đảng, năm 1964 lấy máu viết đơn xin vào chiến trường chiến đấu.

Chúng tôi động viên và chia tay 2 đồng chí để đi làm nhiệm vụ của mình.

Về đến vị trí an toàn, người mệt lử, bụng đói, mặt anh nào cũng hốc hác trông đến ghê, nỗi lo nhất của tôi bây giờ là còn thiếu 2 đồng chí nữa và khẩu pháo còn chôn trong trận địa, chẳng hiểu bọn Mỹ có lấy mất không. Tối đến bọn Mỹ co cụm ra mặt lộ 14, chúng tôi bò vào thấy trận địa tan tành, rừng cháy tro phủ đen thui một màu, phải ngồi định vị lại một lúc mới nhận ra vị trí chôn pháo, đào lên thấy khẩu pháo còn nguyên vẹn, mừng quá vội vác chạy ngay về, kiểm tra lại thì thấy còn thiếu vành định tâm nếu không có nó thì khẩu pháo coi như vứt bỏ, anh em lại phải bò vào kiếm cho ra hầm của 2 đồng chí còn vắng mặt, thì ra hầm đã bị xe tăng Mỹ cán sập, 2 đồng chí hy sinh ngay trong hầm, đào bới lên lây về 2 khẩu AK và 2 ba lô trong đó có vành định tâm rồi đắp đất cho nấm mồ của 2 đồng chí cao lên và to ra, cũng chẳng có gì để làm bia mộ, thôi thì 2 đồng chí ở chung nhau một nấm mồ, an nghỉ ngàn thu trong lòng đất mẹ Việt Nam.

Đêm đến Nguyễn Đình Quý được đưa về trạm phẫu cơ bản của trung đoàn, Đảng ủy và Bộ chỉ huy trung đoàn cùng ban chủ nhiệm quân y họp bàn, để thì cũng chết, phẫu thuật thì may ra… Đồng thời giao cho đồng chí Nguyễn Ngọc Châu bác sĩ chủ nhiệm quân y trung đoàn, cùng với bác sĩ Lê Thành Hơn C trưởng C quân y trực tiếp phẫu thuật, cùng với một số y sĩ, y tá vào cuộc, dưới công sự lộ thiên có diện tích là 4m2, sâu 1m, trải lá rừng bên dưới, trải bạt lên trên, cùng với 2 cây đèn Măng xông có đài quan sát canh gác máy bay, chỉ trong 4 tiếng đồng hồ với bàn tay điêu luyện của bác sĩ Ngọc Châu, và Lê Thành Hơn đã cắt đi 4 chỗ ruột bị trúng đạn của Nguyễn Đình Quý và may lại hoàn hảo. Tối hôm sau phải cáng võng đưa đồng chí Quý qua dãy núi đá ca vút, sang giao cho BVND tỉnh Phú Yên, và được các bác sĩ bệnh viện Phú Yên phúc đáp lại là, phẫu thuật hoàn hảo, bệnh nhân đã tỉnh, thông hơi ra hậu môn tốt, có hy vọng.

Sau đại thắng 30/4/1975 bác sĩ Ngọc Châu được đi học và lấy bằng tiến sĩ y khoa.

Kết thúc trận đánh khẩu đội DKZ75 của C17, E174 do chính trị viên Quách Đại Liên chỉ huy với 9 quả đạn nổ đã bắn được 11 xe địch (có 2 xe tăng), Bộ chỉ huy E174 khen ngợi và đề nghị lên cấp trên tặng thưởng cho khẩu đội DKZ huân chương chiến công giải phóng hạng nhất.